logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 18/01/2021 lúc 02:31:44(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Lời mở đầu:
Nước Việt Nam đã bị người Pháp đô hộ khoảng một trăm năm. Gần trăm năm đô hộ tại Việt Nam người Pháp phải đương đầu với nhiều lực lượng kháng chiến chống thực dân không ngừng nghỉ. Truyền thống đấu tranh của dân tộc Việt đã giục giả nhiều thanh niên thiếu nữ yêu nước đã lên đường. Một trong những nhà tranh đấu là ông Trần Hửu Duyên người may mắn được thân cận với Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ. Hân hạnh giới thiệu ông Trần Hửu Duyên với cuộc đời kháng chiến chống ngoại xâm, chống bạo lực và tranh đấu cho tự do dân chủ.


Ông Trần Hửu Duyên sinh năm 1920 tại Cần Thơ thuộc miền Tây nam bộ trong một gia đình nho giáo. Ông nội là cụ Trần Châu ở Rạch Đầu Sấu. Cha là cụ Trần Đắc Năng (Trần Văn Dậy – Tám Dậy) Mẹ là bà Huỳnh Thị Quờn.
Năm 1930, ông Trần Đắc Năng tham gia phong trào Cần Vương với ông Trần Ngọc Quế và ông Phạm Văn Đồng. Khi ông Quế bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo, ông Tám Dậy bỏ quê trốn đi để lại vợ nuôi bốn con: Con trưởng ông Trần Văn Vịnh, thứ ba là ông Trần Văn Thể, thứ tư là ông Trần Hửu Duyên và em út là bà Trần Ngọc Liên.
Vì hoàn cảnh khó khăn lúc ấy ông Trần Hửu Duyên phải đi làm việc trong nhà máy của Dì Năm Chăn ở Cái Sắn, Rạch Gía được hai mươi đồng mỗi năm gởi về giúp mẹ. Năm mười bốn tuổi, ông đi học thợ máy ở đường Đỗ Hữu Dị, Sài Gòn. Sau bốn năm ông ra trường với bằng sửa chữa cơ khí ông đến chợ Vàm để gặp lại cha và người anh thứ ba mua lại nhà máy xay lúa của ông Cả Lân đã hư bỏ. Họ đã bỏ công sửa chữa lại máy móc và bắt đầu xay lúa cho đồng bào ở đó.
Từ đó gia đình ông sống tại chợ Vàm cho đến cuối năm 1939 một sự kiện làm thay đổi cuộc đời ông. Trong khi xay lúa cho dân làng có người cho biết ở làng Hòa Hảo có Ông Đạo mới ra đời chữa bịnh rất hay. Vì hiếu kỳ ông và người anh đã đi xe đạp đến làng Hòa Hảo. Khi đến nơi ông nhận thấy bệnh nhân rất đông với nhiều chứng bịnh khác nhau đều được chữa khỏi. Vì thế tuần nào ông cũng đạp xe đến Hàm Luông xem ông đạo chữa bệnh. Ông thấy các bệnh nhân dù ở xa như Ba Răng, Hồng Ngự, Cao Lãnh… Đốc Vàng đều tìm đến. Đặc biệt là những dân chúng gần đó đều mang gạo, muối, khô mắm, rau quả… để người bệnh và người nuôi bệnh ăn.
Nhờ đến Hàm Luông mỗi tuần, ông học được những lời dạy đơn giản và gần gủi của Đức Thầy dần thấm vào sự suy nghĩ mộc mạc của ông như: “Tu đâu bằng tu tại gia; Thờ cha kính Mẹ hơn là đi tu.” Trong lúc chửa bệnh Đức Thầy ân cần săn sóc bệnh nhân như người thân làm họ kính trọng Ngài như thánh sống. Ngoài đời sống đạo đức và cách xử thế, Đức Thầy còn dạy cho ông tinh thần phục vụ, tình yêu quê hương, và bổn phận công dân phải đền ơn Tổ Quốc bằng cách chống ngoại xâm dành độc lập. Đức Thầy giảng đạo bằng thơ nên ông thấy dể hiểu như người trong bóng tối được kéo ra ánh sáng. Ông đã theo Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ từ đó. Sau này Đức Thầy thường giao cho ông công tác liên kết những nhà cách mạng trong nước vì ông là người thành thật, trung thành, gan dạ, không sợ gian khổ, có óc tổ chức, khả năng và sẳn sàng hy sinh cho đại cuộc.
Năm 1940, tiếng đồn Đức Thầy vang dội khắp nơi, người Pháp cho người giả dạng theo dõi và bắt Đức Thầy vì sợ ảnh hưởng của Ngài lên người dân nam bộ. Ông Duyên bỏ trốn lên Sài Gòn
mở tiệm sửa xe Duyên Nghiệp ở gần ngã tư Bình Hòa No 15 Route Provinciale. Năm 1942 ông gặp cô giáo Nguyễn Thị Trầm sau này là vợ ông ở ngã tư Bình Hòa. Cùng thời gian này ông bị công an bắt ông vì tội tham gia Cách mạng với cụ Nguyễn An Ninh. Trong bót lò heo ông bị tra tấn dã man nhưng họ không khai thác được gì nên sau cùng phải thả ông về. Kế đó ông Trần Hửu Duyên cùng bà Nguyễn Thị Trầm trở về quê ở Cần Thơ làm đám cưới rồi trở lại Sài Gòn sinh sống.
Cuối năm 1944 đầu năm 1945 quân Nhật đến Việt Nam, ông sang tiệm trở về miền Tây ở chung nhà với cha mẹ vợ ở ụ tàu Cái Khế. Ngày
7 tháng 3 năm 1945 có lệnh gọi ông lên Sài Gòn để ngày 9 tháng 3 năm 1945 tham dự đảo chính Pháp. Sau đó ông trở về Cần Thơ làm việc.
Khi xuống Bangalo Cần Thơ, Đức Thầy cử ông Chính Thời là văn tướng, ông Trần Văn Soái tự Năm Lửa là võ tướng, ông Võ Mậu Thạnh (tức Hương Bộ Thạnh) cùng nhiều người khác làm tiếp cận, còn ông có bổn phận liên lạc với những tổ chức chống Pháp. Ngày 11 tháng 4 năm 1945, Đức Thầy thành lập Ban Trị Sự Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo tại nhà ông Trưởng Tòa Phê tại Cầu Xéo, Cần Thơ gồm: Ông Ngô Văn Ký, Thượng Tọa Pháp Tri, ông Phan Bá Cầm, Bác Sỹ Lũy, ông Trần Hữu Duyên, ông Lâm Thành Nguyên, ông Trần Duy Đôn, ông Lục Bộ Thạnh, ông Thư Ký Quê, ông Lê Văn Hoạch, ông Năm Lửa, ông Ung Ngọc Dĩ, gồm có tất cả mười hai người để ủng hộ Cách Mạng.
Vào năm 1945 nạn đói hoành hành miền Bắc và miền Trung, trong khi miền Nam người Pháp dùng lúa gạo thay than để đốt chạy máy điện nên gạo mất giá, nông dân không còn hứng thú trồng lúa bỏ ruộng rất nhiều. Đức Thầy tổ chức khuyến nông hai tháng khắp miền tây để giúp nước: 
“Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang; Bao nhiêu tất đất tất vàng bấy nhiêu.”
Khi trở về qua cầu Đầu Sấu đậu xe nghỉ, Đức Thầy nói rằng nơi đây là mình con rồng, đuôi ở ngoài bắc, đầu ở núi Cấm. Lúc đó mới biết đất đó của bà Bồi thì cậu Chín Bảo, con trai bà Bồi, xin hiến đất này để cất chùa. Ngoài ra còn có cô Ký Giỏi, cô Cò và nhiều người khác xin phép Đức Thầy để cất chùa. Đức Thầy chỉ cho phép cất sơ sài lợp lá làm bằng tre cau mà thôi. Nhưng tất cả tín đồ đóng góp quá nhiều và cất quá lớn, nên họ dựng phía trong sơ sài bằng tre cau lá mong Đức Thầy vừa lòng. Nhưng khi cô Ký Giỏi mời Đức Thầy vô khánh thành Chùa đến lần thứ ba Đức Thầy mới nói “Mấy người cất lớn quá làm qua mắt tôi nên tôi không vô đâu!” Đến cuối tháng sáu năm 1945, Đức Thầy mở hội nghị tại Cầu Xéo, Cần Thơ tại nhà ông Trưởng Tòa Khuê, mời những nhà cách mạng ở Côn Đảo về như ông Trần Ngọc Quế, ông Nguyễn Thanh Sơn, v.v… Đức Thầy nói với tất cả tín đồ phải ủng hộ những nhà cách mạng này.
Khi Nhật đầu hàng đồng minh ông gặp Đức Thầy ở đường Michel, Sài Gòn. Ngày 19 tháng 8 năm 1945 ông tham gia hội nghị với những nhà Cách Mạng lập Mặt Trận Việt Minh (Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội). Hội nghị bầu đồng chí Tư, tức Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, làm chủ tịch Mặt Trận Việt Minh. Đức Thầy lấy trường vẽ Gia Định và Tòa tỉnh trưởng Gia Định và các cơ quan chính quyền để làm nơi ở tạm cho tín đồ và chứa vật liệu. Hội nghị đã chọn cờ đỏ sao vàng là cờ Mặt Trận. Đức Thầy giải thích rằng Đỏ là màu tranh đấu tượng trưng cho xã hội, Vàng tượng trưng dân tộc Việt Nam, Ngôi Sao năm cánh tượng trưng cho Sĩ – Nông – Công – Thương – Binh. Cờ kéo lên nắm tay lại chào thử. Sau đó Đức Thầy thành lập dân quân cách mạng gồm bốn sư đoàn của Việt Minh. Đệ I sư đoàn: ông Trần Văn Giàu và ông Điều Văn Cung; Đệ II sư đoàn: ông Vũ Tam Anh-Cao Đài; Đệ III sư đoàn: ông Nguyễn Quốc Hiệp-Việt Nam Quốc Dân Đảng; Đệ IV sư đoàn: ông Lý Hoa Vinh và ông Trần Hửu Duyên-Phật Giáo Hòa Hảo chuẩn bị ra mắt. 
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, theo kế hoạch ông Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập tại Ba Đình Hà Nội vào buổi sáng, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đọc tuyên ngôn độc lập tại Sài Gòn vào buổi chiều. Khoảng 4 giờ chiều tất cả các sư đoàn biểu dương lực lượng, đệ I sư đoàn đóng tại ngã ba đường Norodom, đệ II sư đoàn của Cao Đài đóng tại đường Pasteur và Norodom, đệ III sư đoàn của Việt Nam Quốc Dân Đảng đóng kế đó, đệ IV sư đoàn đóng bên hông nhà thờ Đức Bà gồm những tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo do ông Hồng Văn Hoạch đứng đầu cầm cờ. Lúc 5 giờ chiều trên lầu xung quanh lực lượng súng nổ vang trời bắn vào các sư đoàn. Các sư đoàn I II và III giải tán chỉ còn lực lượng của Phật Giáo Hòa Hảo. Ông Duyên ra lệnh ông Hoạch phải cầm cờ tiếp tục đi về Gia Định trong vòng trật tự.
Khi đoàn quân đại diện của đệ IV sư đoàn về đến đường Michel đã thấy Đức Thầy đứng đón làm mọi người rất cảm động; Đức Thầy ra lệnh kéo quân về trường vẽ Gia Định để giải tán. Ông đến đường hẻm cá hấp lấy phòng ngủ Đoàn Thành làm văn phòng điều tra bắt Việt gian.
Đến ngày 4 tháng 9 năm 1945 Đức Thầy mở hội nghị tại trường vẽ Gia Định gồm tất cả các tôn giáo, đảng phái. Mật hiệu là chào nắm tay như thường lệ nhưng đưa một ngón tay mới được vào phòng họp. Hội nghị bàn bạc rất sôi nổi, ông Trần Văn Giàu hỏi Đức Thầy: “Đồng chí T dùng người dốt nát sao làm việc được” Đức Thầy trả lời rằng: “Mấy anh ra trước lựa người giỏi hết rồi, tôi ra sau phải dùng người dốt nát chứ sao; như rác quét gom lại, khi có gió thì đụng đầu ai đáp nấy”. Ngay lúc đó sau hội trường có cờ đỏ búa liềm kéo lên, trong hội trường vang rền tiếng đả đảo nên cờ này kéo xuống. Mọi người biết rằng Cộng Sản đã có trong tổ chức rồi. Đây cũng là một trong những lý do những tổ chức yêu nước không cộng sản sau này rời bỏ tổ chức Việt Minh và thành lập những lực lượng chống Pháp khác.
Tối ngày 8 tháng 9 năm 1945 ông Trần Ngọc Hoành và em Đức Thầy là ông Huỳnh Thành Mậu từ Cần Thơ lên, ông Duyên hỏi “Cậu Sáu đi đâu?” Cậu Sáu Mậu liền nói ông đi đổi giấy bạc năm trăm đồng. Ông Duyên vào thưa với Đức Thầy có Cậu Sáu lên. Kế đó có ông Nguyễn Xuân Thiếp tức Việt Châu đến. Ba người nói chuyện riêng với nhau sau đó họ trình Đức Thầy là họ sẽ đi Cần Thơ. Đức Thầy cười nói chuyến đi này may ít rủi nhiều. Kế đó ông Rớt tức Trần Văn Tươi cũng đến rồi bốn người cùng đi Cần Thơ. Ngày 9 tháng 9 năm 1945 Cần Thơ nổi loạn, bốn người này bị bắt cùng với nhiều tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Trong lúc đó tại Sài Gòn, ông Trần Văn Giàu bao vây đường Michel để bắt Đức Thầy nhưng ngài đã thoát được và ông Duyên đưa Đức Thầy đi về miền Đông. Trên đường đi ông nghe Thầy than rằng:
 “Trên lầu tiếng súng nổ vang tai, Trời đất phụ chi kẻ trí tài. Mưu quốc hóa ra người phản quốc, Ngàn thu mối hận dễ nào phai.” 
Ông đưa Đức Thầy đến Bà Rịa để trú tạm nhà ông Bang người tàu. Đức Thầy dặn dò ông trở về Sài Gòn hoạt động. Ngày 23 tháng 9 năm1945 thực dân Pháp đổ bộ lên Sài Gòn, ông Huỳnh Văn Trí rước Đức Thầy vô chiến khu. Vì vậy khi ông Dương Bạch Mai, giám đốc công an của ông Trần Văn Giàu tìm đến nhà ông Bang để bắt Đức Thầy nhưng thất bại. Tại Sài Gòn tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo bị bắt rất nhiều. 
Cùng lúc ấy quân Pháp đổ bộ ồ ạt, ông cùng với anh em cách mạng yêu nước có các ông Lê Duẩn, ông Trần Quốc Bửu… tổ chức đánh du kích ở Thành. Ông Trần Văn Giàu lập Chính Phủ Nam Bộ Kháng Chiến rút về Bình Điền. Khoảng tháng 10 năm 1945, ông Giàu ra lệnh tiêu thổ kháng chiến. Ông Duyên cùng anh em rút về miền Tây. Trên đường đi được tin tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo được thả về như ông Lý Bá Phẩm, Thượng Tọa Pháp Tri… cũng về miền Tây một số khác theo Đức Thầy vô miền Đông. 
Ông Duyên mang theo một số súng lấy được khi Nhật đầu hàng và những tài liệu của Việt Minh về Bình Điền gặp ông Giàu đóng tại chợ đệm đang xử vụ án ông Bùi Văn Chiêu chú ông Khuê. Thấy họ bắn ông Bùi Văn Chiêu một cách tàn nhẩn nên ông lái xe đi Cần Thơ. Khi tới Long An thì bị anh em du kích bắt nhốt. Khoảng một giờ khuya có một số anh em mở cửa biểu ông chạy. Thì ra trong mặt trận Việt Minh lúc bấy giờ vẫn còn nhiều thành phần không Cộng Sản chưa kịp ly khai họ nhận ra tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nên cứu giúp. 
Ông chạy theo đồng bào từ Long An về Cái Vồn Cần Thơ gặp thầy thuốc Thiều đậu ghe ở đó mời ông dùng cơm. Sau đó về nhà tại Đầu Sấu gặp vợ con lúc chạng vạng. Chưa kịp nghĩ ngơi đã bị cả trăm người của ông Trần Văn Giàu vây bắt với tội danh Nhật Bổn sau đó họ qua bắt chú ông là ông Mười Phát, thủ lảnh Thanh Niên Tiền Phong, đem nhốt vào khám Cái Răng một đêm.
Sáng hôm sau ông bị giải ra Cần Thơ giao cho Quốc Gia Tự Vệ Cuộc. Tại đây ông gặp ông Đào Văn Khang, ông Tảo, ông Lê Bình, ông Cao Minh Lộc và rất nhiều anh em từ Sài Gòn về. Trong buổi cà phê sáng họ nói “Tụi tui mời anh ra đây là để xin súng của Nhật”. Ông còn một số súng của Nhật từ ông Phù-Ta-Chú trao cho nên chia cho anh em còn lại ông dùng tổ chức đại đội du kích. 
Khi Tây đổ bộ Cần Thơ, Quốc Gia Tự Vệ Cuộc đóng tại Phong Điền, ông cùng đại đội đánh du kích mỗi đêm ở Cần Thơ. Trước khi tấn công, du kích quân đốt pháo tre uy hiếp cho Tây hoảng sợ. Có lúc ban ngày chận tại cầu Đầu Sấu để liệng lựu đạn. Một buổi sáng lính Tây đổ bộ vô rạch Đầu Sấu lùng bắt kháng chiến quân. Vợ ông liều lĩnh ra nói chuyện với lính Tây họ thấy bà thông thạo Pháp văn nên đối xử lịch sự sau đó bà cố tình đưa họ qua sông để cứu anh em du kích. Khi lính Tây trở lại thì ông và đại đội du kích đã rời xa và lập kế Hoạch để đánh trận chợ Cái Răng. 
Theo kế Hoạch, 7 giờ sáng ngày 11 tháng 11 năm 1945, ông Lê Bình chỉ huy một cánh quân hóa trang thành lái heo. Ông Duyên ủ một cánh quân núp ở ghe chài tại nhà cá Cái Răng sau đó ông lên chợ đứng trước văn phòng xin hồi cư, quan ba Tây hỏi ông đi mấy người ông trả lời bằng tiếng Quảng Đông nên quan ba vào trong gọi thông ngôn. Khi người Tây và người thông ngôn bước ra, ông Lộc liền bắn quan ba Tây và người thông ngôn. Trong lúc hổn loạn ông Lê Bình hạ cờ Pháp xuống, kéo cờ đỏ sao vàng lên. Lính Tây bắt đầu phản ứng bắn rát quá ông Tảo chạy xuống ghe bị bắn chết tại góc Cầu Móng. Ông Lê Bình chết tại cột cờ, ông Lộc chết ở nhà dài chợ. Lúc đó lính Tây đổ bộ càng lúc càng đông nên anh em phải rút lui và bị chết rất nhiều. Ông Duyên may mắn lên được ghe, cắm cờ Tàu, chèo về đầu Sấu. Ông nhìn qua ống nhòm, thấy Tây bắn giết người mình chất xác hàng chục xe bò đem đổ xuống đầu cầu tàu Cái Răng. Chiều tối ông về Phong Điền kiểm lại số anh em, tập hợp nông dân du kích, thành lập đoàn cảm tử Lê Bình. Khi Pháp dùng máy bay yểm trợ quân Pháp hành quân bắn chết nhiều dân tản cư, Quốc Gia Tự Vệ Quốc rút về Vị Thanh Hỏa Lựu. Ông Duyên lội bộ qua Vàm Sán gần một ngày thì gặp ghe của bác sĩ Lê Văn Hoạch nên xuống ăn cơm trưa. Ông chờ đến hai giờ khuya mới tiếp tục đi thì gặp một xác chết trần truồng nổi lềnh bềnh. Ông liền kéo lên bờ cởi áo đắp cho người chết. Mấy anh em đoàn cảm tử Lê Bình đi tìm xác thấy giấy tờ tên Trần Hửu Duyên, chỉ huy đoàn cảm tử Lê Bình, nên đem xác về chôn cất và truy điệu tại Phong Điền. Năm 1959, ông về Cần Thơ ứng cử Quốc Hội khóa II của chính phủ Ngô Đình Diệm làm anh em rất ngạc nhiên.
Khoảng năm 1953, ông trở về nhà chở vợ con tản cư qua Hỏa Lựu. Tại đây họp bàn với lực lượng kháng chiến sẽ đánh Cái Tắc đầu năm sau. Tháng giêng tây gần tết ta, ông trở về Cái Tắc thăm dò thì bị Tây bắt. Vợ ông gặp ông Lý Bá Phẩm đang làm thông ngôn cho Tây để nhờ nhưng ông Phẩm từ chối. Tây nhốt ông tại nhà do họ chiếm làm doanh trại. Mổi ngày ông chứng kiến Tây giết người Việt mình. Đêm mùng năm tết, Tây đến để xử xem sẽ bắn ai tiếp, một thầy đội người Miên bán nước đá tại Cần Thơ biết ông nên nói với lính Tây là ông này tốt với tôi ngày xưa, lính Tây không bắn ông Duyên nhưng nhốt ở đó ba ngày. Sau đó họ được lệnh ra Điện Biên Phủ nên đưa ông về Cần Thơ bằng ghe và nhốt vào khám bốn.
Lúc đó bác sĩ Lê Văn Hoạch làm bí thư cho Demontegui ở Cần Thơ nên vợ ông nhờ ông Hoạch bảo lãnh dùm. Ngày hôm sau bác sĩ Hoạch làm bảo lãnh và khuyên ông ở lại làm việc cho Pháp nhưng ông từ chối. Vợ ông nhờ bạn học đang làm việc cho Pháp làm cho hai giấy thông hành dùng ghe tam bản trốn lên Sài Gòn. Vợ chồng ông đi đến Sa Đéc đậu ghe ở bến chợ, vợ ông làm kẹo bán còn ông lên Sài Gòn xem xét tình hình. Thấy Sài Gòn yên tỉnh ông trở lại Sa Đéc đem vợ con, một người em trai cùng mấy người bạn chèo ghe lên Sài Gòn. Đoàn người đậu xe tại chợ Cầu Ông Lãnh. Ông bán ghe tam bản rồi chia cho hai người bạn đi theo hai trăm đồng, em trai ông một trăm đồng, còn hai trăm đồng còn lại cho vợ chồng ông. Tại đây ông gặp lại các đồng chí cũ như ông Tường tức Tồn, ông Thìn, ông Mười Vân, ông Tuân và nhiều anh em khác…. Sau đó ông liên lạc với ông Huỳnh Hửu Nghĩa đang bị Tây theo dõi nên cùng ông lẫn trốn. Ông mướn nhà ở hẻm số bốn để vợ ông làm bánh ú và bánh tét bán sống qua ngày. Một hôm ông lại bị mật báo Tây bắt giam ở quận hai tháng mới được thả về.
Khoảng năm 1946, Đức Thầy cho người tìm và ra lệnh cho ông tới nhà cha vợ ông Út - Nguyễn Trọng Luật là người Hoa ở Chợ Lớn gặp Đức Thầy đang giả làm người Hoa. Đức Thầy dạy ông liên lạc với các ông Nguyễn Bảo Toàn, ông Trần Văn Ân, ông Lê Văn Thu và nhiều người khác để thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng chống thực dân. Sau khi viết xong điều lệ của đảng Đức Thầy tuyên bố tìm nhân vật có trình độ để lãnh đạo đảng. Trong hội nghị Đức Thầy tuyên bố cử ông Nguyễn Bảo Toàn tự Nguyễn Hoàng Bích làm Tổng Bí Thư. Nhiều người ngơ ngác vì họ thấy ông Toàn là người Công Giáo và không có bằng cấp hơn họ mới hỏi Đức Thầy. Đức Thầy nói rằng đồng chí Nguyễn Bảo Toàn có thành tích tranh đấu ba năm tù Côn Đảo sau đó Đức Thầy cử ông Nguyễn Bảo Toàn đi Hong Kong để gặp những nhà cách mạng khác. Có người hỏi Đức Thầy “Cờ đảng ra làm sao?” Đức Thầy trả lời “Cờ Quốc Gia là cờ đảng”. Sau đó Đức Thầy trở vô chiến khu lập Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp. Lúc đó ông ở lại Sài Gòn chỉ nghe nói rằng Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp cử ông Vũ Tam Anh làm Phó Chủ Tịch, ông Lê Trung Nghĩa là Tổng Thư Ký, còn Đức Thầy làm Chủ Tịch lấy hiệu là Hoàng Anh.
Khoảng năm 1947 ông bị Tây bắt giam ở Quận Tư. Nửa đêm có người tên Công gõ cửa khám kêu ông “Duyên! Duyên! Đồng chí Tư thọ nạn”. Ông liền hỏi “Ai hãm hại?” Ông Công trả lời “Không rỏ!!! đang điều tra” Sau đó ông Duyên bị giải về bót Catina nhốt vào phòng hành hạ, tra tấn dã man; ăn, uống phóng uế tại chổ vô cùng tàn bạo rồi đưa ông qua khám lớn ở đường Gia Long cũ. Tại khám lớn ông gặp Huỳnh Tấn Phát làm trưởng phòng. Ông Phát cho ông một chiếc chiếu, một cái mùng và đồ dùng ăn cơm. Mỗi ngày ông Phát tổ chức diễn thuyết tuyên truyền cho Cộng Sản.
Cuối năm 1947 ông được thả về, chạy cyclo máy ở Sài Gòn. Năm 1948, ông Nguyễn Tấn Cương, giám đốc cảnh sát của chính phủ Trần Văn Hửu mời ông làm chủ tịch mặt trận chi bộ Ngô Quyền. Ông lập văn phòng tại đường Hai mươi. Ông vẫn chạy cyclo máy và được anh em cử làm chủ tịch Nghiệp Đoàn tài xế (cyclo máy, xe cyclo, xe lô, và taxi). Trong thời gian này có vụ “trò Ân” tổ chức bãi thị đình công tại Sài Gòn, yêu cầu Thủ Tướng Trần Văn Hửu thực hiện đường lối dân chủ dân quyền ở Việt Nam. Ông nhớ lời Đức Thầy tuyên bố: “Người dân chống độc tài bất cứ từ đâu đến.” Vì chính phủ Trần Văn Hửu lệ thuộc Pháp nên ông tổ chức chống chính phủ này. Ông bị theo dõi, rượt bắt nên nhờ ông Tôn Ngọc Chắc giúp trốn lên Đà Lạt. Lúc đầu chạy taxi sau làm việc cho trường Quốc Gia Hành Chánh do ông Trần Cửu Chấn làm giám đốc. Năm 1955, ông Kiều Văn Cung lên Đà Lạt mời ông về làm công dân vụ cho chính phủ Ngô Đình Diệm để chiêu hồi những kháng chiến cũ nhưng ông từ chối. 
Kế đó các ông Nguyễn Bảo Toàn và Phan Bá Cầm mời ông về Sài Gòn để tổ chức lại Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Còn có ông Trương Kim Cù, Tướng Nguyễn Quang Vinh tự Ba Cụt, Tướng Nguyễn Giác Ngộ… để tổ chức thống nhứt đảng. Ông đã tìm gặp ông Võ Văn Chú nhờ đưa ông gặp ông Huỳnh Văn Trí tự mười Trí ở Mộc Hóa. Ông Trí nói với ông rằng: “Anh ráng giữ lập trường cho anh em đừng theo Mỹ Diệm và kiếm địa điểm lập đảng Dân Xã.” Ông Duyên cùng ông Trưởng Khuynh sang căn nhà 480 Hồng Thập Tự nay là Xô Viết Nghệ Tỉnh nhưng không ai chịu đứng tên vì đang chống lại chính phủ Ngô Đình Diệm. Sau cùng nhờ ông Ngô là lính ông Nguyễn Giác Ngộ đứng tên căn nhà lúc đó. Kế đó ông Ba Cụt rút vô chiến khu cùng ông Năm Lửa lập đảng Cáo Thiên Hòa Bình theo Pháp chống lại ông Diệm, lấy danh hiệu Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, với đảng kỳ là cờ vàng ba ngôi sao đỏ. Vì thế ông Nguyễn Bảo Toàn mới bàn với tướng Nguyễn Giác Ngộ lấy nhà ông Ngộ  ở 244 Champagne tức Yên Đổ làm trụ sở Đảng Dân Chủ Xã Hội Việt Nam, lấy cờ đỏ chử vạn vàng làm cờ đảng. Ông Toàn giải thích: “Màu đỏ tượng trưng cho xã hội, chữ vạn vàng tượng trưng theo nhà Phật quay theo chiều kim đồng hồ. Ông Duyên là Ủy viên tổ chức Trung ương nên đi Đà Lạt tổ chức Đảng bộ tỉnh Đà Lạt trụ sở tại số 14 đường Hai Bà Trưng. Ông Nguyễn Phương Toàn được cử làm bí thư tỉnh Đà Lạt, ông Thâm ông Lưỡng ủy viên tổ chức và tuyên huấn và ông Quân là ủy viên.
Năm 1955, ông Nguyễn Bảo Toàn gặp Thủ Tướng Ngô Đình Diệm yêu cầu ông Diệm ra ứng cử phó tổng thống với tổng thống là công dân Vĩnh Thụy tức cựu Hoàng Đế Bảo Đại. Ông Diệm nói: “Tôi sẽ làm Tổng Thống còn ngài ấy là phó Tổng Thống mà thôi.” Sau đó ông Diệm áp lực Tướng Nguyễn Giác Ngộ không cho ông Toàn trở về trụ sở 204 Champagne. Ông Toàn nhờ ông Lê Văn Khanh đưa đi lưu vong ở Nam Vang. Ông Nguyễn Bảo Toàn đã nhờ Quốc Vương Sihanouk giúp ông giấy tờ đi Hoa Kỳ. 
Sau khi ông Toàn qua Mỹ, Ông Nguyễn Giác Ngộ tổ chức Đảng lại do ông Mãi làm tổng bí thư và ông Ngộ làm phó. Họ đã gởi văn thư yêu cầu ông Duyên giải tán đảng bộ Đà Lạt nhưng ông không chịu vì ông chỉ tuân lệnh của Tổng Bí Thư Nguyễn Bảo Toàn mà thôi. Ông dùng văn phòng liên lạc ở 480 Hồng Thập Tự làm trụ sở mời ông Ngô Văn Ký tạm thay Tổng Bí Thư Nguyễn Bảo Toàn. Đến năm 1959 ông Toàn về nước tổ chức đưa người ra ứng cử độc lập Dân Biểu Quốc Hội khóa II thời chính phủ Ngô Đình Diệm gồm có: Ông Nguyễn Bảo Toàn ứng cử đơn vị Long Xuyên, ông Phan Bá Cầm đơn vị Châu Đốc, bà Lê Thị Ẩn đơn vị Kiến Phong, ông Phan Quang Đán quận II Sài Gòn và ông Trần Hửu Duyên đơn vị Cần Thơ. Tất cả mọi người đều bị chính phủ Diệm áp lực rút tên ra khỏi đơn vị ứng cử sau cùng còn lại bà Lê Thị Ẩn ở Kiến Phong, ông Phan Quang Đán ở quận II,  Sài Gòn và ông Trần Hửu Duyên ở Cần Thơ.
Ông đi diễn thuyết và vận động ở bến Ninh Kiều Cần Thơ. Chính phủ Diệm tổ chức Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia để quấy phá những ứng cử viên độc lập. Khi ông đang diễn thuyết vận động bầu cử có ông Út Mập, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở Xóm Chày, hỏi rằng: “Ông có phải là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo hay đồng chí của Đức Huỳnh Phú Sổ không?” Nghe câu hỏi ông biết rằng đây là cái bẩy của tổ chức Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia. Ông liền trả lời: “Tôi chưa xứng đáng là tín đồ hay là đồng chí của Đức Thầy, một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo phải biết lo cho dân cho nước, chứ không phải để cười thuê khóc mướn vì lợi lộc bản thân.” Sau đó ông trở lại Sài Gòn bị xe đụng rất nặng ngất đi ba ngày sau tỉnh lại mới biết ông Toàn và các đồng chí đem vào nhà thương Grall chửa trị. Nhờ các anh em tận tình chăm sóc một tháng sau mới khỏi.
Ngày 4 tháng 11 năm 1960, ông Hoàng Cơ Thụy mời ông Duyên ăn cơm với Trung tá Vương Văn Đông, Trung tá Nguyễn Triệu Hồng, ông Nguyễn Bảo Toàn, ông Phan Quang Đán cùng bà Lê Thị Ẩn. Sau bửa cơm chỉ còn lại ông Toàn, ông Thụy, ông Đông, ông Hồng và ông Duyên. Ông Hồng nóng lòng muốn dẹp bỏ chế độ gia đình trị nên nói chỉ còn cách tổ chức đảo chánh. Các anh em đều đồng ý đề nghị chọn ngày. Ông Duyên nhớ lại ngày 11 tháng 11 năm 1945, Lê Bình và nhiều anh em chết trong trận đánh Cái Răng nên đề nghị chọn ngày này và được mọi người đồng ý.
Một giờ khuya ngày 11 tháng 11 năm 1960, các toán quân đảo chánh bắt đầu hành sự. Hai ông Hồng và Đông sau khi đánh chiếm xong dinh đã mời Đại Tá Nguyễn Chánh Thi ra giữ dinh Độc Lập. Ông Nguyễn Bảo Toàn muốn Tổng Thống Diệm vẫn làm Tổng Thống chỉ bỏ ông bà Nhu mà thôi. Nên sau đó ông Trần Văn Đôn vô dinh để thương thuyết với Tổng Thống Diệm. Đúng 12 giờ trưa ngày 12, Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân, bắn súng phòng không vang trời thị uy và đem quân giải vây cho Tổng Thống Diệm làm tan rã cuộc đảo chánh. Ông Phan Bá Cầm bị bắt tại đường Bùi Hửu Nghĩa, ông Nguyễn Bảo Toàn trốn thoát. Ông Duyên bị dí bắn ở 480 Hồng Thập Tự, ông chạy được vô hẻm số 4 rồi ẩn nấp ở nhà người em. Ban ngày ông vô rạp chiếu bóng ban đêm đọc báo ở bùng binh Sài Gòn. Di chuyển khắp nơi để trốn tránh. Ông không liên lạc được với anh em vì họ đều bị bắt hết. Ngày 8 tháng 7 năm 1963, tòa xử ông Phan Bá Cầm và ông Phan Quang Đán 5 năm Côn Đảo, ông Hoàng Cơ Thụy và ông Trần Hửu Duyên khiếm diện.
song  
#2 Đã gửi : 18/01/2021 lúc 02:33:01(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Trốn một thời gian ông Duyên tổ chức Việt Nam Nghĩa Sĩ Đoàn hoạt động bí mật có ông Dương Văn Khá, ông Nguyễn Ngọc Thái và rất nhiều anh em cũ cùng chung chí hướng. Cho đến ngày 1 tháng 11 năm 1963 Tướng Dương Văn Minh đảo chánh thành công tuyên bố tha hết tù nhân vụ đảo chánh ngày 11 tháng 11 năm 1960 về hợp tác xây dựng đất nước. Ông Duyên đón ông Phan Bá Cầm đưa về 163 Hàm Nghi ở tạm, đây là nhà ngày xưa ông Toàn ở đó.
Ngày 10 tháng 11 năm 1963, anh em mới hay tin ông Nguyễn Bảo Toàn và Phạm Xuân Gia đã bị giết thả trôi sông nên ông dùng trụ sở liên lạc 480 Hồng Thập Tự làm nơi tổ chức Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng bầu ông Phan Bá Cầm là Tổng Bí Thư, ông Lâm Văn Lê tuyên huấn, ông Ngô Văn Lài tự Ngô Tường Hoa và ông Nguyễn Hửu Phỉ là Ủy Viên Trung Ương, và ông Trần Hửu Duyên là Ủy Viên Liên Lạc Trung Ương.
Năm 1964 ông cất một nhà gổ trên khoảng đất trống phía sau 480 Hồng Thập tự và đem vợ con về đó và dời trụ sở Việt Nam Nghĩa Sĩ Đoàn về đây. Vì xét thấy giáo hội ủng hộ chính quyền cũ không đi đúng đường lối của Đức Thầy nên ông đã mời ông Ngô Văn Ký, vợ ông Nguyễn Xuân Thiếp, vợ ông Trần Văn Soái, ông Nguyễn Quang Xuân tự Ngô và một số tín đồ ở miền Tây như ông Vén đại diện Tổ Đình… tổ chức Lực Lượng Bảo Vệ Phật Giáo Hòa Hảo thay thế Việt Nam Nghĩa Sĩ Đoàn. Hội nghị bầu ông Ngô Văn Ký là chủ tịch, Thượng tọa Pháp Tri là phó chủ tịch, ông Nguyễn Quang Xuân làm tổng thư ký, ông Nguyễn Ngọc Thái làm thư ký, ông Nguyễn Xuân Thiếp làm tài chính, ông Trần Hửu Duyên làm Ủy viên Liên Lạc Trung Ương. Vào năm Mậu Thân 1968, Lực Lượng Bảo Vệ Phật Giáo Hòa Hảo tổ chức cứu trợ Cần Thơ, Châu Đốc, Tây Ninh, Củ Chi, Cầu Tre… để chi sẻ nổi đau khổ của đồng bào.
Cùng thời gian này nhiều tổ chức xuất hiện cùng mục đích chống lại chính quyền Sài Gòn. Hội Dân Quyền tập trung các anh em Quốc Dân Đảng, có ông Vũ Hồng Khanh, ông Xuân Tùng; Đại Việt có ông Luật, Vi Dân Nguyễn Quốc Xũng, ông Giang… lập ra do ông Phan Bá Cầm làm Chủ Tịch. Tổ chức Liên Đạo Phụng Sự Xã Hội: Phật Giáo Thống Nhất Thượng Tọa Thích Nhật Thiện, Cao Đài Thiếu Tướng Lê Văn Tất và Võ Hiếu Nghĩa, Phật Giáo Hòa Hảo Thượng Tọa Pháp Tri và ông Trần Hửu Duyên.
Năm 1969 nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền mất nhiều người muốn tổ chức tang lễ. Cuối cùng chủ tọa buổi họp là ông Phan Khắc Sửu đề cử ông Duyên, thủ lãnh Nghĩa Sĩ Đoàn, lo vụ mai táng này. Ông Duyên trình với hội nghị: “Tôi rất cám ơn qúy vị có nhã ý bầu tôi làm trưởng ban nghi lễ kiêm mai táng. Vậy xin hỏi qúy vị là quốc táng, gia đình táng hay nhân dân táng.” Ông Nguyễn Văn Song, em ruột nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền, bước ra qùy lạy hội nghị: “Anh tôi suốt đời làm cách mạng hiện nay không có nhà cửa vợ con ở đây, tùy ý ông Thủ Lãnh sắp xếp.” Ông Duyên mượn đền thờ Cụ Phan Chu Trinh ở Đa Kao làm nơi hành lễ. Cho Nghĩa Sĩ Đoàn dọn dẹp canh gát rồi mang thi hài ông Nguyễn Thế Truyền về để ở đền thờ. Ông thông báo chỉ nhận hoa và nhang đèn, không nhận tiền phúng điếu khi liệm chưa xong. Vì vậy khi ông Mười Hướng tổng thư ký của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và ông Nguyễn Thiện Nhơn đại diện ông Nguyễn Cao Kỳ chở tràng hoa đến phúng điếu khi chưa liệm xong nên không được vào. Ông mười Hướng để lại cho ông Sơn Thái Nguyễn hai trăm ngàn của Tổng Thống Thiệu đưa lại cho ông nhưng ông nhất định từ chối. Ông Hướng báo với Tổng Thống Thiệu rằng ông Duyên nói tiền dơ bẩn nên không nhận. Đại tá Cầm điện cho ông biết sự việc. Ông nói với Tổng Thống Thiệu rằng: “Thưa Tổng Thống, tôi không bao giờ nói bậy mặc dầu là đối lập. Tôi không nhận vì người của Tổng Thống đến trước giờ phúng điếu nên không nhận có vậy thôi. Xin Tổng Thống đừng nghe lời thêu dệt mà buồn tôi.” Sau đó tới việc chọn nơi hạ huyệt, mọi người họp lại để xin keo thì biết mộ được nằm sau lưng mộ cụ Phan Chu Trinh. Trên đường đến nơi chôn cất, Tổng Trưởng Ngô Khắc Tỉnh cho người treo biểu ngữ chống cộng khắp nơi. Ông Duyên ra lịnh Nghĩa Sĩ Đoàn gỡ hết đem cất rồi tiếp tục đến nơi hạ huyệt ông Nguyễn Thế Truyền sau lưng mộ cụ Phan Chu Trinh.
Năm 1972 Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy và Ngoại Trưởng Trần Văn Lắm trở về từ Paris cho biết hiệp định Paris đang tiến hành. Năm 1973 Hiệp Định Paris được ký kết giữa Việt Nam Cộng Hòa và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Ông Đáng mời ông Duyên ra Vũng Tàu, tổ chức ăn cơm tại nhà đại tá Bé Chiêu, có Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tới cùng mọi người. Sau bửa cơm, đang uống Cà phê, Tổng Thống Thiệu nói với ông Duyên rằng “Súng cũ đổi súng mới, không còn đánh nhau nữa.” Ông nói với Tổng Thống Thiệu “Thưa Tổng Thống, lẽ ra hôm nay tôi kêu Tổng Thống bằng anh Thiệu mà thôi, vì điều 4 hiến pháp đã không còn khi ký hiệp định Paris với Cộng Sản nên miền Nam không còn Tổng Thống.” Tổng Thống Thiệu giận mặt tái xanh. Ông Duyên mới nói rằng nhà nào cũng có cửa sau. Tổng Thống Thiệu mới hỏi làm sao? Ông nói rằng ông liên lạc nhiều đoàn thể, tôn giáo và đảng phái nên ông có thể triệu tập và tổ chức Quốc Dân Đại Hội thi hành Hiệp Định Paris. Khi nào tổ chức xong ông mời Tổng Thống đến dự. Lúc đó ngài tuyên bố, ký Hiệp Định Paris là vi hiến nên ngài từ chức. Sau đó Quốc Dân Đại Hội sẽ lập ngài lên làm Quốc Trưởng…” Tổng Thống Thiệu thấy có lý đồng ý cho ông tổ chức Quốc Dân Đại Hội thi hành Hiệp Định Paris.
Ông mượn nhà trung tá Lê Thiên Giáo ở 74 Trần Quốc Toản làm nơi liên lạc. Năm 1974 ông cử Thiếu tá Tôn Thất Lộc liên lạc miền Trung. Ông Lộc trình bày với mẹ vua Bảo Đại là Đức Từ Cung, bà đã gởi thư cho ông nói rằng bà đã lớn tuổi nên không thể tham dự được. Đầu năm 1975 ông Đổ Kiến Mậu trưởng ty Cảnh Sát quận III là em của Đô Trưởng Đổ Kiến Nhiễu chặn đường không cho ai đến dự hội nghị. Ông Mậu nói rằng “Anh là bạn của anh tôi sao anh không xin phép.” Ông Duyên nói rằng “Đã là Quốc Dân Đại Hội mà phải xin phép thì đâu còn ý nghĩa gì nữa.” Sau đó ông tiếp tục liên lạc với các tổ chức đảng phái, tôn giáo, Mặt Trận Giải Phóng… để tổ chức đại hội. Khoảng tháng ba năm 1975 Tổng Thống Thiệu sai người bắt ông gọi ông là T4 liên lạc với Hà Nội, đem giam tại khối Cảnh Sát Đặc Biệt Đô Thành. Nữa đêm trùm đầu bịt mắt dẫn lên phòng điều tra một thời gian, hỏi ông là Phật Giáo Hòa Hảo tại sao theo Cộng Sản? Ông trả lời rằng “Tôi là Phật Giáo Hòa Hảo của dân tộc Việt Nam chớ không theo ai cả.” Chín giờ sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, ông được thả cùng ông Trần Thúc Linh, ông đi bộ về nhà vì đường xá vắng teo. Về đến nhà thì gặp ông Phan Bá Cầm ông Cầm nói: “Trung lập rồi.”
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Dương Văn Minh giao chính quyền cho quân đội Bắc Việt nhưng Thượng tướng Trần Văn Trà, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, đã tiến nhanh vào Sài Gòn thành lập Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn Gia Định.
Mấy ngày sau vợ chồng ông đến gặp cựu Tổng Thống Dương Văn Minh, vợ chồng ông Minh mời vợ chồng ông và ông Trần Ngọc Liên ăn cơm tại nhà. Ông Minh nói rằng ông đã ra lệnh thả hết tù tội trong nước trong đó có ông Trần Hửu Duyên. Ông Duyên tỏ lời cám ơn ông và trở về nhà. Được biết bà Nguyễn Thị Hạnh là chủ tịch phường Phan Đình Phùng có nhã ý mời ông làm trưởng khóm hai.
Giửa năm 1975, ông về Cần Thơ lo ma chay cho cha vợ sau đó trở lại Sài Gòn. Ông Cao Đăng Chiếm, Giám đốc An Ninh Nội Chính Sài Gòn Gia Định, tổ chức bắt ông. Một người quen cũ là Mai Như Hồng mời ông uống cà phê ở đường Tản Đà Chợ Lớn, bất thần một xe hơi với nhiều người nhảy xuống chụp mền lên đầu bắt cóc ông, lấy hết đồ đạc rồi giải về giam ở Cảnh Sát Đặc Biệt Đô Thành cũ. Gia đình ông không ai hay biết. Sau đó họ đưa ông về trại giam Phan Đăng Lưu. Ông tức giận và đã nói Đảng Cộng Sản còn thua Đảng cao bồi Cầu Muối, họ tức giận tống ông vào Khám Chí Hòa.
Tại Chí Hòa ông ở khu tập thể AH và biết ông Phan Bá Cầm bị nhốt ở khu biệt giam ED. Tết năm 1976 Đại tá Đào Lưỡng, trại trưởng Chí Hòa, cùng mấy anh công an đi một vòng trại giam xem tù. Ông xin phép trưởng phòng Nhung ra gặp trại trưởng Đào Lưỡng. Ông Nhung ra gặp Đại tá Đào Lưởng khi ông đi ngang qua phòng giam và cho biết ông Duyên xin gặp.
Ông đã gặp ông Đào Lưỡng và yêu cầu được gặp ông Phan Bá Cầm và ông Lưỡng đã đồng ý. Khi gặp ông Cầm ông biếu một bịch thuốc rê, một bịch muối, và hai táng đường. Ông Cầm ngạc nhiên nắm chặt tay ông và nói rằng “Tôi vẫn khỏe như xưa!” Ông gật đầu hiểu và chào
khỏe như xưa!” Ông gật đầu hiểu và chào chia tay. Đây là lần gặp cuối cùng của hai người. Khi ông trở lại phòng giam mọi người tới hỏi thăm vì tưởng ông bị điều tra và sẽ bị kỷ luật.
Gần tết 1976 ông nhờ ông Nhung gởi cho giám đốc trại giam một đơn khiếu nại lên bộ nội vụ và quốc hội. Anh Nhung đọc thơ xong sợ hải nói rằng: “Con đưa thơ này cho ông Lưỡng nhưng bác không được nói với ai là con đã đọc thơ này.” Nói rồi anh Nhung cầm thư đi khi về anh nói lại với ông rằng ông Đào Lưỡng nói rằng anh về xem anh Duyên có bình thường không mà sao dám viết như thế này!
Nội dung đơn khiếu nại:


Khám lớn Chí Hòa ngày… tháng… Năm…
Kính gởi: Bộ Nội Vụ
Tôi tên Trần Hữu Duyên sinh năm 1920 tại Cần Thơ Miền Tây Nam Bộ. Năm 18 tuổi bỏ nhà máy xay lúa chợ Vàm theo kháng chiến chống Pháp. Năm 1940 bị Tây lùng bắt nên trốn lên Sài Gòn mở tiệm sửa xe. Ngày 9 tháng 3 năm 1945 tham gia đảo chính Pháp. Ngày 19 tháng 8 năm 1945 tham gia mặt trận Việt Minh, cùng với Lý Hoa Vinh thành lập đệ IV sư đoàn.
Ngày 23 tháng 9 năm 1945, Tây đổ bộ tôi theo đội du kích ở đó có các anh Lê Duẩn, Trần Quốc Bửu và nhiều anh em cách mạng đánh ở thành. Khi Nhật đầu hàng tôi lấy được một số súng tổ chức đánh du kích ở Cần Thơ. Sau đó tôi thành lập đoàn cảm tử Lê Bình. Khoảng tháng 12 năm 1945 tôi bị Tây bắt chuẩn bị đem bắn nhờ có thầy đội người Miên xin mới được thả. Tôi cùng vợ con trốn lên Sài Gòn sau đó tham gia Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.
Đến năm 1947 tôi lại bị Tây bắt giam ở Chí Hòa, ở đây tôi gặp anh Huỳnh Tấn Phát làm buồng trưởng. Cuối năm 1947 được thả về được anh em bầu làm chủ tịch nghiệp đoàn tài xế. Năm 1959 tôi ra ứng cử đại biểu quốc hội khóa II đơn vị Cần Thơ nhưng không thành công.
Ngày 11 tháng 11 năm 1960 tham gia đảo chánh chính phủ Diệm bị kết án tử hình khiếm diện. Tôi Tổ chức Việt Nam Nghĩa Sĩ Đoàn hoạt động kín cho đến ngày 1 tháng 11 năm 1963 Tướng Dương Văn Minh đảo chánh thành công mới được thả. Năm 1964 tôi đưa vợ con về 480 Hồng Tập Tự (tức Xô Viết Nghệ Tỉnh) và cất thêm nhà gổ phía sau cho gia đình tôi ở đó.
Năm 1973 ký Hiệp định Paris, tôi chuẩn bị tổ chức Quốc Dân Đại Hội thi hành Hiệp Định Paris. Khoảng tháng 3 năm 1975 tôi bị Tổng Thống Thiệu bắt, kết tội là T4 liên lạc với Hà Nội, giam tại khối Cảnh Sát Đặc Biệt Đô thành để điều tra. Đến ngày 29 tháng 4 năm 1975 tôi được Tổng Thống Dương Văn Minh thả về.
Năm 1975 một người quen tên Mai Như Hồng mời tôi uống cà phê ở Tản Đà Chợ Lớn. Tại đây tôi bị bắt cóc đưa về An Ninh Nội Chính (tức khối Cảnh Sát Đặc Biệt Đô thành cũ), qua trại giam Phan Đăng Lưu và sau đó là khám Chí Hòa!
Kính thưa qúy vị,
Tôi kể những điều trên không phải để kể công. Người có tội phải bị trừng phạt, kẻ có công sẽ được ca ngợi. Cách mạng đã đến với dân tộc Việt Nam, không còn Thực Dân Pháp, không còn độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm, không còn độc tài quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu. Lúc mới chính quyền còn lỏng lẻo nên có nhiều sơ sót. Nay nước Việt Nam đã thống nhất, chánh quyền đã thống nhất, có tòa án và mọi việc đều minh bạch trước quần chúng. Tôi yêu cầu qúy vị đưa tôi ra tòa án nhân dân. Để nhân dân xét xử tôi, để bản thân tôi an tâm, gia đình tôi an tâm, và nhân dân miền nam thêm tin tưởng vào đường lối của Cách Mạng.
Trân trọng chào đoàn kết.
Trần Hửu Duyên
Cựu kháng chiến


Vào năm 1977 ông được đưa đi lao động ở Z30C căn cứ 6 Hàm Tân Thuận Hải. Trên đường đi đến Hàm Tân đoàn xe đi ngang qua một bùng binh lớn bị kẹt xe một lúc khá lâu. Có nhiều tiếng gọi nhau xôn xao: “Cải tạo tụi bay ơi!” “Quăng lên đi, lẹ lên”
Sau đó bánh mì, chuối, bánh ú… được mấy người bán hàng rong liệng lên xe. “Tao hết đồ rồi, mày cho tao mượn đi, mai tao trả.” “Nhanh lên xe chạy bây giờ.”
Đây là tình cảm của người dân dành cho tù cải tạo mà trong đó có thể là cha mẹ anh chị em của họ là nạn nhân. Trên xe nhiều người lấy tay chùi nước mắt.
Khi đến nơi nhìn thấy một một biểu ngữ thật lớn “Nơi đây rừng lá đá mài – Với sức người sỏi đá cũng thành cơm.” Sau khi chia chổ ăn chổ ở xong là buổi ra mắt của tù và ban quảng trại. Buổi họp đầu tiên trại Z30C do Đại Úy Quang, chính trị viên của trại tổ chức, sau một hồi thuyết trình về kỷ luật trại, tội ác chiến tranh rồi kết luận: “Tất cả các anh đều có tội với nhân dân, có tội với cách mạng. Nếu anh nào thấy mình không có tội lên gặp tôi làm việc tôi sẽ thả về ngay.” “Báo cáo cán bộ! Trần Hửu Duyên không có tội xin gặp cán bộ làm việc.” “Được ngày mai tôi sẽ làm việc với anh.” Cả trại xôn xao chờ đợi xem công an đối xử với ông ra sao.
Sáng hôm sau khi mọi người đi lao động ông được một công an võ trang đưa lên văn phòng trại để lấy cung. Người lấy cung ông chính là đại úy Quang. Sau khi chào hỏi ông được đại úy Quang mời dùng trà và bắt đầu cuộc nói chuyện. Cụ Duyên từ chối buổi làm việc: “Cán bộ có giận tôi xin lỗi nhưng tôi xin phép được nói với cán bộ là tôi yêu cầu một người lớn tuổi hơn mới hiểu được những việc đã xãy ra trong năm sáu mươi năm của đất nước này.” Đại úy Quang giận lắm nhưng cũng để ông ra về hẹn ngày mai sẽ làm việc lại.
Ngày hôm sau ông được công an võ trang hướng dẫn đến văn phòng trại để làm việc. Một lúc sau ông nghe tiếng của Trại trưởng Phạm Huệ: “Chào anh Duyên, cựu kháng chiến Phạm Huệ đủ tư cách nói chuyện với anh không?” Ông Duyên đứng lên: “Báo cáo cán bộ được.” “Chỉ có anh và tôi không cần gọi cán bộ - xưng hô anh và tôi được rồi.”… Ông Huệ ngồi xuống mời ông uống trà và đưa gói thuốc: “Anh hút thuốc không?” Ông lấy một điếu châm lửa và nói: “Cám ơn Thiếu tá.” Ông Huệ “Không có gì. Chúng ta bắt đầu làm việc.”
Ông Huệ lật hồ sơ ra đọc và nói: “Anh nắm nhiều chức vụ quan trọng trong những tổ chức phản động như chủ tịch nghiệp đoàn tài xế.” Ông trả lời không suy nghĩ: “Nghiệp đoàn tài xế để bảo vệ cho quyền lợi người lao động và chống lại chính phủ theo Pháp Trần Văn Hửu.” Ông Huệ lại nhìn vào hồ sơ nói tiếp: “Anh chỉ huy Đệ IV sư đoàn.” Ông cười: “Bốn sư đoàn mới thành lập trên danh nghĩa thôi. Hơn nữa cũng là dân quân kháng chiến chống Pháp. Làm sao có tội với tổ quốc được.”
Ông Huệ nghiêm sắc mặt nói rằng “Anh là Ủy Viên tổ chức trung ương Dân Xã đảng. Anh có biết Dân Xã đảng chống lại Mặt Trận Việt Minh không?” Ông trả lời: “Dân Xã đảng có nhiều phe nhóm. Tôi theo Dân Xã đảng của ông Nguyễn Bảo Toàn và ông Phan Bá Cầm hoạt động ở Sài Gòn chống Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bị Tổng Thống Diệm giết hại.” Ông Huệ chất vấn: “Còn Việt Nam Nghĩa Sĩ Đoàn thì sao?” Ông giải thích: “Sau khi bị chính phủ Ngô Đình Diệm kết án tử hình khiếm diện, tôi phải lẩn trốn nên lập Nghĩa Sĩ đoàn trừ gian diệt ác giúp người yếu thế, bí mật chống chính phủ Ngô Đình Diệm.” Ông Huệ đuối lý có vẻ giận: “Anh giải thích sao về Quốc Dân Đại Hội thi hành hiệp định Paris.” Ông từ tốn trả lời: “Chúng tôi quá chán ghét chiến tranh mà Hiệp định Paris đem hòa bình cho Việt Nam. Tôi làm việc này là ủng hộ hoà bình cho dân tộc Việt Nam. Tôi nghĩ anh cũng mong hòa bình cho nước mình.”
Ông Huệ ngồi suy nghĩ rồi kết luận: “Tôi chỉ có thể cho anh biết an ninh nội chính ra lệnh bắt anh và án của anh là án tập trung cải tạo. Nghĩa là sau ba năm cải tạo tốt anh mới được thả về. Nếu không tốt thì thêm ba năm nửa… Anh nghĩ sao?” “Cám ơn Thiếu tá đã cho tôi biết sự thật.”
Ông Duyên trở về trại làm việc với đội chờ đợi đến hạn ba năm. Đời sống tù khổ sai không có gì thích thú. Sáng đi làm thường là đào đất, đào gốc cây, làm rẩy, trồng rau, trồng bắp, khoai mì, khoai lang… Có đội mộc làm bàn ghế. Có đội thể thao luyện tập bóng chuyền, bóng đá đấu với cán bộ của trại… Những người tù mặt đăm chiêu mệt mỏi sau khi làm việc, ra suối tắm vội vàng trở về trại cơm nước xong đi tìm bạn bè kể chuyện vui, nói hành cán bộ, trao đổi tin tức do người nhà vô thăm kể. Ông thường nấu trà mời bạn tù hay tín đồ, có lúc an ủi khuyến khích họ, có khi kể chuyện đạo…
Mổi ngày ông gánh hai đôi nước đến nơi đội làm việc nấu sôi cho đội uống. Ai cần nấu nướng bửa ăn trưa đều nhờ ông giúp vì bửa ăn trưa chỉ có ba mươi phút. Ông làm việc siêng năng và hay giúp anh em nên thường được đội bầu làm cá nhân xuất sắc. Năm 1978 hết hạn ba năm tù vào buổi sáng trước khi đi làm ông gặp anh đội trưởng, tên Nguyễn Văn Mỹ Trung úy Nhảy dù: “Hôm nay tôi không đi làm.” “Bác bịnh hả bác Tư?” “Không! Hôm nay đến hạn ba năm nên tôi dọn đồ chuẩn bị về.” Ông Mỹ ngạc nhiên “Sao con không nghe gì hết! Vậy con báo hôm nay bác được về.” “Ừ!” Nhìn vẻ mặt lo lắng của anh đội trưởng ông an ủi: “Đừng lo! Tôi không sao đâu.”
Tất cả đội xếp hàng tuần tự báo cáo ra khỏi trại làm việc đến đội ông, ông Mỹ báo cáo: “Báo cáo cán bộ đội … có … người, hai người bệnh, một người chuẩn bị về còn lại … người xuất trại đi làm.” Cán bộ trại ngạc nhiên: “Anh nói gì? Hôm nay đâu có ai được về.” Ông Mỹ nói: “Báo cáo cán bộ, ông Trần Hửu Duyên hôm nay chuẩn bị về.”
Cả trại xôn xao trước việc chưa từng thấy này không biết công an trại sẽ đối xử với ông Duyên ra sao. Mọi người mong chiều về nghe tin ông. Sau khi mọi người ra khỏi trại, một toán công an vỏ trang dẩn đầu là đại úy Quang đến nhà giam của ông. Lúc đó ông đang ngồi xếp bằng cầu nguyện xin Đức Thầy giúp ông can đảm sáng suốt. Đại úy Quang bước vào nói “Anh Duyên đang làm gì vậy?” Ông trả lời: “Báo cáo cán bộ! Hết hạn ba năm nên chuẩn bị đi về.” Đại úy Quang nói lớn: “Tôi thách anh dám bước ra khỏi trại.” Ông nghiêm trang nói: “Tôi đang chờ giấy thả của bộ nội vụ. Khi bắt tôi có lệnh của an ninh nội chính, khi thả tôi phải có giấy tờ chứ.” Đại úy Quang ra lệnh: “Hôm nay không có ai về hết. Mời anh lên văn phòng trại làm việc.”
Cán bộ chính trị Quang đưa ông đi gặp trại trưởng Phạm Huệ: “Anh Duyên! Sao anh tuyên truyền xách động trại làm sao tôi điều hành được.” Ông nói: “Cán bộ yên tâm! Không ai hùa với tôi. Hơn nửa tôi đâu cần tuyên truyền nếu cần tôi ra lệnh cho tín đồ. Lúc trước anh nói ba năm thì bây giờ ba năm tôi về là thi hành pháp luật cuả nhà nước.” Ông Huệ bối rối: “Còn phải cải tạo tốt nửa!” Ông nói: “Tôi nấu nước cho đội luôn được bầu xuất sắc.”
Ông Huệ dịu giọng: “Nói thật với anh, tôi chỉ coi tù không có quyền thả anh. Anh làm đơn khiếu nại bộ nội vụ tôi sẽ chuyển cho. Bắt đầu hôm nay anh không cần đi lao động nếu anh không muốn.” Ông nói: “Tôi ăn cơm trại phải làm việc cho trại mới công bằng. Khi nào tôi ăn cơm nhà thì tôi nghỉ làm hôm đó.”
Sau ngày hôm đó những người tù đều lên tinh thần và mổi khi gặp ông đều chào ông: “Gandhi Việt Nam”.
Năm 1983 ông Duyên được thả về sau tám năm tù. Bạn bè trước kia đến thăm rất nhiều có người hỏi ông về Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp. Ông phát biểu rằng “Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố Đoàn kết – Đoàn kết – Đại đoàn kết. Đức Thầy lập Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp cũng kêu gọi toàn dân đoàn kết.” Câu nói này tới an ninh nội chính, nên năm 1985 ông bị bắt, những người tới thăm ông cũng bị bắt hết. Ông bị còng như con vật trong biệt giam nên đã nói với công an điều tra: “Các ông học lối tra tấn này của thực dân Pháp, họ cũng đã làm y như vậy.” Lúc này ông chỉ muốn chết cho khỏi bị hành hạ khi bị điều tra. Hơn một tuần lễ thiếu tá Trần Công Bình đến nói: “Tôi sẽ làm việc với anh, tôi có hai mươi năm tuổi đảng.” Ông đồng ý. Ông Bình hỏi ông bị còng có khổ lắm không? Ông trả lời cũng như bị xe đụng vào nhà thương vậy thôi. Khi làm việc xong ông Bình mở còng, đưa vào nhà giam chung ít lâu sau đưa về Chí Hòa. Đến năm 1987 công an trại giam đưa ông ra ngồi chờ ở gốc cây rồi đưa giấy thả về. Về đến nhà ông thấy phường lấy căn nhà phía trước (480 Xô Viết Nghệ Tỉnh) làm họp tác xã, bán đồ lậu, cờ bạc đủ trò…
Câu lạc bộ “Những Người Kháng Chiến Cũ” thành lập năm 1986 và ngưng sinh hoạt năm 1989. Đến năm 1991 được phép hoạt động với tên câu lạc bộ “Truyền thống Kháng chiến”. Ông có đến câu lạc bộ mua báo tặng cho anh em miền Tây. Ông có gặp ông Hoàng ở Hóc Môn để thảo lại cương lĩnh Việt Nam Dân Chủ Xã Hội đảng. Khi ông Hoàng bị công an bắt với tài liệu Dân Xã đảng, họ đã đến bắt người chủ mưu là ông Trần Hửu Duyên. Tại trại giam Phan Đăng Lưu, ông Năm coi trại giam nói rằng “Sao anh bị bắt hoài vậy? Đảng và nhà nước đối xử anh tệ quá!” Ông bị tòa án nhân dân kêu án mười năm tù. Ông Năm cho nhốt riêng ở ngoài đối xử tử tế đến ngày 20 tháng 6 năm 1991 bị chuyển đi nhiều nơi cuối cùng đến trại Xuân Lộc Z30A. Năm 1998, công an trại giam yêu cầu ông ký tên vào đơn xin ân xá để được về sớm nhưng ông từ chối. Lý do có tội mới xin ân xá còn không có tội thì chờ thả về. Nhưng đến ngày 3 tháng 8 năm 1998 ông được thả trước hạn tù gần ba năm. Trong giấy để về địa chỉ 1B Cao Thắng nên ông không chịu đòi về nhà ở 480 Nguyễn Thị Minh Khai. Công an trại nói rằng nhà ông được nhà nước mượn cứ về ở tạm chung cư Cao Thắng rồi họ sẽ giải quyết trả lại nhà!!!
Cuối năm 2000 là trận lụt thế kỷ của đồng bằng sông Cửu Long. Một số người Việt tại Hoa Kỳ đã quyên góp gởi về cho Cụ Trần Hửu Duyên cứu trợ đồng bào vùng sâu của các tỉnh miền Tây. Trong những đợt cứu trợ, có bà Nguyễn Huỳnh Mai và Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo nam Cali, 2114 W McFadden Ave, Santa Ana, CA 92704, quyên góp và tổ chức văn nghệ gây qủy để gởi về Việt Nam giúp đồng bào. Ngoài ra bà Mai còn giúp tín đồ mở quán cơm chay giá rẻ để giúp người lao động. Vì chính quyền không cho tư nhân cứu trợ Cụ Duyên phải tổ chức cứu trợ du kích mới phân phát được thức ăn đến đồng bào. Những phần cứu trợ soạn sẳn được chuyển đến điểm hẹn trên đoạn đường vắng. Khi xe đến nơi, nhiều tín đồ đã chờ sẳn chuyển đồ cứu trợ xuống hàng chục ghe nhỏ đậu sẳn gần đó. Lệnh xuất hành ban ra tất cả ghe đồng loạt túa ra nhiều hướng khác nhau đến những điểm hẹn. Tại điểm hẹn tín đồ đã chờ sẳn khi thấy ghe tới từ xa họ dựng bảng cứu trợ và dân chúng được báo trước xếp hàng để nhận thức ăn. Mỗi địa điểm phải thực hiện trong vòng mười đến mười lăm phút trước khi chính quyền đến ngăn cản. Cũng có vài địa phương hợp tác với tín đồ để phân phối quà cứu trợ. Toà Đại Sứ Hoa Kỳ thấy việc cứu trợ thành công nên đã mang tiền quyên góp của nhân viên đại sứ và lãnh sự nhờ Cụ mua quà cho nhạn nhân lủ lụt nhưng Cụ không nhận trực tiếp vì ngại tai tiếng.
Những ngày cuối cuộc đời mặc dù trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Cụ khuyến khích con cháu cần kiệm dành dụm đóng góp vào những công cuộc xã hội. Ngày 11 tháng 2 năm 2010, Cụ mất tại nhà thương thọ chín mươi tuổi gia đình phải hỏa tán ngày hôm sau vì không được phép tổ chức tang lể tại nhà. Cụ Trần Hửu Duyên suốt đời đeo đuổi lời dạy của Đức Thầy, tranh đấu cho quê hương dân tộc không màng danh lợi.

Cư sĩ Trần Hữu Minh
_________________

Tài liệu tham khảo:
Những bài viết trên Việt Báo số ra ngày 30/11/2000, 20/01/2004, 17/02/2005, 08/03/2005 của bà Nguyễn Huynh Mai
"Phật Giáo Hòa Hảo Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc” của cố cư sĩ Nguyễn Long Thành Nam".Tập san Đuốc Từ Bi xuất bản năm 1991
Tư liệu cụ Trần Hửu Duyên do gia đình cung cấp
Do những người tù chung với cụ Trần Hửu Duyên kể lại.
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.449 giây.