Người dân dùng điện thoại di động để kiểm tra mạng và truy cập Facebook bên ngoài một tiệm Internet ở Naypyidaw, Miến Điện, ngày 16/03/2021. AFP - STR
Người biểu tình ở Miến Điện luôn có những cách đấu tranh sáng tạo. Hôm nay 06/04/2021 tại Rangoon, người dân rải sơn màu đỏ lên vỉa hè và in dấu bàn tay sơn đỏ lên xe buýt để phản đối bạo lực. Trước đó, từ chiều 04/04, tập đoàn quân sự Miến Điện quyết định cắt mạng viễn thông và internet để phong tỏa các mạng xã hội.
AFP ghi nhận một khẩu hiệu vẽ ở trạm xe buýt tố cáo quân đội bị lạm dụng để bảo vệ tướng Min Aung Hlaing, và kêu gọi binh lính không bắn vào dân chúng. Tại thành phố Hpa-an, các thanh niên phun sơn đỏ lên đường phố, với chủ đề « Máu của người Miến Điện ».
Hôm qua, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra tại các thành phố lớn. Trong khi đó chiến dịch gây quỹ của chính phủ Miến Điện lưu vong CRPH do nhóm cựu dân biểu chủ trì đã nhận được gần 10 triệu đô la.
Bị cắt internet, người biểu tình chỉ có thể trông cậy vào các nhà cung cấp dịch vụ bất tuân dân sự hoặc tìm mua các thẻ SIM Thái Lan. Theo thông tín viên RFI Carol Isoux, giờ đây để kết nối internet tại Miến Điện, chỉ còn mạng wifi tại các khách sạn lớn, một số văn phòng, cao ốc. Đại đa số dân chúng không còn internet để vào mạng xã hội. Một bức màn đen đã chụp xuống cắt đứt họ với thế giới bên ngoài, quốc tế cũng không thể có được thông tin kịp thời.
Trước đây người biểu tình gởi ra hình ảnh và video từ những nơi xung đột với cảnh sát, nên dễ dàng đánh giá tình hình thông qua số lượng lớn video trên mạng xã hội. Nay từ lúc ảnh được chụp đến khi tìm được nơi có wifi phải mất thời gian rất lâu, và cũng ít người gởi hơn. Người Miến Điện không đủ phương tiện để đối phó với việc cắt internet, nhưng dường như cũng có một số các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động không hoàn toàn nghe lệnh, đôi lúc trong ngày có thể kết nối mạng lại được.
Tại các vùng biên giới, các thẻ SIM Thái Lan đã trở thành mặt hàng thiết yếu. Đặc biệt là ở bang Karen gần biên giới Thái Lan, nơi nhiều nhà đấu tranh Miến Điện đến trú ẩn dưới sự bảo vệ của phiến quân Karen, tất cả đều sử dụng thẻ SIM của nước láng giềng để có thể tiếp tục làm việc.
Mạng xã hội còn là chiến trường giữa các nhà hoạt động và tập đoàn quân sự. Quân đội sở hữu nhiều phương tiện để tuyên truyền, như mới đây, nhiều doanh nhân tố cáo bà Aung San Suu Kyi tham nhũng. Người biểu tình thì bị cho là một thiểu số khủng bố nguy hiểm, những kẻ ích kỷ bất chấp tình trạng đất nước bị phong tỏa về kinh tế.
Kiểu tuyên truyền này từng có tác dụng sau vụ đảo chính năm 1988, quân đội cô lập được những người phản kháng và sinh viên. Nhưng lần này trongthời đại công nghệ thông tin, người biểu tình có thể trình bày câu chuyện của chính mình để không mất đi sự ủng hộ của công chúng. Tất nhiên là với điều kiện phải có được internet.
Theo RFI