logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 11/04/2021 lúc 01:53:45(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết


1.
Bằng ngôn ngữ không chủ từ, bằng câu kệ không đầu đuôi, tôi cố thuyết phục bệnh nhân rằng chết không phải là chọn lựa thích hợp, rằng đâu đó trên thế gian này vẫn còn một người yêu thương cô hơn yêu thương chính mình, rằng trong những thứ con người có được, không gì quý bằng mạng sống. Tôi nói cho một mình tôi nghe. Tôi kể chuyện mẹ tôi. Tôi kể chuyện cha tôi. Tôi kể chuyện em gái tôi. Tôi kể chuyện nửa đêm tôi quýnh quáng lại nhà người bệnh. Con mắt đứa bé đã đứng tròng, chân tay co giật từng hồi. Đã muộn mất rồi. Nhưng người mẹ khóc lóc nài van. Chích cho cháu mũi thuốc hồi sinh. Hay thuốc gì cũng được. Miễn là có chích. Biết đâu cháu nó lại không chết.


“Có nên vô thăm con nhỏ đó không?” Cô y tá hỏi tôi.
Những người mới ra trường - mà thiên hạ gọi đùa là ma mới - hay hỏi lẩn thẩn. Cách tốt nhất là đừng bận tâm trả lời. Tôi ngó đôi mắt một mí rồi đón lấy tập hồ sơ mỏng, nhìn lướt dòng chữ nguệch ngoạc mà đêm trước loay hoay với con bệnh, tôi đã sai y tá viết vội.


Cái tên đồng quê, nơi những bụi chuối rì rào sau khoảng vườn xanh um cây trái. Cái tuổi là của một người vừa bắt đầu biết liếc dọc liếc ngang khi đi qua quán nước có bọn trai trẻ ồn ào cụng ly, gõ muỗng. Tôi nheo mắt cố nhớ cái địa danh ở tuốt đâu trong xó kẹt một huyện lỵ miền sông Hậu, nơi phải quá giang đò máy mỗi lần ra phố chợ.


“Ông thầy nhớ cẩn thận,” cô y tá dặn dò. “Hồi hôm con nhỏ đó dợt bác y công ể mình luôn.”


Tôi nhìn cái dáng mỏng như tàu lá chuối, “Sao vậy?”  


“Ông thầy hỏng tin hả.” Cô đẩy khẽ tôi đứng yên một chỗ rồi chạy vụt đi. Cái bóng nhỏ bé trong chiếc áo choàng lùng thùng luồn lách giữa những giường bệnh, ghế ngồi, chiếu rách và người chen chúc nhau trong khoảng hành lang hẹp. Cái bóng thoăn thoắt gợi nhớ đến đám chuột nhắt thường xục xạo kiếm ăn ở phòng trực. Những con chuột bé tí nhưng khôn và nhanh hết biết.


Vài giây sau cô trở lại, kéo theo người y công. Nhùng nhằng như hai người bắt nợ. “Ông thầy coi mặt chú Tư nè. Sưng thấy sợ luôn.”
Tôi nhìn cái trán giồ lên một cục mầu đỏ thẫm, “Sao vậy?”
“Con nhỏ đó đó.” Cô y tá trả lời hớt.
Người đàn ông thấp bé đưa tay đỡ một bên đầu, nheo mắt suýt soa. “Hồi đêm con nhỏ tỉnh dậy, thấy nó khát nước tội nghiệp, tui đem nước cho nó uống ai dè nó quăng cái ly lên đầu tui. Đồ quỷ cái.”
Tôi chạm ngón tay lên u trên trán người y công. “Có nhức không, lấy thuốc trong phòng khám uống đỡ.”
Người đàn ông lắc đầu. “Nhằm nhò chi đâu ông thầy.”
“Hổng sao đâu, chú Tư bị thím Tư uýnh hoài à.” Ma mới chêm vào rồi che miệng cười khúc khích. Chuyện bác y công bị vợ đánh xưa lắm rồi, chỉ ai mới nghe lần đầu mới có thể bật cười như thế. Cô y tá này chưa được bà trưởng phòng nhân viên huấn luyện kỹ lưỡng. Bệnh nhân và người nhà nằm ngồi la liệt thế này mà y tá, y công đùa giỡn thì còn gì thể thống.


Thấy tôi chăm chú nhìn vào hồ sơ bệnh lý, con ma mới và người y công kín đáo liếc nhau rồi ngập ngừng bước về phía phòng “săn sóc đặc biệt”.
Nghe có vẻ trầm trọng, thực ra chỉ là căn phòng cũ kỹ, hôi mốc mà nhân viên đã cố làm cho ra vẻ “chuyên môn” bằng cách kéo lên những bức vách xiên xẹo rồi tẩm thật nhiều mùi cồn và thuốc sát trùng lên nền nhà và những tấm khăn trải giường.


Vào phòng săn sóc đặc biệt, hai người chia nhau đứng hai bên giường bệnh như sẵn sàng ra tay can thiệp khi có chuyện bất ngờ. Bốn con mắt dán vào cái khối lùng nhùng chăn gối võng xuống trên chiếc giường cũ mà lò so đã giãn tới cực độ.


Cô y tá run run giở mép tấm khăn, thì thào, “Thắm ơi, Thắm à!”


Tiếng thở phì phò vọng ra từ dưới lớp vải. Vệt vàng sậm loang trên tấm khăn trông giống hình một bàn tay bốn ngón. Cái thân người nằm nghiêng co quắp ấy khẽ nhúc nhích. Hai chân hơi duỗi ra. Một bên vai lay động, chiếc lưng uốn éo.


Tôi gấp hồ sơ lại, bước tới bên giường. Đã ngửi không biết bao nhiêu năm tháng cái mùi phòng săn sóc đặc biệt mà tôi vẫn không khỏi thấy ngứa hai hốc mũi. Cái ngứa sần sượng khiến mình chỉ muốn luồn chiếc bàn chải nhỏ vào mà chà sát cho thoả thuê.


Cô y tá lay nhẹ chỏm vai người bệnh, “Thức dậy, sáng rồi.”


Tiếng ậm ừ trong cuống họng luồn ra khỏi chiếc gối ủ quanh đầu và lớp vải khăn trải giường cũ kỹ nghe xa xôi như vọng ra từ trong vách tường xi măng tróc lở. Bàn tay cô y tá lay mạnh hơn. Âm thanh ngầu đục lại phát ra, lần này nghe như tiếng gầm gừ của con thú bị bỏ đói lâu ngày.
Giọng cô y tá gấp gáp hơn, “Thức dậy, Thắm à.”


“Hổng muốn thức.”


Trong chuỗi âm thanh sần sượng tôi nghe ra ba chữ ấy. Chắc cô y tá cũng nghe được nên cô hăng hái kéo bật hẳn góc khăn trải giường ra khỏi đầu người bệnh. Góc khăn tuột ra nhưng khuôn mặt vẫn vùi sâu dưới tấm gối trắng. Mảng tóc đen lòa xòa trên nệm.


Người y công đánh nhịp bàn chân phải. Trong mắt anh ta thẫm cái mầu tối ám.


“Tui hổng muốn thức. Tui muốn chết.”
Câu nói mạch lạc luồn ra từ chiếc gối nhàu. Cánh tay vòng quanh đầu như vòng gai cứu chuộc. Những móng dài tróc loang lổ. Buổi chiều hôm trước, lúc rửa ruột cho bệnh nhân, tôi không để ý cái màu sơn máu bầm ấy.


“Tui hổng muốn thức. Để tui ngủ luôn.”


Cô y tá lắc nhẹ chiếc vai gầy, “Nói gì nói lại nghe coi.”


Tôi chưa kịp nói gì thì ngưòi y công xen vào, “Thức dậy cho bác sĩ khám bệnh.”
Tấm khăn đắp nhăn nhúm như mặt nước ém con sóng ngầm. Bất chợt mặt nước ấy bung ra thành lòng sông sủi bọt giữa những đợt sóng cuồng. Bàn tay móng đỏ giật mặt gối sang một bên. Cái đầu rũ rượi rồi cả thân hình nhàu nhò xoay lại phía giọng đàn ông vừa mới phát ra, “Bác sỉ hả. Thằng cha bác sỉ bất nhân đó hả. Chả còn lại đây làm chi!”


Cả thân người vùng vẫy như con cá bị đập đầu. Hai chân đạp nhùng nhằng trong tấm khăn. Thân thể oặt oẹo cơn động kinh hoảng loạn, “Tui hổng muốn thấy mặt cái người bất nhơn. Kêu thằng chả đi đi.”


“Thắm à. Thắm.” Cô y tá vừa luống cuống đặt hai bàn tay lên vai ngưòi bệnh vừa rối rít gọi. “Thắm ơi. Ngoan đi cưng. Ngoan đi mà. Bác sỉ H. nè, bác sỉ H. đã cứu Thắm hồi hôm qua đó, biết không?”


“Bác sỉ hả, bác sỉ gì mà dô nhân đạo dị chớ.”


Cái đầu lắc lư, tóc rối như miếng bùi nhùi rách. Con mắt nhắm nghiền, răng nghiến vào nhau. Hai tay vung đập cả lên thành giường. “Mấy người đi hết đi.” Rồi con mắt bỗng nhiên trợn trừng. Tay vồ lên mặt cào cấu. Mười vệt móng tay vạch đỏ lừ hai má. Những đường kẻ răng cưa tươm máu. Cái lưỡi tím ngắt thè dài, nhớt rãi trào ra. “Mấy người hổng đi tui cắn lưỡi tự sát cho mà xem.”


Âm thanh đọng lại nơi hai hàm răng kềm chặt chiếc lưỡi nhầy nhụa nước bọt.


Lúc ra ngoài hành lang, cô y tá đi sát vào tôi, thì thầm. “Đúng là làm ơn mắc oán, thày há.”


Phải trả lời sao đây. Nếu coi là việc phải làm thì có chi là ơn nghĩa và có gì đáng gọi là oán. Ý nghĩ xoay trong đầu. Nhưng đó đâu chỉ thuần túy là công việc. Thân xác tím bầm vật vã trên chiếc giường xô lệch đâu thể coi như chiếc máy bơm hư, chỉ cần thay những ống cao su mới. Trong cái thân thể nhàu nhò ấy còn cả một thế giới tâm linh.


“Nhắm chừng con nhỏ có sống được hông, hả thày?”


Thân thể mỏng gầy của cô chạm nhẹ vào người tôi trong lúc rảo bước nhưng câu hỏi thì chạm mạnh vào một góc vắng tư duy. Trong một giây, cái thắc mắc ngàn đời ấy khuấy động cả tâm tư người thầy thuốc. Niềm tự hào bốc lên như luồng hơi nóng trong nồi nước tự ái đang sôi.
“Sống chứ,” tôi quả quyết. “Dù cô ta không muốn sống cũng không được.”


Rồi tôi ngưng ngay câu nói. Kẻ nào đó trong tôi nhắc nhỏ rằng nói năng như thế có quá đáng không. Hình ảnh những lọ thuốc lem luốc, những bọc nước biển đục lờ, những ống chích với kim tà đầu xài đi xài lại, những dao kéo cùn mằn kéo nhay vết mổ diễu hành trong trí. Nhưng bên những trang bị nghèo hèn ấy còn một thứ mà bệnh nhân của tôi có thể sẽ cần đến, thứ ấy là hàng ngoại, quà tặng nhân đạo từ Bắc Âu. Thế nên tôi tạm yên lòng.



2.


Ngoài ba mươi tuổi. Những nếp nhăn trên trán và mái tóc lốm đốm sợi bạc khoe với cuộc đời như thế.


“Anh là người nhà của cô Thắm à?”


Hai bàn tay đang thả xuôi theo thân mình, bắt gặp câu hỏi, vội xoắn vào nhau. “Dạ thưa…” Một chút ngần ngừ. Hai con mắt ngó nghiêng. Rồi hai con mắt vẽ xuống nền xi măng lồi lõm câu trả lời vòng quanh những nét bút chì trẻ con nguyệch ngoạc trang giấy.


“Dạ hỏng phải người nhà.”


Tôi nhìn những ngón tay như những đốt mía gầy guộc tìm chiếc nhẫn làm tin. Nhưng những ngón tay anh chỉ đeo đầy vết sẹo. Sao mà ngây ngô. Tôi mắng mình như thế. Xứ sở miếng ăn còn không có, nói gì chiếc nhẫn đính hôn giữa những kẻ yêu nhau.


“Hay là bạn?” Tôi hỏi.


Cái đầu toan lắc bỗng gật dồn dập như chiếc dùi gõ hoang lên mặt trống. Con mắt nhìn tôi. Cái nhìn lo âu của đứa bé ăn trộm sợ chủ nhà phát hiện thêm món đồ còn giấu trong cạp chiếc quần tây nhăn nhúm.


“Tôi hỏi vì tôi muốn biết thêm chi tiết về cô ấy mà điều trị cho đúng.” Rồi nhìn những ngón tay đang xoắn lấy nhau trước cái bụng hõm vào sát xương sống, tôi nói nhỏ, đủ cho một mình anh ta nghe. “Tôi không phải công an, đừng sợ.”


“Dạ, tui mang ơn.” Câu nói cũng nhỏ đủ để một mình tôi nghe thấy.


Anh đứng trơ ra đấy. Cái mặt cúi gằm, con mắt nhỏ. Tia nhìn lấp ló phía sau hốc mắt sâu. Vành xương ổ mắt cong và vồng lên như vết điêu khắc trên pho tượng thạch cao làm cho tia nhìn sâu hun hút.


“Vào đây cho tôi hỏi thăm vài chuyện.”


Hai bàn tay đặt lên nhau ngại ngần, “Dạ.”


Tôi xoay lưng bước đi. Được vài bước tôi quay lại. Người đàn ông vẫn đứng đó. Tôi dừng lại, nhướng mắt nhìn anh ta. Hai bàn tay vẫn đắp lên nhau. Những ngón sần sượng xoắn xuýt. Rồi cặp môi thâm co lại, vạch ra những chiếc răng khập khiễng.


Tôi đưa tay, vạch một cử chỉ mơ hồ. “Vào phòng trực, tôi hỏi chút chuyện.”


Hàm răng mở ra. Câu nói phều phào như hơi thở. Dẫu khoảng cách chỉ ba bước chân, tôi vẫn không nghe được cái câu anh nói. Tôi bước ngược về phía anh.


Đợi tôi đến gần, anh thì thào, “Sợ em Thắm hổng chịu.”


Tôi ngạc nhiên, “Sao vậy?”


Co người lại như cố giấu mình ở phía sau một thân cây vô hình, tránh luồng gió lạnh, anh nhìn quanh, nhớn nhác.


“Sao lại sợ cô ấy không chịu? Mà không chịu cái gì?”


“Hổng cho gặp.”


Tôi nhìn chăm chú vào con mắt sâu, “Sao lại không cho?”


“Tại em Thắm hổng thương.”


Bọn y tá y công trong trại bệnh tất tả với công việc nhưng chẳng người nào quên ném về phía chúng tôi cái nhìn soi mói. Cái tin bác sĩ trưởng khoa nội bị bệnh nhân xỉ vả giữa thanh thiên bạch nhật chỉ một buổi là lan rộng khắp thị xã. Nhân viên các trại bệnh tạt ngang phòng trực hỏi thăm xa gần. Những con mắt ái ngại giùm cái đời “làm ơn mắc oán” nhưng cũng có những ánh mắt xét nét, hả hê.


Tôi nắm lấy tay áo anh, kéo về phía phòng trực. Anh cưỡng lại một chút rồi nhùng nhằng bước theo, như đứa học trò hư bị giám thị lôi vào phòng hỏi tội.
Ngồi xuống đây đi. Tôi khẽ đẩy anh vào chiếc ghế có lưng dựa bằng nệm vải.


“Dạ, cho tui đứng, tui mang ơn.”


Tôi nhìn vào con mắt sâu, “Anh biết cô Thắm bị gì không?”




“Dạ biết, em Thắm tui uống thuốc tẩy tự sát. Mấy người học chung lớp đổ thừa em Thắm tui ăn trộm chiếc cà rá, em Thắm tui hổng có lấy. Tui biết em Thắm tui hổng bao giờ làm chuyện đó. Dù em Thắm tui không thương tui, bỏ tui lên tỉnh học nhưng tui hống giận em Thắm tui. Tui biết em Thắm tui hổng tham lam. Hổng ai tin em Thắm tui, em Thắm tui uống thuốc tẩy để minh oan. Em Thắm tui có bề gì tui sống với ai.”


Cái mặt cúi gằm bỗng ngước lên, vẩy ra những giọng nước mắt.


“Mà em Thắm tui có sao hông bác sỉ?”


Anh ngừng lại để thở. Nước mắt lăn dài hai gò má. Hai bàn tay vẫn níu lấy nhau, mặc cho nước mắt khơi dòng. Tôi nhìn đám bệnh nhân và thân nhân hiếu kỳ lấp ló ngoài khung cửa, vẫy tay ra dấu cho họ để chúng tôi yên. Thiệt tình, cánh cửa phòng trực không biết đến bao giờ mới sửa xong.
“Nhắm chừng em Thắm tui có sống được hông, bác sỉ?”


Anh lặp bặp câu hỏi.


“Sống chứ.” Câu trả lời của tôi đầy ắp tự tin. Vấn đề là làm sao thuyết phục cho cô bệnh nhân ấy yêu được cuộc sống này, để mai mốt về, cô không phải tìm cách quyên sinh nào khác. Nhưng tôi không thể nói với anh điều đơn giản ấy.


“Cô Thắm sẽ hết bệnh, sẽ về...” Tôi ngưng ngang. Sẽ về đâu. Ngôi trường có nhà tập thể nơi người ta nghĩ cô là quân trộm cắp hay về với người thanh niên chất phác đến ngẩn ngơ này.


“Dạ, tui mang ơn.”


Câu nói và cái gật đầu nhanh nhảu của anh gỡ tôi ra khỏi cái điều khó nói.


Anh vừa đi khỏi, ma mới lách ngay vào phòng trực. Và ném xuống mặt bàn gỗ câu hỏi quen thuộc, “Nhắm chừng con nhỏ đó có sống không hả thày?”


3.


Chiếc giường trĩu nặng. Không gian võng xuống cái mùi thân thể đã lâu không tắm gội. Tôi nói cho một mình tôi nghe. Tôi kể đủ thứ chuyện. Chiếc ghế có lưng tựa lung lay và bốn chân lỏng lẻo biết than van vì sức nặng kẻ ngồi lên nó. Tôi nhúc nhích để chiếc ghế nhắc nhở xa xôi với bệnh nhân rằng chuyện tôi kể sẽ không bao giờ có đoạn kết. Và tôi sẽ ngồi đây mỗi tối. Trong căn phòng này, nói chuyện với bốn bức tường, với những linh hồn lẩn khuất trong bệnh viện vẫn mỗi tối, trong cái chập choạng của buổi hoàng hôn, lũ lượt kéo nhau về qua chốn này. Tôi kể chuyện mẹ tôi. Tôi kể chuyện cha tôi. Tôi kể chuyện em gái tôi. Tôi kể chuyện nửa đêm tôi quýnh quáng lại nhà người bệnh. Con mắt đứa bé đã đứng tròng, chân tay co giật từng hồi. Muộn mất rồi. Nhưng người mẹ khóc lóc nài van. Chích cho cháu mũi thuốc hồi sinh. Hay thuốc gì cũng được. Miễn là có chích. Biết đâu cháu nó lại không chết. Mũi kim nhọn ánh lên dưới ánh đèn dầu trong đêm tối. Lần nào kể đến đó tôi cũng ngừng lại bởi tiếng thở rất đều cái nhịp bình yên của đứa bé say ngủ. Cô gái mười chín tuổi. Cô ngủ dễ như trẻ thơ.


Biết đâu cháu nó lại không chết. Mũi kim nhọn ánh lên dưới ánh đèn dầu trong đêm tăm tối. Lần này kể đến đó tôi không ngưng vì hơi thở đều nhịp mà vì tiếng sụt sùi. Khuôn mặt mà tôi chỉ thấy được khi cô ngủ say đang áp sát vách tường. Mùi vôi khô chắc phải quyện vào hơi thở. Cô nhất quyết không thèm nhìn mặt cái kẻ đã giữ cô lại nơi chốn trầm luân. Và cô tịnh khẩu kể từ cái hôm đòi cắn lưỡi ngay trên chiếc giường này.
Nhưng sao tiếng khóc tấm tức ấy lại làm lòng tôi bình yên.



4.


“Thày ăn mì hông thày?” Ma mới hỏi và đứng yên chờ câu trả lời.
Mình có ăn mì không. Tôi thầm hỏi tôi.
“Hay hủ tíu Mỹ Tho?” Ma mới hỏi tiếp.
Mình có ăn hủ tíu Mỹ Tho không. Tôi lại nghe tôi hỏi tôi như thế.
“Hay thày thích hủ tíu Nam Vang?” Ma mới nhanh nhảu đổi qua món khác.
Mình có thích hủ tíu Nam vang không. Tôi lại hỏi tôi. Hủ tíu Nam Vang thì có gì trong đó và khác hủ tíu Mỹ Tho chỗ nào. Tôi hoàn toàn không nhớ ra. Chắc chắn giống nhau ở những sợi hủ tíu trắng tinh.
“Thày,” con ma mới gằn giọng.
Và tôi bắt đầu bực mình, “Cô đói thì đi ăn đi, tôi không đói.”
Nhưng ma mới không chịu thua. “Em mua về cho thày, thày khỏi mắc công đi. Từ trưa tới giờ thày chưa ăn gì mà.”
Tôi vẫn dán mắt vào cuốn cẩm nang in đầy tiếng nước ngoài. Trên trang giấy bóng, những hình ảnh nhảy múa như đám nghệ sĩ non tay nghề cố dành chỗ đứng trên chiếc sân khấu hẹp.
“Thì mua gì cũng được.”
“Hủ tíu Nam Vang hay hủ tíu Mỹ Tho hả thày?”
“Gì cũng được.”
“Hủ tiếu Mỹ Tho được không thày?”

Khi muốn được chú ý, người ta dễ thành lố bịch. Tôi nghĩ vậy, và tôi dùng tất cả sức lực đang có trên tay để gập cuốn sách lại thay cho một lời giận dữ. Nhưng khi ngước lên, bắt gặp đôi mắt có tia nhìn khẩn thiết, lòng tôi chùng xuống. Giọng tôi mềm oặt, “Mua giùm tôi tô cháo lòng.”


Đôi mắt chợt tròn xoe. “Vậy mà thày nói gì cũng được.”


Cô xoay lưng dợm bước nhưng đôi chân bất ngờ sựng lại. Tóc lòa xòa trên trán. Tóc đùa cái lưng thon. Môi mỏng như miếng mứt dừa.
“Nhắm chừng con nhỏ đó có sống được hông hả thày.”



5.


Bằng ngôn ngữ không chủ từ, bằng câu kệ không đầu đuôi, tôi cố thuyết phục bệnh nhân rằng chết không phải là chọn lựa thích hợp, rằng đâu đó trên thế gian này vẫn còn một người yêu thương cô hơn yêu thương chính mình, rằng trong những thứ con người có được, không gì quý bằng mạng sống. Tôi nói cho một mình tôi nghe. Tôi kể chuyện mẹ tôi. Tôi kể chuyện cha tôi. Tôi kể chuyện em gái tôi. Tôi kể chuyện nửa đêm tôi quýnh quáng lại nhà người bệnh. Con mắt đứa bé đã đứng tròng, chân tay co giật từng hồi. Muộn lắm rồi. Nhưng người mẹ khóc lóc nài van. Chích cho cháu mũi thuốc hồi sinh. Hay thuốc gì cũng được. Miễn là có chích. Biết đâu cháu nó lại không chết. Mũi kim nhọn ánh lên dưới ánh đèn dầu trong đêm tăm tối. Vậy mà thằng bé lại sống, cô Thắm biết không. Bây giờ cô Thắm biết thằng bé ấy đang làm gì không. Nó học y tá. Nhà nó nghèo không vào trường y được nhưng nó nhất định làm y tá để cứu người. Cô gái vẫn nằm nghiêng quay mặt vào tường. Lạnh băng tượng gỗ. Đôi vai khẽ chuyển động như vật trôi bồng bềnh trên mặt sóng. Tôi thầm đếm nhịp thở bệnh nhân. Rất đều. Dấu hiệu nguy kịch đã qua. Thần kinh ổn định. Bao tử chắc xốn xang ít nhiều nhưng rồi cũng bình yên. Có lo là lo hai trái thận vất vả lọc ra những chất độc. Rồi chỉ cần thuyết phục cô một cách đơn giản rằng chả tội gì phải chết. Nhưng chỉ điều nhỏ nhoi ấy thôi cũng đã vô cùng khó khăn. Tôi nói chuyện với bốn bức tường vôi trắng. Tôi nói chuyện với lũ sóng bạc nhược dắt díu nhau trải lên bờ cát những vẩy bọt xám. Biển ở bên kia con phố le lói ánh đèn. Ngày xưa có thời tôi nghĩ sống hay chết cũng vậy thôi. Cái thời mới vào đại học. Cái thời suy tư triết lý trẻ con. Cuộc sống đầy những mâu thuẫn. Có bao nhiêu người cố bám lấy sự sống một cách vô vọng. Chiến tranh. Sự nghèo đói, bệnh tật. Nỗi đau đớn thể xác, sự khổ đau tâm hồn. Tôi nói dông dài như gã bán thuốc dạo trong gánh xiệc. Tôi nói với bốn bức tường. Tôi nói với những ngày còn đi học của tôi. Tôi nói với những người bệnh mà tôi đã xuôi tay bỏ cuộc trong trận giằng co với Thần Chết. Tôi quên là cô bệnh nhân của tôi mới mười chín tuổi, cái tuổi bắt đầu biết chọn mầu sơn móng tay cho đẹp mắt. Thì đã sao. Nếu cô ấy không nghe thì tôi nghe. Và bốn bức tường này cũng nghe. Cả những người đã chết trong căn phòng này mà linh hồn còn lẩn khuất quanh đây cũng nghe. Còn nữa, những nhân viên trực đêm đang lấp ló bên ngoài khung cửa, tai ép sát vách tường, lắng nghe tôi trò chuyện. Cuộc chiến đấu gay go. Chúng tôi mới chỉ thắng trận đánh thứ nhất. Chúng tôi mới chỉ đổ quân xuống được một đầu cầu. Nhưng tôi vẫn kiên trì kể lể. Tôi kể chuyện cho cả thế gian cùng nghe.


Chợt cô bệnh nhân của tôi trở mình, tôi nín thở chờ một cơn phẫn nộ. Tôi nghe được cả tiếng những trái tim đập lỡ nhịp ngoài khung cửa. Giầy dép lao xao dẵm lên nhau. Nhân viên trực đang săn tay áo, chuẩn bị giải cứu tôi. Nệm giường nhún nhẩy theo cái trở mình. Chiếc vai xuôi nghiêng. Bệnh nhân bỗng dưng xoay người ra phía tôi. Con mắt ướt nhòe. Con mắt nhìn tôi. Trong tia nhìn có chút gì đó như ánh nắng le lói sau cơn giông.


“Con gặp người đó được hông?”


Câu hỏi bất ngờ làm lồng ngực tôi thắt lại. Có tiếng reo vui hớn hở nào đó bị nén lại bên ngoài khung cửa. Tôi hình dung đám nhân viên ôm lấy nhau mừng rỡ như khi gặp lại nhịp đập hồi sinh của trái tim bệnh nhân hấp hối.


“Người nào, cô Thắm muốn gặp người nào?” Tôi lắp bắp.


“Cái người học y tá đó.”


Tiếng reo hò trong lòng tôi át cả tiếng cười nói vỡ òa ngoài khung cửa.


“Thắng rồi, mình thắng rồi.” Giọng ma mới - không lẫn được với ai - hòa với giọng đàn ông trầm đục. “Vậy là em Thắm tui chịu sống rồi.”


Cô níu lấy bàn tay tôi. Những móng dài sắc cạnh cứa lên da thịt tôi như khắc ghi lời nguyền.


“Con hổng muốn chớt đâu, con nhớ nhà, con nhớ má con, con nhớ ngoại con. Bác sĩ đừng bỏ con chớt tội nghiệp...”


“Không bỏ đâu.” Tôi luống cuống với cơn xúc động.


“Bác sỉ phải hứa hổng bỏ con.”


“Hứa,” tôi trả lời, lòng đầy ắp niềm tin. Cô nuốt nước bọt một cách khó khăn; nụ cười nhòe nhoẹt chợt méo xệch trên khuôn mặt trẻ thơ.



6.


Cơn mê nhận chìm người bệnh vào đêm tối. Những con số nhảy múa trên tờ kết quả xét nghiệm. Những con số khốn nạn khiêu khích chúng tôi. Những con số trần truồng khiêu vũ trên vũng mầu trắng bệch của làn da sũng nước. Lay gọi vô phương. Mới nói chuyện sáng nay, giờ đã mê man gỗ đá. Mới tíu tít kể cho nghe về những buổi chống ghe lùa bầy vịt hàng trăm con kêu réo vang động một góc trời đã con mắt lạc thần, ngón tay co quắp.
Tôi giộng mạnh cái ống nghe điện thoại như gõ cho rụng bớt bụi bặm đóng trong đầu những người quyền thế ở đầu dây kia.


“Anh cần máy lọc thận làm gì?” Kẻ nào đó lập lại cái câu cũ rích.


Tôi muốn hét vào mặt cái kẻ giằng co ở đầu kia nhưng cô y tá đứng ngay trước mặt tôi, hai tay chắp lại, van xin.


Bọn họ nói nhiều quá. Đủ thứ lý do. Tôi chỉ mượn lại cái máy ấy ít hôm. Phái đoàn y tế Thụy Điển qua thăm cho chúng tôi cái máy làm phép lạ ấy nhưng bọn họ lấy đi. Chúng tôi tranh luận với nhau đủ cách. Rồi bọn họ lại hỏi tôi cần máy lọc thận làm gì. Tôi đã nói bệnh nhân của tôi suy thận cấp tính. Họ lại hỏi vì sao suy thận. Rồi kẻ nào đó nói vọng vào rằng có phải con bé uống thuốc tẩy màu để tự tử đó không. Đáng đời quá rồi. Kẻ nào đó cười rộ lên thích thú. Có phải con bé chửi ông như tát nước vào mặt đó không. Chuỗi cười dài như những toa xe lửa chạy sầm sập trên đoạn đường sắt bắc ngang óc não tôi.


Cô y tá quơ tay ra dấu. Cái miệng thì thào. Môi mỏng như miếng mứt dừa ngày tết. Đầu lắc cuống cuồng. “Đừng nổi nóng, ông thày ơi. Nổi nóng hư chuyện hết ráo trọi!” Nhưng không nổi nóng sao được. Tôi đã làm đơn xin mượn cái máy làm phép lạ ấy ngay khi rửa ruột xong cho bệnh nhân.
Quân khốn nạn!


Răng tôi cắn chặt môi dưới. Thế nào cũng có máu bầm. Vết bầm trên môi đặm mầu như bị cắn khi được hôn.


“Bảo nó ráng chờ tới tháng sau đi!”


Kẻ kia nói thế rồi đập cái ống nghe xuống mặt bàn. Tai tôi điếc ù. Vậy là xong.


Tôi nhìn cái ống nghe điện thoại. Tôi căm thù cái điện thoại đen bóng này biết chừng nào. Tôi vừa mới thuyết phục được cho một người ham sống. Tôi vừa mới hứa sẽ không bỏ người ta. Mười chín tuổi, vừa mới bắt đầu yêu lại cuộc đời.


Cô y tá mỏng như trang giấy. Trang giấy nhìn tôi. Trang giấy sột soạt. Con mắt một mí long lanh ngấn nước. Cánh môi mấp máy cái điệp khúc xưa quá là xưa, “Nhắm chừng con nhỏ đó có chết hông hả thày?”


Hoàng Chính
 

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.458 giây.