Các thành viên Ủy Ban Người Mỹ gốc Hàn ở Atlanta kêu gọi chấm dứt nạn thù ghét chống người Châu Á sau vụ thảm sát ở Atlanta, Georgia, 18 tháng Ba.
Hàng năm, ước tính có khoảng 200 ngàn nạn nhân của những tấn công đến từ định kiến và lòng thù hận (hate crime) trên khắp nước Mỹ. Đây là những biểu hiện tội ác từ định kiến, đã gây sợ hãi trong sinh hoạt cộng đồng và làm xáo trộn cấu trúc xã hội. Các báo cáo cho biết những cuộc tấn công tinh thần đến thể chất nhắm vào người Á Châu đã gia tăng trong thời gian vừa qua, chúng ta thử cùng tìm hiểu về hiện tượng này trên góc nhìn xã hội ra sao.
"Hate crime" tức tội ác mang tính thù hận hay các hành vi bạo lực đến từ định kiến là những cuộc tấn công vào cá nhân hay tài sản nạn nhân, được kích động bởi các yếu tố như chủng tộc, tôn giáo, sắc tộc, giới tính... Tại Mỹ, những tội ác này có thể xảy ra với bất cứ sắc dân nào, không chỉ xảy ra riêng với các cộng đồng thiểu số. Tuy nhiên vì là thiểu số nên họ dễ là mục tiêu của những kẻ phạm tội vì có xu hướng im lặng, cam chịu và ít báo cáo hơn.
Các tội ác này có thể từ những lời nói kỳ thị, xúc phạm cho đến các cuộc tấn công thể chất và nguy hiểm hơn, là các vụ sát hại nạn nhân. Theo National Institute of Justice, định kiến về chủng tộc là yếu tố dẫn đến phần lớn các tội ác gây ra bởi thù hận, chiếm đến khoảng 60% các vụ xảy ra. Tuy nhiên các yếu tố khác liên quan đến tâm lý của những kẻ phạm tội cũng là điều được các nhà xã hội học nghiên cứu và tìm hiểu.
Theo nghiên cứu của tổ chức chuyên về nhân quyền và các vấn đề pháp lý liên quan đến đại chúng Southern Poverty Law Center thì có bốn động lực dẫn đến các tội ác này theo sau:
-Tìm kiếm cảm giác mạnh (thrill-seeking): Cảm giác muốn thực hiện một điều dữ dội, khác thường chiếm đến 66% tội ác thù hận. Những người phạm tội chỉ đơn giản là ra tay khi bị kích động vì 90% vụ việc là các thủ phạm không biết nạn nhân của họ trước kia.
-Tâm lý phòng thủ (defensive): 25% vụ tội ác này được thực hiện bởi những thủ phạm cảm thấy có sự đe dọa, đụng chạm quyền lợi cá nhân hay cộng đồng của họ.
-Sự trả thù (retaliatory): khoảng 8% tội ác này là nhằm để trả thù hành động của một cá nhân thuộc cộng đồng nào đó đã phạm tội hay gây ra tội ác gì đó.
-Thực hiện sứ mạng (mission): Một tỉ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 1% các vụ là do những kẻ nghĩ rằng họ đang mang sứ mạng muốn tấn công vào kẻ khác.
Có lẽ cũng cần nhận biết sự khác biệt giữa các tội ác hình sự chung cùng những tội khủng bố so với tội ác bởi định kiến như thế nào. Tội hình sự là các tội phạm xảy ra không mang định kiến riêng biệt và xảy ra với bất cứ ai, ví dụ những vụ trộm cướp, sát nhân, ẩu đả thông thường. Các vụ khủng bố thì mang động cơ chính trị, nhắm vào đại chúng hay các công sở công quyền. Còn tội ác thù hận thì phức tạp hơn vì đến từ tâm lý, định kiến, xuất phát từ suy nghĩ sai lệch.
Tội ác bởi lòng thù hận nhắm vào người Á Châu có thể đã tồn tại đó đây trước đây tuy nhiên không trở nên một điều xảy ra khá nhiều như hiện nay. Các tường trình và số liệu về các vụ tấn công, xúc phạm người gốc Á Châu tại Mỹ trong thời gian qua nhắm vào cộng đồng gốc Á được cơ quan công lực lẫn các tổ chức xã hội báo cáo đã thật sự gia tăng gấp nhiều lần. Các thủ phạm không riêng là những người Mỹ trắng, mà cũng có thể do các sắc dân khác đã nghĩ hay cảm thấy rằng người Hoa hay Châu Á nói chung là thủ phạm đã mang đến dịch bịnh Covid cùng hiện trạng khó khăn hiện nay.
Đây là điều từng xảy ra trong quá khứ với các cộng đồng sắc tộc khác. Như làn sóng bài Nhật sau vụ tấn công Trân Châu Cảng, vào cộng đồng Hồi Giáo sau vụ 911 hay vào các cộng đồng người Hoa, Đại Hàn, Do Thái ... sau một số vụ khác.
Mặt khác, tính chất và sự đa dạng của cộng đồng Á Châu khá phức tạp đã tạo cho những sắc dân khác cái nhìn lẫn lộn. Được xem là nhóm "thiểu số khuôn mẫu" (model minority), sự thành công về tài chính và học vấn của cộng đồng vừa tạo ra sự nể phục nhưng cũng ít nhiều tạo ra một cảm giác ngấm ngầm ganh tị, ghét bỏ ở một số người. Đồng thời, trong khi có không ít người gốc Á thành công trong nhiều lãnh vực thì trên thực tế, nhiều người thuộc các cộng đồng bản xứ lại chỉ tiếp xúc với những người gốc Á làm các công việc dịch vụ và phục vụ trong nhà hàng, dịch vụ thẩm mỹ, tiệm nails, tiểu thương, nhân công kém tiếng Anh, không hiểu nhiều về văn hóa của xã hội đã tạo cho họ một cảm giác vừa kỳ thị lẫn xem thường.
Nhìn nhận thế nào thì các cuộc tấn công ngẫu nhiên vào những người gốc Á, đặc biệt đến người cao niên và phụ nữ được ghi nhận cho thấy một tình trạng đáng lo ngại. Từ những cuộc tấn công vào những người Thái, Hoa và một vị HO cao niên gốc Việt tại San Francisco trong tuần qua chỉ là vài sự việc có thể kể ra. Nhưng đáng lo hơn là vụ thảm sát tại các tiệm mát-xa tại Atlanta mà nạn nhân bị hạ thủ phần lớn là các phụ nữ gốc Á. Cũng cần chú ý là hơn hai phần ba các tội ác này xảy ra trong thời gian qua thì nạn nhân là phụ nữ Á Châu.
Thủ phạm trong vụ thảm sát Atlanta khai rằng anh ta bị những ám ảnh về tình dục nên đã thực hiện tội ác. Điều này cũng là một cách khai bởi khác với tội ác hình sự, tội ác liên quan đến lòng thù hận có thể bị sự trừng phạt nặng nề, thích đáng hơn. Mặc khác nó làm giảm nhẹ mức độ phẫn nộ và hướng sự quan tâm đại chúng sang một hướng khác. Nên những động cơ thật sự sẽ rõ ràng hơn khi có kết luận cuối cùng từ các cơ quan công lực.
Liên bang và hầu hết các tiểu bang đều có những bộ luật riêng cho các tội ác thù hận. Trong vài thập niên vừa qua, quốc hội Hoa Kỳ đã liên tục ra những sắc luật liên quan và bảo vệ các nạn nhân của tội ác lòng thù hận.
Nhưng bất cứ có sự bảo vệ chưa đầy đủ nào từ chính phủ hay xã hội thì chính cộng đồng gốc Á Châu cũng cần nhìn nhận vấn đề và có sự hợp đoàn để lên tiếng, bảo vệ nhau trước các cuộc tấn công vào mình. Sự hiền lành, an phận hay sợ hãi sẽ không tạo ra sự miễn nhiễm trước các tội ác mang tính hệ thống đang nhắm vào mình.
Với riêng cộng đồng gốc Việt, các nhìn nhận xã hội cũng như việc quy kết trách nhiệm có liên quan đến các yếu tố chính trị đã làm cho cộng đồng chưa mấy hưởng ứng việc lên tiếng và tham dự các cuộc tuần hành phản đối tình trạng bạo lực nhắm vào người gốc Á nói chung, ngoài một số ít giới trẻ và một vài tổ chức thường lên tiếng.
Hiện trạng vẫn không thay đổi nếu không được giải quyết, việc xem nhẹ hay mong chờ người khác sẽ giải quyết thay mình không phải là một điều tích cực và là giải pháp. Cộng đồng Việt cần có trách nhiệm và góp phần mình với các cộng đồng Á Châu khác để tiếng nói chung được mạnh mẽ và hữu hiệu hơn.
Theo VOA