Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 8/4/2021 kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh.
Chuyện một nhà hoạt động có ảnh hưởng như bà Nguyễn Thuý Hạnh bị bắt ở Việt Nam không có gì lạ. Nó cũng giống như người ta từng bắt bà Phạm Đoan Trang và nhiều người trước đó. Nhưng lý do gì khiến bà Hạnh bị bắt trong tháng Tư?
Câu hỏi hoàn toàn xác đáng này dĩ nhiên không được truyền thông Việt Nam đặt ra vì nỗi sợ cố hữu. Nhưng kể cả nếu nó có được nêu, câu trả lời của chính quyền hiển nhiên không đáng tin. Bởi vậy chúng ta chỉ có thể phán đoán dựa vào những gì thực tế đã xảy ra.
Bà Hạnh bị bắt vì cáo buộc “làm, tàng trữ, hoặc tuyên truyền” thông tin chống nhà nước, điều là quyền của người dân tại các nước có nhiều đảng sẵn sàng chống lại đảng đương quyền. Bản thân điều 117 của Bộ Luật hình sự này đã nhiều lần bị lên án và bị coi là võ đoán.
Các nhà hoạt động như bà Hạnh đương nhiên không thể xuất hiện trên truyền thông Việt Nam trừ khi họ bị bắt và ngay lập tức bị gọi tên trống không, tăng tuổi từ 58 thành 68 và với tít thiên vị chính quyền như báo Lao động đăng “Một phụ nữ chống phá Nhà nước bị bắt tạm giam”.
Lần lại những bài viết của nhà hoạt động trên Facebook, bài mới nhất có thể khiến chính quyền có thêm cớ để bắt bà là bản tin cập nhật tình hình tù nhân lương tâm Việt Nam đăng hôm 31/3.
Đường dẫn tới bản tin lưu trên Google dẫn một số thông tin có trên truyền thông Việt Nam nhưng cũng có những thông tin mà truyền thông chính thống không bao giờ đăng.
Chẳng hạn tin về nhà hoạt động Trịnh Bá Phương bị công an chuyển từ trại giam sang Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 để thực hiện điều được gọi là “giám định sức khoẻ tâm thần” hôm 1/3/2021 có những đoạn:
“Gia đình không được thông báo cho đến khi chị Đỗ Thị Thu, vợ anh Phương đi tiếp tế hôm 19/3; tuy nhiên chị đã không được biết chồng được chuyển đi đâu.
“Mãi đến bốn ngày sau cơ quan an ninh Hà Nội mới xác định Trịnh Bá Phương đã được chuyển đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 vì anh bất hợp tác, không nhìn cũng như không chịu trả lời những câu hỏi của điều tra viên.
“Chị Thu cho biết anh Phương đã giữ quyền im lặng kể từ khi bị bắt vào cuối tháng Sáu năm 2020 và sẽ tiếp tục giữ quyền im lặng cho đến khi được gặp luật sư.
“Nhà hoạt động Lê Anh Hùng và Nhà văn Phạm Thành là hai trường hợp khác bị đưa vào viện tâm thần, một biện pháp được giới hoạt động cho là nhằm khủng bố tinh thần để trả thù những người hoạt động nhân quyền.”
Hồi cuối tháng Ba, bà Hạnh cũng đưa tin về chuyện nhà hoạt động Lê Trọng Hùng bị bắt vì tự ứng cử Quốc hội, điều bà Hạnh cũng làm hồi năm 2016. Bà kêu gọi mọi người trợ giúp tài chính cho gia đình ông Hùng, người có vợ mù và hai con nhỏ.
Quỹ 50K mà bà Hạnh lập ra hồi năm 2018 để ủng hộ các tù nhân lương tâm và gia đình họ là cái gai trong mắt nhà cầm quyền. Mặc dù tuyên bố đóng quỹ hồi cuối năm 2020, bà Hạnh vẫn tiếp tục giúp đỡ các gia đình tù nhân lương tâm.
Nhà hoạt động Hoàng Dũng viết sau khi bà Hạnh bị bắt tạm giam: “Bắt đầu những cuộc làm việc bằng giấy triệu tập từ cuối 2020 và kết thúc bằng một lệnh bắt đầu tháng 4/2021. Đó là một hành trình dài, đủ để chị Hạnh biết mình có lẽ sẽ bị bắt. Nếu chị thực sự chấm dứt mọi hoạt động liên quan đến quỹ 50k, chuyện hôm qua [7/4] đã không xảy ra. Nhưng vì những hoàn cảnh của gia đình các tù nhân lương tâm, chị không thể dừng lại.”
Quỹ 50K của bà Hạnh cũng đã được trao Giải thưởng mang tên tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng của tổ chức Việt Tân trong năm 2019.
Ngoài Quỹ 50K, bà Hạnh cũng quyên góp được trên nửa tỷ đồng tiền phúng điếu ông Lê Đình Kình, người bị bắn chết tại gia khi công an ập vào nhà ông lúc tờ mờ sáng hồi tháng 1/2020 trong vụ tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm. Toàn bộ số tiền này đã không bao giờ tới được gia đình ông Kình do bị chính quyền Việt Nam phong toả tài khoản của bà Hạnh ở ngân hàng Vietcombank.
Bà Hạnh cũng bị bắt trong bối cảnh Việt Nam có thủ tướng mới, bộ trưởng ngoại giao mới và Quốc hội mới sẽ được bầu ra vào ngày 23/5/2021.
Nguyễn Hùng (VOA)