Không! Không thể như thế được!
Các con măng sữa ngây thơ của bố.
Nếu hôm nay trên cầu chữ Y này, bố có… mệnh hệ nào thì các con yên chí là bố đã “hy sinh” một cách trong sạch vì tai nạn xe cộ; không bao giờ có chuyện bố ăn quịt hay ăn chạy, ăn giựt bị đánh hội đồng đến chết!
Các con và mấy bà hàng quà trong xóm mình đều biết con người… khẳng khái của bố. Khi “kẹt” lắm thì bố chỉ ăn… chịu hay mua chịu là cùng! (Ăn chịu là ăn trước trả sau, là sự thỏa thuận trên căn bản tin tưởng lẫn nhau, không ai ép buộc ai, là hợp đồng kinh tế vi mô, quy mô nhỏ lẻ trong đó bên A là người ăn chịu / ăn thiếu, mua chịu/ mua thiếu, bên B là người bán chịu / bán thiếu).
Mỗi bà bán hàng quà trong xóm đều ghi tên bố một cách“thân thương” trong sổ ghi nợ của họ. Các con phải hãnh diện vì điều đó; chỉ những người đầy uy tín mới được ghi nợ thoải mái như vậy và các con cũng phải hãnh diện mỗi khi thay mặt bên A là bố để đi mua chịu cà phê thuốc lá lẻ với bên B khi bố có khách khứa, bạn bè đến thăm. Làm những việc đó là các con đã tham gia trong quá trình thực hiện các hợp đồng kinh tế kể trên không có gì là kỳ, là mắc cỡ cả.
Sau khi bố… hy sinh, các con lấy tiền lương hai tuần xây lò muối trong túi quần của bố trả hết nợ cho các bà hàng quà trong xóm. Ðống đồ nghề của bố mà những người đi đường tốt bụng (vẫn còn những người như thế các con ạ!) thu lượm và… ngậm ngùi trao lại cho mẹ và các con thì hãy đem ra chợ trời bán đi; giá trị của nó tương đương với tiền công một tuần làm việc của bố (nói cho các con biết để không bị người ta mua rẻ!).
Tiền bán đồ nghề các con thuê người ta lén đặt nơi bố ngã xuống một tấm bia nhỏ ghi hàng chữ: “Nơi đây, đã sòng phẳng trút nợ đời, một người đầy uy tín!” tấm bia đó về sau ta sẽ “xây dựng lại đàng hoàng hơn to đẹp hơn”.
* **
Tới đây chiếc xe đã đạt đến tộc độ chỉ có Trời hoặc Diêm Vương mới làm ngừng lại được; nó rung lên dữ dội, rung high frequency, tôi biết nó sắp rã rời ra và sụp xuống. Tôi quyết định phải đáp… bụng (tất nhiên là bụng tôi) trước khi đâm sầm vào xe cộ của một người vô can nào đó.
Một lần nữa số mệnh lại khẳng định cho tôi biết mình chỉ là một kẻ lừng khừng, do dự chậm lụt, rất xứng đáng với biệt danh Rùa mà một thằng bạn đồng khóa có mắt tinh đời đã sớm đặt cho.
Trước khi tôi nhảy ra khỏi xe để “đáp bụng” thì cả xe lẫn người tôi như một viên đạn đại bác khổng lồ lao… trực xạ vào một khối to tướng đen ngòm thình lình xuất hiện chắn ngang đường.
Tôi định hô to khẩu hiệu -Vợ và các con muôn năm- theo “khuôn thước thời đại” trước khi “hy sinh” nhưng không kịp nữa! Tội nghiệp vợ tôi và lũ con thơ dại không được biết rằng trong phút giây lâm tử tôi đã cấp tốc tom góp hết… tâm hồn hướng về họ!
Trong tích tắc thời gian khủng khiếp đó, tôi nghe tiếng sắt thép va đập vào nhau chát chúa, tiếng la hét của nhiều người và mắt tôi tối sầm lại.
* * *
Không giống như trong các tiểu thuyết lãng mạn hay các truyện tình cảm tôi từng được đọc; tôi tỉnh lại không phải trên chiếc giường êm ái của nhà thương có tường vôi sáng và những cô y tá xinh đẹp dịu dàng nhiều… hứa hẹn.
Tôi không được cất giọng run run yếu ớt hỏi cô y tá xinh đẹp nhất (mà sau này sẽ yêu tôi như trong tiểu thuyết dù tôi đã có vợ và một đàn con nhỏ) xem tại sao tôi lại ở đây và đã ở đây bao nhiêu ngày rồi.
Tôi không được thấy nụ cười rạng rỡ nở trên khuôn mặt thanh tú của cô cùng với giọng nói chan chứa sự ân cần và lòng ưu ái quan tâm đặc biệt của cô đối với tôi.
Thay vào đó tôi lại phải nghe tiếng vừa quát tháo vừa tru tréo giận dữ từ một giọng phụ nữ đầy nội lực! Giọng nói chỉ có thể phát ra bởi một Bà La Sát:
– Trời mẹ ơi! Nam mô, cứu khổ cứu nạn! Chút xíu nữa là chết mẹ tui rồi!
Trong không gian mờ tối, tôi mơ hồ thấy mình đang dán sát người vào một khối mềm mềm đen thui lui to tướng hai tay tôi giang ra ôm không xuể. Tôi cục cựa không thấy đau đớn gì trong châu thân và rồi cả người trợt ra khỏi cái khối đen mềm to tướng ấy và rơi xuống đất trên đôi chân lành lặn.
Lập tức tôi thấy vài người ngừng xe, nhiều người khác chạy uà tới. Từ trong đám người lô xô lao xao hiện ra trước mắt tôi một nữ “hộ pháp” quát tháo tưng bừng bằng cái giọng oang oang tương xứng với vóc dáng… đội trời đạp đất của bà:
– Trời mẹ ơi! Bữa nay mà tui “đi” ze chai là ngay đây có thêm cô hồn nữa rồi!
Tôi ngơ ngác nhìn quanh để cố chắp nối những điều còn nhớ với quang cảnh đột hiện trước mắt trong lúc vị nữ hộ pháp nhìn tôi chằm chằm, lại còn xỉ cả một ngón tay vào vai tôi; lần này tôi hiểu là bà đang nói với tôi, vì bà không kêu “trời mẹ ơi” nữa.
– Chạy xe đặng giết người sao cha? Bộ zợ cha bỏ cha đi zượt biên zí bồ rồi cha chán đời đi tự zận hả cha? Muốn zậy cha làm ơn nhảy xuống sông cho Hà Bá rước cha đi dùm cái! Cha làm ơn để yên cho người khác mần ăn zí.!!
Tôi định thần một chút và hiểu ngay ra cớ sự!
Lúc bị văng như trời giáng vào khối đen lù lù đột nhiên xuất hiện, mắt tôi tối sầm lại, tôi tưởng là mình bị chết ngất đi như trong tiểu thuyết, nhưng thật ra tôi quá may mắn không việc gì cả; chỉ có cái xe đạp là tanh banh ra thôi!
Chướng ngại vật to tướng mà tôi lao vào là một chiếc xe ba bánh gắn máy chở mấy “bành” khổng lồ nhồi chặt những bao nylon bẩn, dép “mủ”(nhựa) cũ thu mua lại từ nhưng người lượm rác. Xe này phóng ra từ đường dạ cầu bên tay phải để hòa vào dòng xe ngược dốc. Cái khối đen mềm to tướng như đòn bánh tét khổng lồ tay ôm không xuể mà tôi bị dán sát vào là một trong những bành bao nylon phế thải đó.
Bà La Sát nói không ngoa chút nào, nếu xe này chở các bao mảnh chai, tôi chết là cái chắc!
Chiếc xe chở 5 bành bao nylon cao nghệu và kềnh càng như một xe vận tải, người đàn ông lái xe dáng vẻ bậm trợn vẫn ngồi trên yên để ghìm thắng chiếc xe cồng kềnh hàng nặng lại đang phải ngừng giữa mặt đường nghiêng dốc.
Những người rời khỏi Saigon sớm so với cuộc đổi đời sẽ khó hình dung ra những cách chuyên chở siêu đẳng mà những người ở lại đã “phát minh”, gã lái xe honda với cái vỏ xe hơi tròng qua bụng hồi nãy là một thí dụ nhỏ, cái xe ba gác này là một thí dụ lớn hơn. Túng thì phải tính, người ta tận dụng các phương tiện chuyên chở thô sơ thay thế cho những cơ giới thích hợp đã bị gom tập trung về một mối để phơi mưa nắng ngưng sử dụng bởi những lý do… Trời cũng không hiểu nổi!
Tôi được bình yên dưới một phép lạ trước mắt những người đi đường đã ngừng lại xúm quanh tò mò, bàn tán, hỏi han. Chỉ tội nghiệp cho chiếc xe đạp! Nó trở thành một mô hình kỳ quặc giữa đống đồ nghề bát nháo bị văng tung tóe ngổn ngang.
Cái sườn xe bây giờ vặn vẹo một cách… vô phương cứu chữa, nó chỉ còn có mỗi bánh xe sau cong queo như số 8 là dính vào. Bánh xe trước “thoát ly” khỏi khung xe cùng với bộ “phuộc”. Ghi đông gãy lìa một bên, bên còn lại vươn cao lên khỏi mặt đường như nuối nhìn lần cuối những dặm dài vừa vượt qua để giã từ cuộc đời xuôi ngược; như muốn làm dấu cho… đời sau biết nơi liệt oanh ngã xuống của một chiến mã can trường thâm niên công vụ.
Nét cảm khái và ngậm ngùi trên khuôn mặt chắc là còn… tái mét của tôi làm Bà La Sát tưởng tôi bị nội thương trầm trọng. Bà đổi giọng từ “tông la” sang “tông rê” thăm dò trong lúc cúi xuống lượm một hai món trong đống đồ nghề văng tứ tán của tôi đưa gom vào lề đường.
– Thiệt là cha có phước lớn hết cỡ đó. Bay như thiên lôi giáng mà mình mẩy hổng có làm sao hết trơn.
Bà La Sát bỗng biến thành “lương y như từ mẫu” biểu diễn một đường… giám định y khoa cấp tốc và miễn phí cho tôi. Thấy tôi im lặng có vẻ thừa nhận kết quả… giám định bà hài lòng đổi giọng nhẹ nhàng hơn,
– Nè, bộ xe của cha đứt thắng hả?
Tới câu này bà La Sát mới để địa chỉ người nhận là tôi, nghĩa là tôi có bổn phận trả lời.
– Dạ, xe tôi đứt thắng ngừng lại không được. Tôi… tôi xin lỗi!
Lập tức tôi nghe bên mạng sườn một cái huých nhẹ, mùi thơm son phấn phả quanh tôi và một giọng phụ nữ sắc nhọn nói nhỏ như tiếng muỗi vo ve chui vào tai tôi.
– Nói sao ngu quá vậy! Bắt nó thường cái xe máy, trả tiền đi chữa thuốc.
Tôi chưa kịp quay sang xem ai đã có hảo ý với tôi như vậy thì nghe từ phía đám đông môt giọng nam khàn khàn cất lên.
– Có ai chết không?
Một thanh niên ngồi trên xe Honda Cub nghển cổ qua khỏi đám đông chõ miệng vào hỏi, hắn được trả lời bằng vài câu mắng “vô duyên”, “cà chớn” và có cả giọng nói sắc nhọn ban nãy góp tiếng:
– Có! Có bà già mày chết đó, về muaa hòm đi.
Có vài tiếng cười như đổ dầu vào lửa, gã Honda Cub có lẽ hiểu được là ưu thế không ở bên gã nên phóng xe zọt thẳng sau khi trả lại một câu không tiện nhắc lại.
Tôi lúng túng xoay trở, dẫm nhằm một mảnh đá dăm, gan bàn chân đau nhói người nghiêng sang một bên va nhẹ vào một người đứng gần, tôi cảm thấy như bị người này kéo cho mất thăng bằng ngã vào trong tay họ.
Tôi nghe giọng sắc nhọn… cười lên hăng hắc:
– Vừa sống lại đã dê rồi, sao té ngay vô ôm tui vậy anh hai! Có đau thì ngồi xuống lề đường chờ vợ anh hai tới mà ôm.
Có tiếng cười khúc khích của “khán giả” chung quanh tán thưởng chủ nhân giọng nói sắc nhọn. Tôi bối rối chưa kịp xin lỗi đã bị người này đẩy vô lề đường và ấn cho ngồi xuống, hương phấn thoảng qua mũi, thanh âm nhỏ sắc chui vào tai, “đòi tiền thường, sửa xe”.
Tôi hoàn hồn lễ phép cảm ơn người “chỉ giáo” cho mình, cô ta hẳn nhiên là một cô gái buôn hương không giấu diếm qua cách trang… hoàng lộ liễu trên tấm nhan sắc tàn tạ của mình.
Bà La Sát có vẻ nghi ngờ mối quan hệ… trong sáng của “chúng tôi”, bà quơ thêm vài món đồ nghề để xuống trước mặt tôi và xoay người cố tình dùng tấm thân bồ… tượng của mình chặn giữa tôi và… ân nhân loại trừ sự can thiệp của các… thế lực ngoại lai.
– Cái zè xe tui bằng tôn dầy vậy mà cái xe ông quất cho móp xọp xuống rồi, mơi phải rã mối hàn gỡ ra đem đi gò lại. Ông không chết là hên lắm đó!
– Vâng, tôi cũng thấy mình hên thật!
Có lẽ hài lòng với sự biểu đồng tình của tôi, bà nhẹ giọng hơn.
– Về mua vịt quay cúng ông Ðịa đi. Rồi đem nhang đèn bông trái tới đây cúng người khuất mặt khuất mày.
Bà lận cái túi bên trong lớp áo bà ba lấy ra mấy tờ giấy 100 đồng đưa về phía tôi vừa nói “Nè” thì “ân nhân” của tôi đã lên tiếng:
– Cái xe người ta gãy tanh banh mà đưa 300 coi sao được.
Bà La Sát quay phắt người lại, tôi thấy không khí dao động như con trốt xoáy theo chuyển động của bà. Hai người đàn bà xa lạ sắp gây lộn với nhau vì … tôi! Một người gần gấp đôi người kia về cân lượng, họ đối mặt nhau như hai con gà choai đang thủ thế!
Tôi đứng ngay dậy vừa để can ngăn cho họ đừng gây hấn với nhau vừa để tránh cái vòng số 3 bề thế của bà La Sát không những đã… án ngữ tầm nhìn của tôi mà nó còn áp sát mặt tôi một cách rất… hồn nhiên khi tôi đang trong tư thế ngồi bệt trên lề đường.
– Chiện này không mắc mớ gì tới cô em nhe! Nãy giờ ổng biết lỗi ổng đâu nói gì.
– Không mắc mớ mà muốn nói thì sao! Chớ 300 đồng thì làm được cái gì?
– Tui đưa tiền không phải là thường, ổng lủi xe zô xe tui chớ bộ! Tui hùn zí ổng đặng cúng người khuất mày khuât mặt. Cô hồn dốc cầu này linh lắm cô em… làm ăn quanh đây chắc biết rồi.
– Thôi thôi, hai người đừng cãi lẫy làm chi! Cám ơn cô, tôi chạy ẩu tôi chịu. Xe bả đâu có lỗi gì.
Tôi vội lên tiếng vì thấy mình lỗi và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong vụ này. Hơn nữa tôi không nên dang ca ở đây vì bóng đêm đã bao trùm lên tất cả; đường về thì còn xa mà lại không còn xe đạp nữa.
Người lái xe ba gác máy chỉ đợi có thế, ông ta lẳng lặng dập tắt điếu thuốc dưới chân rôì đạp máy, chiếc xe nổ rền. Vài người hối hả giúp “thu dọn ciến trường” mở đừơng cho chiếc xe kềnh càng từ từ rướn mình lên dốc. Bà La Sát… chuyển thần lực đẩy phụ từ phía sau. Khi chiếc xe đã tự lăn bánh ngược dốc được, bà ta chạy lúp xúp theo một khúc nữa rồi… tung mình “đáp” cái vòng số 3… hùng vĩ lên cái porte-bagage phía sau người lái.
* * *
Trên đường đám đông tản ra các phía rồi mất hút, chỉ còn một người đàn ông trẻ, ốm nhom phiêu phưởng trong bộ áo quần rộng thùng thình rách rưới đang dùng chân hất về phía tôi chiếc bay nhỏ còn sót trên mặt lộ. Anh ta không nhìn tôi mà cái bay lướt về phía tôi chính xác như một quả chuyền banh của các tuyển thủ bóng tròn, tôi chưa kịp mở miệng cảm ơn, anh ta đã hướng thẳng vào tôi quát tháo.
– Nè, người ta bị xe đụng bây còn lấy đồ nghề của người ta nữa hả?
Tôi chưa biết tại sao anh ta lại la tôi lấy đồ nghề của… tôi thì nghe tiếng trẻ con trả lời.
– Ðâu có, em lượm giùm ổng mà, anh Tư.
Một thằng nhỏ chừng mười tuổi lem luốc nhưng đầy vẻ tinh ranh xuất hiện từ phía không liên quan gì đến hướng nhìn của người vừa mắng nó. Người đàn ông ốm nhom trong trang phục thùng thình không cần nhìn mà biết chuyện gì xảy ra trong nhiều phía của bóng tối; anh ta làm tôi nghĩ đến các nhân vật quái khách của Kim Dung hay một “hiệp sĩ mù nghe gió kiếm”!
Ðứa nhỏ tiến về phía tôi và giơ ra một cái đục. Tôi nhận biết nó làm “nghề” lượm rác mà “trình độ” chuyên nghiệp thể hiện qua cái bị lớn căng phồng may bằng nhiều bao cát dệt bằng sợi nylon ghép lại, cùng cái móc sắt dài bóng loáng. Trong cái mát lạnh của buổi tối bên bờ sông, mùi khét nắng trên người nó vẫn đến với tôi trước cả khi tôi đón nhận cái đục từ tay nó.
Thằng bé chỉ hơn đưá con đầu lòng của tôi chừng một hai tuổi mà phải lăn lóc kiếm sống như vầy! Ðầu không mũ, chân không dép; tôi xót xa nghĩ đến đôi bàn chân bé nhỏ này trên mặt đường nhựa nóng bỏng những buổi trưa hay lúc xông vào những bãi rác bất kể những rủi ro nham hiểm mai phục bên dưới lớp rác trên cùng!
Tôi liên tưởng tới những đôi chân bé bỏng của các con mình và thảng thốt kêu lên một tiếng chính mình cũng không rõ là gì! Bất giác tôi cúi người vòng tay ôm đầu thằng nhỏ vào lòng nghe mình nói cám ơn mà gọi đứa nhỏ bằng tiếng “con” ngọt xớt!
Ðèn đường, đèn xe bỗng nhòe nhoẹt hẳn đi trong mắt tôi!
– Mày mà la nó hả Tư Lé, thằng Tý nó đàng hoàng hơn mày một chục lần kià! Giờ này không lo ôm lon “ghi gô” tới mấy tiệm kiếm ăn còn ở đó làm thầy đời một hồi đói rã họng nghen con!
“Ân nhân” của tôi, đóa hoa nở về đêm trên cầu chữ Y, lại can thiệp với một giọng điệu quyền uy, trịch thượng. Thì ra ba người còn lại bên cạnh tôi lúc này đều quen biết nhau, có lẽ họ đều là cư dân ở dạ Nam của cầu Chữ Y này.
Người “quái khách” phiêu phưởng trước mắt tôi không phải là “hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” nhưng cũng có liên quan ít nhiều, anh ta thuộc môn phái nhìn bụi hẹ chết bụi hành và mưu sinh bằng cách chầu chực ở các tiệm ăn bình dân lề đường chờ thực khách vừa rời khỏi bàn ăn là xông vào trút vội vào lon “ghi gô” những xương xẩu, cặn thừa trong tô chén hỗn tạp trước khi bị xua đuổi không thương xót bởi những người dọn bàn.
(Tôi không biết phiêu phưởng có phải là chữ có trong tự điển Việt Ngữ mình không, hoặc có được ít nhiều người thừa nhận không, nhưng nó hiện ra ngay lập tức trong đầu tôi khi thoạt trông thấy Tư Lé; ngay cả bây giờ gần hai mươi năm đã trôi qua, “trắng đêm nay ngồi đây viết lại tâm tình này” tôi vẫn không tài nào rứt được hai chữ phiêu phưởng ra khỏi hình ảnh Tư Lé)
Cuộc đời, hay ít nhất là những người quen biết hoặc trông thấy anh ta như tôi bây giờ, cần phải biết ơn những áo quần thùng thình anh đang mặc trên cái tấm thân còm nhom kia vì nếu không có chúng, một chân dung ba chiều ảm đạm, thê thảm của loài người sẽ được phơi bày!
Ðột nhiên một nỗi cảm khái oà vỡ trong tôi; tôi cảm thấy mình bé mọn và bất lực hơn bao giờ hết! Tôi tin rằng theo một lẽ nào đó tôi đã có phần trách nhiệm về cuộc sống khổn khổ của ba con người xa lạ đang quanh quẩn bên mình! Tôi ngồi phịch xuống lề đường, cái đầu như bị sức nặng ngàn cân đè xuống khiến hai tay chống trên đầu gối phải khó nhọc lắm mới giữ được cho nó khỏi… rơi bịch xuống đất.
Một cánh tay mềm mại của phụ nữ choàng qua vai tôi, mùi hương phấn trước lạ… sau quen cho tôi biết ai đang làm cử chỉ thân ái này.
Người phụ nữ đang ngồi xuống kề vai bên tôi bất kể là ai, bất chấp việc cô ta đang mưu sinh bằng cái “nghề” đời nào cũng lên án, khinh miệt; bất kể bao nhiêu mầm mống hiểm họa đang tiềm phục trong người cô ta, nhưng cách an ủi tôi của cô lúc này (dù có tính… nghề nghiệp hay không), cũng làm tôi cảm kích đến mềm nhũn cả người!
Tôi mủi lòng và tủi thân đến nỗi không dám ngước lên trong một lúc khá lâu.
Tôi không thể để một phụ nữ nào thâý mình rơi nước mắt!
-Anh đau đầu hay sao mà ôm đầu vậy?
Chưa muốn ngước lên, cũng để khỏi phải giải thích dài dòng mối xúc cảm bất ngờ của mình với một người lạ, và để cô ta khỏi hỏi thêm; tôi để hai tay tôi giúp cái đầu gật lên, gật xuống thay cho câu trả lời.
– Chết mẹ rồi! Anh hai, anh có thấy muốn ói không? Vậy đó mà để vợ chồng con mẹ xe mủ đi mất! Nếu muốn ói là phải đi nhà thương liền không thôi chết đó! Ê Tư Lé kêu xích lô chở ông này tới nhà thương Chung Cheng đi mày.
– Ði Chung Cheng làm chi cho xa, trung tâm chấn thương Trần Hưng Ðạo ngay đây, đi bộ cũng tới khỏi cần xich lô.
– Ðồ ngu! Nhà thương Chung Cheng là nhà thương Trần Hưng Ðạo chớ đâu! Muốn cấp cứu mà đi bộ tà tà tới ai mà thèm nhận.
Tôi phải kêu lên là tôi không thấy muốn oí gì cả để “vãn hồi trật tư” trong khi Tư Lé cằn nhằn nhà thương có bảng tên Trần Hưng Ðạo chần dần mà không chịu “kiu”, còn người nữ hiệp đa sự của tôi tuyên ngôn một câu “lập trường” xanh rờn: “tên gì “cách mạng” đặt tao cũng không thèm kiu!”.
* * *
Phụ nữ dường như trời phú cho họ có biệt tài thu xếp, toan tính nhanh nhậy và khôn khéo hơn nam giới nhiều. Hay nói chính xác hơn, tất cả các phụ nữ mà tôi từng quen biết, gặp gỡ, có liên hệ bà con hay không đều khôn khéo, lanh lợi hơn tôi.
Người phụ nữ tôi gặp hôm nay ở cuối dốc cầu chữ Y này cũng không ngoại lệ.
Dưới sự… lãnh đạo của “chị Hai”, theo cách gọi của Tư Lé, hoặc “cô Hai” theo cách gọi của thằng Tý lượm rác dành cho người phụ nữ, bốn người chúng tôi khệ nệ một đoạn ngắn đem xác chiếc xe đạp và đống đồ nghề đến ông thợ sửa xe lề đường “tọa lạc” bên chân dốc cầu gạ bán cho ông ta xác chiếc xe đạp để ông ta tháo gỡ lấy các bộ phận còn dùng được.
Kinh nghiệm việc vừa xảy ra, “lãnh đạo” là chị Hai đã… nghiêm khắc phê phán tinh thần “độc cô cầu bại” của tôi rằng “anh ngu thấy mẹ đi! Lúc nào cũng… tơm tớp nhận lỗi!” và cho rằng tôi không thích hợp chút nào với việc… đàm phán thương thảo; cho nên dù là tài sản của tôi, tôi cũng nên im mồm để… lãnh đạo đứng ra thương lượng.
Tôi bùi ngùi nhìn con ngựa già của mình lần chót đồng ý giao tài sản “đổ xuống đất” ấy cho phái đoàn… nhân dân địa phương “xử lý”, rồi tấp tểnh chân không, chân dép băng qua bên kia đường mua thuốc lá lẻ hút cho tỉnh táo.
Người ta không nên “ngu thấy mẹ” hai lần trong vòng nửa giờ trước cùng một nhóm các “khán giả”!
Xa hơn chút nữa trước mắt tôi là đại lộ Trần Hưng Ðạo, đèn đường ở đó sáng hơn, có vài xe bán hàng ăn và nước sâm tụ tập quanh trụ đèn; tôi đến mua bốn khúc bánh mì thịt và đốt thêm một điếu thuốc nữa trong lúc chờ đợi lấy bánh, cố thả hồn theo khói thuốc buông lơi mọi suy nghĩ nhưng không thành công lắm.
Bánh mì được làm xong vừa lúc phái đoàn thương thuyết băng qua đường báo tin chiếc xe bán được nhưng ngày mai ông sửa xe mới có tiền đưa.
Tôi trao mỗi người một ổ bánh mì còn nóng hổi hơi than, mùi thơm khơi dòng nước… miếng những kẻ đói lòng! Chúng tôi cùng ngồi kề bên nhau bên lề đường, vừa ăn vừa thăm hỏi… gia cảnh nhau.
Trong khoảnh khắc đó, tôi thấy bốn người chúng tôi thân thiết và tin tưởng nhau biết bao! Chúng tôi như một gia đình tản lạc vì một cơn nguy biến vừa tìm lại được nhau.
Nhờ không “ngu thấy mẹ” lần thứ hai và lại nhập vai “tiếp tế, thăm nuôi” rất đúng lúc, tôi không bị xài xể nữa và nghiễm nhiên trở thành người anh lớn của cái gia đình khoảnh khắc trên hè phố.
Tôi dặn người em gái “lập trường” của tôi ngày mai khi lấy được tiền về thì cô giữ phân nửa mà xài… lấy thảo để nhớ buổi “tao ngộ” hôm nay; phân nửa còn lại thì chia đôi cho hai người kia. Ðống đồ nghề cho tôi gởi lại “nhà” thằng Tý, khi nào kiếm được xe đạp khác tôi sẽ qua lấy về và cũng để coi nó có mua dép và nón để “hành nghề” như tôi dặn không; còn tôi sẽ đi honda ôm về nhà để đuổi theo thời gian đã mất.
“Chia gia tài” xong chúng tôi nhìn nhau, không ai nói gì nhưng ánh mắt mỗi người đã nói hơn những gì lời nói có thể diễn tả; một “bác tài” xe ôm chờ khách bên kia đường trờ đến theo cái ngoắc tay của tôi.
Xe ôm vừa lăn bánh, đột nhiên cô gái níu tôi lại.
– Anh Hai, anh tên gì?
Thằng Tý reo lên:
– Ha ha! Cô Hai chịu đèn chú Hai!
Tôi thấy trên khuôn mặt son phấn rã rời tàn uá của người phụ nữ loáng nhanh một nụ cười với vẻ thẹn thùa duyên dáng, cô liếc nhìn tôi thật nhanh và đưa tay bợp nhẹ lên đầu thằng Tý.
– Thằng mắc dịch này! Anh Hai, anh nói tên, ngày mai em mua trái cây ra thắp nhang chỗ hồi nãy, cám ơn cô hồn cho anh mạnh giỏi.
Tích tắc thẹn thùa của một cô gái bán hoa từng trải không phải có thể mua được bằng tiền, ngay cả chính cô ta dù muốn cũng không thể “diễn” nó theo bài bản nghề nghiệp được đâu! Từ chút điểm ngây thơ mỏng mảnh còn sót lại ẩn náu đâu đó trong tâm hồn đã bao năm chai sạn của cô, nét thẹn thùa trong trắng ấy bật ra như một phản xạ chỉ khi gặp những điều kiện tình cảm thích hợp.
Làm sao tôi nỡ nói một cái tên tào lao với cô cho qua chuyện được!
* * *
Xe tôi… ôm lăn bánh dăm thước sắp hòa vào giòng đời, cô nhắn với theo thảng thốt.
– Em tên là Hường! Hường, nhe hông!
Tôi ngoái lại giơ tay ra dấu cho biết tôi đã nghe thấy rồi. Hường! Hường! Ngày mai em sẽ vái cô hồn cho tôi được mạnh giỏi! Làm sao tôi đáp trả được cho em cái tình cảm tuy chốc lát mà ân cần chu đáo này!
Tôi chỉ có uy tín đủ để mua thiếu lặt vặt trong xóm với những người… phàm, chứ còn người cõi khác có thần thông chắc đều biết tôi là đứa chẳng ra gì; tôi vái van xin xỏ gì chắc sẽ bị… ép phê ngược thêm tai hại mà thôi!
Xe ôm lướt đi trong cái mát mẻ của ban đêm; các rắc rối, mất còn ân oán đã được bỏ lại đàng sau, tôi khoan khoái nghĩ tới gia đình với những đứa con măng sữa đêm ngày mong ngóng cha về; tôi hân hoan chờ phút giây được ôm chúng vào lòng. Bất giác tôi đưa tay sờ túi nơi cất tiền công hai tuần xây lò nấu muối.
Ít nhất tôi cũng đủ sức thanh toán hết những món nợ ghi chép nhì nhằng trong sổ sách của các “bên B” quanh xóm để mở sang những trang mới sáng sủa hơn.
Còn chuyện xóa sổ, “clear form” cho những trang… nợ đời mới, là nhiệm vụ của việc làm “kỳ ngộ” tiếp theo.
Ai mà biết nó sẽ là việc gì!
Trần Công Anh Dũng