Công nhân trồng hoa ven hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội ngày 1/3/2021. Ảnh minh họa.
Kể từ ngày một tháng Bảy năm 2021, nếu người dân mua nhà hay thuê nhà, tức có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó. Đây là một điều mới trong Luật Cư trú năm 2020 được Quốc hội chính thức thông qua vào ngày 13 tháng 11 năm 2020. Theo đó, chỗ ở hợp pháp được quy định là nhà ở không thuộc diện đã có quyết định phá dỡ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; không phải là nhà ở trên đất lấn, chiếm trái phép…
Theo quy định trước đây, người dân muốn mua nhà ở thành phố thì phải có hộ khẩu thường trú. Và muốn có hộ khẩu thường trú thành phố thì phải có nhà ở thành phố. Điều này bị cho là quy định chồng tréo và không khả thi, gây khó khăn cho người dân trong việc cư trú. Thêm vào đó, việc có hộ khẩu ở những thành phố lớn không dễ dàng bởi chính sách của Nhà nước là hạn chế số người nhập vào thành phố lớn với mật độ quá đông.
Điều này thực chất chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn. Hơn nữa, điều này hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn không đủ điều kiện đăng ký thường trú.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông:
“Lâu nay họ dùng hộ khẩu thường trú để ngăn cản người dân di chuyển từ vùng này qua vùng khác. Thực chất họ không làm được. Người dân có nhu cầu thì họ vẫn đi. Ví dụ người nông dân gặp mùa màng thất bát, đất đai bị thu hồi khiến cuộc sống của họ ở vùng thôn quê quá khó khăn so với việc tìm kiếm công việc ở đô thị.
Việc người dân tràn về các đô thị nó gần như là chuyện không thể ngăn cản kể cả bằng biện pháp hành chánh là dùng hộ khẩu. Vì vậy chính quyền gần như phải chấp nhận thực tế đó. Có thể sắp tới họ sẽ có cách khác để kéo dãn dân cư khu đô thị, chẳng hạn như nâng cao đời sống của người dân nông thôn tới mức độ hô không cần phải đi đâu nữa.”
Luật cư trú năm 2020 được cho là xóa bỏ rào cản trong việc đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương và rút gọn thời gian giải quyết đăng ký thường trú từ 15 ngày xuống còn bảy ngày.
Theo Bộ Công an, việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân; bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp.
Cựu đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông cho hay, trước đây nhà nước quản lý rất chặt chẽ hộ tịch, hộ khẩu nên vấn đề cư trú ở một địa phương rất khó khăn, hạn chế đi lại và làm ăn của công dân. Nay, theo phản ảnh của người dân, Quốc hội đã xây dựng Luật cư trú mới nhằm tạo điều kiện cho bất kỳ người dân nào trên đất nước Việt Nam có thể cư trú, mua nhà mua cửa ở bất cứ đâu một cách dễ dàng. Ông nói tiếp:
“Trước đây phải có hộ khẩu ở nơi công tác hay sinh sống thì mới được quyền mua nhà. Bây giờ vấn đề này đã được pháp luật bảo vệ, tạo điều kiện cho người dân mua nhà nơi nào họ muốn và sẽ đăng ký thường trú tại đó. Như vậy quyền công dân về cư trú, đi lại được mở rộng, nhất là quyền về con người trong tương lai sẽ được pháp luật bảo vệ.
Ngoài quyền tự do cư trú, đi lại của người thì nhà nước cũng dễ dàng hơn trong việc quản lý. Chính quyền địa phương các cấp sẽ quản lý con người trên địa bàn mình chặt chẽ và thuận lợi hơn.”
Trước đây, để có hộ khẩu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người dân phải đáp ứng điều kiện về thời gian tạm trú, từ một đến hai năm, tùy từng địa bàn. Với Luật Cư trú 2020 thì người dân chỉ cần đáp ứng điều kiện có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình là có thể có hộ khẩu điện tử.
Chiều 25 tháng Hai năm 2021, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và lãnh đạo Bộ Công an đã bấm nút chính thức khai trương hai dự án số hóa có quy mô lớn là Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Điều này có nghĩa Việt Nam chính thức vận hành hệ thống quản lý cư dân bằng điện tử thay cho hộ khẩu giấy.
Đón nhận tin này, blogger Tuấn Khanh cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang hướng về hướng của một thế giới văn minh. Tuy nhiên việc quản lý cụ thể như thế nào thì cần phải có thời gian để chứng minh rằng chính phủ Việt Nam thật sự có sự rộng mở và quản lý con người một cách văn minh như các quốc gia văn minh trên thế giới hay không. Bởi vì cho đến lúc này, có rất nhiều người tại Việt Nam hoàn toàn không có giấy tờ gì hết.
Theo Luật Cư trú năm 2020, một người dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi người này được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ. Trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú.
Là một người dân sinh sống và làm việc ở TP.HCM trên 20 năm nhưng vẫn trong thân phận tạm trú ở thành phố lớn này, cô Diệu Hạnh bày tỏ niềm vui khi biết trong tương lai mình sẽ được đăng ký thường trú. Vô nói:
“Lâu nay em chỉ có tạm trú, bây giờ mà được thường trú thì nó thuận lợi cho công việc, cho học hành và việc đi lại dễ dàng hơn. Mình không thấy sự phân biệt giữa người ở quê và người thành phố trong cư trú. Lẽ ra Nhà nước nên làm điều này lâu rồi chứ không phải đến bây giờ mới làm. Em nghĩ sự thay đổi này tốt cho cả người dân lẫn Nhà nước trong quản lý. Đến 1/7 này em sẽ đi đăng ký thường trú.”
Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục cấp đổi sổ Hộ khẩu; cấp lại sổ Hộ khẩu; cấp Giấy chuyển hộ khẩu.
Nếu Việt Nam bãi bỏ hoàn toàn chế độ hộ khẩu thì trên thế giới chỉ còn hai nước duy trì chế độ hộ khẩu là Bắc Hàn và Trung Quốc. Cả ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn đều là những nước trên lý thuyết theo Chủ nghĩa Cộng sản.
Theo RFA