Bỏ chồng. Mai đang đi vào vết chân của những người đàn bà tự nhận là mình đẹp, tự cho là hồng nhan để bào chữa bênh vực nỗi đa truân của mình nhưng nếu cái hồng nhan biết an phận, con mắt đừng láo liên, lòng dạ đừng nhảy nhót khiêu vũ thì làm sao đa truân?
Nếu cái hồng nhan biết chịu khó nuôi con chiều chồng, chịu khó tay làm hàm nhai, chia ngọt xẻ bùi với bạn gối chăn và chịu khó cứ năm một mà sanh thì sức nào nữa mà đa truân? Gái mười con có là tiên nga giáng thế, có mặn mòi quyến rũ cách mấy thì các ông vừa mới quen đã lo ngay ngáy vì không sợ gánh nặng cũng gánh nợ. Gái mười con có trẻ cách mấy, có tập thể dục thể thao, có đi thẩm mỹ viện hàng năm thì da dẻ cũng rệu rạo trão truột.
Nếu cái hồng nhan biết quên đi sắc đẹp bên ngoài mà chỉ chú trọng cái đẹp trong tâm hồn, sống tốt lành thánh thiện, sống mẫu mực đạo hạnh thì dễ gì gặp gian truân? Khổ nỗi trên thế gian này có mấy mươi người đẹp chịu an phận? Sắc càng mặn mòi thì mơ ước càng cao, chính cổ nhân xưa kia còn phải đồng ý trai tài mới lấy được gái sắc, Sơn không có tài cán gì thì sao bắt Mai phải chung thủy?
Phải bỏ chồng… Phải bỏ chồng… Khi con người mang quá nhiều tham vọng như nàng và khi trong lòng không có sự thương yêu thì hai tiếng bỏ chồng dễ ăn sâu trong đầu óc và như thứ cỏ dại dù đất khô cứng, dù nắng hạn nó vẫn mọc lan tràn nếu không có người cật lực tận diệt. Sơn là chủ lâu đài hoang phế, có công đào tạo nhưng không biết tu bổ săn sóc mà Mai, con người mộng cao thích bỏ đi nhưng vẫn muốn dùng xảo kế để giữ lại chút ít danh dự cho mình.
Chuyện không chăn gối với chồng trong suốt chín năm ai mà tin được nhưng hỏi Sơn chắc gì chàng đã nói thật? Chỉ có hai người mới biết rõ chuyện đó và chỉ có Sơn mới là nhân chứng hùng hồn nhưng xưa nay Sơn không phải là kẻ thích đôi co tranh luận, cũng không phải là người muốn hơn thua nhất là chuyện kín phòng the nên Mai đã không ngần ngại dựng chuyện để biện hộ cho mình…
– Mẹ, mẹ hãy kiếm chồng cho mẹ chứ đừng kiếm bố cho con.
Mai giật mình vì tiếng la sang sảng của Duyên, con bé trở chứng đứng ngay ở cửa phòng từ lúc nào. Mặt nó đỏ bừng, thứ đỏ của một cơn sốt nặng và đôi mắt long lên dù lòng trắng đang chan hòa nước mắt. Như vậy nãy giờ nó đã khóc một mình, khóc chán chê không có người thí dỗ nên vào đây tiếp tục gây chuyện.
– Con ăn nói với mẹ như thế hả Duyên? Vào trong này ngay.
Lần đầu tiên Mai quát con. Có phải vì nó mãi đào vào vết đau của nàng hay đã đi quá giới hạn của một đứa bé chín tuổi.
– Mẹ hết thương con rồi!
Con bé khóc oà lên, không hiểu vì tủi thân hay gương mặt lạnh băng của nàng. Tiếng khóc nghe vô cùng bi thảm khiến Mai dù đang tức giận cũng dịu ngay lại.
– Duyên, mẹ không muốn con nhắc đến chuyện của bố mẹ nữa. Con còn quá bé để xen vào quyết định của người lớn.
– Nhưng bố đâu có bằng lòng? Cả bà ngoại, cậu, dì và tất cả mọi người. Ngay đến con, con cũng không muốn.
– Duyên, con nên nhớ không ai có quyền quyết định cuộc đời của người khác. Sau này chính bố mẹ cũng không thể định đoạt hôn nhân của con mà chỉ giúp ý kiến.
– Mọi người cũng giúp ý sao mẹ không nghe?
– Giúp ý kiến là quyền của họ nhưng nghe hay không là quyền của mẹ. Duyên, con nên nhớ, con chỉ là đứa bé học lớp bốn. Tuổi của con là tuổi ngồi xem phim hoạt họa, là tuổi tắm rửa chải tóc cho búp bê, là tuổi ăn rồi ngủ.
– Nhưng mẹ muốn bỏ bố.
Mai cố đè cơn bực dọc xuống. Mấy ngày hôm nay Duyên như một thứ ma ám trong nhà, càng dẫy ra xa nó lại càng bò sát lại.
– Nói thật cho mẹ biết có phải bà ngoại xúi con dùng áp lực với mẹ phải không? Vào đây cho mẹ bảo.
Mai dịu giọng và đưa tay vẫy gọi nhưng con bé vẫn đứng yên, mắt nó ướt đẫm.
– Bố chẳng có lỗi gì mà mẹ cũng bỏ. Bỏ được bố sau này mẹ cũng bỏ được con. Con không thích mẹ, con không thương mẹ nữa…
Giọng Duyên không bình thường vì người nó run theo từng bước chân giật lùi. Thái độ của con làm Mai mất bình tĩnh nên hất tung hết mền gối xuống đất.
– Cút xéo ngay, trời ơi là trời.
Con không được quyền đặt điều kiện với mẹ. Sẽ không có điều kiện nào cả nghe chưa… nghe chưa…
Giấc mơ tiền làm tối mắt nàng. Nói ra câu nào là biết sai ngay câu đó, hạ lệnh câu nào là thấy hố câu đó thế nhưng sao Mai vẫn không kềm hãm được. Những giọt nước mắt và lời buộc tội của bé Duyên như bờ đê trước dòng nước nàng đang cuồn cuộn đổ tràn xuống. Cơn giận ồ ạt trào dâng thì có đến mười bờ đê giàn hàng cũng bị cuốn trôi đi.
– Con hết thương mẹ rồi. Con hết thương mẹ rồi…
Biết không thể lung lạc được mẹ, con bé quay phắt người rầm rập chạy như bị ma nhát.
Mai ngồi chết lặng nhưng tâm trí đuổi theo từng bước chân của Duyên. Rồi cũng như hôm kia, hôm qua và như lúc nãy nó lại đóng mạnh cửa phòng và nằm khóc hu hu trong ấy. Suốt cuộc sống vợ chồng, lẽ ra người giằng kéo phải là Sơn nhưng chàng đã không làm thì tại sao con nàng lại bới cho to? Đâu ai giết chết bố cũng đâu ai bắt cóc mẹ của nó mà phải hành hạ thân xác như vậy?
– Duyên… Duyên… đứng lại.
Như cái bóng, Mai bật ngay dậy đuổi theo con nhưng cánh cửa phòng đã khóa chặt ngăn tiếng nức nở bên trong thành một thứ âm vang não nuột thê lương.
Mai ôm lấy đầu, hết cha mẹ anh em tra tấn rồi đến con mình. Bây giờ thì Mai thấy rõ chuyện ly dị không phải là dễ. Thuận vợ thuận chồng cứ lẳng lặng ký giấy tờ với nhau nhưng một trong hai người không đồng ý thì không cách này cũng cách khác, không nhờ người này cũng nhờ người khác xen vào khuyên bảo van lơn.
Bây giờ Mai cũng thấy rõ rằng đại gia đình nàng không phải là những dây rau má chằng chịt, chỉ một cái mắt già chạm đất là có thể nảy rễ và tự sống dù chung quanh có bị cắt đầu cắt ngọn mà là một thứ có cội có nguồn, một chỗ bế tắc, tất cả đành đình trệ. Mọi trở ngại Mai tưởng đã vượt qua không ngờ mới chỉ là bắt đầu chuyển mình.
Một tháng trong con số mười hai tháng mới chỉ là đình xử. Còn những mười một tháng nữa như mẹ nàng tuyên bố là vẫn phải sống chung và đối xử với nhau như chưa có chuyện gì xảy ra để khỏi ân hận trước khi quyết định.
Còn mười một tháng nữa với tiếng khóc của Duyên và tiếng quát tháo mắng chửi của nàng. Mười một tháng với gương mặt Sơn võ vàng và mười một tháng với cơn sốt dư luận.
Không. Không thể nào Mai chất củi phía dưới rồi trèo lên giàn thiêu nằm chờ người khác mồi lửa. Kẻ mồi lửa phải là nàng mà dư luận không hơn gì những bó củi. Dư luận càng sôi nổi thì củi càng chất cao và dĩ nhiên khi cháy cũng chỉ bùng lên một lần và than tro rồi cũng theo gió tan bay đi mất. Không có thời gian chờ đợi nào nữa cả mà phải lo giấy tờ ly dị càng sớm càng tốt. Mai đã tránh được giòng họ một tháng thì tránh luôn cũng đã sao và cùng lắm nếu mẹ nàng khó khăn cấm đoán thì Mai sẽ đem gửi con ở chỗ khác…
Nghĩ đến Duyên và sự chống đối quyết liệt của nó Mai khựng lại. Thương bố như thế chắc chắn nó không coi Mai là người mẹ hiền lành đức độ. Nó cũng không còn tin tưởng ở những gì mẹ nó hứa hẹn và biết đâu chừng quyết định đời nàng lại ảnh hưởng xấu đến tương lai con. Đúng là hậu quả dây chuyền nhưng khi sợi dây sên bị tuột, chiếc xe đạp không thể chạy nếu không tìm cách căng hoặc cắt bớt nó đi.
Một chùm nho có quả bị hư, người bán hàng không thể để mãi ở đó nhìn nó mốc meo hoặc chảy nước.
Chuyện ly dị của Mai rồi cũng bị quăng ra khỏi gia đình như trái nho hư hỏng kia và sẽ bị vùi dập trong lãng quên dù trước khi quăng thì tâm hồn và thân xác Mai cũng đã bị hành hạ cho nhừ tử. Muốn ly dị Mai phải trả cho nó một cái giá hoặc ít nhiều thiệt thòi. Nếu phải hy sinh tất cả để đạt được ý nguyện có người đàn bà tham lam nào không dám làm dù rằng phải đánh đổi cả con mình? Như thế có nghĩa là Mai đã tìm được giải quyết khi cho rằng nếu Duyên không chịu ở với nàng biết đâu nó lại chẳng sung sướng hạnh phúc hơn khi sống ở cạnh Sơn? Mai thở dài buồn bã nhưng phải thành thật nhìn nhận điều ấy là đúng vì ở với Sơn, nàng biết rõ chồng hơn ai hết. Sơn là người mẫu mực chừng độ có thể lo tương lai con hơn nàng. Thôi thì cũng đành chấp nhận nếu năn nỉ khuyên bảo mà Duyên không chịu nghe. Nàng phải tôn trọng nó như mọi người đã tôn trọng tự do của nàng. Ở với ai là do quyết định của nó vì thế cũng không nên để cho bất cứ ai ảnh hưởng đến quyết định của mình…
– Duyên… Duyên… mở cửa cho mẹ đi con.
Suy nghĩ như là vậy nhưng Mai vẫn cảm thấy lương tâm cắn rứt. Chẳng có hùm dữ nào nỡ ăn thịt con, dù người mẹ có ác độc cách mấy nhưng trong lòng vẫn có một tình thương máu mủ nhen nhúm. Tuy quyết định để tùy con lựa chọn nhưng không có nó mỗi ngày, mỗi chiều đi làm về thì chắc chắn cuộc sống của nàng sẽ tẻ nhạt vô cùng.
– Duyên ơi mở cửa đi con. Mẹ thương con mà!
Con bé ngưng hẳn tiếng rên rỉ và hình như đang đứng sát ở cửa phòng nghe ngóng. Mai cố thuyết phục:
– Duyên, mẹ thương con hơn tất cả mọi sự trên thế gian này. Mở cửa cho mẹ vào nói điều này hay lắm!
– Nhưng mẹ phải hứa không được bỏ bố.
Nó lại nhắc đến bố. Cuốn cassette đám ma bị nghe lại nhưng khóc nhiều nên giọng nó lạc hẳn đi. Không. Không bao giờ… Mai mím chặt môi và rồi thu hết tàn lực nàng lê nhanh trở lại phòng. Lần này tiếng khóc Duyên vỡ lớn cùng với tiếng lòng Mai đau đớn tràn ra tạo thành dòng thác lũ cuồn cuộn chảy…
***
Nửa đêm giật mình thức giấc, tuy không ngủ say và tiếng động bên dưới không đủ lớn nhưng vẫn có tác dụng làm Mai tỉnh hẳn. Như có linh tính Mai vội khoác thêm áo choàng rồi bước nhanh xuống thang lầu. Bên dưới đèn sáng, có lẽ Sơn vừa mới về và sửa soạn ăn cơm.
– Ủa, anh định đi đâu vậy?
Mặt Mai biến sắc. Trên ghế sa lông Sơn đang ngồi viết thư, bên cạnh hai xách quần áo căng phồng.
– Anh dọn đi đâu sao không nói gì cho em biết vậy?
– Còn nói gì nữa bây giờ? Viết vài lời từ biệt là quá đủ.
Sơn không nhìn vợ, mắt vẫn dán chặt vào trang giấy dù tay đã ngừng viết.
– Anh không được quyền ra khỏi nhà này.
– Em có quyền ly dị thì tại sao anh không có quyền đi? Chẳng lẽ anh cứ bám víu ở đây làm hề làm mọi?
– Nhưng giấy tờ luật sư chưa gửi về mà!
– Gửi hay không gửi chả cần thiết vì người quyết định đi hay ở là anh chứ không phải là họ.
Xưa nay Sơn rất ít nói và mọi chuyện đều để cho vợ giải quyết thế mà đêm nay tự ý khăn gói ra đi không bàn soạn với ai khiến Mai hoảng kinh.
– Anh tự ý ra đi là để em dễ ăn dễ nói với bạn bè. Ngày mai em cứ phao tin anh trốn theo con nào là xong.
– Vấn đề không phải là cái danh dự hão
Mai tức tối.
– Thế tại sao em lại tuyên bố với mọi người chúng mình đã chín năm không ăn nằm?
Xem thêm
Gói quà đầu năm
Con gà trống của người lính tù
Nửa Cánh Thiên Đường (Tiếp theo Thời Báo Thứ Năm 2825, ngày…
Coi Như Đã Về…
Mai đỏ bừng mặt. Sự ngượng ngùng làm lưỡi nàng cứng đơ.
– Trả lời anh đi tại sao em lại dựng chuyện như vậy?
Sơn nhìn vợ với nét mặt nghiêm nghị và đôi mắt sắc bén như đang tra tấn tội nhân khiến Mai quên hết xấu hổ, mặt nàng giận phừng phừng:
– Một năm hay mười năm cũng thế. Hãy tự hỏi lòng anh rồi hãy hỏi người khác vì em có kêu mời anh đâu. Anh năn nỉ và ép buộc thì sao gọi là sự đồng tình? Chuyện thể xác một chiều, em chiều sự đòi hỏi của anh cho qua đi thì anh có đủ chín năm chứ em thì không.
– Anh không ngờ em dám dùng cái lưỡi của chính mình để đánh bạc mà không cần biết thắng hay thua. Nhưng thôi, một chiều hay mười chiều anh cũng chẳng đôi co với em chi cho mệt. Tiện em đã xuống đây thì anh cũng nói luôn là từ giờ đường ai nấy đi. Chuyện ly dị không có gì trở ngại cả, khi nào xong giấy tờ nhắn mẹ gọi anh về ký giấy.
– Nhưng mẹ bắt chúng mình ở với nhau thêm một năm…
– Không ai bắt được anh cả.
Sự quyết liệt và dứt khoát thẳng thừng của Sơn khiến Mai lo lắng. Từ lâu Mai chỉ chuẩn bị tinh thần cho những chống đối khó khăn từ phía gia đình, chuẩn bị tình cảm cứng rắn để chống đỡ sự van xin của Sơn chứ còn vấn đề nhà cửa, con cái, đồ đạc trong nhà chưa bàn tới sao Sơn bỏ đi quá dễ dàng.
– Còn nhà cửa, con cái, đồ đạc trong nhà này thì sao?
– Tất cả anh giao hết cho em. Mười năm qua em đã chạy theo làm nô lệ và phục vụ cho chúng thì với công sức đó em được quyền hưởng. Anh đến với em chỉ bằng tình yêu nhưng em không nhận thì anh lấy lại.
– Anh hiểu lầm ý của em. Em muốn nói đến số nợ hàng tháng phải trả.
– Em còn muốn gì ở anh nữa hở Mai? Không thương không yêu mà níu kéo thằng chồng ngu đần ở với mình cho nó trả nợ hóa ra em lợi dụng nó? Có là thằng ngẩn ngơ cũng phải biết điều đó. Một tháng nay anh đã suy nghĩ kỹ và thấy em không xứng đáng hưởng tình anh mang đến. Em đẹp người nhưng cái nết không có, đức hạnh cũng không. Ngày xưa em bảo lấy anh vì lầm lẫn thì ngày nay anh cũng phải bật thốt ra câu đó. Cả hai chúng ta đều lầm lẫn. Anh đã không tìm hiểu em kỹ lưỡng khi cưới mà chỉ nhìn vào gia đình, giòng họ. Anh quên luôn rằng cùng một dây lang nhưng khi đào cũng có củ lớn củ bé, cũng có củ hà củ sượng.
– Anh không được quyền nhục mạ em.
– Anh không nhục mạ mà nói ra một sự thật. Xưa nay em không dám nhìn vào sự thật từ chính con người mình. Em đã đẹp sẵn tại sao còn chạy theo mãi làm nô lệ cho vẻ hào nhoáng trong khi cái nết không trau dồi? Những người có địa vị tiền bạc đâu ai cắm đầu cắm cổ kiếm tiền mà thay vào đó làm những việc có ý nghĩa hơn, không bỏ tiền giúp kẻ nghèo khó khốn khổ cũng sửa chữa nhà thờ, chùa chiền hoặc tu bổ nhà thương, thư viện. Em có biết nhiều ca sĩ trước khi nổi tiếng họ đã phải dùng sắc đẹp, thân hình khiêu gợi để mua chuộc, chinh phục hoặc ngay cả những đổi chác rẻ rúm tầm thường để chóng đạt đến thành công nhưng khi được toại nguyện họ lại hướng về mục đích tốt lành cao cả hơn. Họ muốn khán thính giả yêu chuộng, ngưỡng mộ tên tuổi lừng danh của mình không phải ở cái sắc mà là tài năng và cái đẹp thực thụ trong tâm hồn. Mai, anh yêu em và lấy em không phải vì em đẹp. Anh nhắc lại lần cuối cùng dù đã nói rất nhiều lần mặc dù biết rằng cái sắc của người con gái dễ dàng thu hút và dễ khiến cho thanh niên đến gần mình hơn. Anh lấy em vì theo quan niệm ngày xưa “lấy vợ xem tông” nhưng anh đã lầm. Cả hai đứa đều lầm lẫn khi lấy nhau thì khi chia tay có gì để ân hận?
– Anh nói láo. Sao hôm trước có mặt tất cả mọi người anh tuyên bố là không muốn ly dị, không muốn mất em?
Sơn ngỡ ngàng nhìn vợ. Mai có vẻ khác hơn thường ngày, nhất là điệu bộ túng túng hốt hoảng và nỗi bồn chồn lo lắng, hình như có một chấn động, dù rất nhỏ, rất mơ hồ vừa ló dạng. Giá ngày thường Sơn còn dùng nó để tự an ủi cho mình nhưng những thất vọng não nề đã liên tiếp đi kèm theo nên chàng cứ tỉnh bơ nói hết cảm tưởng mình, tự đáy lòng.
– Mai, đừng nhắc lại chuyện của một tháng trước. Một tháng trước anh níu kéo vì vẫn còn yêu em nhưng lòng con người mỗi ngày là mỗi thay đổi, hôm nay anh như thế này nhưng ngày mai biết đâu chẳng còn sống, hôm nay anh chung thủy nhưng biết đâu ngày mai đã có người con gái khác trong vòng tay.
– Nhưng tiền nhà làm sao em cáng đáng nổi chứ!
Sơn nhìn vợ chằm chằm, càng lúc Mai càng chứng tỏ rằng quyết định ly dị của nàng chẳng tính toán xét suy và cũng chẳng căn cứ trên một lỗi lầm chính đáng nào.
– Mai, em có dám nói thật cho anh biết tại sao em lại muốn ly dị?
– Tại em không thương. Mai thẳng thừng trả lời.
– Tại sao em không thương?
– Tại anh bất tài, tại anh cù lần, tại anh không biết chưng diện.
Thì ra thế! Cả ba lý do từ bẩm tính chứ không phải lầm lỗi. Lầm lỗi còn có thể sửa được chứ bẩm tính thì không. Sơn thở dài.
– Chính vì nghĩ rằng mình thô kệch, bất tài không kiếm ra tiền nên anh mới bỏ đi, tại sao em lại còn níu kéo?
– Một đống bill tháng này chưa thanh toán. Anh tưởng giàn Karaoke mới lấy vài tháng trước đã trả nợ xong? Rồi còn cái xe…
– Giá em chưa có việc làm mà anh bỏ đi thì mới đáng trách, đàng này lương kỹ sư không lẽ em không lo nổi? Biết đâu chừng anh vừa ra khỏi nhà đã có người khác xung phong vào share phòng.
– Anh đừng nói chuyện tương lai mà hãy bàn ngay hiện tại. Cả hai chúng ta cùng đi làm còn lo không xuể.
– Đó cũng là kết quả của sự tiêu xài quá đáng. Em muốn có nó thì cố gắng chạy nợ, còn anh đã ngu dại chiều em phí bỏ mười năm. Bây giờ em chọn nó hoặc chọn anh chứ không thể nào cả hai. Muốn sống với anh thì tư tưởng phải thay đổi hoàn toàn và nên nhớ rằng vật chất chỉ là công cụ làm cho cuộc đời sung sướng hơn chứ không phải để tạo ra hạnh phúc. Từ giờ trở đi anh không dính dáng gì đến nhà cửa tiền bạc xe cộ của em. Em muốn đổi xe mỗi năm thì cứ tự tiện, muốn Lincoln hoặc Mercedes cũng kệ em. Có sức thì làm, có gan thì cố trèo. Cái gì nhắm chừng giữ được thì giữ còn không thì cứ mặc cho ngân hàng kéo…
– Đúng. Anh nói đúng! Mai hét lên, tự ái làm nàng nổi nóng. Cái gì giữ được thì giữ, lát nữa em sẽ báo trả nhà rồi dọn về với mẹ.
– Em đã hỏi ý kiến của mẹ chưa?
– Mẹ của em, em về lúc nào cũng được chẳng cần phải hỏi.
– Vậy thì chúng mình lại phải ở chung một nhà nữa rồi. Tuần trước mẹ bảo anh thu xếp áo quần về trên đó mà ở, và nếu em bằng lòng anh sẽ dẫn bé Duyên theo luôn để bà cháu hủ hỉ cho đỡ buồn nhưng anh biết em thương con nên quyết định để nó ở với em. Còn như em đã biết cha mẹ anh mất sớm nên dẫu mẹ vợ, anh cũng chăm sóc như mẹ đẻ.
– Anh không được quyền bước chân vào nhà em. Anh là thằng rể hèn. Rể về ở nhà mẹ vợ như chó rúc gầm chạn.
– Hèn hay không thì trước sau chúng mình cũng sẽ ly dị sao em còn sợ? Chuyện anh về với mẹ, em không muốn cũng không được vì nhà của mẹ thì dĩ nhiên quyết định cũng phải từ mẹ. Giờ anh phải đi, em có nói thêm cũng bằng thừa.
– Không!
Mai quát lớn rồi đứng bật dậy chắn ngang ở cửa ra vào nhưng Sơn rất thản nhiên và coi như chuyện bình thường, chàng lẳng lặng xách va li đi vòng theo lối cửa sau bếp…
Sự việc diễn tiến quá nhanh khiến Mai chỉ còn biết đổ người xuống ghế. Chưa bao giờ Sơn cứng cỏi và đàn ông tính như lần này. Mọi khi gây gổ chỉ cần Mai đứng gần là bao nhiêu giận hờn tiêu tan, chỉ cần Mai tỏ thái độ khó chịu là Sơn chạy theo năn nỉ thế mà hôm nay nàng đã năm lần bẩy lượt nhắc đến tiền nhà, tiền xe Sơn cứ lờ tiệt. Nhất là khi nói đến bé Duyên, mắt Sơn không đau khổ van lơn như mọi lần mà cứ tỉnh bơ, đã vậy còn chỉ trích nàng và chà đạp cả lên tình chồng vợ. Lấy lầm… Lấy lầm… Những lời nói tuy bình thản thoát ra từ đôi môi dầy bất cần của Sơn nhưng lại là lời nhục mạ gớm ghê. Lấy lầm mà vẫn ăn ngủ với vợ trong suốt mười năm? Lấy lầm mà vẫn hùng hục đi làm dâng hết tiền về cho vợ? Không, Sơn nói dối. Sơn vẫn yêu thương mê mệt nàng. Sơn vẫn còn hy vọng chờ sự thay đổi của nàng. Chắc chắn phải có nhiều bàn tay nhúng vào và nhiều lời nói xúi bẩy vì xưa nay Sơn không khôn ngoan và lòng không sắt đá như thế. Mỗi một câu hờn trách đều sợ vợ buồn khổ, đau đớn thế mà lần này chàng xa xả chửi không tiếc lời “đẹp người xấu nết”.
– Đã xấu nết sao còn cưới?
– Cưới vì nhìn lầm, vì lầm lẫn không nghĩ rằng trong đám khoai lang có củ hà củ sượng.
Còn lời xỉ nhục nào gớm ghê? Sự tức giận làm nước mắt Mai trào ra, hờn đau quay quắt thấu đến tim gan, nhục cũng ngập lên tới mắt vì không ngờ ngay đến mẹ cũng vào phe cánh với Sơn để chống đối nàng. Ly dị mà gia đình Mai chứa chấp Sơn có khác nào bắt nàng ly dị luôn cả giòng tộc? Tại sao mẹ nàng quái ác như thế! Tại sao cả nhà muốn tống khứ nàng ra khỏi tổ ấm và tại sao Duyên lại cũng cố tình đẩy mẹ nó ra khỏi cuộc đời?
Xưa nay Mai vẫn nghĩ ly dị là sẽ mang đến cho nàng cuộc sống thoải mái sung sướng hơn chứ đâu ngờ lại lâm vào tình trạng rối rắm khổ sở như thế này! Giấy tờ chưa xong, chưa giải quyết tiền bạc, nhà cửa thì lại một mình ôm đống bill. Bỏ thì tiếc mà cố giữ làm sao đủ sức trả vì mỗi món đồ trong nhà là một thứ mắc mỏ quý giá, có những bức tượng cổ xưa cả trăm năm về trước hoặc có tiền cũng không thể mua được không lẽ vì ly dị mà đem bán tống bán táng?
Cuộc đời Mai chạy theo nó và ly dị cũng không ngoài mục đích tạo dựng thêm gấp mười, gấp trăm lần nhưng không ngờ bây giờ Mai mới thấy rõ mọi thứ nàng đều bám theo một cách hết sức tạm bợ và mỏng manh. Có phải sự ra đi đột ngột của Sơn là muốn cho Mai nhận thức được những việc mình đang làm?
Và nếu việc làm mang đến sự ray rứt khổ sở thì chắc gì Mai đã đúng?
Không lẽ Mai đi sai đường và không lẽ cái mơ ước sang giàu tột đỉnh của nàng chỉ là điên rồ?
Người ta chỉ mơ khi chưa có.
Người ta chỉ chịu tuột xuống khi đã thỏa mãn vì leo lên tới đỉnh còn nàng giấc mơ không điểm tới…
Giấc mơ không điểm tới hoặc chưa điểm tới mà đã làm khổ cả gia đình thì sai hay đúng?
Mai đang làm sai hay đúng…?
Sợ hãi câu trả lời và cũng cầu mong có thể trốn chạy nó, Mai nhắm mắt lại với hy vọng xua đuổi phần nào những ý nghĩ đang làm nàng giao động nhưng mỗi lần nhắm mắt là cả trăm món đồ trong nhà sừng sững hiện ra, ngổn ngang, vướng vít như lạc vào một ngôi đền bị vùi sâu dưới lòng đất cả trăm năm.
Chưa bao giờ Mai nhìn rõ chúng bằng lúc này, như sờ, như mó, như vuốt ve mơn trớn nhưng cảm giác ở bàn tay đã gai lạnh. Cái nặng nề khó thở trong lồng ngực bị thêm mùi ẩm mốc từ ngôi đền làm ngột ngạt dù bụi đã xếp lớp dính chặt vào nhau cứng như đất nung.
Ánh sáng lờ mờ hắt ra từ bốn bức tường đá trắng như đồng lõa soi rõ những bộ mặt quái đản dị kỳ.
Có tượng dài ngoằn không khác mặt ngựa với đôi mắt mở thao láo như quái vật, lại cũng có tượng tai lớn như tai voi nhưng đôi mắt chuột hí. Có tượng nhe răng cười mời gọi Mai nhưng cũng có tượng miệng dệch rộng ra dọa nạt làm cặp môi thâm xì, căng mọng và bầm đỏ như vừa nhấp xong cốc rượu máu. Ôi những bức tượng sao trông gớm ghê mà khi mang lên khỏi mặt đất loài người lại tô điểm, đặt cho nó cái tên và định giá thật cao, phải chăng để thỏa mãn công trình tìm kiếm cùng sự ham muốn tiếng tăm hầu tăng giá trị kèm theo của mình?
Dưới lòng đất sâu, tượng đất chỉ là tượng đất mà nàng, sinh vật duy nhất tuy di động nhưng lại lạc loài trơ trọi và quá nhỏ bé có khác nào thứ ốc sên tanh hôi mang ước vọng điên rồ đang gắng bò quanh theo từng bức tượng cổ cố làm cho nó sáng bóng, giá trị thêm lên nhưng kẻ đứng ngoài nhìn vào thấy gì ngoài những vết nhầy nhụa, trơn nhớt và làm căn phòng bẩn thỉu hơn.
Mười năm trời vất vả chạy theo và say mê mua sắm… thành quả Mai đạt được là bằng này thứ, những bức tượng câm điếc, vô tri, không hồn.
Mai đã bỏ thiên đường thực tại để kiếm tìm trong ảo tưởng vật chất.
Thiên đường mơ ước của nàng không phải là hạnh phúc gia đình mà là những bức tượng gớm ghiếc bằng đất nung, bằng thạch cao, bằng ngà ngọc và giá trị gì, quý báu gì với con số một ngàn tám trăm khắc tận dưới dáy?
Giá trị gì khi nó chỉ còn là một đống đất sét khô nếu vô tình đụng tay rớt bể?
Người ta đi tìm bảo vật cổ xưa để lưu truyền di tích lịch sử. Còn nàng không mục đích, không trách nhiệm, không sứ mạng mà chỉ là những đua đòi ham muốn lợi danh, ham muốn sự tâng bốc trầm trồ của người đời.
Kẻ chạy theo vật chất có khác nào tự năn nỉ xin làm nô lệ cho thằng chủ nhân tham lam ngu xuẩn thay vì biến nó thành đứa đầy tớ trung thành.
Kẻ chạy theo vật chất là chạy theo bản ngã tầm thường để chiều chuộng thân xác có khác nào phục dịch cho một cái xác vì biết chắc rằng khi hơi thở không còn nó sẽ trở nên trương phình, hôi thối và tan rữa tận sâu dưới lòng đất.
Từ lâu Mai tưởng mình sẽ tìm thấy hạnh phúc qua vật chất của cải, được ngồi trên đống vàng, đống bạc là thấy đời vui nhưng đã có mấy ai bằng lòng với những gì mình đang có? Kẻ dư ăn lại muốn ăn ngon hơn, bày ra các món lạ miệng, tốn kém, công phu để thỏa mãn khẩu vị. Người đủ sống lại muốn khá hơn, đủng đỉnh của dư của để…
Lê Thao Chuyên