Chính sách đất đai là nguồn cội của tham nhũng. Trong hình: Ông Lê Đình Công bị dẫn ra tòa trong phiên phúc thẩm liên quan vụ án Đồng Tâm. Hình minh họa.
KBS (Korean Broadcasting System – Hệ thống Phát thanh và Truyền hình Nam Hàn) vừa phát một tin rất ngắn: Nhóm Đặc nhiệm liên ngành được thành lập để kiểm tra về khả năng dính líu của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của Nam Hàn với đất đai, vừa phát giác 28 viên chức có dấu hiệu vi phạm các qui định của chính quyền Nam Hàn về lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đầu cơ đất đai và nhà ở.
Cả 28 viên chức vừa kể đều làm việc trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền một số địa phương của Nam Hàn. Theo Nhóm đặc nhiệm liên ngành, bởi 23/28 viên chức có dấu hiệu đầu cơ nhà, đất và họ sẽ chuyển 23 hồ sơ này cho Cơ quan Điều tra đặc biệt của cảnh sát Nam Hàn để cơ quan này xem xét trách nhiệm hình sự của 23 viên chức đó. Đồng thời nhóm sẽ tiếp tục thẩm tra thêm về 5/28 viên chức còn lại để xem xét kỹ lưỡng hơn các dấu hiệu cho, tặng đất đai dường như là bất minh giữa các thành viên trong gia đình của năm viên chức ấy.
Để ngăn chặn tình trạng lạm quyền khi xúc tiến dự án, kế hoạch qui hoạch đô thị, khai thác thông tin để đầu cơ, trục lợi… chính quyền Nam Hàn đã thành lập Nhóm đặc nhiệm liên ngành vừa kể. Nhóm đã thực hiện hai đợt kiểm tra. Thông tin vừa đề cập là kết quả mới nhất về đợt kiểm tra thứ hai, nhắm đến 8.760 viên chức. Phương thức kiểm tra là đối chiếu các giao dịch bất động sản với kho dữ liệu về sở hữu nhà đất của viên chức.
Tính đến ngày 16 tháng 3 đã có 8.653 trong số 8.760 viên chức là đối tượng của đợt kiểm tra lần hai, đồng ý bạch hóa thông tin về tình trạng nhà đất của họ. Tuy nhiên vẫn còn 127 viên chức chưa tự nguyện làm như thế và chính quyền Nam Hàn đã chuyển danh sách 127 viên chức cho Nhóm đặc nhiệm liên ngành kiểm tra. Nhóm dự trù sẽ điều tra cả người phối ngẫu, họ hàng của 127 viên chức (*).
***
Nếu dùng “chính sách đất đai+tham nhũng” làm từ khóa để tìm kiếm trên Google, ai cũng có thể thấy khoảng 2.840.000 kết quả liên quan tới chủ đề này. Những kết quả đó cho thấy hàng chục năm vừa qua đã có vô số… hội thảo, hội nghị, công trình khảo sát, nghiên cứu về tình trạng tham nhũng liên quan tới soạn – duyệt - thực hiện các kế hoạch, dự án liên quan đến đất đai ở Việt Nam. Đó là chưa kể các chỉ thị, nghị quyết, qui phạm pháp luật của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền...
Dẫu không tính được đã có bao nhiêu tỉ đổ vào những hoạt động vừa kể nhưng vẫn có thể khẳng định, tiền của, thời gian, công sức – đủ loại nguồn lực của quốc gia, xã hội đã dốc vào công cuộc phòng – chống tham nhũng liên quan tới đất đai nói riêng và phòng – chống tham nhũng nói chung, không những vô ích mà dường như còn kích thích tham nhũng liên quan tới đất đai nói riêng và tham nhũng nói chung trầm trọng hơn cả về mức độ, tính chất lẫn hậu quả.
Chưa thể xác định hiệu quả hoạt động chống tham nhũng liên quan tới đất đai của chính quyền Nam Hàn như KBS đã đưa là cao hay thấp nhưng ít nhất tin ấy cho thấy, Nam Hàn có thực tâm muốn chống tham nhũng hay không! Nam Hàn không có tổ chức chính trị nào là duy nhất và nuôi tham vọng vĩnh viễn lãnh đạo quốc gia toàn diện, tuyệt đối như đảng CSVN nên mới chống tham nhũng theo phương thức chung của thiên hạ.
Còn tuyên bố chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ nhưng từ chối công bố tờ khai tài sản của các viên chức hữu trách, xem đó là nhạy cảm, nguy hiểm cho việc duy trì sự ổn định chính trị…. Chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ nhưng không chấp nhận xem xét nguồn gốc những tài sản mà viên chức đã kê khai xem có bất minh hay không, đồng thời thẳng tay loại bỏ tất cả các biện pháp xử lý tài sản có nguồn gốc bất minh, kể cả xử lý hình sự… thì phòng thế nào, chống ra sao?
Trân Văn (VOA)
___________
Chú thích(*)
http://world.kbs.co.kr/s...ang=v&Seq_Code=49363