Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) và đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov gặp nhau tại Quế Lâm (Guilin) Trung Quốc, ngày 23/03/2021. via REUTERS - RUSSIAN FOREIGN MINISTRY
Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi đồng nhiệm Nga là « kẻ giết người », đánh giá chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình « không có một chút dân chủ nào ở trong người ». Vấn đề vi phạm nhân quyền trở thành điểm chung để các nước phương Tây đồng loạt đưa ra biện pháp trừng phạt Trung Quốc (truy bức người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương) và Nga (đầu độc và bắt giam nhà đối lập Alexei Navalny).
Một thế giới hai cực dường như đang dần hình thành trong thời gian qua. Thứ Hai 22/03/2021, ngoại trưởng Vương Nghị đón tiếp long trọng đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov ở Quế Lâm (Guilin), tỉnh Quảng Tây. Trong khi đó, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đến Bruxelles (Bỉ) gặp các đồng nhiệm trong Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương - NATO trong hai ngày 24-25/03 để thắt chặt mối quan hệ dựa trên « tham vấn ». Theo ngoại trưởng Mỹ, « khi cùng nhau hành động, chúng ta sẽ mạnh hơn, hiệu quả hơn là đơn lẻ hành động », kể cả về mặt thương mại : Hoa Kỳ chiếm 25% GDP toàn cầu, nhưng con số này sẽ tăng lên thành 60% nếu kết hợp với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á. Hoa Kỳ nói riêng và các nước phương Tây nói chung muốn Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, cạnh tranh và giao thương một cách bình đẳng.
Phương Tây cứng rắn khiến Putin-Tập xích lại gần nhauNhà nghiên cứu Philippe Le Corre, được trang Le Monde trích ngày 25/03, cho rằng chính « những quan điểm cứng rắn gần đây của chính quyền Biden đối với Trung Quốc và Nga đã đẩy Vladimir Putin và Tập Cận Bình xích lại gần nhau ». Hai nước láng giềng khổng lồ « không ưa nhau » và cũng « thiếu tin tưởng lẫn nhau », theo nhận định của giáo sư Lanxin Xiang, Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Phát triển Geneve (Thụy Sĩ), nhưng buộc phải lập liên minh tình thế. Thứ nhất là để thể hiện họ « không bị cô lập trên trường quốc tế mà ngược lại, đương đầu với « chủ nghĩa đế quốc » của các nền dân chủ », theo nhà nghiên cứu Le Corre. Thứ hai là để trấn an dư luận, củng cố an ninh trong nước và che giấu những tiếng nói bất đồng.
Quan hệ hợp tác vừa được Matxcơva và Bắc Kinh nhấn mạnh tầm quan trọng còn tập trung vào lĩnh vực năng lượng. Trung Quốc rất cần khí đốt và dầu lửa. Trong khi Nga cũng đang tìm cách đa dạng hóa đầu ra, tránh phụ thuộc vào thị trường châu Âu. Dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 có nguy cơ biến thành công cụ trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu về việc Nga đầu độc và cầm tù nhà đối lập Alexei Navalny. Chính quyền Washington vẫn phản đối kịch liệt dự án bị đánh giá là « ý tưởng tồi » này vì đi ngược với mục đích an ninh năng lượng của châu Âu, « có nguy cơ làm suy yếu Ukraina và đi ngược với các lợi ích của Ba Lan và những nước đồng minh khác », theo phát biểu của ngoại trưởng Blinken tại NATO.
Liên minh tình thế Nga-Trung có tồn tại được lâu dài ?Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là mối quan hệ tình thế giữa Nga và Trung Quốc có tồn tại lâu dài được không ? Trước mắt, Trung Quốc và Nga liên kết với nhau để có thể bảo vệ được lợi ích quốc gia của mỗi bên, cũng như ý thức hệ. Tuy nhiên, hai nước lại không có chung tầm cỡ, theo nhận định của Le Monde. Trên lĩnh vực kinh tế, Nga luôn cố gắng để không bị lép vế hay bị coi là phụ thuộc, chư hầu của nước láng giềng Trung Quốc. Trong khi Bắc Kinh muốn sử dụng quan hệ ngoại giao giữa hai nước thành công cụ để gây sức ép về mặt địa-chính trị với các nước châu Âu.
Nga từng bị chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Obama coi là cường quốc hạng hai, nhưng Bắc Kinh sẽ không bao giờ mắc sai lầm này của Hoa Kỳ và khôn khéo tránh nhấn mạnh đến sự bất cân xứng giữa hai nước. Đối với ông Tập Cận Bình, tổng thống Vladimir Putin là « người bạn tốt nhất » của ông trên trường quốc tế.
Cả Matxcơva và Bắc Kinh đều tự nhận là người bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ chủ nghĩa đa phương. Trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tuần, ngoại trưởng Nga Lavrov mượn một phát biểu của phía Mỹ, cho rằng Matxcơva và Bắc Kinh phải « vận động các nước có chung tư tưởng » để bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Liên Hiệp Quốc. Nhưng đó sẽ chỉ là những điểm có lợi cho hai nước mà bác đi những giá trị phổ quát, theo nhận định của Le Monde.
Theo RFI