Hôm nay, phiên tòa sơ thẩm xử các nhà báo tự do của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam - Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn đã kết thúc, với bản án nặng nề dành cho cả 3 người.
Nhận tiền, không nhận tội
Báo Tuổi trẻ giật tít rất lạ: “Nhận tiền viết bài chống phá Nhà nước, Phạm Chí Dũng lãnh 15 năm tù”.
Tại sao “lạ”? Đó là khi người đọc mới thấy cái tựa bài, dễ nghĩ ngay là có ai đó, “bọn phản động” chẳng hạn, đưa tiền “thuê” ông Dũng viết bài “chống phá”.
Nhưng khi xem vào nội dung, hóa ra đó đơn giản chỉ là tiền “nhuận bút”.
Có lẽ hiểu như vậy (như chính các nhà báo quốc doanh thôi), nên chưa thấy có báo nào giật tít kiểu đó; nhiều báo hoàn toàn không đề cập chuyện “nhận tiền”, “nhuận bút”.
Người có kiến thức sơ đẳng có thể phân biệt việc viết bài báo, rồi được hưởng nhuận bút khác hẳn với người được cho tiền (trước) để thuê viết bài.
Còn nhớ, cách đây 8 năm, ông Phạm Chí Dũng bị bắt lần đầu, cũng có chuyện nhận tiền “nhuận bút”; sau nhiều tháng bị “tạm giam”, ông được tha, rồi đình chỉ điều tra.
Trong bản tin của Tuổi trẻ cũng không nêu chi tiết cả ba người có “thành khẩn nhận tội” hay không (riêng báo Thanh niên có đưa “các bị cáo không thừa nhận hành vi của mình là phạm tội”).
Nhớ lại vụ án của bản thân
Năm 2016, phiên tòa phúc thẩm xét xử tôi và một “đồng phạm”. Sau đó, đọc bản tin trên báo Tuổi trẻ về phiên tòa, tôi rất ngạc nhiên và cảm động.
Tựa bản tin là “Y án 5 năm tù với blogger Ba Sàm”. Việc đưa bút danh – tên blog của tôi đã là một sự “chọc tức” cơ quan chức năng rồi. Nhưng chưa hết!
Nội dung có đoạn: “Tại tòa phúc thẩm ngày 22-9, ông Vinh đã bác bỏ toàn bộ cáo trạng cũng như bản án sơ thẩm và cho rằng đây là vụ án điển hình về vi phạm nghiêm trọng tố tụng, có nhiều căn cứ gây oan cho bị cáo. Khi tự trình bày bài bào chữa, ông Vinh cho rằng ông đã gửi nhiều khiếu nại nhưng không được xem xét giải quyết.”
Theo “mặc định” của làng báo quốc doanh, với các án chính trị là tối kỵ đưa tin bị cáo kêu oan, vô tội. Nếu không thấy nêu chi tiết đó, thì độc giả cứ tự hiểu là bị cáo không nhận tội.
Ấy vậy mà trong vụ này, Tuổi trẻ còn “dám” đưa chi tiết bị cáo “phản pháo”, “tố ngược” các cơ quan tố tụng. Thật là chưa từng thấy! Tôi hơi lo cho nhà báo T.L. và Ban biên tập Tuổi trẻ.
Và như thế làm sao không khỏi xúc động? Có điều, nay thì hơi tiếc là nó có vẻ “giật lùi” riêng trong những tin bài loại này.
Cảm thông
Tình trạng báo chí bị kiểm soát, bị “chính trị” hóa, mất lòng tin nặng nề nơi độc giả, hóa ra không phải chỉ ở xứ cộng sản.
Tiếng là báo quốc doanh thì phải “hèn”, ai cũng thấy rõ. Nhưng một khi, mang tiếng báo “tự do” bậc nhất, mà lại dấu giếm cái “hèn” (hay không công bằng, trung thực?) đằng sau danh tiếng tự do của mình, thì xem ra còn nặng hơn. Nó như thể là sự lừa phỉnh độc giả!
Nói vậy để cảm thông cho báo quốc doanh xứ Việt ít nhiều.
Cảm thông thứ hai, là giữa cơn “bão” sắp xếp lại báo chí cả nước, lại sắp Đại hội đảng, với vụ án “điểm” thì báo nào cũng phải thật “tỉnh”, không khéo “ăn đòn đủ”.
Mà Tuổi trẻ thì dính đòn nhiều rồi; gần đây nhất là “án kép” vụ đưa tin (cố) CTN Trần Đại Quang nói về Luật biểu tình và về vụ Đồng bằng sông Cửu Long.
Có điều, “con chim đậu phải (lắm) cành cong” này giờ xem ra nhát hơn cả nhiều con chim khác.
Hà Nội, 05/01/2021
Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh (RFA)