Học sinh trong đồng phục "Đội Thiếu niên Tiền phong" Trung Quốc, một tổ chức của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ảnh công bố ngày 01/09/2009. © Wikipedia
Vấn đề giới trẻ Trung Quốc có thái độ chống phương Tây và trung thành với đảng Cộng Sản hơn ngày càng được giới quan sát chú ý. Báo Pháp L'Opinion trong số ra cuối tháng 2/2021 có chùm bài về chủ đề này, với tựa lớn là « Giới trẻ Trung Quốc đang ngày càng có thái độ dân tộc chủ nghĩa ».
Phân tích của L’Opinion về giới trẻ Trung Quốc có những điểm nào đáng chú ý ?
Bài viết « Trung Quốc : một thế hệ trẻ ngày càng dân tộc chủ nghĩa » của nhà báo Claude Leblanc, của nhật báo Pháp L’Opinion, ngay trong phần mở đầu, trước hết lưu ý đến chỉ thị tăng cường giáo dục ý thức hệ ở giới trẻ, mà Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa đưa ra hôm 03/02/2021. Mục tiêu là để chỉ ra cho giới trẻ thấy, « họ được hạnh phúc như hiện nay đó là nhờ kết quả lãnh đạo của Đảng ». Theo chỉ thị này, giới trẻ có nghĩa vụ một tuần một lần có « các hoạt động » dựa trên « tư tưởng của lãnh đạo số một Trung Quốc », Tập Cận Bình.
Thế hệ sinh sau 1990 ở Trung Quốc có từ 300 đến 400 triệu người, được chính quyền hy vọng như là lực lượng sẽ góp phần xác lập một cách vững chắc vị thế của Trung Quốc trên thế giới. Đặc điểm nổi bật của giới trẻ Trung Quốc sinh sau 1990 là sự trưởng thành của họ đi liền với sự lớn mạnh gia tăng của Trung Quốc, ngược với các thế hệ trước. Không kể về kinh tế, hình ảnh Trung Quốc ngày càng được cải thiện trong lĩnh vực thể thao, trong con mắt của giới trẻ, đặc biệt kể từ Thế Vận Hội 2008, khi đoàn thể thao Trung Quốc đứng đầu thế giới, vượt Hoa Kỳ đến 15 huy chương vàng.
Trước khi đại dịch Covid xảy ra, giáo dục « yêu nước », tự hào dân tộc, đã trở thành chủ trương lớn của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Giới trẻ là cái đích ngắm chủ yếu. Năm 2019, Bắc Kinh đã long trọng kỉ niệm 100 năm phong trào vận động Ngũ Tứ, bùng nổ ngày 04/05/1919, với thành phần trụ cột là giới học sinh, viên các trường đại học ở Bắc Kinh, chống lại Hiệp ước Versailles của các cường quốc thắng trận trong Thế chiến thứ nhất, bị tố cáo là bất lợi cho Trung Quốc. Cuộc vận động Ngũ Tứ được coi là thời điểm đánh dấu sự trỗi dậy của « tinh thần yêu nước » trong xã hội Trung Quốc. Đảng Cộng Sản Trung Quốc ra đời hai năm sau phong trào này.
« Tinh thần yêu nước » của giới trẻ Trung Quốc biểu hiện trước hết với việc mua hàng trong nước sản xuất, trong các lĩnh vực mà hàng hóa chất lượng cao nước ngoài vốn được coi là chiếm ưu thế. Với đại dịch Covid -19, xu thế này được đẩy mạnh. Hàng loạt nhãn mác nội địa trong các ngành may mặc như Anta, Li Ning, Bosideng, hay về thể thao, mỹ phẩm, số lượng mua hàng sản xuất trong nước tăng vọt.
Nhà báo L’Opinion nhấn mạnh tính chất nguy hiểm là ở chỗ làn sóng cổ vũ cho tinh thần yêu nước về mặt kinh tế đang biến thành chủ nghĩa dân tộc, mà việc khuyến khích mua hàng hóa nội địa chỉ là một biểu hiện. Trong những năm gần đây, thanh niên Trung Quốc « ngày càng tỏ thái độ thù nghịch hơn », đối với những gì diễn ra ở nước ngoài hay ở trong nước, bị đánh giá là « chống lại lợi ích quốc gia », kể cả với những phê phán.
Đại dịch Covid-19 mang lại một bối cảnh thuận lợi cho các tuyên truyền của chế độ Bắc Kinh chống lại phương Tây. Anh Zak Dychtwald, tác giả một cuốn sách gây chú ý về giới trẻ Trung Quốc ra mắt năm 2018 (« Young China: How the Restless Generation Will Change Their Country and the World »), ghi nhận : « nhiều người trẻ Trung Quốc cảm thấy bị thế giới phương Tây bỏ rơi… Họ có cảm nhận là Trung Quốc không được các phương tiện truyền thông quốc tế đối xử công bằng, và theo họ, phương Tây có thái độ hành xử nhất bên trọng, nhất bên khinh, đối với bản thân thì muốn đánh giá công bằng, đúng mực, nhưng lại chỉ dành cho Trung Quốc các chỉ trích ». Zak Dychtwald là một thanh niên ngoài 20 tuổi, người sáng lập và giám đốc một cơ sở nghiên cứu và tư vấn, chuyên về giới trẻ Trung Quốc, Yong China Group.
L'Opinion cũng dẫn một người quan sát khác, Vương Á Thu (Wang Yaqiu), nhà nghiên cứu của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch, xác nhận xu thế: « Dân mạng thuộc giới trẻ ở Trung Quốc, vốn trước đây là nơi chuyển tải các ý tưởng mới, thách thức chính quyền, nay tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động bảo vệ chế độ ». Ví dụ cụ thể mới đây là, liên quan đến xung đột xã hội-chính trị tại Hồng Kông, trên các mạng xã hội, đông đảo thanh niên Hoa lục tấn công vào những người đấu tranh đòi dân chủ, bị cáo buộc là đòi « ly khai ». Cuốn tự thuật của nhà văn Trung Quốc Phương Phương (Fang Fang) về thành phố Vũ Hán bị phong tỏa trong thời gian đại dịch, bị lên án là công cụ cho các thế lực « chống Trung Quốc ».
Việc tuyên truyền một chiều về lịch sử Trung Quốc đương đại là nguyên nhân chính khiến giới trẻ thế hệ sinh sau 1990 dễ trung thành với đảng Cộng Sản Trung Quốc hơn ? Thế hệ sinh sau 1990 gần như không hề biết đến cuộc đàn áp đẫm máu Thiên An Môn. Bài phân tích nói trên về giới trẻ Trung Quốc của l’Opinion số ra cuối tháng 2 không nói đến cuộc thảm sát. Tuần báo Anh The Economist, cuối tháng 1/2021, đặc biệt chú ý đến ảnh hưởng của mảng trống ký ức này đến thái độ của giới trẻ Trung Quốc hiện nay.
Báo The Economist nhấn mạnh đến việc chính quyền Trung Quốc đã liên tục kiểm duyệt và triệt để loại trừ hết thảy những gì liên quan đến phong trào phản kháng, đòi dân chủ của giới sinh viên, học sinh Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn mùa xuân 1989. Phản kháng chấm dứt với đàn áp đẫm máu. Theo một sồ điều tra, số người thiệt mạng có thể lên đến 10.000.
Vụ thảm sát bị chìm vào quên lãng tại Hoa lục, khi tuyệt đại đa số cha mẹ những sinh viên bị giết hại cũng giữ im lặng, do sợ bị đàn áp. Một số thanh niên hiện nay nhìn nhận sự kiện này như một cuộc nổi loạn của sinh viên, và không hề nhắc đến những người chết. Một số nhà quan sát cho rằng, sự quên lãng này có thể có mặt tích cực, đó là khiến giới trẻ hiện nay không sợ hãi, khi đứng lên phản kháng chống lại chính quyền, đòi dân chủ. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát khẳng định, việc không biết quân đội Trung Quốc đã hạ sát sinh viên đòi dân chủ một cách tàn nhẫn như thế nào sẽ chỉ khiến giới trẻ hiện nay nhìn thấy một mặt của hiện thực. Đó là một nước Trung Quốc mạnh hơn và giàu có trong thời gian chính quyền nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng, và họ dễ dàng tin tưởng vào chính quyền nhiều hơn là các thế hệ trước.
Dập tắt mọi dấu hiệu phản kháng, dù rất nhỏ, phải chăng là biện pháp chủ yếu mà chính quyền Trung Quốc nỗ lực thực thi trong thời gian gần đây để một giới trẻ tuy « dân tộc chủ nghĩa » hơn, nhưng không có hành động vượt ngoài sự lãnh đạo của đảng Cộng sản ? Trong hồ sơ về giới trẻ Trung Quốc của L’Opinion, số ra cuối tháng 2/2021, có bài phỏng vấn ông Mathieu Duchatel, giám đốc chương trình châu Á thuộc Viện Montaigne. Nhà nghiên cứu Pháp đưa ra nhiều nhận xét đáng chú ý về giới trẻ tại Trung Quốc hiện nay. Giới trẻ nói chung, và đặc biệt là giới trẻ trí thức là lực lượng có tiềm năng có ảnh hưởng lớn đến các thay đổi của đất nước. Đảng Cộng Sản Trung Quốc hiểu rõ điều này. Mathieu Duchatel nhắc đến các chương trình « giáo dục yêu nước », mà chính quyền thời Giang Trạch Dân tìm cách xác lập trong những năm 1990, ngay sau vụ thảm sát Thiên An Môn, nhằm hướng giới trẻ đi theo các quyết định của chính quyền. Nhà nghiên cứu Pháp đặc biệt lưu ý là điều khiển được giới trẻ trong một xã hội mở, hiện đại hóa, cá nhân hóa là thách thức lớn với chính quyền Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế khiến thất nghiệp gia tăng.
Ông Mathieu Duchatel nhấn mạnh đến việc chính quyền Trung Quốc cảnh giác trước mọi xu hướng « chính trị hóa » các hoạt động xã hội, kể cả trong những vấn đề như nữ quyền, cho dù trong ít năm gần đây, giới trẻ ít ngả sang thái độ phản kháng chính quyền, trong bối cảnh Mỹ - Trung xung đột (một bộ phận đông đảo giới trẻ dễ nghe theo đảng Cộng Sản hơn khi họ cảm thấy xã hội Trung Quốc là nạn nhân của nước Mỹ, tâm lý vốn đã được khuyến khích qua các chương trình « giáo dục yêu nước » từ nhiều năm nay). Ngay cả nhiều hoạt động không hề liên quan đến chính trị cũng đã dẫn đến các vụ bắt bớ. Theo Mathieu Duchatel, đảng Cộng Sản Trung Quốc cố gắng dập tắt « từ trong trứng nước» mọi phản kháng xã hội, và bằng cách này hướng dân chúng nói chung, và giới trẻ nói riêng, tập trung hoàn toàn vào các lợi ích kinh tế và chủ nghĩa hưởng thụ.
Theo RFII