Nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, trong bức ảnh đăng tải trên trang Facebook cá nhân, vừa bị công an Quảng Trị bắt giam và khởi tố tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước".
Nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, trưởng văn phòng đại diện báo Giáo Dục và Thời Đại tại Đà Nẵng, hôm 10/2 bị khởi tố và bắt tạm giam vì bị cho là “lập Facebook ẩn danh nói xấu lãnh đạo”.
Truyền thông trong nước trích dẫn nguồn tin của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị cho biết cơ quan này quyết định tạm giữ hình sự nhà báo Bảo Thy để điều tra về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân” theo điều 331 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Một số nhà báo khác, trong đó có Trương Châu Hữu Danh và Phạm Đoan Trang, đã bị bắt giữ trong năm ngoái vì những cáo buộc tương tự.
Cùng với lệnh khởi tố, nhà báo Bảo Thy, 50 tuổi, còn bị bắt tạm giam 2 tháng để phục vụ điều tra, theo Tuổi Trẻ. Lệnh khởi tố và bắt tạm giam được đưa ra 5 ngày sau khi ông Bảo Thy bị mời làm việc rồi tạm giữ tại đồn Công an Quảng Trị.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản Facebook đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh, video… có nội dung “nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm đến uy tín, danh dự của các cá nhân, trong đó có lãnh đạo tỉnh, Bộ ngành Trung ương”, theo báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh (PLO).
Theo nguồn tin của phóng viên VietNamNet, công an Quảng Trị hôm 5/2 đã khám xét chỗ ở, nơi làm việc của ông Bảo Thy tại Đà Nẵng. Qua đó lực lượng chức năng đã thu thập nhiều tài liệu liên quan đến hành vi nói trên.
Theo PLO, nhà báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khai nhận về việc cùng ông Lê Anh Dũng, người cũng bị khởi tố và bắt tạm giam hôm 10/2, soạn thảo nhiều bài viết “nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo tỉnh Quảng Trị”.
Tổng cộng hơn 10.000 trang tài liệu liên quan đã bị thu giữ sau khi Công an Quảng Trị kiểm tra, trích xuất dữ liệu điện thoại, máy tính cá nhân của hai người nói trên, theo Dân Việt.
Theo báo cáo thường niên của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đưa ra cuối năm ngoái, Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, được coi là những “nhà tù lớn nhất” đối với các nhà báo.
Thống kê của RSF cho biết tại thời điểm tháng 12/2020, Việt Nam đang giam giữ 7 nhà báo chuyên nghiệp và 21 blogger sau khi chính quyền tiến hành một làn sóng bắt giữ mới trước thềm Đại hội Đảng 13 vừa kết thúc hôm 1/2.
Vào tháng trước, Việt Nam kết án thêm 3 nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập, trong đó có ông Phạm Chí Dũng, với mức án tổng cộng lên đến 37 năm tù, một bản án mà Mỹ và Liên minh châu Âu lên án là “khắc nghiệt”.
Việt Nam xếp hạng 175/180 nước trên thế giới về Chỉ số Tự do Báo chí của RSF năm 2020.
Theo VOA