Theo Le Monde, nghị định 72 được ban hành trong bối cảnh thủ tướng Việt Nam bị "mất uy tín", một đề tài sôi nổi trên mạng - REUTERSBáo Le Monde số ra hôm nay 15/08/2013 có bài đặc biệt quan tâm đến Nghị định 72 vừa được ban hành tại Việt Nam, quy định việc « Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng ». Nghị định vừa ban hành đang gây bất bình trong giới cư dân mạng.
Theo Bruno Philip, thông tín viên báo Le Monde tại Bangkok, Nghị định 72 này ban hành trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và xã hội chỉ làm nghiêm trọng thêm sự bất mãn của dân chúng với chính quyền.
Bài viết có tựa đề « Việt Nam tăng cường hệ thống trấn áp lên mạng ». Đầu tiên, tác giả bài viết trích dẫn giải thích của một số quan chức quản lý ngành truyền thông và báo chí mạng, cho biết sẽ không cho phép « tổng hợp các thông tin từ các bài viết cho dù đó là các bài đăng trên các báo, hãng thông tấn hay các trang mạng chính thức ». Các thảo luận về chính trị trên mạng kể từ giờ là bị cấm. Trang mạng xã hội như Facebook hay Twitter chỉ là nơi để « trao đổi thông tin cá nhân ».
Nghị định có hiệu lực vào đầu tháng Chín tới nghiêm cấm « loan các tin thù nghịch với chế độ và có thể gây mất an ninh quốc gia » và đe dọa « trật tự xã hội và thống nhất đất nước ». Tương tự cho « các thông tin bôi nhọ uy tín các đoàn thể và danh dự hay phẩm cách các cá nhân ». Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, còn nhấn mạnh là quy định mới cho phép « đưa ra những thông tin chính xác và phù hợp trên mạng ».
Từ các trích dẫn trên, Bruno Philip, phóng viên thường trú của Le Monde tại Băngkok cho rằng « chính phủ Việt Nam đang tăng cường xiết chặt công tác kiểm duyệt trên Internet ». Trong một đất nước do một đảng duy nhất lãnh đạo, hệ thống truyền thông đều nằm dưới sự kiểm soát.
Vậy mà, Internet, phương tiện duy nhất để cho người dân giải tỏa những sự bất mãn, thông qua các cuộc thảo luận chính trị cũng bị cấm nốt. Theo tác giả, quy định cho phép ngăn chận mọi lời bình phẩm từ một bộ phận dân chúng trẻ tuổi, vốn có cái nhìn cay cú mỉa mai đối với chính quyền, về những thông tin loan trên các báo chính thống.
Tác giả viết rằng quy định mới này được ban hành trong bối cảnh, thời gian gần đây, thủ tướng Việt Nam, được cho là « mất uy tín » và « bị phản đối » nhiều nhất đang là đề tài châm biếm sôi nổi trên các trang mạng. Bruno Philip cho là, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải đối đầu với hai đối thủ khác trong bộ máy lãnh đạo là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.
Vào trung tuần tháng Sáu vừa qua, 1/3 đại biểu Quốc hội còn công khai bày tỏ « tín nhiệm thấp » người đứng đầu chính phủ. Tuy vậy, tác giả bài viết cho rằng sự bất đồng trên dàn lãnh đạo cao cấp cũng không ngăn cản được việc gia tăng trấn áp những ai muốn « tận dụng » sự bầu không khí nhập nhằng đó để chỉ trích chính phủ.
Một mặt, tác giả trích dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng các tập đoàn Internet lớn, và các trang mạng xã hội sẽ từ chối cung cấp địa chỉ IP của người sử dụng, theo như tuyên bố của ông Shawn Crispin, thuộc Ủy ban bảo vệ nhà báo CPJ với hãng thông tấn AFP.
Mặt khác, Bruno Philip cũng cho hay là Nghị định trên cũng gây bất bình cho giới cư dân mạng. Bài viết trích dẫn bình phẩm của nhiều blogger tên tuổi trong nước cho rằng quy định mới này « rõ ràng được ban hành nhằm khóa mõm dân chúng » hay như là « Họ muốn biến chúng ta thành những con robot ».
Theo tác giả, chính phủ Việt Nam không ngừng trấn áp giới nhà báo và các nhà bình phẩm trên mạng. Thêm vào đó, tình hình khủng hoảng kinh tế và xã hội chỉ làm trầm trọng thêm sự bất mãn của người dân với chế độ. Tác giả tổng hợp lại là chỉ trong vòng có sáu tháng đầu năm nay, rất đông người bị quy tội « hoạt động chống chính quyền » đã bị bắt giam. Tính đến ngày hôm nay có tổng cộng 46 nhà đấu tranh và những người chỉ trích Nhà nước đã bị kết án tù nặng.
Trong số này, Bruno Philip đơn cử hai trường hợp gần đây nhất là blogger Nguyễn văn Hải, bút danh Điếu Cày, bị kết án 12 năm tù. Ông này vừa tiến hành xong một đợt tuyệt thực 25 ngày nhằm phản đối điều kiện giam giữ.
Hay như mới đây nhất là việc bắt giam phóng viên điều tra Võ Thanh Tùng, nổi tiếng với những bài phóng sự điều tra nạn tham nhũng trong ngành công an giao thông. Ông này bị bắt giữ với tội danh là « nhận hối lộ ». Trong vụ việc này, bài viết đặt nghi vấn : « Liệu kẻ đưa hối lộ cũng bị hối lộ ? ». hay là « Anh ta chính là nạn nhân của việc trả thù từ những kẻ mà anh ta gây phiền toái ? »
Theo RFI