Một cô giáo tiểu học cùng học trò của mình tại lễ đón chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith thăm Việt Nam, tháng 12/2017. REUTERS
Chỉ trong một tháng mà có đến hai vụ thầy giáo vòi tiền của học sinh để nâng điểm thi. Vụ thứ nhất xảy ra ở Trường cao đẳng Y tế Quảng Nam. Một giảng viên của trường này 'vòi vĩnh', nhận tiền của 44 sinh viên với tổng số tiền hàng chục triệu đồng.
Chiều ngày 10 tháng 1 năm 2021, ông Huỳnh Tấn Tuấn, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường cao đẳng Y tế Quảng Nam cho biết, hội đồng nhà trường vừa thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với giảng viên này, buộc trả lại tiền cho học sinh.
Vụ thứ hai xảy ra tại Trường đại học Hoa Sen vào đầu tháng 2 năm 2021. Một giảng viên thỉnh giảng môn tiếng Anh của trường này đã chủ động gợi ý sinh viên đóng mỗi người 500.000 đồng để được nâng điểm thi học kỳ môn này.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện - hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen cho báo chí biết, trước những minh chứng cụ thể và xác đáng, vị giảng viên này đã thừa nhận vi phạm của mình.
Trước đó, hình ảnh cao quý của người thầy trong con mắt dư luận, xã hội phần nào bị vẩn đục qua phiên sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi Trung học phổ thông năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình vào giữa tháng 5 năm 2020. Tại phiên tòa, cựu trưởng phòng khảo thí Diệp Thị Hồng Liên nói rằng có nhiều trường hợp gian lận, mình không làm theo sẽ khó vì: "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật".
Tôi từng nghe những câu chuyện kinh khủng, động trời như thế này: Mỗi lần Tết đến hoặc sau mỗi kỳ thi, các học sinh lập một danh sách ghi tên học sinh và số tiền bên cạnh mong thầy nâng đỡ, rồi gửi cho thầy. - Giảng viên Phạm Minh HoàngÔng Phạm Minh Hoàng, từng là giảng viên Đại học Bách khoa TP.HCM, nhận định nguyên nhân dẫn đến việc người thầy bị đồng tiền che mất nhân cách:
“Nếu mình nghĩ tích cực thì lý do là đồng lương của người thầy không đủ sống cả về đại học lẫn tiểu học. Có những thầy cô có lương tâm thì họ kiếm thêm thu nhập bằng việc nuôi heo, nuôi gà ở miền quê, thậm chí có trường hợp thầy cô làm công cho gia đình học trò. Còn những người thầy không có lương tâm thì sẽ có chuyện nhận tiền học trò để nâng điểm. Với những người như vậy thì tôi không biết phải dùng chữ gì để nói về tư cách của họ.
Cá nhân tôi chưa gặp nhưng chính tôi thấy tận mắt một phụ huynh ngỏ ý với một đồng nghiệp của tôi nhưng anh đó không đồng ý nhận tiền như vậy. Tôi từng nghe những câu chuyện kinh khủng, động trời như thế này: Mỗi lần Tết đến hoặc sau mỗi kỳ thi, các học sinh lập một danh sách ghi tên học sinh và số tiền bên cạnh mong thầy nâng đỡ, rồi gửi cho thầy.”
Mức lương giáo viên cũng là đề tài được nhiều người trong ngành giáo dục nói đến từ lâu. Thậm chí có người cho rằng, muốn thay đổi hay vực dậy ngành giáo dục có quá nhiều tiêu cực trong những năm qua, điều đầu tiên cần làm là tăng lương cho giáo viên.
Theo quy định hiện nay, mức lương của giáo viên tiểu học mới vào nghề, bao gồm phụ cấp ưu đãi nghề, chỉ hơn ba triệu đồng/tháng. Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các giáo viên này sau 25 năm làm việc sẽ có thêm ưu đãi thâm niên nghề và ưu đãi vượt khung, mức lương dao động từ chín triệu đến mười triệu đồng/tháng.
Giáo sư Đặng Hùng Võ từng lên tiếng về vấn đề này với RFA:
“Chế độ đãi ngộ và lương cho giáo viên tất cả các cấp phải được tính như bên công an và quân đội. Nghĩa là phải gấp rưỡi những người làm ở các ngành khác và xã hội phải tôn trọng Thầy, Cô trong ngành giáo dục. Điều này gắn với thể chế.
Công an và quân đội có nghĩa vụ bảo vệ đất nước, còn giáo viên là những người đào tạo ra thế hệ sau, tức vừa bảo vệ vừa phát triển đất nước. Vai trò không kém công an với quân đội hiện nay.
Bây giờ nhiều khi vẫn còn câu chuyện được coi như tếu lâm ngày trước là em nào học kém thì vào sư phạm. Với nhận thức như thế thì không thể nào có một nền giáo dục tử tế được.”
Một cô giáo phát cờ Trung Quốc và Việt Nam cho học sinh tại lễ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hà Nội vào ngày 12 tháng 11 năm 2017. AFP
Bên cạnh việc giáo viên công khai vòi tiền như hai trường hợp ở Trường cao đẳng Y tế Quảng Nam và Trường đại học Hoa Sen, việc ‘tết thầy’ bằng tiền và việc giáo viên vô tư nhận, xem như chuyện bình thường, đã diễn ra một cách phổ biến từ nhiều năm qua. Nhiều phụ huynh có con nhỏ cho rằng đó là việc phải làm dù không ai bắt buộc.
Ông Đức có hai con nhỏ ở Sài Gòn nêu ý kiến của mình:
“Thật ra thì việc học trò biếu xén thầy cô giáo hay cấp dưới biếu cấp trên vào dịp lễ tết nó như là phong tục, tập quán từ lâu rồi. Thế nhưng ngày xưa nó mang ý nghĩa tình cảm, quý mến, trân trọng nhau.
Đến thời kinh tế thị trường, đời sống người dân sung túc lên thì những món quà đó lại nặng về giá trị vật chất. Từ đó tôi nhận thấy nó phát sinh các vấn đề như nhờ vả, cậy cục rồi đút lót để được việc của mình. Nói thẳng là như thế.
Rõ ràng những hành vi như thế ảnh hưởng đến tư cách, làm giảm sút uy tín và phẩm chất của người thầy. Rất nhiều là đằng khác. Đó là lý do người ta hay nói đi học là ‘đi mua chữ’.”
Ông Đức nói thêm rằng, chưa bao giờ có thầy cô nào gợi ý thẳng, nhưng vào dịp lễ tết hay sinh nhật thầy cô mà mình không biếu xén thầy cô thì tự nhiên người học trò cũng như người phụ huynh có cảm giác như mình đang phạm một lỗi gì nghiêm trọng lắm.
Cũng cùng suy nghĩ với ông Đức, cô Hạnh có hai con gái đang học tiểu học cũng bày tỏ:
“Vào những dịp lễ, Tết, dù thầy cô giáo không công khai vòi tiền phụ huynh học sinh nhưng phụ huynh hiểu nguyên tắc ngầm là phải biếu xén, lì xì cho thầy cô. Đây không chỉ là lỗi của thầy cô mà có cả lỗi của phụ huynh trong đó nữa.
Theo em nghĩ, cái thói quen này sẽ ảnh hưởng đến học sinh khi nó lớn lên, bởi nó sẽ tiếp tục hối lộ cho thầy cô giáo. Và nếu như tụi nó trở thành thầy cô giáo thì nó lại vòi tiền học sinh và học sinh. Dĩ nhiên không phải thầy cô nào cũng vậy. Nhưng đó là điều nguy hiểm cho xã hội.”
Xã hội Việt Nam coi nghề giáo là một nghề cao quý. Những người thầy từ thời xưa luôn được xã hội kính trọng bởi họ hội đủ tài năng và đạo đức. Ngoài việc dạy chữ, người thầy còn dạy cho học trò của mình đạo đức, đạo sống, đạo làm người. Bản thân những người thầy chính là những tấm gương sáng để học sinh noi theo. Ngược lại, bản thân những người thầy cũng luôn ý thức vai trò của mình. Họ luôn gìn giữ nhân cách người thầy với những quy tắc đạo đức đáng quý.
Rõ ràng những hành vi như thế ảnh hưởng đến tư cách, làm giảm sút uy tín và phẩm chất của người thầy. Rất nhiều là đằng khác. Đó là lý do người ta hay nói đi học là ‘đi mua chữ’. - Ông ĐứcNgười ta cho rằng, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, coi trọng giá trị đồng tiền, và chủ trương xã hội hóa giáo dục, hình ảnh cao quý của người thầy đã trở nên ‘bình dân’ và những đòi hỏi khắt khe về tư cách người thầy đã không còn như xưa nữa.
Nhà giáo Phạm Minh Hoàng nêu quan điểm của ông:
“Xã hội hôm nay có sự tiến bộ về vật chất, kinh tế nhưng nó tha hóa về đạo đức. Người ta sẵn sàng đạp lên tất cả để đạt cái mục tiêu của họ, không chỉ trong lãnh vực giáo dục mà ở nhiều lãnh vực khác nữa. Đó là điều đáng buồn. Hơn nữa, khi học trò ‘mua’ được người thầy thì rõ ràng người học trò sẽ không còn tôn trọng người thầy này nữa.”
Thực tế cho thấy nhiều người đứng trên bục giảng nhưng ‘bán’ mình để lấy những đồng tiền không chính đáng như trường hợp hai vụ việc mới nhất được nêu ra trong phần đầu bài viết này.
Theo RFA