Chúng ta có thể tin được khi nghe ai đó nói rằng họ có thể tìm được bất cứ thứ gì cần trên internet. Quả thật, internet ngày càng trở thành một công cụ vạn năng. Người ta không chỉ tìm thấy bất cứ thứ gì mà nhiều khi còn tìm được rất nhiều thứ miễn phí, không phải trả một đồng nào, và chỉ đòi hỏi người tìm kiếm có được một trong hai điều kiện này: thời gian và sự uyển chuyển.
Nếu là một người đang cần bàn ghế, giường tủ cho căn chung cư sắp sửa dọn vào, bạn chỉ cần một chút uyển chuyển trong sự đòi hỏi về những món đồ tìm được trên mạng. Có thể bạn không ưa kiểu dáng của chiếc bàn hơi cũ đó, nhưng xét chung thì nó vẫn còn đủ tốt để có thể dùng trong nhà. Cái lợi của những món đồ cho không biếu không đó là bạn có thể thay thế chúng bằng những món đồ khá hơn, hợp nhãn hơn tìm được sau này, và sau đó lại đăng chúng lên mạng để cho ai đó đang cần.
Còn trong trường hợp không phải gấp gáp lắm thì bạn có thể kiên nhẫn chờ đợi, thường là chỉ trong một thời gian ngắn vài tuần lễ thì thế nào cũng sẽ tìm được món đồ vừa ý hoặc ít ra là gần với ý mình muốn.
Trong suốt thời gian kể từ khi đại dịch bắt đầu cho tới nay, người ta nhận thấy hiện tượng đồ cho không trên mạng ngày càng nhiều, ngày càng phong phú, nhưng đồng thời cũng ngày càng xuất hiện nhiều món đồ cho không rất kỳ lạ, thậm chí còn kỳ quặc nữa.
Như câu chuyện của ông Rob Hayes sống tại Georgia có một trái banh bowling bị nứt một đường và ông muốn tìm người để cho. Tháng Một vừa qua, ông Hayes cho đăng hình trái banh nứt đó lên trang mạng Craigslist đi kèm với vài dòng miêu tả: “Tôi cố tránh không muốn vứt nó vào thùng rác. Trái banh này có thể dùng làm một món đồ nghệ thuật, một vật trang trí trên sân cỏ hoặc bất cứ công việc gì khác mà ai đó muốn sử dụng nó.”
Nếu bạn không tìm thấy trái banh bowling bị nứt kia có thể dùng được vào bất cứ việc gì thì cũng đừng nản lòng mà hãy kiên nhẫn tiếp tục thì vẫn có thể tìm thấy một món mình cần vì hiện đang có vô số các món đồ thượng vàng hạ cám khác đang được rao cho không trên các trang mạng như Craigslist, Facebook và Freecycle. Trên các trang mạng này gần đây người ta nhận thấy có người đang tìm người để cho 23 chai bia không, một thùng dầu đậu nành đã qua sử dụng, năm gói nước sốt của tiệm Arby’s và một cuốn kinh thánh của đạo Mormon viết bằng tiếng … Mông Cổ.
Từ nhiều năm qua đã xuất hiện nhiều trang mạng và ứng dụng cung cấp dịch vụ đăng rao vặt như nói trên, nhưng trận đại dịch dường như đã khiến cho những dịch vụ này phát triển mạnh. Một phát ngôn nhân của trang Facebook cho biết con số những món đồ cho không trên trang rao vặt của Facebook tăng gần gấp đôi trong năm 2020 so với một năm trước đó.
Lý do là vì ảnh hưởng bởi đại dịch, nhiều người bị nhốt trong nhà lâu quá nên người ta có nhiều thì giờ rảnh để dọn dẹp nhà và điều đó cũng có nghĩa là người ta tìm được nhiều thứ để cho đi. Trong khi đó, một số tiệm bán đồ cũ truyền thống, là nơi trước đây có thể giải quyết một số lớn đồ cũ nhưng trong thời gian đại dịchđã phải tạm ngưng nhận thêm đồ. Vì vậy, những người nào có đồ cũ mà không biết mang đi đâu cho đành phải lên trên mạng internet kêu gọi ai cần thì liên lạc để tới lấy. Và đó có lẽ là cách tốt nhất để cho đi những đồ cũ không còn dùng tới nữa.
Và đương nhiên, lẫn lộn trong những đồ cũ cho không đó có rất nhiều những thứ mà trước kia thường là phải bỏ trước nhà để xe rác hay ai đó đi ngang qua lấy đi dùm: một đụn cát nhỏ còn dư, mấy cục gạch cũ, gỗ vụn và củi, cũng như một đầu máy tivi cũ khá nặng, bồn cầu, ghế sofa cũ, vỏ xe, nệm và thùng giấy không.
Những lời rao vặt cho những món đồ cũ đó cũng thường tránh để không quá cường điệu. Chẳng hạn một chiếc tủ áo được rao cho không tại Lincohn, Nebraska, mô tả là “không cũ lắm và còn xài được”. Một người ở Las Vegas cho đi hai thùng xăng thì ghi chú là xăng đó hơi cũ rồi.
Ông Adam Mathews, một luật sư sống tại Lebanon, Ohio, còn nói thật rõ rằng thùng dầu đậu nành mà ông muốn cho đi đã qua sử dụng. Chuyện là cứ vào tháng 11 hằng năm, ông Mathews lại làm công việc chiên gà tây cho hội thiện nguyện do ông sáng lập để mang những phần ăn của ngày Lễ Tạ ơn đến cho những người nghèo. Tưởng là dầu ăn đã qua sử dụng thì chẳng ma nào thèm đến, thế mà chỉ trong vòng 90 phút sau khi đăng lời rao vặt lên mạng thì một người nông dân đã gọi cho ông và muốn tới lấy. Mới đầu ông cũng hơi ngạc nhiên không biết người nông dân lấy dầu ăn cũ đó làm gì, nhưng sau đó được biết là dầu được dùng để trộn vào thức ăn nuôi gia súc.
Riêng câu chuyện của cô Melissa Smith sống tại Okland, California, thì không chỉ là người hay cho đồ cũ mà còn là người siêng năng đi tìm những đồ cho không ở trên mạng. Cô cho biết hầu hết các đồ đạc trong nhà của cô là đồ cũ cho không miễn phí trên mạng, trong đó cô khoe tìm được chiếc gương khá lớn có viền sơn màu vàng khá đẹp, một tủ áo, mấy cái đèn màu sắc sặc sỡ, một chiếc giường và rất nhiều cây cảnh trong nhà. Cô có chiếc xe van rất tiện lợi cho việc chuyên chở và nhờ vậy cô có thể tới lấy ngay khi biết có người muốn cho đi những món đồ cồng kềnh.
Gần đây cô cho đăng rao vặt một chiếc đèn bàn cũ có dính chất nham thạch. Ngày đầu tiên vừa đăng lên có hai người gọi hỏi về chiếc đèn và cô mang để nó ở trước hiên nhà để người ta tới lấy, nhưng cả hai không hề xuất hiện. Ngày thứ hai có người khác gửi tin nhắn cho cô tỏ ý rất thích chiếc đèn và chỉ 10 phút sau đã tới lấy mang đi.
Ông Bob Hanson, cư dân Boston, cũng đem cho nhiều đồ khá lạ lùng, trong số đó có những chai nước thánh đã được làm phép và một chiếc gối hình cá mập lâu nay ông không dùng tới; một lon thức ăn chó hiệu Trader Joe mà một người bạn để quên và lâu nay không trở lại lấy.
Dưới hầm căn nhà, ông còn giữ lại ít hộp sơn đã cũ hàng chục năm và một vài lọ hoá chất để chùi rửa nhà cửa, một số đã khô queo và cứng như đá. Thế mà cũng có người muốn lấy.
Ông Hanson không biết tại sao người ta lại muốn lấy những thứ hoá chất đã khô queo đó, nhưng ông cho biết có lẽ nhờ cái nhãn hiệu in bên ngoài có tính cách cổ điển không giống những hộp sơn mới nên hấp dẫn một số người nào đó. Ông không hỏi người nhận vì sao lại cần nhưng lọ hoá chất cũ đó nhưng không quên nhắc cho họ biết tuy hoá chất đã khô cứng vẫn có thể nguy hiểm và cần phải cẩn thận.
Ngoài ra còn có những món đồ chỉ nên coi là chuyện đùa cợt của người cho. Như năm gói nước chấm hiệu Arby’s của ông Glenn Fullerton, cư dân thành phố Cleveland, mà ông cho đăng lên như một cách chọc phá chơi để nhại lại những món đồ cho không rất kỳ cục ông thấy được đăng trên mạng. Để chọc ghẹo lại, có người đã gọi cho ông sau đó cho biết đang lái xe từ Michigan cách đó vài trăm dặm để tới lấy mấy gói nước chấm trên. Đương nhiên là người gọi không bao giờ xuất hiện.
Nhưng không chỉ những gói nước chấm của ông Fulllerton mới không có người cần mà ngay cả những món đồ rất đàng hoàng cũng không kiếm được chủ mới. Như cuốn thánh kinh dành cho thiếu niên có tên “Catholic Teen Bible” của ông Bob Rowan sống tại New Jersey rao đã lâu mà vẫn không có người lấy. Ông Rowan là người hào phóng, thích cho đi nhiều đồ dùng của ông, từ bàn ghế, đồ chơi đến dụng cụ làm vườn, sửa nhà và sách dạy nấu ăn. Món đồ nào đăng lên cũng có người đến lấy, nhưng cuốn thánh kinh thì chờ đã lâu mà chưa ai chịu lấy mặc dù theo như lời ông tả thì cuốn sách vẫn còn trong tình trạng gần như mới. Ông Rowan có lẽ không cần phải lo, cứ kiên nhẫn chờ một thời gian thì thế nào cũng có người tới lấy thôi. Thế giới với hàng nhiều tỷ người chẳng lẽ không có một người trẻ nào đang cần đến sự hướng dẫn tâm linh.
Người Việt chúng ta thường nói “cũ người mới ta” để nhằm nhắc nhở mọi người đừng nên phí phạm, vất bỏ đi những đồ dùng có thể cũ nhưng còn tốt. Điều này không chỉ đúng trong thời đại này mà còn ngày càng có ý nghĩa hơn trong một xã hội tiêu thụ bừa bãi. Trong mấy năm gần đây đã xuất hiện một số phong trào kêu gọi người tiêu thụ hãy hướng tới việc xài lại những món đồ đã qua tay người sử dụng và người ta nhận thấy là ngày càng có nhiều người trẻ tham gia vào. Phong trào khuyến khích xài lại đồ cũ không chỉ nhắm tới tiết kiệm chi tiêu mà mục đích chính là khơi dậy ý thức góp phần gìn giữ môi trường sạch cho trái đất. Một công hai chuyện thật là tiện ích.
Huy Lâm