Phóng Viên Không Biên Giới - RSF tố cáo có 50 nhà báo bị sát hại trên thế giới trong năm 2020. AFP/Bertrand Guay
Nhân Ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3 hôm nay, Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) công bố báo về tình trạng phân biệt đối xử nam nữ vẫn còn lan tràn khắp nơi trong lĩnh vực báo chí cùng những hậu quả đối với các nữ phóng viên, cũng như đối với tự do báo chí.
Dựa trên các điều tra được tiến hành ở 112 nước, Phóng Viên Không Biên Giới nhấn mạnh tình trạng phân biệt đối xử trong báo chí vẫn đáng lo ngại. RSF đã phỏng vấn các thông tín viên, nhà báo chuyên về vấn đề bình đẳng giới, để có thể thống kê được các hành vi phân biệt giới dưới đủ các hình thức: kỳ thị, lăng mạ, quấy rối tình dục, đe dọa và thậm chí cưỡng bức.
Báo cáo của tổ chức bảo vệ các nhà báo, trụ sở tại Paris, kết luận: "Là nhà báo nữ đồng nghĩa thường xuyên chịu nguy cơ kép: Nguy hiểm vốn có của nghề nghiệp đồng thời đối mặt với các hành vi thô bạo về giới tính hay tình dục”.
Hiện tượng thô bạo này xảy ra ở khắp các môi trường, từ trên internet, các mạng xã hội, đối với 73% người được hỏi. Ở nơi làm việc của các nhà báo nữ, 58% người được hỏi tố cáo các hành vi kỳ thị giới ngay trong các ban biên tập, ở nhiều nước khác nhau.
Báo cáo của tổ chức phi chính phủ nhấn mạnh đến các hậu quả nghiêm trọng của những hành vi thô bạo trên khiến không ít các nhà báo nữ phải bỏ nghề, hạn chế công việc… RSF cũng đưa ra một loạt khuyến nghị với các cơ quan truyền thông để đấu tranh với hiện tượng kỳ thị nữ giới trong báo chí.
Theo RFI