Dọn về nhà mới, non một tháng, tôi khám phá ra hàng xóm hai bên hông nhà tôi là hai cặp vợ chồng sống không con. Ấn tượng mạnh mẽ nhất đập vào mắt tôi khi gặp họ lần đầu tiên là tuổi tác chênh lệch giữa hai cặp vợ chồng. Ông Lân bà Điệp, cặp hàng xóm bên hông phải nhà tôi là một cặp chồng già vợ trẻ. Tôi đoán ông Lân phải cỡ 60, còn bà Điệp cái tuổi già nhất tôi có thể gán cho bà cũng không quá 36, 37. Còn với ông Lộc bà Vân, cặp hàng xóm chồng trẻ vợ già bên hông trái nhà tôi, tôi thiếu tự tin hơn một chút trong việc đoán tuổi họ. Tôi cho ông Lộc cỡ 35 đến 37, còn bà Vân chừng 41, 42. Đoán tuổi người khác, theo nhận xét của tôi, là phóng cái nhìn chủ quan về ngoại vật, nó bị chi phối rất nhiều bởi tâm thức của người đoán. Nếu tôi lạc quan tôi sẽ nhìn đời, nhìn người bằng màu hồng, tôi sẽ thấy già thành trẻ, hay gán cho nó trẻ bởi một vài lý do tình cảm nào đó. Nếu tôi thuộc loại khó tính, bị gò bó trong một thứ đạo đức cổ xưa, một khuôn khổ giáo dục bảo thủ, tôi khó chấp nhận những đôi lứa chênh lệch tuổi tác để từ đó tôi thấy người già già thêm, người trẻ quá trẻ để tạo thêm sự bực bội cho chính mình. Nhưng nhận xét chủ quan của tôi may mắn không nằm trong sự quá đà. Tuy biết đó là hai cặp vợ chồng chênh lệch tuổi tác nhưng tôi vẫn thấy tự nhiên khi nhìn họ, vẫn thấy lòng mình bình thản trước cuộc sống có vẻ đầy hạnh phúc của họ. Chưa biết nghề nghiệp họ, chưa có dịp chào hỏi vì chưa có dịp làm quen, mỗi khi tình cờ gặp, chỉ nhìn thấy họ tay trong tay rảo bước, tôi nghe thoảng nhẹ trong không gian một mùi hương hạnh phúc, một mùi hương có đôi mà chỉ người cô độc như tôi mới ngửi thấy.
Tôi không vội vã làm quen, nhất là chủ ý làm quen với cặp hàng xóm nào trước. Nhưng ở gần nhau nên sự chạm mặt cũng không thưa lắm. Nói không thưa nhưng cũng gần hai tháng tôi mới có dịp mở lời chào hỏi đầu tiên, chỉ vì bản tính nhút nhát của tôi, nhất là khi đối diện với người khác phái. Ở tuổi 45 tính nhút nhát của tôi cũng không bớt đi so với khi tôi 16 tuổi. “Đó là cái tật bẩm sinh”. Mẹ tôi thường nói câu đó với các bà bạn của bà để bênh vực tôi. Mỗi lần phải chạm mặt với các bà bạn của mẹ tôi, tôi chỉ lí nhí không thành tiếng một câu chào hay trả lời một câu hỏi của họ. Có gì đâu, chỉ là những “Cháu chừng nào ra trường, có cô bạn gái nào chưa?”. Thế mà tôi đã cho tôi đang bị họ chất vấn đời tư của mình. Những lúc đó tôi vừa sợ vừa bực tức. Mãi về sau, khi tuổi đã trên 30, nghĩ lại tôi mới nhận biết những câu hỏi kia thật chân tình. Tôi học hành vào loại khá, cộng thêm cái dáng dấp thư sinh của tôi, cho nên dưới cặp mắt thích xem tướng của vài bà bạn của mẹ tôi, tôi sẽ là thằng rể tương lai hiền lành để con gái các bà dễ dàng nắm trọn quyền. Học hết trung học tôi phân vân trước ngưỡng cửa đại học. Cha mẹ tôi không chen vào việc chọn lựa ngành của tôi. Sự thành công vượt bực của cha tôi trên thương trường khiến ông xem thường mọi thứ bằng cấp. Quả thật tôi đã nhiều lần chứng kiến đủ loại bằng cấp chịu khuất phục dưới mãnh lực đồng tiền của cha tôi. Một lần tôi nghe lóm ông nói với mẹ tôi:
– Thằng Sinh ngồi không ăn cả đời không hết một phần mười tài sản của mình. Chỉ lo nó phá thôi.
Cha tôi không nhắc tên ai khác ngoài tôi vì tôi là con một. Tôi nhớ có lần khi tôi 10 tuổi tôi hỏi mẹ tôi sao tôi không có thêm em, mẹ tôi kéo tôi lại sát gần bà, xoa đầu tôi rồi nói giọng buồn rầu:
– Tại cha bận việc quá!
Ở tuổi đó tôi chưa hiểu gì lắm liên hệ giữa cha tôi bận công việc và mẹ tôi không sinh thêm con. Cho đến khi tôi 17 tuổi, một lần hai ông bà cãi nhau to tiếng, tôi nghe lọt một câu đay nghiến của mẹ tôi:
– Còn ông, giàu có lên một chút là sinh tật, chơi bời cho lắm, còn lây bệnh sang cho người ta nên bây giờ mới tuyệt giống, may còn một thằng Sinh!
Sau lần cãi vã lớn tiếng đó cha tôi đâm ít nói, còn mẹ tôi trở nên uy quyền hơn trước. Riêng tôi tôi vẫn được cả hai bên nuông chìu hết mực.
Tôi chọn ngành vi trùng học với ý định sau khi ra trường tôi sẽ suốt đời tự giam mình trong phòng thí nghiệm. Va chạm với vi trùng tuy nguy hiểm nhưng tôi vẫn nghĩ ít nguy hiểm hơn va chạm với người. Suốt thời gian học đại học tôi không bị khó khăn về chuyện học hành nhưng tôi hay bị suy nhược tâm thần khi phát giác ra dấu hiệu bất thường ở bộ phận sinh dục của mình. Đọc cuốn cẩm nang “Đời sống lứa đôi” khi mô tả bộ phận sinh dục đàn ông, tôi thấy của tôi chỉ được phân nửa kích thước bình thường, ở vị trí thường cũng như khi cường dương được mô tả trong cuốn sách. Phát giác nầy làm tôi hoang mang ghê gớm; tôi lo sợ sẽ làm thất vọng bất cứ người nữ nào khi bước vào giai đoạn thân mật nhất. Tôi ngại rằng từ thất vọng đi đến chỗ đổ vỡ không xa… Mặc cảm vì sự thiếu kích thước của mình làm tôi đâm nhút nhát trong vấn đề có bạn gái.Tôi không những không tìm kiếm mà còn lẩn tránh. Ban đầu họ nghĩ tôi đồng tình luyến ái, riết không hề thấy tôi có bạn trai, người ta bắt đầu xì xầm tôi có vấn đề thể chất. Sự xì xầm nầy làm tôi chột dạ. Tại sao tôi không chứng minh tôi chỉ ở mức thấp của sự bình thường mà thôi. Thế nào cũng có người chấp nhận tôi với gì tôi đang có. Sẽ có người biết tôi khuyết ở chỗ nầy nhưng ưu nhiều ở nơi khác. Thế nhưng tôi vẫn sợ. Sợ rằng mình có thú thật, ban đầu, vì lý do nầy hay lý do khác, người ta sẽ bảo không sao, không quan trọng, nhưng một khi chạm vào thực tế họ mới thấy cái không sao, không quan trọng lúc ban đầu đó sẽ trở thành một vấn đề rất có sao, rất quan trọng một khi phải kéo dài, nhất là kéo dài cả cuộc đời. Một trong những câu chuyện mẹ tôi ngồi tán gẫu với mấy bà bạn mà tôi nghe lõm được có một chuyện tôi không rõ thực hay hư và nếu thực thì thực được bao nhiêu phần trăm, mặc dù mẹ tôi, dẫu không ở trong chăn của hai nhân vật liên hệ, vẫn đoan quyết là thật một trăm phần trăm: Một đôi trai gái nọ trong năm năm trời quyết liệt yêu nhau dù bị hai gia đình chống đối vì khác tôn giáo. Nhưng cuối cùng tình yêu của họ đã thắng. Họ được chính thức lấy nhau. Nhưng chỉ một tháng sau bà vợ đâm đơn xin ly dị. Ra tòa, quan tòa ngạc nhiên hỏi lý do. Bà vợ, người Huế, òa lên khóc rồi đưa ngón tay út của mình lên cho quan tòa thấy và nói trong nghẹn ngào:
– Thưa quan tòa, lý do… lý do là cái… nớ của anh có chừng ni ri!
Câu chuyện mẹ tôi kể xảy ra 40 năm về trước. Thuở ấy trai gái yêu nhau, có cặp đến đêm động phòng mới biết rõ thân thể của nhau. Bây giờ chuyện đó khó mà xảy ra. Bây giờ, quen biết nhau một thời gian ngắn, có khi chưa cần hỏi cưới cũng đã biết rõ nhau mồn một. Và tôi sợ ngón tay út của người con gái bây giờ không đưa lên cho quan tòa coi mà đưa lên cho bạn bè xem kèm theo những tràng cười nhạo báng.
Cuối cùng tôi cũng đủ can đảm để làm một cuộc thí nghiệm xem đàn bà nghĩ gì về khuyết điểm của tôi. Tôi chọn một cô gái rước khách người Á Đông. Cô nói với tôi cô là người Hoa từ Hồng Kông sang. Khi tôi trần truồng cô gái cũng đã trần truồng nằm trên giường chờ tôi. Cô nhìn sơ khuyết điểm của tôi, không nói gì, miệng chỉ mỉm cười. Tôi không kịp thực hiện phương cách để tăng thêm cọ xát như sách chỉ dẫn thì khoái cảm đã vọt xuất quá nhanh. Tôi rụt rè đề nghị với cô gái tiếp tục lần nữa. Cô vui vẻ đồng ý khi biết tôi sẽ trả hai lần tiền. Lần nầy tôi lâu hơn, cô gái cũng có thì giờ dở ngón nghề của cô, tôi cũng có thì giờ áp dụng các phương cách chỉ dẫn. Tôi thất vọng vì dù thay đổi mấy cách làm tình, tôi vẫn có cảm tưởng mình đang bơi trong một hồ nước rộng. Thật tình hồ không rộng nhưng vì thuyền tôi nhỏ bé nên thấy nó mênh mông. Tôi đánh bạo hỏi cô gái:
– Em thấy của anh có nhỏ lắm không?
Cô gái trả lời tự nhiên:
– Phải công nhận của anh hơi nhỏ
– Em có nghĩ đàn bà ai cũng coi chuyện lớn nhỏ của đàn ông là quan trọng không?
– Dĩ nhiên, nếu em lấy chồng, em thích chồng em có cái đó càng khá càng tốt. Nói gì thì nói bự con trông vẫn bắt mắt hơn.
Rồi như sực biết mình vừa lỡ lời, cô gái nói vớt lại:
– Nhưng bây giờ cái của anh sửa đâu có khó. Có tiền đi bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ là xong hết, nghe nói muốn cỡ nào cũng được cả.
Nói xong cô gái đến bên tôi, vuốt tóc vuốt má tôi, ban một lời khuyến khích:
– Người lịch sự như anh, được bác sĩ thẩm mỹ săn sóc, thì thiếu gì bà, cô mê.
Lời cô gái rước khách khuyên tôi đi bác sĩ thẩm mỹ thỉnh thoảng lại ám ảnh tôi, nhất là khi tôi gặp vài đối tượng nữ hợp nhãn muốn tiến gần để tính chuyện xa. Nhưng rồi tôi lại ái ngại, lại thôi. Tính nhút nhát của tôi khiến tôi hay thấy bề trái nhiều hơn bề mặt.
Lần tôi phải lấy quyết định lớn nhất của đời mình là sau khi cha mẹ tôi bất thình lình qua đời trong một tai nạn xe hơi. Hình như cha tôi lạc tay lái khi đổ dốc một ngọn đèo. Không biết vì tốc độ, vì buồn ngủ hay vì một cơn đau tim bất thình lình. Cha tôi là người luôn ỷ vào sức mình, ông làm việc không ngưng nghỉ dù biết mình bị đau tim.Tôi lúc ấy vừa chẵn 40 tuổi. Tôi làm gì với gia tài của cha mẹ để lại? Năm chung cư đang cho thuê, một tiệm ăn Nhật đang đông khách và số tiền non một triệu đang nằm trong các trương mục. Lần đầu tiên trong đời tôi làm được một việc phi thường là giải quyết gọn gàng tài sản cha mẹ tôi để lại. Tôi bán hết và may mắn không phải bán tháo. Tôi không muốn tiếp tục con đường của cha tôi là bành trướng tài sản cho mỗi ngày một lớn. Đồng lương tôi đang kiếm ra cộng với những gì tôi đang được hưởng đủ bảo đảm cho tôi một đời sống vật chất đầy đủ.
Điều cha mẹ tôi chưa được mãn nguyện trước khi nhắm mắt là thấy tôi lập gia đình, thấy mặt một hai đứa cháu. Đôi khi nhìn di ảnh của hai ông bà đặt trên bàn thờ tôi cảm thấy ân hận. Nhưng đó chỉ là ân hận đám mây, nó thoáng qua rất mau, rồi tôi lại phải đối diện với chính tôi, một cái tôi đầy mặc cảm vì chút khuyết tật của mình.
Cô đơn lẫn ẩn ức đưa đẩy tôi đi tìm một lối thoát cho cuộc sống.Tôi tìm được một lối thoát khá sớm lúc đang còn là sinh viên.
Ngoài việc học, thì giờ rảnh tôi đọc sách và tập tễnh viết lách. Tôi thấy tôi chính là một đề tài để viết, viết về mặc cảm ẩn ức cũng như những ước muốn chưa bao giờ thành tựu của mình. Giữa những lối viết như viết truyện không có cốt chuyện, truyện với nhiều tình tiết ly kỳ, với kết thúc bất ngờ, tôi chọn lối viết với đoạn kết lửng lơ, nó đóng lại để mở ra, nó lắng xuống để gây nên thao thức, băn khoăn trong lòng người đọc. Tôi muốn độc giả ngẩn ngơ hay bị dằn vặt bởi những nhân vật trong truyện. Những nhân vật của tôi phản ảnh nhiều khía cạnh của cảnh đời tôi. Tôi cho in một tập truyện ngắn với cái tựa Thiên Đường Giá Băng, trong đó có một truyện trùng tên với tựa sách, nói về một người đàn ông giàu có, trải qua nhiều mối tình mà vẫn không tìm thấy hạnh phúc, cuối cùng phải đi tìm cái chết để thoát ra khỏi cái thiên đường giá băng của ông. Cuốn sách được giới phê bình khen và độc giả ưa thích. Tôi bước lên được một nấc khác trên cái thang danh vọng.
Bốn năm sau khi cha mẹ tôi mất, tôi có ý định đổi chỗ ở. Tôi muốn có một căn nhà mà từ phòng làm việc của tôi nhìn ra tôi thấy được một mặt hồ và xa hơn chút nữa là những ngọn đồi. Tôi nuôi ý định viết một truyện dài trong đó cảnh sơn thủy sẽ là nơi khởi đầu và kết thúc câu chuyện, một câu chuyện tình mà không khí truyện nhẹ nhàng hay ngột ngạt và kết thúc sẽ bi đát hay có hậu thì chính tôi cũng chưa rõ. Nó còn tùy thuộc nhiều vào biến chuyển tình cảm của tôi. Để thực hiện ý định trên, tôi bán ngôi nhà đang ở, thêm tiền mua một ngôi nhà mới xây trong khu sang trọng Bois Franc. Ở đó, bất cứ từ của sổ phòng nào nhìn ra, tôi đều thấy mặt một hồ nước và bên kia hồ nước là một dãy đồi thoai thoải được biến thành sân golf. Chính ở ngôi nhà nầy, sau khi dọn về non một tháng, tôi khám phá ra hai cặp hàng xóm đặc biệt của tôi.
Người tôi chào hỏi đầu tiên là bà Điệp, gặp ở địa điểm lấy thư. Hộp thư của tôi số 3, của bà Điệp số 7. Thường thường tôi ra lấy thư vào cuối ngày. Lấy thư vào sau 2 giờ chiều chỉ là bất thường nhưng nhờ lần bất thường nầy tôi biết bà Điệp ngày nào cũng ra lấy thư năm mười phút sau 2 giờ chiều.Bây giờ đầu thu, lá chưa vàng nhưng trời đã hơi lành lạnh. Bà Điệp vừa đi chơi golf về. Bà mặc bộ đồ màu nâu sẫm, quần dài, tay dài, đầu đội vành che nắng cùng màu nâu sẫm. Gặp tôi bà mỉm cười chào. Tôi lúng túng chưa biết chỉ nên cười trả hay cất tiếng chào. Tôi vẫn nhút nhát khi đối diện lần đầu với người khác phái. May thay bà Điệp cất tiếng trước:
– Hình như ông là chủ mới của ngôi nhà mới vừa bán?
Tôi mừng rỡ đáp :
– Vâng. Tôi tên Sinh. Hân hạnh được biết bà.
Bà Điệp chìa tay ra cho tôi bắt một cách rất tự nhiên:
– Cũng hân hạnh biết ông là hàng xóm mới. Tôi tên Điệp.
Cử chỉ tự nhiên của bà Điệp giúp tôi lấy lại tự tin:
– Thưa bà, thường mấy giờ người phát thư đến phân phát thư vào thùng?
– Khoảng 2 giờ chiều. Ngày nào tôi cũng chờ năm mười phút sau ra lấy là có thư.
– Tôi không có nhiều thư nên hai ba ngày mới lấy, thường thường tôi lấy vào buổi chiều.
Bà Điệp nhìn thẳng vào mắt tôi rất nhanh rồi hỏi:
– Ông ở đây một mình?
– Vâng, tôi ở một mình.
Bà Điệp vội tiếp:
– Xin ông bỏ lỗi cho tính hơi tò mò của tôi. Xin chào ông.
– Dạ không sao, xin chào bà.
Bà Điệp cầm xấp thư và báo thong thả bước ra xe. Khi xe vừa rời bánh,bà nhìn về hướng tôi đứng khẽ gật đầu chào. Tôi cũng gật đầu chào lại. Bà Điệp người tầm thước, cân đối, dáng dấp rắn rỏi. Mặt bà ngăm ngăm rám nắng khiến tôi nghĩ bà Điệp ở ngoài trời hơn ở trong nhà. Bà có nụ cười cởi mở, giọng nói tự nhiên dễ gây cảm tình. Tôi thấy khó đoán được nội tâm của những người ham thích thể thao.
Tôi gặp bà Vân, người hàng xóm thứ hai cũng ở địa điểm lấy thư vào một buổi sáng thứ bảy. Hôm thứ sáu tôi về muộn nên không nghĩ đến chuyện lấy thư. Tôi bị thu hút ngay bởi khuôn mặt trái xoan với những nét trang điểm tinh vi. Tôi không thấy sự trang điểm tinh vi làm bà trẻ đi nhưng nó làm bà quí phái hẳn ra. Bà đến lấy thư ở hộp thư số 9. Khi thấy tôi tiến đến hộp thư số 3 của tôi bà Vân nhìn tôi khẽ gật đầu chào. Tôi có cảm tưởng những người hàng xóm của tôi biết tôi là dân cư trú mới nên ai cũng làm như có bổn phận mở lối làm quen trước. Cảm tưởng đó giúp tôi mạnh dạn hơn lần gặp bà Điệp.Tôi cất tiếng trước:
– Xin chào bà, tôi là Sinh, hàng xóm mới bên ông phải của nhà bà.
– Xin chào ông, tôi là Vân, hân hạnh được biết ông. Có dịp mời ông sang nhà chúng tôi chơi.
Tôi loay hoay chưa tìm được câu trả lời, bà Vân hỏi tiếp:
– Ông có biết xoa mạt chược không?
– Dạ không.
– Tiếc quá! Ông nhà tôi cuối tuần nào cũng có một bàn mạt chược. Tôi cũng không biết mạt chược, tôi chỉ thích trồng lan. Thế còn sở thích của ông?
– Dạ tôi thích đọc sách và thỉnh thoảng cũng viết lách.
Tôi thấy mắt bà Vân sáng lên;
– Tôi cũng rất thích đọc sách. Ông viết văn hay làm thơ?
Tôi thành thực trả lời:
– Dạ cả hai, nhưng viết văn nhiều hơn, một phần do yêu cầu của các báo, một phần viết văn dễ có độc giả hơn. Thơ, tôi thường làm cho chính mình nhiều hơn là để đăng báo.
– Tôi thấy thơ, nếu là một bài thơ hay, đọc thấm hơn văn.
Tôi giật mình ngạc nhiên trước trình độ thưởng thức văn chương của bà Vân. Tôi như vừa tìm được một tâm hồn đồng điệu nên hứng chí khoe:
– Tôi có vài tác phẩm văn lẫn thơ, đã xuất bản lẫn chưa. Có dịp sẽ xin đưa bà đọc và cho cảm tưởng.
– Rất hân hạnh, rất hân hạnh.
Bà Vân rời bước sau câu nói. Tôi tần ngần đứng nhìn cái dáng mảnh mai dần khuất sau khúc quanh của con đường.
Không hiểu sao sau khi gặp bà Điệp và bà Vân tôi không muốn tìm hiểu thêm hai ông chồng của họ. Tôi nghĩ từ từ qua hai bà vợ tôi cũng sẽ rỏ hai ông chồng. Tôi khám phá một sự tình cờ ngộ nghĩnh: bà Điệp người Nam, bà Vân người Bắc, còn tôi người Trung, nhà tôi lại ở giữa nhà hai bà. Chào hỏi nhau lần đầu bà Điệp đi thẳng ngay vào việc tìm hiểu thân thế tôi, còn bà Vân lại ngỏ ý mời tôi sang nhà bà để giới thiệu với chồng bà. Dựa vào cử chỉ đó tôi đoán tính tình của hai người. Bà Điệp gốc Nam nên tính tình bộc trực, nghĩ sao nói vậy; bà Vân người Bắc kín đáo hơn, muốn gì chắc bà sẽ chờ đợi, sẽ đi vòng quanh chứ không đi thẳng ngay vào vấn đề. Tôi cười thầm cái tật hay phân tích tâm lý người khác của mình. Thì nhà văn là gì nếu không là kẻ biết nhận xét, biết phân tích những gì thấy được, cảm được để sau đó trút những nhận xét, phân tích vào những nhân vật hư cấu của mình, biến họ thành những mẫu người điển hình tương phản nhau như thiện hay ác, đam mê hay lý trí,mơ mộng hay thực tế, thủy chung hay bội bạc hoặc những mẫu người dửng dưng, gàn dở hay thật bình thường.
Quen bà Điệp, qua mấy lần gặp mặt ở địa điểm lấy thư, mỗi lần câu chuyện kéo dài thêm vài phút, tôi biết được một phần đời sống của hai vợ chồng. Điệp là tên con gái của bà vì chồng bà tên Lân. Bà Điệp trước là một chuyên viên địa ốc, bà bỏ nghề sau khi lấy ông Lân. Bà Điệp kém ông Lân 17 tuổi, là vợ thứ hai. Hai người ở với nhau vừa đúng 5 năm. Bà Điệp cũng tiết lộ bà đã có một đời chồng trước, có một con trai 10 tuổi hiện ở với ông chồng cũ. Bà Điệp không nói lý do bà ly dị chồng, không nói lý do con trai bà không ở với bà, không nói ông Lân có bao nhiêu người con với người vợ trước. Riêng tôi, tôi thấy không cần thiết biết thêm về quá khứ của họ. Duy một lần bà Điệp đề cập đến sự độc thân của tôi và với câu trả lời như thường lệ “tôi thích sống một mình hơn” của tôi bà Điệp nói một câu làm tôi băn khoăn suy nghĩ:
– Đứng trước một sự chọn lựa, sau khi đã chọn xong đừng bao giờ hối tiếc, dù sự chọn lựa đó có xoay vần ra sao đi nữa. Phải giữ vững lập trường cho đến khi nào mình lại bị đặt trước một sư chọn lựa khác.
Quan niệm sống của bà Điệp là sống thực tế, tận hưởng những gì mình đang có. Ông Lân đã mang lại cho bà hơn những gì bà cần. Tôi nghĩ bà đã chọn lựa giữa chồng bà, một giáo sư trung cấp và ông Lân, chủ nhân ông của mấy dãy cao ốc cho thuê. Tôi nghĩ hai người đang hạnh phúc dù mỗi người có thể hạnh phúc vì một lý do khác nhau. Ông Lân hạnh phúc vì có một người vợ trẻ đẹp, khoẻ mạnh; cặp tay bà Điệp đi giữa chốn công cộng là một niềm kiêu hãnh của ông. Bà Điệp hạnh phúc vì bà có được một đời sống vật chất như bà muốn có. Ngồi vào tay lái chiếc BMW thể thao mui trần của ông Lân mua cho bà, bà Điệp không khỏi tự mãn khi nó thu hút bao nhiêu cặp mắt nhìn vào thèm muốn mỗi khi bà lái xe chầm chậm qua những khu phố đông người. Nhưng đôi khi tôi lại thắc mắc bà Điệp có thoải mái về mặt tình cảm không? Giữa hai vợ chồng tôi thấy rõ có chút lệch, lệch về tuổi tác, lệch về thể chất vì ông Lân với cái đầu hói và cái bụng bắt đầu phệ không thể nào gọi là xứng đôi khi đứng cạnh bà Điệp. Tôi tự hỏi rồi tự trả lời rằng nếu bà Điệp lấy tiện nghi vật chất làm trọng tâm thì tình cảm chỉ nằm ở vị trí thứ yếu trong đời sống của bà mà thôi. Rồi trong một phút bốc đồng tôi tự hỏi nếu tôi đứng cạnh bà Điệp có xứng đôi không? Nhìn bên ngoài chắc chắn là xứng, cân xứng tuổi tác hơn, cân xứng vóc dáng hơn, nhưng bên trong chắc lệch, lệch về phía tôi nếu tôi không sửa sai cái khuyết tật của mình. Nếu biết hết sự thật về tôi, đưa ông Lân và tôi lên bàn cân, chưa biết bà Điệp sẽ cho ai nặng cân hơn ai!
Tìm hiểu đời sống bà Vân khó khăn hơn. Tôi phải suy đoán những gì bà Vân thổ lộ. Chưa bao giờ bà xác nhận bà lớn tuổi hơn chồng bà. Bà không không nói dối nhưng bà không nói thẳng ra, bà nói quanh quanh hay nói xa xa. Câu bà thường khéo léo chêm vào câu chuyện là “vấn đề nầy, điểm nầy tôi kinh nghiệm hơn chồng tôi”. Khi bà nói bà kinh nghiệm hơn chồng bà tôi phải hiểu vì bà lớn tuổi hơn chồng nên rành hơn. Bà Vân là giám đốc điều hành một hãng nhập cảng hàng hóa Âu Châu; ông Lộc, chồng bà là một kế toán viên. Khi tôi chợt hỏi:
– Có phải bà quen ông vì bà là thân chủ của ông?
Bà Vân cười nhẹ:
– Ông đoán đúng.
Họ sống với nhau đã 10 năm. Không nghe bà Vân đề cập đến chuyện con cái. Và tôi kết luận cặp vợ chồng nầy không con. Nhưng tôi nghĩ họ sống hạnh phúc. Mỗi lần nhắc đến chồng, bà Vân nói bằng một giọng ngọt nào. Còn ông Lộc? Tôi chỉ gặp ông hai lần với vài câu chào hỏi xã giao. Tôi thấy ông Lộc trẻ tuổi nhưng nghiêm nghị, ít nói. Có phải ông không ít nói vì mặc cảm có vợ lớn tuổi hơn mình? Tôi không nghĩ như thế. Xã hội Tây Phương vừa sống cởi mở vừa riêng tư. Không ai dư thì giờ đi dòm ngó đời tư kẻ khác. Và tôi tin hai người sống hạnh phúc. Ông Lộc có thể hãnh diện sự thành công nghề nghiệp của vợ, bà Vân hãnh diện đã làm xiêu lòng một người đàn ông trẻ tuổi hơn mình. Vâng, tôi nghĩ họ hạnh phúc dù rất có thể mỗi người hạnh phúc theo một lý do riêng .
Hình như cả bà Điệp lẫn bà Vân tỏ vẻ thú vị về sự có mặt của một người đàn ông còn độc thân sống ở giữa hai nhà họ. Còn hai ông chồng, tôi không biết họ nghĩ gì? Họ có lo ngại gì tôi không? Họ đâu biết tôi vô hại đến chừng nào! Hạnh phúc của họ tôi bao giờ cũng thèm muốn nhưng có bao giờ tôi đạt được đâu. Từ khi dọn đến nhà mới, quen biết được hai bà,tình cảm lẫn trí tưởng tượng của tôi được kích thích thường xuyên. Có lúc tôi nghĩ mình là người tình của bà Điệp; có khi tôi thấy mình là người yêu của bà Vân. Những lúc tôi khát khao tình dục tôi muốn ôm chầm lấy bà Điệp; khi tôi lãng mạn mơ mộng, tôi muốn nhìn ngắm khuôn mặt diễm lệ của bà Vân.
Cho đến một hôm sự tưởng tượng của tôi cao độ đến mức tôi quyết định mở hai địa chỉ vi thư trên Net, một mang tên Tường Vân, một mang tên Mộng Điệp, để trao đổi thư tình với Nguyễn Sinh là tôi. Và tôi sống với mối tình tay ba tưởng tượng ấy một cách say mê.
“Anh Sinh
Anh hỏi em có chồng già được gì và không được gì? Em thấy câu trả lời có thể mỗi lúc một khác tùy thuộc mình đang ở thời gian nào, tâm trạng nào khi câu hỏi ấy được đặt ra. Nếu nó đặt cho em khi em vừa lấy chồng em sẽ không ngần ngại trả lời em được hơi nhiều: được một người chồng có sự nghiệp, có kinh nghiệm sống, và dĩ nhiên vì là vợ trẻ nên được cưng chìu. Bây giờ sau 5 năm chung sống em vẫn được những thứ đó. Duy có một chút thay đổi trong tâm tư em. Đôi khi em nghĩ vẩn vơ giá lúc nầy có được một vòng tay ngang trang ngang lứa ôm chặt, tim mình chắc sẽ rung động ghê gớm. Không biết đó là thứ tâm tư mà anh thích biết không?
Mộng Điệp”
“ Anh Sinh mến
Vân xin coi anh như một người anh văn nghệ để tâm tình, để bàn luận văn chương. Có những món ăn tinh thần không tìm thấy ngoài đời. Anh hỏi Vân có hạnh phúc không? Vân trả lời là có, luôn luôn có. Nhưng giá anh cũng hỏi chồng Vân câu hỏi đó không biết câu trả lời của anh ấy có giống Vân không. Hạnh phúc theo Vân nghĩ muốn lâu bền phải nuôi dưỡng nó và phải cả hai đồng vun xới. Nếu chỉ có một người tưới, cây có thể nó không chết nhưng sẽ èo uột. Nếu bây giờ Vân nói Vân bắt đầu thấy mỏi tay thì anh có tin không?
Tường Vân”
“ Anh Sinh
Anh hỏi em một câu khó trả lời là đàn bà thích gì nhất ở người đàn ông? Em chỉ là một người đàn bà nên chỉ xin phát biểu với tính cách cá nhân. Em thích nhất người đàn ông tiếp tục âu yếm em sau khi làm tình. Ít người đàn ông nghĩ tới điều đó. Anh tuy độc thân nhưng em tin anh cũng có kinh nghiệm. Anh có phải là người đàn ông tuyệt vời đó không?
Mộng Điệp”
“Anh Sinh
Anh hỏi Vân trong cuộc sống lứa đôi, tâm hồn quan trọng hơn hay gì khác quan trọng hơn.
Không cần đoán Vân cũng biết cái gì khác là gì rồi.Có thể anh ngạc nhiên khi Vân nói có những hình ảnh nhìn bên ngoài rất thanh khiết nhưng bên trong lại sôi sục những ước muốn trần tục. Nhiều khi người ta thanh khiết vì ở cái thế không thể không thanh khiết mà thôi.Vân thấy thanh cao hay bình thường không cái nào tốt hơn, xấu hơn cái nào. Một cuộc sống lứa đôi thành công là tạo được sự hài hòa giữa hai cái cao thấp, thanh tục ấy. Chắc anh còn nhớ vế sau câu danh ngôn của Pascal: “Ai muốn làm thiên thần sẽ trở thành ác quỷ” chứ gì?
Tường Vân”
“ Em
Bây giờ là mùa xuân. Ở đây xứ lạnh nên cảnh trí bên ngoài vẫn là tuyết trắng với hàn thử biểu dưới không độ. Riêng anh, anh cảm thấy mùa xuân đang ở trong tim. Trong tim anh vẫn mai vàng nở đẹp, thời tiết ấm áp vì có em đâu đó thật gần. Với anh, hạnh phúc đôi khi chỉ là cái gì mình chờ đợi, cho dù có khi là mãi mãi chờ đợi..
Sinh”
Tôi chuyển vi thư của tôi lên địa chỉ vi thư của Mộng Điệp và Tường Vân. Những gì tôi viết trong vi thư trái ngược với thực tế tôi đang sống, thui thủi một mình trong căn nhà, căn nhà tôi chưa bao giờ thấy nó mênh mông và lạnh lẽo đến thế! Giờ nầy nhà bà Điệp chắc đang tưng bừng họp mặt văn nghệ vì bà Điệp ngoài thể thao bà còn thích hát, thích khiêu vũ. Còn nhà bà Vân, chắc bà Vân đang bận rộn lo món ăn đãi khách đến xoa mạt chược đầu xuân. Mùa xuân ấm áp hai bên nhưng mình tôi cô đơn lạnh lẽo ở giữa.
Bản tính tôi rụt rè, tuy nhiên bị dồn nén lâu ngày, có một lúc nào đó mình bổng trở nên bạo dạn đến độ liều lĩnh. Chuyện đó đã xảy đến với tôi trong ngày mà ở quê nhà thường gọi là Mùng Ba Tết. Đúng là một ngày định mệnh vì tôi gặp cả bà Vân lẫn bà Điệp ở tại địa điểm lấy thư. Buổi sáng tôi gặp bà Vân. Dạo nầy đã quen thân nên tôi gọi họ bằng chị.
– Chị Vân có địa chỉ vi thư riêng không?
– Có, anh có thơ văn gì hay định chuyển cho tôi xem?
Tôi nói với bà Vân câu nói đã nhẩm đi nhẩm lại không biết bao nhiêu lần:
– Có người trao đổi vi thư với tôi cùng tên với chị. Tôi không dám đoán là ai. Chị có muốn đọc thì tôi chuyển.
Bà Vân tỏ vẻ thắc mắc:
– Lạ nhỉ! Nếu anh thấy không có gì cấm kỵ thì chuyển cho tôi đọc để thỏa tính tò mò của đàn bà.
Tôi ghi địa chỉ vi thư của bà Vân rồi nói giọng ngập ngừng:
– Đọc xong xin chị cho biết ý kiến, tôi thấy nội dung có vài trùng hợp là lạ.
Về đến nhà, ngồi định thần lại tôi tự khen mình đóng kịch giỏi. Sau hai giờ chiều tôi trở ra địa điểm lấy thư, gặp bà Điệp. Tôi diễn lại tuồng buổi sáng, bình tĩnh và trơn tru hơn. Bà Điệp lộ vẻ ngạc nhiên cao độ, cho tôi ngay địa chỉ vi thư của bà và nói tôi chuyển gấp các vi thư mang tên bà cho bà đọc.
Chuyển vi thư xong cho mỗi người, tôi nằm nhà hồi hộp chờ vi thư trả lời. Bỗng tôi đâm lo, lo đến toát mồ hôi khi một ý nghĩ chợt hiện ra: Chắc gì địa chỉ vi thư của hai bà là của riêng họ. Biết đâu họ xử dụng chung với hai ông chồng. Tôi ngủ chập chờn suốt đêm. Sáng hôm sau tôi nhận được vi thư trả lời của bà Điệp: “Cám ơn anh đã cho đọc mấy vi thư của cô hay bà Điệp nào đó. Có mấy chỗ trùng hợp ngộ lắm nghen! Riêng Điệp nầy chỉ xin nói với anh: hiện nay bắt đầu có chút thay đổi trong lòng. Không biết khi nào lại phải đứng trước một chọn lựa mới?”. Đến trưa tôi nhận được vi thư trả lời của bà Vân, có lẽ gởi đi từ sở làm, chỉ vỏn vẹn một câu, dựa theo Kinh Thánh: “Phước cho kẻ biết chờ đợi vì kẻ đó có ngày sẽ gặp ta”.
Không cần lượng giá ẩn ý của hai vi thư trả lời, tôi in chúng ra giấy. Tối đến, áp chúng vào ngực, tôi nằm, mỉm cười một mình trong bóng đêm. Mùa xuân hai bên đang len vào ở giữa. Đêm hôm ấy tôi nằm mơ thấy mình đang ngồi đợi ở phòng mạch của một bác sỉ giải phẫu thẩm mỹ.
Trang Châu