Hình minh hoạ. Người đi đường che mũi vì bụi trong không khí trên đường phố Hà Nội hôm 1/10/2019. Reuters
“Chỉ số hài lòng của người dân đối với công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tăng dần qua từng năm.”
Phát biểu vừa nêu của ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường khi nói về công tác quản lý, bảo vệ môi trường và được báo mạng Dân Trí trích dẫn và đăng tải ngày 4/2.
Người đứng đầu Tổng cục Môi trường thừa nhận công tác quản lý, bảo vệ môi trường ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhưng cục cũng nỗ lực tăng cường hoạt động với những chỉ đạo giải pháp từ Trung ương để đạt được những thành quả nhất định.
Trao đổi với RFA tối 4/2, một kỹ sư không muốn nêu tên vì lý do an ninh, hiện đang sống tại Tổ dân phố Tây Yên, tỉnh Hà Tĩnh, nơi gần sát dự án san lấp mặt bằng với chất thải của Nhà máy thép Formosa nhận xét về phát biểu của ông Nguyễn Văn Tài như sau:
“Ở đâu xa thì anh không biết còn thực tế chỗ anh thì mấy năm nay vấn đề môi trường xả thải ra môi trường như trước thì không còn, chắc chắn sau đó họ cũng chấn chỉnh vấn đề ấy. Nhưng càng về sau lại có càng nhiều vấn đề khác lòi ra như vừa rồi là đổ xỉ thải nhiệt điện ra ngoài tùm lum hết. Nói chung họ chỉ nói thế thôi chứ người dân sao hài lòng nổi, theo anh thì không hài lòng chút nào. Thật ra họ nói theo kiểu mị dân thôi chứ đâu có thế.”
Dạo này ô nhiễm nhiều hơn ngày xưa. Đi ra ngoài đường cơ bản là nếu không có dịch (COVID-19) thì cũng phải đeo khẩu trang vì bụi mù mịt. Có những ngày nó mù giống như sương mù ở Đà Lạt vậy. - Kiều KhanhĐồng quan điểm vừa nêu, chị Kiều Khanh, hiện sống ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ:
“Người dân thực sự không nắm được những tình hình thế này, bảo vệ môi trường mà chủ đề nào gay gắt lắm mà được lặp đi lặp lại trên báo thì người dân mới để ý, còn bình thường những cái đó người dân sẽ không để ý. Nên cái ông phát biểu chắc dựa trên cái ông tham khảo trong phòng ông chứ không tham khảo ý kiến người dân. Tình hình ô nhiễm vẫn đầy, đâu có trồng rừng trồng gì đâu.”
Từ Hà Nội, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường nhận định:
“Tôi cho rằng phát biểu tăng dần, giảm dần hay giữ nguyên đều phải có cơ sở. Cơ sở ấy phải là một chỉ số đánh giá theo định lượng, ít nhất qua khảo sát nào đó với người dân năm năm trước, ba năm trước, hiện nay chẳng hạn thì số người dân có ý kiến là tốt hơn, tăng lên thì mới có thể đưa ra kết luận chính xác. Thế còn nói kiểu định tính thế này thì tôi cũng không tin điều đó đúng hay không đúng.”
Vẫn theo GS. Đặng Hùng Võ, nếu nói theo kiểu định tính như trong phát biểu của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, qua thảo luận với bạn bè câu chuyện café buổi sáng, câu chuyện trao đổi điện thoại, rồi chuyện trao đổi về đề tài nghiên cứu, ông thấy ý kiến chung là vẫn chưa hài lòng với quản lý hiện nay, tức mức độ hài lòng chưa cao, thậm chí có thể nói là chưa tăng. Ông đưa ra nguyên nhân:
“Lý do chưa hài lòng vì chỉ số ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng hơn; các dòng sông bị chết, bị ô nhiễm tôi khẳng định chưa khôi phục được sông nào; ô nhiễm đất nhiều nơi đang xảy ra; biển cũng được đánh giá Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á chứa nhiều tác thải nhựa nhất.”
Rác chất thành đống tại bãi rác tạm gần các tòa nhà cao tầng ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 17/7/2020. AFP
Xác nhận thực trạng môi trường như vừa nêu, chị Kiều Khanh nói rõ hơn về tình hình tại thành phố lớn nhất phía Nam:
“Dạo này ô nhiễm nhiều hơn ngày xưa. Đi ra ngoài đường cơ bản là nếu không có dịch (COVID-19) thì cũng phải đeo khẩu trang vì bụi mù mịt. Có những ngày nó mù giống như sương mù ở Đà Lạt vậy.”
Tình trạng ô nhiễm không khí như chị Kiều Khanh vừa đề cập không chỉ xảy ra ở riêng thành phố Hồ Chí Minh, mà còn ở các tỉnh thành khác của cả nước. Trong đó, Hà Nội được đánh giá là thành phố ô nhiễm không khí cao nhất nước.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam ngày 12/1 dẫn lời Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Cơ, thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho hay ô nhiễm không khí ở Hà Nội sẽ còn kéo dài, ít nhất từ nay đến năm 2030, dù có làm gì thì thay đổi cũng sẽ không nhiều.
Ông Hoàng Xuân Cơ cho rằng nếu Việt Nam hành động ngay thì đến thời điểm 2030 sẽ có biến chuyển, nếu không sẽ kéo dài hơn. Giải quyết bài toán này phải cần đến rất nhiều năm.
Lý do chưa hài lòng vì chỉ số ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng hơn; các dòng sông bị chết, bị ô nhiễm tôi khẳng định chưa khôi phục được sông nào; ô nhiễm đất nhiều nơi đang xảy ra; biển cũng được đánh giá Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á chứa nhiều tác thải nhựa nhất. - GS. Đặng Hùng VõTheo lời Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài được báo đăng tải ngày 4/2, kết quả hoạt động của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực môi trường đã tập trung kiểm soát 20 - 30% các đối tượng có nguy cơ ô nhiễm cao qua đó kiểm soát được tới 80% vấn đề môi trường.
Bên cạnh đó, công tác quản lý còn giải quyết dứt điểm hơn 1.000 kiến nghị, phản ánh nhận được qua đường dây nóng, đồng thời đảm bảo xử lý đúng thời hạn gần 90% kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực môi trường, GS. Đặng Hùng Võ đưa ra nhận xét:
“Có cố gắng, tức về mặt ý thức được trách nhiệm, ý thức về mặt chưa làm tốt. Tinh thần thì tôi nhận thấy là cấp trung ương và cấp tỉnh có cố gắng nhưng cố gắng đó tạo ra hiệu quả, hiệu suất quản lý thế nào thì tôi cho rằng vẫn chưa đạt được hiệu suất cần thiết.”
Cụ thể, GS. Đặng Hùng Võ khẳng định nguyên tắc quản lý là sao cho không xảy ra sự cố môi trường, tức là phòng hơn chống. Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, ông cho rằng chính quyền vẫn đang trong tình trạng để xảy ra rồi mới chống!
Theo RFA