logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 12/02/2021 lúc 01:58:54(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Người đàn ông hít một hơi dài, rồi thì thầm vào ống nghe điện thoại, “Hello, con đấy hả, bố đây.”


Đầu dây kia, giọng phụ nữ xoáy vào tai ông, “Bố đấy à? Mẹ có đó không vậy?”


Câu hỏi làm cái hăm hở trong lòng người đàn ông rũ xuống như miếng bánh đa nhúng nước. Ông gượng gạo, “Mẹ mày đang ở trong bếp.”


“À,” con bé ậm ừ vài giây. “Bố… sao rồi?”


“Vẫn vậy.” Ông trả lời nhập nhằng để con gái phải hỏi thêm, để có chuyện mà nói, bởi lâu nay hai bố con chẳng giáp mặt nhau.


Nhưng con gái không chút quan tâm, “Mẹ khỏe không bố?”


“Khỏe.”


Vài giây im lặng, ông không biết phải nói gì, đầu dây kia chắc con gái ông cũng loay hoay tìm câu để nói.


Rồi cái giọng trong veo lại khuấy lên, “Bố ra ngoài có đeo khẩu trang không đấy?”


“Có chứ.”


“Bố ra ngoài làm gì vậy?”


“Tao chẳng có đi đâu, ra ngoài làm gì?”


“Bố không đi giao báo nữa à?”


“Covid làm hãng xưởng đóng cửa, có ai quảng cáo nữa đâu!”


Lại im lặng. Như thể đầu dây kia, cô con gái đang ngẫm nghĩ, tìm một câu an ủi bố. Người đàn ông nghĩ vậy, ông đang buồn và cần một lời an ủi, nên ông nghiêng đầu chờ đợi.


“Mấy cái khẩu trang con gửi bố đã dùng hết chưa vậy?” Con gái hỏi.


“Còn nguyên cả đống đấy chứ đâu.”


“Vậy bố không xài đến à?”


“Có chứ.”


“Sao bố nói còn nguyên cả đống?”


“Thì...”


Người đàn ông ngập ngừng. Con gái vẫn không bỏ được cái tật ấy. Cứ có dịp là tra vấn bố hết câu này đến câu khác. Hệt như bọn công an chấp pháp thẩm vấn ông cái thời ông ở tù. Ý nghĩ làm cái mặt đầy những nếp nhăn của ông nóng lên. Quân khốn nạn. Cứ nghĩ đến chúng nó là ông muốn chửi thề.
“Con đã dặn đi dặn lại là ra ngoài luôn phải đeo khẩu trang.” Con gái gằn từng chữ, kéo ông về với thực tại.


“Thì tao vẫn đeo đấy chứ.” Ông cũng gằn từng chữ dù vẫn cố nhỏ nhẹ.


Giọng đứa con gái có vẻ không vui, “Nói bao nhiêu cũng vậy!”


“Đã bảo là có đeo khẩu trang.”


“Dù bố có chống chuyện đeo khẩu trang thì cũng phải nhớ đến mẹ.”


Con gái nhắc đến cái lập trường cứng rắn của ông từ mấy tháng trời nay. Đeo khẩu trang làm ông khó thở. Khẩu trang hệt như bàn tay kẻ nào đó bịt kín miệng ông lại, làm ông mất hết cả tự do. Mà với ông thì tự do là một trong hai thứ không gì quý hơn. Điều này ngày trước ở bên nhà ông đã phải nghe đến mòn cả tai.


Ông xuống giọng dịu dàng, “Bố vẫn đeo khẩu trang đàng hoàng.”


Ông cần dịu dàng với con bé. Nó đã có gia đình. Nó lớn lên ở xứ này. Nó có công ăn việc làm vững chắc. Tiền nó làm ra gửi đến chật cả ngân hàng. Nó có nếp suy nghĩ riêng. Nó có quan điểm riêng, gần như đối nghịch với ông – hai bố con đã từng gân cổ với nhau thiếu điều ông muốn từ nó và nó không còn muốn nhìn mặt ông - nhưng lúc này ông đang cần nó, ông phải mềm như bún trước mặt nó, ông không thể chọc cho nó giận.


Thành ra ông dịu giọng lập lại cái câu vừa nói, “Đi đâu bố cũng đeo khẩu trang.”


“Sao bố bảo khẩu trang con gửi cho bố còn nguyên cả đống? Khẩu trang này xài một lần rồi bỏ. Còn một đống nghĩa là bố đâu có xài.”


Con bé này lại lý sự. Người đàn ông nuốt nước bọt, cho trôi nỗi bực dọc chỉ chực bùng lên trong cổ họng. Ông điện thoại cho con gái vì ông có chuyện cần đến nó. Lúc này chỉ có nó là cứu được ông. Nhưng cái chuyện khó nói ấy biết đến bao giờ mới nói ra được. Con gái ông cứ tra vấn ông hết câu nọ đến câu kia thế này.


“Bố đi những đâu vậy?” Con bé hỏi, giọng lạnh băng.


“Thì đi chợ mua mấy thứ lặt vặt.”


“Bố đi một mình à?”


Ông suy nghĩ. Ông vẫn thường ra ngoài một mình. Đi bộ một quãng đường cho dãn gân cốt, tạt ngang tiệm thực phẩm Á Châu mua vài món ăn người ta làm sẵn như phá lấu, vịt quay rồi ghé nhà ông bạn thân, bày trò nhậu và tán chuyện thời sự Hiệp Chủng Quốc với nhau. 


“Bố đi một mình à?” Con gái lặp lại câu hỏi.


“Cũng có đi với mẹ mày chứ.” Ông vội lấp liếm.


Con bé yêu mẹ nó. Cứ vài ngày lại điện thoại hỏi mẹ có khỏe không. Bao giờ cũng vậy, cuộc thẩm vấn trên điện thoại với mẹ xoay quanh những câu đại loại như mẹ có bị sốt không, có bị ho không, có mệt mỏi không, có ngửi mùi thức ăn được không, có gặp người nào bị bệnh Covid không. Toàn bộ những câu mà người ta thường hỏi khi khách hàng bước chân vào một cửa tiệm  trong mùa giãn cách cơn đại dịch. Ông không muốn con gái nghĩ bố bỏ mẹ ở nhà vì mẹ bị cách ly sau khi có những triệu chứng vừa kể. Nó muốn chắc ăn là cả bố lẫn mẹ không ai bị nhiễm Covid hết.


Ông lặp lại, “Lâu lâu bố rủ mẹ đi bộ cho dãn gân cốt.”


Con gái có vẻ hài lòng. Mùa này thiên hạ gấu ó nhau rồi đem nhau ra tòa ly dị hơi nhiều. Chắc cô không muốn bố mẹ lâm vào cảnh ấy.


“Thế ra ngoài mẹ có đeo khẩu trang không?”


Vẫn cái giọng điệu cũ. Con bé cứng đầu cứng cổ này. Ông nghiến răng, nén giận, “Sao không đeo.”


“Có xài khẩu trang mà sao bố bảo còn nguyên cả đống?”


Cơn nóng lan từ hai vành tai xuống cổ, bò ra hai má, tràn xuống cằm người đàn ông. Ông đưa tay gãi đầu, hệt như đang phải ngồi trước mặt gã công an khu vực, cố trả lời những câu hỏi hóc búa của cái đứa dịch vật.


“Ấy là bố nói thế.” Ông cố nhỏ giọng, cố dịu dàng với con gái, như thể đang nói với nó lúc nó mới lên ba lên bốn. Ông cần hòa hoãn để khi ông đưa cái câu quan trọng nhất - mà đã suy nghĩ nát nước mấy hôm nay - mới nghĩ ra được, thì con gái sẽ vui vẻ chấp thuận.


“Ra ngoài, bố thường tiếp xúc với những ai?” Cuộc thẩm vấn tiếp tục.


Ông nghĩ ngay đến ông bạn thân duy nhất.


“Lại nhà ông sui.”


“Lại nhà bố mẹ chồng của con à?”


“Thì đấy.”


“Bố làm gì ở nhà bố mẹ chồng của con?”


“Nhậu lai rai, nói chuyện thời sự...”


“Ngoài bố mẹ anh Vĩnh ra còn có ai khác ngồi nhậu với bố không?”


Da mặt dầy lên, hai hàm cứng lại, người đàn ông trừng mắt nhìn vào tấm hình chụp buổi lễ đăng quang tổng-thống-của-ông bốn năm trước ở thủ đô Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ mà ông cắt được trên báo. Lòng ông chợt mềm nhũn cơn buồn. Ông thả tia nhìn xuống cái đống vuông vức trên mặt bàn phòng khách. Vài chiếc bánh chưng dựa vai nhau. Năm cũ chưa qua mà vợ ông đã vội vã kéo về nhà cái hương của Tết.


“Mày hỏi gì kỹ thế?”


“Con muốn biết có an toàn không.”


Ông nhớ những buổi nhậu mê mải với ông sui. Hai người là bạn thân từ thời niên thiếu. Học cùng trường. Sống chết có nhau. Đôi khi suýt yêu cùng một người con gái. Cắt máu ăn thề làm anh em kết nghĩa. Hứa có con sẽ gả chúng nó cho nhau. Lạc nhau một thời gian. Qua bên này trôi nổi ít lâu lại gặp nhau. Và thành sui gia với nhau.


Đời, đúng là cái vòng lẩn quẩn.


Thế nhưng có ai ngờ một sự rạn nứt - không thể nào hàn gắn - vào cái thời tóc bạc lại có thể xảy ra giữa hai đứa bạn thời niên thiếu ấy. Và ông thành kẻ thua đau. Vì vậy ông cần con gái ông rộng tay giúp đỡ. Đắn đo mãi ông mới dám gọi cho nó. Nhưng nói tới nói lui mãi ông vẫn chưa mở được lời.


Ông nói cho con gái yên lòng, “Bố mẹ thằng Vĩnh an toàn mà.”


“Ông bà ấy có thường ra ngoài không?”


“Chả bao giờ.”


“Sao bố biết? bố có ở chung nhà với họ đâu.”


Mặt ông lại bừng nóng. Nếu là ngày xưa - và còn ở Việt Nam - ông đã tát cho nó một cái vêu mặt cho chừa cái tội tra khảo bố mình. Ông im lặng. Ông không tìm ra được câu trả lời.


“Ngoài nhà bố mẹ anh Vĩnh ra bố còn đi đâu nữa không?”


“Bố chả đi đâu.” Ông vừa nói vừa lắc đầu một mình.


“Bố nói dối.” Câu nói tạt vào mặt ông như gáo nước lạnh.


“Nói dối làm gì.” Ông xới những ngón tay vào cái đầu tóc xù, gãi lớp da đầu đang phồng lên vì cơn nóng giận phải cố kềm xuống.


“Bố đi đâu con biết hết.” Con gái nói, quả quyết như thám tử điều tra tội phạm.


Người đàn ông bối rối. Tim đập rung ngực áo. Làm sao nó biết được những gì ông làm nhỉ. Nó có đặt máy quay phim đâu đó trước cửa nhà ông không đây. Hay là nó có thám tử tư theo dõi hành động của ông. Hai nhà bên hàng xóm và dãy nhà đối diện, phía bên kia đường không có người Việt, chắc chẳng ai theo dõi dùm nó hoặc cho nó đặt máy quay phim. Mà dù có cho rằng bố cực đoan đến mức con phải từ bố thì nó cũng cần gì phải làm như thế chứ.


“Con thấy bố trên ti vi.” Con bé ném vào cái im lặng trên đường dây điện thoại câu kết luận ngắn, gọn và lạnh lùng.


Ông ngớ ra, miệng há hốc. Hụt ơi, ông chống chế, “Hồi nào đâu?”


“Hôm mồng sáu tháng Một vừa rồi.” Con gái tiếp, “Con thấy bố cầm cờ, hò hét trong đám đông.”


Ông lặng thinh. Đầu ông chợt nặng trĩu như ai đó vừa để lên đỉnh đầu ông một tảng đá.


“Con không thấy bố đeo khẩu trang.”


Ông thở phào. Tưởng nó bắt bẻ ông chuyện gì khác nghiêm trọng hơn chứ chuyện khẩu trang thì giải thích được.


“Có đeo chứ, tại đánh rơi mất…”


“Con thấy bố rõ ràng trên ti vi.” Con bé tiếp.


Mắt ông mờ đi. Hôm ấy ông thua. Không phải vì thua trong cuộc bạo loạn, mà thua đau màn cá độ với ông sui, đứa bạn thiết thân từ thời niên thiếu. Món tiền cũng lớn. Thua nên ông mới phải xuống nước mềm giọng chuyện trò với con gái, mong nó rộng lòng cho ông mượn (hay cho luôn thì càng tốt) một số tiền để ông trả cho sui gia. Dù thằng bạn chí thân (kiêm sui gia) kia không còn là bạn chí thân nữa nhưng một lời đã nói ra thì không thể nuốt vội.


Nhưng cứ tình hình này thì kể như không mượn được - dù một xu - từ đứa con gái rượu nữa rồi.


“Thôi bố bye nhé,” ông nói vội.


Con gái làm như không nghe thấy, “Con không hiểu sao bố lại làm vậy.”


“Làm vậy là làm gì?” Ông sẳng giọng quát vào ống nghe điện thoại.


“Nhập chung với đám ấy. Có hay ho gì đâu.”


Ông ngấu nghiến nhai từng chữ, “Mày sinh sau đẻ muộn…”


“Con sinh sau đẻ muộn thì sao?”


“Mày làm sao hiểu được cái đau của thêm một lần Ba Mươi Tháng Tư nữa.”


Làm như không nghe bố nói gì, con gái giáng xuống nhát búa cuối cùng, “FBI đã đến tìm bố chưa?”


Cái giọng lạnh lùng của nó làm nỗi lo âu quậy lên đục ngầu trong lòng ông. Ông hùng hổ gào lên cái câu vẫn ném vào mặt những đứa bạn bỗng dưng thành kẻ thù không đội chung trời, “Chờ đi, rồi chúng mày sẽ sáng mắt ra” rồi hung hăng cúp điện thoại.


Vậy là rõ ràng con gái ông đứng về phía đối nghịch với ông. Thằng bạn thân duy nhất của ông (đồng thời cũng là sui gia) thì hẳn nhiên đối nghịch với ông từ lâu. Nó luôn châm chọc cách suy nghĩ của ông, nhiều lúc ông muốn đấm vào cái mặt vênh váo ấy cho gẫy hết răng - cả răng thật lẫn răng giả - nhưng ông luôn kiềm lại được. Những lúc cơn giận bốc khói trên đỉnh đầu ấy, ông luôn cố nhớ lại những ngày đèo nhau lượn Honda vòng vèo đường phố Sài Gòn, những buổi tập quân sự mờ mắt trong cái nắng gắt gay Long Thành, những buổi học chính trị mòn tai ở Suối Máu, và nhất là những ngày lây lất trong trại tị nạn Mã Lai, cái thời hai gã trai trẻ nằm bên nhau, đầu gối trên khúc cây, đắp chung tấm chăn rách mướp mà một người có danh sách đi định cư bỏ lại, cùng vẽ vời chuyện tương lai, cái thuở hai thằng chia nhau gói mì Cao Ủy, cái thời thề hứa mai mốt có con, hai đứa sẽ làm sui gia với nhau.


Ông sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện; ngay cả khi bị nó dán cho cái nhãn hiệu “cuồng”, ông cũng bỏ qua, vậy mà khi ông bị thua cá độ, nó không nói với ông một lời ân xá nào. Nó còn mỉa mai ông rằng Ngài của ông muốn ân xá cho ai trong những ngày cuối trên ngai vàng cũng được nhưng nó thì không ân xá cho ông. Thua cá độ thì phải trả không thiếu xu nào. Đến bây giờ ông vẫn nhớ giọng cười đắc thắng của nó. Thằng bạn khốn nạn. Có ai ngờ óc nó lại toàn bã đậu như thế. Bọn Tàu đã đông như quân Nguyên ở cái đất nước Việt Nam khốn khổ kia và bọn Tàu ấy sắp vượt đại dương qua nước Mỹ này rồi mà nó có thèm biết đến đâu.




Dù đứng trong tuyệt lộ nhưng ông vẫn cương quyết không cúi đầu năn nỉ với thằng-bạn-sui-gia để được nó ân xá. Nó cư xử với bạn không còn tình nghĩa như thế thì van vỉ cũng bằng thừa. Vợ ông thì trong vắt như tấm kính thủy tinh. Bà ấy chẳng có lập trường hay quan điểm gì hết. Bà ấy tuyệt đối không theo phe nào. Bà ấy trong vắt, nắng chiếu xuyên qua đầu óc bà ấy không vạch lên vách tường hình ảnh nào, người ta có thể nhìn xuyên qua bà như nhìn xuyên qua tấm kính thủy tinh luôn được lau chùi sạch sẽ. Bà ấy chỉ khe khắt chuyện tiền bạc. Moi được một đồng từ túi bà ấy còn khó hơn đi cướp ngân hàng. Và ông cũng chẳng thể nào mở miệng khai với bà ấy là ông cần tiền để chung cho thằng bạn kiêm sui gia vì ông dám quả quyết cá độ với nó là sau hai ngày sáu và hai mươi tháng Giêng năm hai ngàn không trăm hai mươi mốt phe ông sẽ đại thắng, chiến thắng vĩ đại của Chủ Tướng ông, của ông và bảy mươi lăm triệu người dân nước Mỹ.


Vợ nhà thì vô phương, con gái coi như xong, thằng bạn sui gia kể như bỏ, chỉ còn lại một người có thể trông cậy được: bà sui. Bà là người đã cùng ông xuống đường trong cái ngày lịch sử bất thành hồi tháng Một vừa rồi.


Và người đàn ông hấp tấp bấm những con số điện thoại.


“Chào chị sui. Chị khỏe không?”


“Ô, anh sui đó hả. Khỏe. Anh khỏe hôn? Hồi này Covid guậy quá trời quá đất.”


Giọng nói xởi lởi của người đàn bà làm ông thấy yêu lại cuộc sống này. Ông vội vàng, “Khỏe.”


“Sao lâu quá hổng thấy anh qua chơi? Sắp Tết mình rồi đó, anh biếc hôn?”


Bà sui nhắc tới Tết làm người đàn ông thấy bâng khuâng. Ông ngần ngừ, “Dạo này hơi bận.”


“Hãng xưởng đóng cửa hết ráo bận chi mà bận dzữ dzậy, anh sui?”


“Thì bận chút việc nhà ấy mà.”


Ông loay hoay tìm cách mở lời, “Ông xã chị...”


“Chi dzậy anh sui; chồng tui... sao?”


“Nó có nói gì với chị không?”


“Tự bữa hổm tới giờ tui dzới thằng chả hỏng nói chiện dzới nhau gì hớt ráo á.”


Ông lặng thinh. Ở nhà ông cũng đâu khác gì. Vợ không chút quan tâm đến thời sự, vợ chẳng biết trời trăng gì chuyện thế sự, vợ trung lập nhưng con gái – đã ra riêng - thì chống đối đến cùng cái điều ông rao giảng và tôn thờ. Đến mức không muốn nhìn mặt nhau. Bây giờ ông là kẻ thua đau, bây giờ ông đành đi vay nợ.


Ông nhập đề, “Tôi với ông xã chị đã từng sống chết có nhau.”


“Tui biếc, anh với thằng chả là bạn từ hồi còn đi học mà...”


“Tôi với nó đã từng chia nhau một gói mì.”


“Hồi trong trại tị nạng, tui biếc, thằng chả có kể tui nghe.” Người đàn bà ngắt lời ông.


“Có một quả trứng gà, tôi nhường cho nó...” Ông thêm thắt.


“Cái đó thì tui hỏng nghe nhưng tui tin là có.”


Ông cố lèo lái câu chuyện về chuyến cá độ trong bàn nhậu mà ông thua đau, nhưng không biết dẫn dắt câu chuyện thế nào cho tự nhiên, chẳng lẽ nói thẳng là chị làm ơn nói chồng chị xóa nợ dùm tôi. Covid lộng hành, mấy cơ sở thương mại đóng cửa, tôi đâu có đi giao báo quảng cáo được mấy tháng nay rồi. Nói thế thì còn mặt mũi nào để sau này mà nhìn nhau - giả dụ như vẫn còn muốn nhìn nhau.


Ông lặp lại câu hỏi, “Chồng chị có nói gì với chị không?”


“Tụi tui hổng nói chiện gì dzới nhau hớt ráo á. Mà anh hỏi chi dzậy?”


“Thì hỏi thăm vậy mà.”


“Tui dzới thằng chả hổng đội trời chung à nghe. Thằng chả về phe phản nghịch, tui hổng chấp nhận được. Tui với anh sui cùng phe. Mình thua, tiếc guá trời là tiếc! Thiệt tình!”


Giọng người đàn bà chì chiết và bỗng dưng mềm nhũn như đẫm nước. Người đàn ông biết chị sắp khóc. Hôm đi biểu tình chị vừa lâm râm cầu nguyện, vừa hô khẩu hiệu, vừa khóc sụt sùi thấy tội nghiệp. “Mai mốt bọn Trung cộng tràng gua bên này, mình biếc dzược biên đi đâu.” Hôm ấy chị sui đã níu áo ông mà sụt sùi như thế.


Người đàn ông ngập ngừng, thông cảm, “Thì vậy.”


“Bữa hôm mình đi biểu dzương dzìa đó, tui giận lây thằng chả, hổng nấu ăn cả tuần lể, anh sui biếc hôn?”


“Vậy à?”


“Hỏng có gì ăn, thằng chả dám nói xóc óc tui là bà đi Florida với tổng thống của bà đi. Anh nghe có được hôn?”


Ở đầu này người đàn ông cảm được cơn nóng giận hừng hực của người đàn bà. Giọng nói lanh lảnh làm ông nhớ những cái vung tay quyết liệt, những câu hò hét rộn ràng lúc bà hùng dũng đi bên ông buổi chiều hôm ấy ở thủ đô nước Mỹ.


“Anh coi, thằng chả dám nói là tui cuồng anh nghe được hôn? Tui sẽ li dị thằng chả cho anh coi.”


Người đàn ông bỗng thấy yên lòng. Vậy là nhà ấy cũng sắp tan vỡ vì chuyện thời sự. Bao nhiêu gia đình tan nát vì thời sự. May mà vợ ông trong suốt như thủy tinh nên gia đình ông còn yên ổn.


Ông phải hành động ngay, trước khi vợ chồng nhà ấy đường ai nấy đi.


“Tôi muốn nhờ chị nói với nó...”


“Nói chi dzậy anh sui?”


“Số là tôi với nó… cá độ.”


“Trời đất, sao tui hổng biếc dzậy?”


“Tôi với nó dặn nhau không cho ai biết.”


“Mà cá độ chiện gì dzậy?”


“Chuyện bầu cử đó mà.”


“Anh thua hay thắng.”


“Mình thua, chị cũng biết rồi mà.” Người đàn ông xuống giọng buồn thiu. “Tôi với nó đã từng sống chết có nhau...”


“Chiện đó tui biếc.”


“Vậy mà nó nỡ thẳng tay đòi tôi chung tiền.”


“Trời đất!”


“Tiền bạc đâu quý bằng tình bạn, lại còn cái tình sui gia, thằng Vĩnh con trai chị là con rể tôi. Ai lại đi đòi cho bằng được...”


“Mà anh thua bao nhiêu?” Người đàn bà ngắt lời ông.


Hy vọng lóe lên trong cõi lòng tăm tối của người đàn ông. May ra chị sui sẽ làm áp lực bắt anh sui xóa nợ. Người đàn bà này - ông biết - rất sắt đá trong những quyết định của chị. Đi cùng đoạn đường tranh đấu với chị, ông biết rất rõ, hơn cả chồng của chị nữa.


Và ông nói ra cái con số mà hai gã đàn ông đã thỏa thuận trước khi thề độc trên ly rượu uống chung trên bàn nhậu.


“Trời đất guỷ thầng ơi, sao nhiều dzữ dzậy?” Người đàn bà la thất thanh.


“Thì nhiều...”


“Tưởng mình thằng chả khùng, ai ngờ anh còn khùng hơn thằng chả.”


Im lặng. Không khí đặc lại quanh người đàn ông.


“Giờ anh tính sao đây?” Người đàn bà nói.


“Chị...” người đàn ông ngập ngừng. Hai mí mắt giật giật, những ngón tay tê tê, ông xuống giọng như sợ ai nghe thấy, “Chị nói giùm chồng chị...”


“Nói sao?”


“Nói nó bỏ qua dùm tôi.”


Nói xong cái câu quan trọng ấy, người đàn ông thấy mình hèn mọn như con chó riu ríu bên chân chủ, chờ chủ ném cho cục xương còn dính chút gân bám ở đầu.


Người đàn bà lặng thinh. Chắc chị đang suy nghĩ.


“Anh thiệc khùng à nghe. Chừng đó tiềng dư sức mua chiếc Tồ-dô-ta Cồ-rố-là chớ bộ.”


Nghe bà sui đọc tên chiếc xe của Nhật mà bà vẫn lái, người đàn ông bật cười nhưng kềm ngay lại được.


“Thì đó... Tại tụi nó gian lận mình mới thua.”


“Mấy cha khùng hớt biếc.”


“Chị nói dùm với nó. Dù không cùng chính kiến, dù khác lập trường nhưng còn tình bạn, tình đồng đội, tình sui gia... bao nhiêu thứ.”


“Bao nhiêu là tiềng...” Người đàn bà lẩm bẩm. “Mấy cha khùng nặng à nghe!”


“Mình nghĩ là mình nhất định thắng, ai ngờ đâu. Chị nói dùm. Tôi với chị cùng chiến tuyến mà.”


“Được gồi, để tui nói thằng chả. Thằng chả mà không xóa nợ cho anh, tui li dị thằng chả liền.”


Người đàn ông thở phào, khoan khoái. Vậy là yên lòng. Trong cái rủi cũng còn có cái may. Chị sui muốn là phải được. Thằng sui gia của ông là con nhái bén trong vùng cai quản của vợ nó. Vợ phán một câu, nó im thin thít. Chuyện ấy ai mà chả biết. Vợ nó đã từng treo cái bảng “Thà bị Covid 19...” gì gì đó ngay trước sân nhà, bị chồng phản đối bắt dẹp, bà đem cắm ngay đầu giường ngủ của bà mà chồng đâu dám làm gì. Xứ sở tự do mà!


“Cảm ơn chị sui. Tôi biết chị sẽ giúp tôi. Mình cùng chiến tuyến mà.” Người đàn ông nói bằng giọng reo vui và hân hoan cúp máy.


Ở đầu dây đàng kia, vừa cúp điện thoại, người đàn bà nhìn tấm bảng nguyệch ngoạc những chữ tiếng Anh “Tôi thà bị Covid-19...” bằng ánh mắt trìu mến của một con người yêu thích tự do,   vuốt sơ lại áo quần, vén lại mái tóc - gần hai tuần lễ nay buồn đến quên cả ngắm mình trong gương - rồi đẩy cửa, chạy nhanh qua phòng ngủ của chồng, đẩy tung cánh cửa.


Ông chồng đang ngồi trước màn hình máy điện toán, ngón tay trỏ mổ xuống bàn phím lóc cóc như con gà mổ thóc trên sân gạch. Lại đang hân hoan với chiến thắng chứ gì. Lại xát muối vào vết thương người ta chứ gì. Từ hôm cuộc chiến ngoài kia kết thúc (hay tạm kết thúc như chị và ông sui gia vẫn tin), trong nhà này, nước lũ đã soi mòn đất đai, cuồn cuộn thành dòng sông Bến Hải, ngăn đôi ranh giới chồng vợ. Hai người không nhìn mặt nhau. Dòng sông Bến Hải ấy sâu hơn sông Bến Hải ở Quảng Trị của cái đất nước Việt Nam xa lắc lơ kia và không có chiếc cầu Hiền Lương nào bắc ngang.


Hôm nay người đàn bà hùng hổ lội qua con sông vô hình ấy, đến bên chồng.


Bà đứng sựng lại, nhìn trừng trừng vào tấm hình cắt trên báo, chụp khung cảnh lễ đăng quang hồi bốn năm trước của đấng minh quân của bà – cùng một tấm hình mà ông sui của bà trang trọng treo trong phòng khách nhà ông ta - chỉ khác là tấm này chồng bà đã gạch chéo một chữ X bằng bút lông mực đen ngang khung hình. Bà nuốt giận. Đây là phòng riêng của chồng bà, lão già có quyền tự do muốn làm gì thì làm. Cái hình bị gạch chéo một cách hỗn xược này mà treo ngoài phòng khách là không được.


Bà lân la từng bước trên bờ đất ẩm lam nham sỏi đá của dòng Bến Hải, con sông vô hình chia cách giang sơn này và hàng trăm hàng ngàn giang sơn khác của những người Việt Nam cùng một lịch sử, cùng “máu đỏ da vàng.”


“Ông cá độ dzới anh sui hả?” Người đàn bà thẳng thừng ném câu hỏi qua bờ bên kia sông Bến Hải.


Ông chồng giật mình quay đầu, trợn mắt, tròn miệng hỏi, “Sao bà biết?”


“Ảnh phôn tui.”


Người chồng lặng thinh.


Bà vợ tiếp, “Cá độ gì mà guá trời guá đất dzậy?”


“Thì...” Người chồng bối rối. Bà này đang mưu tính gì đây, ông thầm nghĩ và thận trọng giải bày, “Phải chơi tới bến cho bọn c...”


“Ông tính nói gì dzậy?” Người đàn bà trợn mắt, ngắt lời chồng, “Cuồng hả? Ai cuồng chớ...”


Ông chồng vội lắc đầu, “Đâu có, tôi định nói bọn c... cà chớn, cho bọn cà chớn sáng mắt ra.”


Người đàn bà nhìn xoáy vào mắt chồng, “Ông chưởi xéo tui đó phải hôn?”


Người đàn ông ngó lơ vách tường xám, nói lảng, “Bộ ông sui nói với bà hả?”


Người đàn bà bỗng dưng điềm đạm hẳn lại, “Thì ảnh nói tui; ảnh nhờ tui...”


“Nhờ gì vậy?” Người đàn ông buột miệng. “Nó tính mượn tiền bà hả?”


“Hỏng có,” người đàn bà vừa nói vừa chớp mắt lia lịa. “Ảnh nhờ tui nói dzới ông xóa nợ cho ảnh...”


“Ồ, thì ra...”


“Khoan, nghe tui nói đã…” Người đàn bà nhìn cái nét khinh mạn vướng trên cái cằm vuông vức của chồng, ngắt lời.


Người đàn ông ngẩng đầu nhìn vợ. Gần nửa tháng trời không được diện kiến dung nhan, hôm nay chợt bắt gặp những sợi tóc bạc đầy hai bên thái dương vợ, niềm thương cảm mơ hồ nào đó chợt dạt về tâm tư. Ơi cái người đầu gối tay ấp của tôi và tôi sao giờ này lại có thể đối xử với nhau như kẻ thù không đội trời chung thế này được nhỉ.


Người đàn bà nhìn xoáy vào mắt chồng, “Đừng khùng mà xóa nợ cho ảnh. Phải đòi từng đồng xu một. Số tiềng ấy down được chiếc xe đó nghe hôn.”


Và người đàn bà chấm câu bằng nụ cười.


Người đàn ông ngỡ ngàng một giây rồi thở phào. Còn vài hôm nữa là Tết Âm Lịch. Vợ chồng ông tạm thời ngưng cấu xé nhau. Cuộc nội chiến chưa hẳn là kết thúc, dòng Bến Hải vô hình kia vẫn còn nhưng hai bên tạm buông vũ khí, và cầu Hiền Lương đã mở ra trong nhà này cho dân hai miền qua lại. Hai bên ký hiệp ước hưu chiến để dân chúng ăn Tết. Cảm ơn những đồng tiền cá độ. Hòa bình lấp ló ở chân trời. Tiền cá độ down được chiếc xe làm chân. Vợ nói thế. Cảm ơn vợ, cảm ơn luôn cuộc nhiễu nhương của đời sống ngoài kia.


Chỉ mong cuộc hưu chiến hôm nay không là cuộc hưu chiến của thuở Mậu Thân nào.


26 tháng 01, 2021
Hoàng Chính

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.808 giây.