Người biểu tình chống đảo chính viết khẩu hiệu trên phố ở Yangon, Myanmar, 21/2/2021
Các nhóm và các chuyên gia nhân quyền lo ngại về sự gia tăng đáng kể số lượng tù nhân chính trị ở Myanmar.
Tính đến thứ Ba 23/2, khoảng 696 người - bao gồm các nhà sư, nhà văn, nhà hoạt động, chính trị gia và những người khác - đã bị bắt liên quan đến việc phản ứng lại cuộc đảo chính của quân đội, theo thông tin của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, gọi tắt là AAPP, một tổ chức có trụ sở tại Myanmar.
Nhiều người trong số những người bị bắt bị buộc tội chiếu theo một loạt các luật đã có từ lâu, trong đó, một số luật có từ thời thuộc địa Anh và có những luật được ban hành trong thời các chế độ quân sự trước đây.
Các luật đó được mọi chính phủ ở Myanmar sử dụng để chống lại những người chỉ trích. Kể cả chính phủ của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo cũng làm như vậy. Chính phủ này đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính hôm 1/2.
Hàng trăm người bị bắt kể từ sau cuộc đảo chính giờ đây bổ sung vào hàng trăm tù nhân chính trị bị giam cầm ở Myanmar. Họ là những người đã bị bỏ tù cả dưới thời các chính quyền trước đó lẫn trong thời đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền.
Manny Maung, một nhà nghiên cứu về Myanmar thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) có trụ sở tại New York, nói: “Giờ đây, chúng tôi thấy rằng không chỉ là có một thế hệ tù nhân chính trị mới mà còn có việc nhắm mục tiêu trở lại vào các cựu tù nhân chính trị”.
Trong thời kỳ NLD cầm quyền, các nhà báo, những người chỉ trích giới quân đội và chính phủ, và những người khác đã bị buộc tội theo các luật thời thuộc địa. Theo AAPP, Myanmar có hơn 700 tù nhân chính trị tính đến ngày 31/1, trong đó, hàng trăm người bị buộc tội trong thời gian NLD nắm quyền.
Kể từ cuộc đảo chính hồi đầu tháng này, quân đội cũng đã sửa đổi các bộ luật hình sự cũ và đề xuất các luật mới mà các chuyên gia cho rằng có thể được sử dụng làm công cụ tiếp theo để đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Với việc tiếp tục đàn áp những người biểu tình chống đảo chính - bao gồm cả các vụ bắt giữ do cảnh sát mặc thường phục tiến hành lúc nửa đêm - giờ đây các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng nói với hãng tin AP của Mỹ rằng họ bắt đầu phải trốn tránh để không bị bắt. Về trường hợp những người khác đã bị bắt giữ, không thấy họ liên lạc với gia đình và người ta không biết họ bị đưa đi đâu.
Maung, nhà nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói: “Điều kiện (đối với tù nhân) là điều mà chúng tôi thực sự lo lắng. Chúng tôi dự báo về điều tồi tệ nhất, đó là mọi người đang bị ngược đãi và thậm chí có thể bị tra tấn, bởi vì đó là điều đã từng xảy ra".
Theo VOA