Ông Lê Trọng Hùng. Courtesy Facebook Hùng Gàn Lê
Công an Hà nội hôm 29/3 chính thức công bố trên cổng thông tin điện tử về việc đã bắt giữ ông Lê Trọng Hùng từ ngày 27/3, với cáo buộc bị cho là “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ông Lê Trọng Hùng bị bắt ngay sau khi ông này có đơn đề nghị cơ quan chức năng bảo vệ mình trong quá trình ông vận động tranh cử đại biểu Quốc Hội. Ông Hùng là một trong hơn 70 người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trước đó vào ngày 10/3, Facebooker Trần Quốc Khánh, 61 tuổi, cũng bị Công an tỉnh Ninh Bình bắt tạm giam với cáo buộc bị cho là đăng, phát livestream thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền Việt Nam. Ông Khánh bị bắt sau khi ông tuyên bố tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, người từng tự ứng cử ĐBQH khóa XIV vào năm 2016, khi trả lời RFA hôm 29/3, nói:“Tôi nghĩ đấy là dấu hiện rất đáng lo ngại. Tất cả những người tự ứng cử mà không phải là người của họ thì đằng nào họ cũng gạt ra. Nhưng việc bắt người ta vì ra ứng cử thì đấy là một cái điều vi phạm hết sức trắng trợn bản thân Hiến pháp của họ.”
Trước lúc bị bắt, vào ngày 18/3, trên Facebook cá nhân của mình, ông Lê Trọng Hùng đã đăng tải các hình ảnh và tài liệu cho thấy ông đã nộp đơn tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV tại Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội. Ông còn công bố chương trình hành động là dự án xây dựng Đại lộ Công dân cho dân tộc Việt Nam bằng cách trao tặng các bản Hiến pháp Việt Nam, vận động thành lập tòa bảo hiến và vận động Quốc hội ra luật biểu tình...
Tôi nghĩ đấy là dấu hiện rất đáng lo ngại. Tất cả những người tự ứng cử mà không phải là người của họ thì đằng nào họ cũng gạt ra. Nhưng việc bắt người ta vì ra ứng cử thì đấy là một cái điều vi phạm hết sức trắng trợn bản thân hiến pháp của họ.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang ATrả lời RFA hôm 27/3, bà Đỗ Lê Na, vợ của ông Hùng, cho biết bà rất bất bình khi chồng bà bị bắt:
“Mình thấy rất là ngạc nhiên và rất là bất bình bởi vì là một người làm tốt cho Nhà nước, cho xã hội... thậm chí cái việc làm của anh ấy, bạn bè ở bên phía dân chủ cũng không thích, họ nghĩ anh ấy đang làm lợi cho Nhà nước. Có nhiều người không thích và bên Nhà nước họ cũng không thích chồng mình, chẳng hiểu là như thế nào trong khi việc làm đó là hoàn toàn đúng.”
Công an tỉnh Ninh Bình cho rằng từ cuối năm 2018 đến năm 2020, khi sống tại xóm 5B, xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, ứng viên ĐBQH Trần Quốc Khánh đã thường xuyên dùng Facebook cá nhân đăng, phát livestream các video bị cho có nội dung bịa đặt, phỉ báng chính quyền, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Liên quan các trường hợp tự ứng cử khác, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:
“Tôi nghĩ chắc chắn họ cũng gạt ra thôi, còn tùy từng người, như trường hợp Giáo sư Cống thì có lẽ họ không dám bắt. Thật sự đây là một sự lo sợ của họ. Họ rất là sợ người dân thức tỉnh dần và bắt đầu biết quyền của mình, tự ứng cử như thế. Nếu mà cái đấy trở thành một phong trào rất là rộng... thì họ sẽ rất là khó xử, nên họ phải tìm cách ngăn chặn như thế thôi.”
Ông Trần Quốc Khánh khi thực hiện Livestream về Nhà nước Pháp quyền trên Facebook hôm 6/3/2021. Courtesy Facebook Tran Quoc Khanh.
Để tìm hiểu thêm, Đài Á Châu Tự Do hôm 29/3 liên lạc Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng ở Hà Nội, người đã nộp đơn tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, và được ông cho biết về trường hợp tự ứng cử của ông cũng như nhận định về việc bắt bớ các ứng viên ĐBQH:
“Lo thì cũng có lo... chờ nó đến bắt người thứ ba thôi... nhưng mà cóc sợ, nghĩa là cũng không lo gì... nhưng mà thấy nó quá vô lý. Một người đang ứng cử Quốc hội, chưa có gì cả mà lấy một cái cớ rất vớ vẩn để bắt người ta. Tôi thấy chuyện đó quá lạ... quá lạ... Tôi không ngờ người ta có thể làm những điều mà nó tệ hại đến như thế.”
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, hai người tự ứng cử ĐBQH mà lại bị bắt với lý do tàng trữ tài liệu chống Chính phủ, chống đối Đảng... thì là quá đáng, quá thể... Ông nói tiếp:
“Tôi cho rằng đây là một việc làm mà những con người bình thường không hình dung ra nổi... thế mà họ vẫn làm. Họ làm để dọa nạt nhân dân à? Để đe nẹt à? Tôi cũng không thể hiểu. Bản thân tôi cũng chẳng sợ đâu, tôi cũng sẵn sàng ngày mai ngày kia nó đến bắt thì... vâng các anh cứ bắt... các anh có quyền có hành... các anh có chính quyền có công an, có nhà tù, có tòa án... Bắt thì bắt, các anh có thể trói tôi được... nhưng đừng hòng thuyết phục tôi vì cái gì đâu nhé.”
Theo Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia - Nguyễn Hạnh Phúc, tính đến hết ngày 14/3, văn phòng đã nhận được 1.136 hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó có 1.060 hồ sơ của người ứng cử do Nhà nước giới thiệu và 76 hồ sơ tự ứng cử.
Lo thì cũng có lo... chờ nó đến bắt người thứ ba thôi... nhưng mà cóc sợ, nghĩa là cũng không lo gì... nhưng mà thấy nó quá vô lý, một người đang ứng cử quốc hội, chưa có gì cả mà lấy một cái cớ rất vớ vẩn để bắt người ta. Tôi thấy chuyện đó quá lạ... quá lạ... Tôi không ngờ người ta có thể làm những điều mà nó tệ hại đến như thế.
-Giáo sư Nguyễn Đình CốngTrà lời RFA từ Sài Gòn hôm 29/3, nhà hoạt động Trần Bang nhận xét:
“Tôi cho rằng việc bắt ông Lê Trọng Hùng với một vị bác sĩ đang ứng cử ĐBQH, thì tôi thấy họ chà đạp lên chính luật pháp mà họ đặt ra. Bắt vào thời điểm khác còn có thể bào chữa cho việc bắt bớ, đàn áp tự do ngôn luận. Bắt ngay lúc người dân được tự do ra ứng cử thì rõ rà họ muốn nói việc ứng cử không phải việc của dân, mà là việc của Đảng, mà ai làm ngoài quỹ đạo này, thì sẽ bị trừng trị... Tôi nghĩ gián tiếp nói lên điều đó. Cũng có những người tự do ứng cử nhưng thuộc các hội đoàn do Đảng lãnh đạo, ví dụ hội doanh nhân thì cũng do Đảng lãnh đạo chứ không có hội nào độc lập. Còn hai người mới bị bắt không thuộc hội do đảng lãnh đạo.”
Theo nhà hoạt động Trần Bang, việc bắt bớ này là quá sỗ sàng và quá đáng... Có thể nói là chính quyền đã ngồi xổm lên pháp luật do chính họ đề ra, nhằm nói rằng người dân đừng mơ tưởng có tự do... nói như vậy đấy nhưng nếu không có sự cho phép của Đảng thì... hãy coi chừng. Ông Bang cho rằng đó là một lời đe dọa.
Anh Thu, một người dân Sài Gòn, khi trả lời RFA hôm 29/3, cho rằng:
“Cũng không có bằng chứng về việc do hai người này ứng cử Đại biểu Quốc hội mà bị bắt, nhưng thời điểm bắt trùng hợp vào lúc họ tự ứng cử Đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên theo tôi thì họ làm như vậy thì họ cũng không khôn khéo lắm. Họ làm như vậy chỉ mang tiếng cho họ mà thôi.”
Cũng trong ngày 29/3, báo chí nhà nước Việt Nam cũng đăng tải thông tin ông N.H.H, 38 tuổi, ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội, đã bị phạt 7,5 triệu đồng vì cho rằng việc bầu cử là ‘phí thời gian’ và ‘vô nghĩa’. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho rằng đây là thông tin sai sự thật về bầu cử.
Theo RFA