Váy của phụ nữ trở thành một công cụ kháng chiến của người dân Miến Điện, nhằm cản đà tiến của cảnh sát, quân đội. Ảnh chụp ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08/03/2021 tại Rangoon, Miến Điện. AP
Sáu tuần kể từ khi quân đội Miến Điện đảo chính, trấn áp, bắn đạn thật vào người biểu tình khiến hơn 50 người chết, “phong trào kháng chiến đang hình thành”, theo nhật báo Le Monde sau cuộc phỏng vấn qua điện thoại với “Docteur Sasa” (Bác sĩ Sasa), một nhà đấu tranh hoạt động bí mật, thuộc dân tộc Chin, một trong năm dân tộc đông nhất ở Miến Điện.
“Bác sĩ Sasa” trở thành “đặc phái viên” bên cạnh Liên Hiệp Quốc sau quyết định bổ nhiệm của một Ủy ban Đại điện Quốc Hội (Committee Representing Pyidaungsu Hluttaw, CRPH) khẳng định là cơ quan hợp pháp duy nhất sau cuộc bầu cử lập pháp ngày 08/11/2020, mà đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân Chủ (LND) giành chiến thắng áp đảo. Ủy ban Đại điện Quốc Hội do 4 bộ trưởng của chính quyền dân sự bổ nhiệm, ban đầu có 17 thành viên đều là nghị sĩ của đảng LND, hiện sống bí mật, có nguy cơ bị bắt và chịu án tử hình vì tội “phản bội”.
Cuộc kháng chiến của CRPH được hình thành vì, theo bác sĩ Sasa, “giới tướng lĩnh đã tuyên chiến với chúng tôi và quân đội tự cho quyền giết người ! Vì thế chúng tôi phải chiến đấu chống chính quyền bất hợp pháp xuất phát từ cuộc đảo chính và tìm giải pháp thay thế chính quyền hiện tại”.
Theo Le Monde, dường như CRPH đã lập được mạng lưới hoạt động ở nhiều xã, thành phố lớn, nhờ phối hợp với giới công chức trong bộ máy quản lý hành chính ở các cấp địa phương. “Chiến tranh tiêu hao” chống tập đoàn quân sự bắt đầu hình thành, trước tiên là với “một chính phủ tạm quyền sắp được thông báo thành lập”, theo “Bác sĩ Sasa”. Trong giai đoạn 2, họ “sẽ thành lập một quân đội liên bang tập hợp mọi thành phần dân tộc khác nhau của Miến Điện”.
Gương mặt đại diện ngoại giao mới của cuộc kháng chiến “kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ về chính trị, kinh tế” và “ban hành trừng phạt nhắm vào các tướng lĩnh đang cầm quyền”. “Bác sĩ Sasa” kêu gọi tổng thống Pháp Emmanuel Macron hỗ trợ cho “quân đội liên bang tương lai”, kêu gọi “tập đoàn dầu khí Total, đang có mặt ở Miến Điện, ngừng hợp tác kinh tế với chế độ”.
Kháng chiến : Nhiệm vụ khó khăn từ kế hoạch đến thực địaRất khó xác định được quy mô của CRPH trên thực địa. Ủy ban Đại điện Quốc Hội gửi thư kêu gọi các chính quyền địa phương gia nhập phong trào và không tuân lệnh của chính quyền được hình thành sau cuộc đảo chính. “Cuộc nổi dậy” sẽ cho thấy “sự đoàn kết của mọi nhóm dân tộc chống lại quân đội”. Một kế hoạch có vẻ lạc quan, theo nhật báo Le Monde, vì chưa bao giờ chính quyền quân sự hay dân sự tập hợp được cùng dưới một ngọn cờ 135 dân tộc của Miến Điện kể từ khi độc lập năm 1962.
Hoạt động của mạng lưới CRPH được giữ bí mật tuyệt đối và được tổ chức chặt chẽ : Ở mỗi cấp, một người chỉ biết duy nhất cấp trên trực tiếp của mình. Những người tham gia kháng chiến không gặp gỡ trực tiếp và chỉ trao đổi trên mạng xã hội… Hiện tại vẫn có nhiều băn khoăn về quy mô của tổ chức, về chiến lược lâu dài. Nhưng ít nhất, tại những địa phương đã có chi nhánh của CRPH, phần lớn người dân ủng hộ và tôn trọng những quyết định của CRPH, “rất nhiều công chức ngừng làm việc cho chế độ quân sự, mà thực chất là ngầm hoạt động cho CRPH”.
Không một nhà quan sát nào dám dự đoán bên nào sẽ thắng, nhưng “CRPH sẽ có nhiệm vụ rất khó khăn”, theo nhận định với Le Monde của một người ẩn danh tại Rangoon.
Miến Điện : Cách mạng váy và quần áo lótNgười biểu tình Miến Điện tiếp tục sử dụng những phong tục, tín ngưỡng để kháng chiến. Sau cách gõ xoong nồi thường được sử dụng để đuổi tà ma nhằm báo động người lạ hoặc cảnh sát đến bắt người vào ban đêm, họ làm “cách mạng longyi”, theo báo Libération.
Tín ngưỡng lâu đời này cấm đàn ông bước dưới trang phục mà phụ nữ mặc ở phần dưới cơ thể, vì sẽ mất sức mạnh nam tính và mọi bất hạnh sẽ đổ lên đầu họ. Tín ngưỡng này bây giờ là một cách đấu tranh của người dân. Gần như trên khắp cả nước, váy, quần, đồ lót của phụ nữ được giăng trên cao và “ngăn được đáng kể đà tiến của quân đội”, vì họ phải gỡ hết quần áo đó xuống. Nhờ vậy mà người biểu tình có thời gian chạy trốn, trong trường hợp xảy ra bạo lực.
Theo RFI