Hình minh hoạ. Các container hàng hoá tại cảng Hải Phòng. Reuters
Quỹ Di sản (Heritage Foundation) vừa công bố Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 cho thấy, điểm số tự do kinh tế của Việt Nam là 61.7. Điểm số này giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế tự do đứng thứ 90 trong bảng xếp hạng năm nay.
Như vậy năm nay, lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nước có "tự do trung bình" (Moderately Free ), tăng 2.9 điểm và thăng 15 hạng so với năm ngoái (nhóm hầu như không tự do) chủ yếu là do sức khỏe tài chính được cải thiện.
Việt Nam đứng thứ 17 trong số 40 quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và điểm tổng thể của Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.
Theo tổ chức này, xếp hạng của Việt Nam có thể tăng hơn nữa nếu chính phủ có hành động bổ sung để tự do hóa các quy tắc đầu tư và lĩnh vực tài chính.
Tổ chức này cũng chỉ ra trở ngại lớn nhất đối với sự tự do kinh tế lớn hơn ở Việt Nam vẫn là chế độ pháp quyền cực kỳ yếu kém của đất nước do tham nhũng trong cơ quan tư pháp cấp thấp và trong nhiều doanh nghiệp nhà nước không được cải tổ và kém hiệu quả.
Trong khi đó, Đài Loan đạt được thứ hạng tốt nhất từ trước đến nay trong lịch sử 27 năm của Chỉ số Tự do Kinh tế, leo năm bậc lên vị trí thứ 6 trong tổng số 184 nền kinh tế.
Với số điểm 78,6 trên 100, tăng 1,5 điểm so với Chỉ số năm 2020, Đài Loan được xếp vào loại "Gần như tự do" cùng với 78 nền kinh tế khác, trước Nhật Bản ở vị trí thứ 23 và Hàn Quốc ở vị trí thứ 24. Trung Quốc đứng ở vị trí 107.
Chỉ số tự do kinh tế đo lường chính sách tự do kinh doanh ở các quốc gia trên thế giới được công bố thường niên bởi tạp chí The Wall Street Journal và Quỹ Di sản có ảnh hưởng gián tiếp đến nguyên tắc luật lệ, chính sách thuế cũng như các chính quyền.
Theo RFA