Các tập đoàn công nghệ khổng lồ đang bị đặt trong tầm ngắm ở Hoa Kỳ và Châu Âu. (Reuters)
Các tập đoàn công nghệ khổng lồ mà dịch vụ của họ đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống xã hội đang là mục tiêu nhắm tới của các cơ quan thực thi luật cạnh tranh của chính phủ Mỹ.
Hôm 9/12, các cơ quan thực thi luật chống độc quyền nạp hồ sơ kiện Facebook. Đây là vụ kiện có tính bước ngoặt lớn thứ nhì của chính phủ Mỹ trong năm nay chống lại các tập đoàn công nghệ khổng lồ trước nay vẫn được coi như bất khả xâm phạm.
Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) cùng 48 tiểu bang và quận hạt đã đâm đơn kiện người khổng lồ về mạng xã hội Facebook, cáo buộc tập đoàn này lạm dụng sức mạnh thị trường để bóp chết các đối thủ nhỏ hơn, đồng thời kiếm các biện pháp khắc phục có thể áp dụng, chẳng hạn buộc Facebook bán đi dịch vụ nhắn tin Instagram và WhatsApp của hãng.
Các nhà quản lý cáo buộc rằng hành vi của công ty đã hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng và làm tổn hại quyền riêng tư về dữ liệu của họ.
Từng được ca tụng về khả năng đổi mới, tạo ra nhiều việc làm - và về phần lớn được Washington để mặc cho hoạt động tự do trong gần hai thập kỷ - các gã khổng lồ công nghệ (Big Tech), đang đối mặt với tình huống là vận may chính trị của họ giờ không còn như trước.
Facebook, Google, Amazon và Apple đang bị đặt trong tầm ngắm của Quốc hội Mỹ, các cơ quan quản lý liên bang, tổng chưởng lý các tiểu bang và các cơ quan chức năng tại châu Âu.
Mức ủng hộ chính trị đáng kể của họ một thời tại Quốc hội Mỹ đã bị xói mòn. Các nhà lập pháp của lưỡng đảng ủng hộ việc tăng cường giám sát các tập đoàn công nghệ, vì cho rằng sức mạnh thị trường khổng lồ của họ đang vuột khỏi tầm kiểm soát, đè bẹp các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn và tác động tới quyền riêng tư của người tiêu dùng.
Khả năng áp lực sẽ giảm bớt trong tương lai khó xảy ra. Tổng thống đắc cử Joe Biden đã nói nên xem xét nghiêm túc giải pháp chia nhỏ các gã khổng lồ công nghệ.
Các nhà lập pháp và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cáo buộc Facebook có hành vi chống cạnh tranh, rõ ràng nhất khi mua lại các đối thủ nhỏ hơn như Instagram và WhatsApp, và sao chép các tính năng do các đối thủ cạnh tranh đề ra.
Những người chỉ trích cho rằng các chiến thuật như vậy làm giảm sự cạnh tranh và có thể hạn chế những sự lựa chọn thay thế mà người tiêu dùng tìm kiếm, ví dụ, tìm những dịch vụ tương đương trong khi người tiêu dùng ít bị theo dõi hơn nhắm mục đích quảng cáo đúng mục tiêu.
Các vụ kiện mới được Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Tổng Chưởng Lý bang New York Letitia James loan báo, nêu bật các cuộc điều tra riêng rẽ đã được tiến hành trong một năm rưỡi qua.
FTC nói Facebook đã áp dụng “một chiến lược có hệ thống” để loại bỏ cạnh tranh, kể cả mua lại các đối thủ nhỏ đang lên, như mua Instagram vào năm 2012 và WhatsApp năm 2014.
Facebook nói rằng các vụ kiện của chính phủ có tính cách “xét lại”, trừng phạt những doanh nghiệp thành công. Facebook lưu ý rằng chính FTC đã chấp thuận cho tập đoàn này mua lại Instagram và WhatsApp cách đây nhiều năm.
Facebook là công ty mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn 2,7 tỷ chủ tài khoản, và một thị trường trị giá hơn 800 nghìn tỷ USD.
Theo VOA