Biểu tình chống đảo chính quân sự tại Rangun, Miến Điện, ngày 01/03/2021. REUTERS - STRINGER
Bốn tuần sau cuộc đảo chính ngày 01/02, và bất chấp các vụ đàn áp đẫm máu làm gần 20 người chết, tính đến ngày 28/02/2021, làn sóng bất phục tùng dân sự, biểu tình phản đối quân đội Miến Điện đảo chính vẫn tiếp diễn. Cũng như tại Hồng Kông và Thái Lan, giới trẻ Miến Điện - một thế hệ « siêu kết nối » - là những người trên tuyến đầu phong trào phản kháng.
Lo sợ mất các đặc quyền, giới quân nhân Miến Điện bám lấy quyền lực khi bắt giữ các nhà lãnh đạo dân cử, và tìm cách kết tội bà Aung San Suu Kyi là « tàng trữ trái phép các bộ thiết bị điện đàm », cũng như « vi phạm luật về phòng chống thiên tai ».
Chỉ có điều, khi tiến hành đảo chính, tập đoàn quân sự Miến Điện đã đánh giá thấp tầm mức làn sóng phản đối. Trên mạng xã hội, ngoài đường phố, phong trào phản kháng không ngừng lan rộng. « Một dân tộc 54 triệu người chống lại 500 ngàn quân nhân », là hình ảnh ví von mà ông Aung Kyaw Moe, giám đốc Trung tâm Hội nhập Xã hội, đưa ra với nguyệt san Le Monde Diplomatique.
Cả nước sôi sục với khẩu hiệu « Đoàn kết chống độc tài ». Phong trào phản kháng quy tụ đủ mọi thành phần xã hội, từ công chức, nhân viên ngân hàng, y bác sĩ, luật sư, cho đến cả những thành viên các sắc tộc thiểu số. Nhưng chính giới trẻ, sinh viên học sinh Miến Điện là những người xông lên tuyến đầu.
Một tương lai tốt đẹp hơn, chính là một trong những động cơ chính thôi thúc giới trẻ Miến Điện xuống đường. Họ là những người trong độ tuổi 20-30, giống như ở Hồng Kông hay Thái Lan, được nuôi dưỡng trong một môi trường mở rộng dân chủ, yêu thích văn hóa pop đến từ phương Tây, lớn lên cùng với sự phát triển của các mạng xã hội như Facebook hay Twitter…
Theo quan sát của bà Alexandra de Mersan, Viện INALCO, với RFI, cũng giống như nước Thái Lan láng giềng, giới trẻ tại xứ Đông Nam Á này từ lâu được mô tả là phi chính trị, thích tiêu thụ, nhưng nay lại tỏ ra « tinh quái, táo bạo và xấc xược », « ít vâng lời hơn và có phần khiêu khích hơn », không còn sợ hãi khi phải đòi hỏi các quyền của mình.
Đối với họ, cuộc đảo chính ngày 01/02 đã đánh cắp hương vị « dân chủ » ngắn ngủi mà họ được hưởng thụ trong mười năm qua, kể từ khi tập đoàn quân sự, dưới thời thống chế Thein Sein, quyết định hé mở cánh cửa Miến Điện ra bên ngoài.
Khao khát tự do, nhưng cũng lo sợ bị trấn áp thô bạo. Chính vì lý do này mà giới trẻ Miến Điện dần dần thay đổi chiến thuật theo tiến triển của phong trào. Facebook và Twitter là những công cụ chính của phong trào bất tuân dân sự cả trên mạng lẫn ngoài đường phố. Khi mạng xã hội bị cúp, và để tránh kiểm duyệt, họ tìm đến VPN (mạng Internet riêng ảo) giống như ở Việt Nam hay Trung Quốc.
Khác với những phong trào đấu tranh của cha anh, giới trẻ Miến Điện ngày nay hiểu rằng mô hình đấu tranh truyền thống khó thể thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Những người trẻ tuổi này đã cho thấy rõ sự sáng tạo của họ trong suốt 4 tuần biểu tình, từ tọa kháng ôn hòa, trang phục sặc sỡ như đi trẩy hội, hay dùng xe ô tô cũ mở nắp ca-pô ghi dòng chữ « Xe hỏng máy » chắn ngay giữa đường…
Nhà xã hội học Chloé Baills, trường EPHE tại Pháp, nhận định, việc giới trẻ Miến Điện lấy cảm hứng từ phim ảnh Mỹ (Hunger Games, Spiderman) cho thấy « có một thiện chí thật sự muốn chứng tỏ rằng họ là một phần của một nền văn hóa toàn cầu hóa. Giới trẻ Miến Điện từ chối quay trở về với thời kỳ đen tối của chế độ độc tài khép kín với phần còn lại trên thế giới, như những gì đã xảy ra trong quá khứ ».
Sự tức giận ở giới trẻ là hiển nhiên. Bất chấp nỗi sợ quân đội, nỗi khát khao tự do và nhất là khát khao dân chủ đang mang lại cho giới trẻ Miến Điện một xung lực cần thiết để tiếp tục phong trào phản kháng !
Theo RFI