Ảnh tư liệu: Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành một sắc lệnh hành pháp về biến đổi khí hậu ngày 27/01/2021 tại Nhà Trắng (Washington - Hoa Kỳ). © AP
Hoa Kỳ, quốc gia gây ô nhiễm đứng hàng thứ hai thế giới, ngày 19/02/2021 đã chính thức trở lại Hiệp Định Khí Hậu quốc tế được ký kết năm 2015 tại Paris, khẳng định mong muốn trở lại vị trí lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đối với nhật báo Pháp Le Monde, đây quả là một sự kiện quan trọng, mang lại nhiều hy vọng cho cuộc đấu tranh chống điều mà Mỹ công nhận là một cuộc “khủng hoảng khí hậu”.
Việc tham gia Hiệp Định Khí Hậu Paris trở lại là một trong những ưu tiên hàng đầu của tân tổng thống Mỹ Joe Biden. Chỉ vài giờ sau khi nhậm chức ngày 20/01 vừa qua, ông Biden đã ký sắc lệnh hành pháp về việc Hoa Kỳ sẽ trở lại Hiệp Định Paris 2015.
Joe Biden: "Khủng hoảng đe dọa sự tồn tại của chúng ta"Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu hôm 19/02 trong khuôn khổ Hội Nghị An Ninh Munich, tân tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Chúng ta không còn có thể chần chờ hoặc làm tối thiểu để ứng phó với biến đổi khí hậu… Đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu đe dọa sự tồn tại của chúng ta. Và tất cả chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng khẳng định trong một thông cáo : “Biến đổi khí hậu và ngoại giao thông qua khoa học” không còn có thể là những điểm “bổ sung tùy chọn” trong các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại, và “ứng phó với các mối đe dọa thực sự của biến đổi khí hậu và lắng nghe các nhà khoa học là trọng tâm ưu tiên đối nội và đối ngoại của Hoa Kỳ”.
Cựu ngoại trưởng và cựu ứng cử viên tổng thống John Kerry, hiện là Đặc Sứ Mỹ phụ trách vấn đề khí hậu, thi tuyên bố: “Tôi nghĩ chúng ta phải ngừng sử dụng từ ngữ ‘biến đổi khí hậu’ để thừa nhận rằng tình hình hiện nay chính là một cuộc khủng hoảng khí hậu”.
Bốn năm "lãng phí" dưới thời Donald TrumpÔng Kerry nói thêm: “Chúng tôi - tức là nước Mỹ - tham gia các nỗ lực khí hậu quốc tế với sự khiêm tốn, biết rằng chúng tôi đã lãng phí bốn năm khi không có mặt ở bàn đàm phán”.
Theo ghi nhận của Le Monde, trên giấy tờ, sự trở lại của Mỹ có vẻ như chỉ mang tính chất tượng trưng. Do vấn đề thủ tục, Hoa Kỳ chỉ đứng ngoài Hiệp Định Khí Hậu Paris ba tháng mà thôi. Trong thực tế, ý nghĩa của sự tham gia trở lại này rất lớn vì sự kiện này đánh dấu quyết tâm của Mỹ, muốn trở thành một trong những nước đi đầu trong hành động vì khí hậu và lôi kéo các quốc gia khác theo sau, khác hẳn với thái độ thờ ơ dưới thời ông Trump.
Theo ghi nhận của Le Monde, trong bốn năm qua thời Donald Trump còn làm tổng thống Mỹ, Washington đã kềm hãm, thậm chí còn ngăn chặn các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu, đồng thời hạn chế việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ở trong nước Mỹ, đặc biệt bằng cách bãi bỏ cả trăm luật lệ về môi trường.
Hoa Kỳ trở lại Hiệp Định Paris: Một luồng sinh khí mớiDavid Levaï, nhà nghiên cứu tại Viện Phát Triển Bền Vững và Quan Hệ Quốc Tế, có trụ sở tại Washington, nhận định: “Việc Hoa Kỳ quay trở lại bàn cờ ngoại giao quốc tế về khí hậu, với một quyết tâm chính trị mạnh mẽ, đã mang lại một luồng sinh khí mới cho tất cả các quốc gia đang hành động chống biến đổi khí hậu. Đã qua rồi thời kỳ 4 năm của ông Donald Trump, khi mà sức lực không tập trung vào việc tiến lên phía trước mà chỉ để tránh tụt hậu”.
Bà Rachel Kyte, hiệu trưởng Trường Luật và Ngoại Giao Fletcher (Massachusetts), đồng thời là chuyên gia về ngoại giao khí hậu, đã rất phấn khởi: “Hoa Kỳ hiện đang trở lại cả bằng lời nói lẫn hành động".
Ngay tuần lễ đầu tiên của nhiệm kỳ, thông qua một loạt sắc lệnh của tổng thống được một số nhà quan sát mô tả là một "chiến dịch thần tốc về khí hậu", Joe Biden đã lần lượt dừng dự án đường ống Keystone XL, đình chỉ việc cấp giấy phép mới cho việc khoan dầu ngoài khơi, tuyên bố bảo vệ một phần ba diện tích đất liên bang.
Tân tổng thống cũng đã bổ nhiệm các nhân vật có năng lực cao về khí hậu vào các vị trí quan trọng trong chính quyền, bắt đầu với cựu ngoại trưởng John Kerry, người trở thành phái viên của tổng thống về khí hậu. Đây là lần đầu tiên nước Mỹ có chức vụ này.
Dan Lashof, giám đốc phụ trách Hoa Kỳ của Viện Tài Nguyên Thế Giới (WRI), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, nhận định: “Trong tám ngày đầu tiên làm tổng thống của mình, ông Biden đã làm được nhiều việc trong vấn đề biến đổi khí hậu hơn hẳn so với hầu hết các tổng thống Mỹ trong suốt nhiệm kỳ của họ”.
Hoa Kỳ sẽ đề ra những chỉ tiêu khí hậu mới đầy tham vọngTheo Le Monde thì Hoa Kỳ biết rõ kỳ vọng mà thế giới đặt vào nước Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và phải đưa ra những cam kết cho thấy quyết tâm của mình. Tổng thống Biden đã hứa sẽ thông qua các mục tiêu khí hậu mới đầy tham vọng cho năm 2030 và sẽ trình bày kế hoạch mới của ông trước ngày 22 tháng 4, ngày diễn ra một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu mà ông muốn triệu tập nhằm kêu gọi các lãnh đạo thế giới thực hiện cam kết giảm lượng khí thải ở cấp quốc gia.
Theo chuyên gia Kyte, mọi người chờ đợi một cam kết mới từ Mỹ, dự trù giảm đến 50% hoặc thậm chí 55% lượng khí nhà kính phát thải vào năm 2030 so với mức của năm 2005. Trong thỏa thuận Paris, Hoa Kỳ cam kết giảm lượng khí thải từ 26% đến 28% vào năm 2025 so với năm 2005 - một mục tiêu mà họ không chắc sẽ đạt được.
Đối với ông Levaï, “các mục tiêu khí hậu mới phải phù hợp với tham vọng dài hạn, đáng tin cậy về mặt công nghệ và công nghiệp, và nằm trong một hướng dài hạn, nghĩa là được chuyển thành luật sau khi tiến hành công việc tham vấn”.
Tham gia tài trợ cho cuộc chiến khí hậu toàn cầuHoa Kỳ cũng được chờ đợi trong lãnh vực tài trợ cho cuộc chiến khí hậu toàn cầu. Dưới thời tổng thống Barack Obama, Mỹ đã cam kết cung cấp 3 tỷ đô la cho Quỹ Khí Hậu Xanh, công cụ chính chuyển nguồn tài chính từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Nhưng đến nay chỉ có một tỷ đô la đã được tháo khoán, phần còn lại đã bị Donald Trump cắt đi. Joe Biden đã cam kết sẽ thanh toán các “món nợ” còn thiếu.
Bà Rachel Cleetus, phụ trách giám sát các chính sách khí hậu tại hiêp hội Union of Concerned Scientists xác định: “Ngoài khoản 2 tỷ, Hoa Kỳ cũng phải tăng gấp đôi ngân sách cam kết, bằng cách rót thêm 6 tỷ đô la trong 4 năm tới đây, như nhiều quốc gia đã làm vào năm 2019”.
Chỉ trong những điều kiện đó thì Mỹ mới có thể lấy lại niềm tin của nhiều quốc gia vốn vẫn hoài nghi ngờ về cam kết lâu dài của Mỹ.
Theo Le Monde, việc làm của Mỹ, trong sự hợp tác với Liên Âu, hay những nước đầu tàu khác trên mặt khí hậu, có thể thúc đẩy các quốc gia phát thải lớn - vốn vẫn còn miễn cưỡng - tăng cường hành động và nâng cao chỉ tiêu giảm phát thải của họ, như trong trường hợp của Ấn Độ, Úc, Brazil, Mexico hay Nam Phi - hoặc lôi cuốn các quốc gia khác đi xa hơn, chẳng hạn như Nhật Bản, Canada và đặc biệt là Trung Quốc, nước phát thải khí nhà kính số một hành tinh.
Theo RFI