Ông Marc Knapper trong một sự kiện tại Seoul.
“Đỏ và Đen” (Le Rouge et le Noir) không chỉ là phép ẩn dụ từ tiểu thuyết của Stendhal, xuất bản từ 1830. Ở đây còn hàm ý thời điểm tân Đại sứ Mỹ đến Việt Nam trong một tình thế bất lợi và “đen đủi”! Còn Hà Nội thì đang cho dựng những pa-nô “đỏ rực” các đường phố, nhưng không phải để nghênh tiếp Đại sứ vừa được bổ nhiệm Marc Knapper.
Mấy tháng trở lại đây, Hà Nội hơn một lần tuyên bố Đại hội Đảng XIII và Quốc hội XIV đã kết thúc “rất” thành công. Và mỗi khi viết về các sự kiện chính trị mà người dân bị tuyên truyền gần như đến bội thực, bao giờ truyền thông nhà nước cũng buộc phải thêm chữ “rất”. “Rất thành công” ở chỗ Tổng bí thư “ngồi xổm” lên Điều lệ Đảng (ĐLĐ) mà Trưởng ban Tổ chức TW Phạm Minh Chính hồi bấy giờ vẫn giải trình chót lọt trong Bộ Chính trị. Theo cách giải thích ấy, TBT lần này sẽ không tại vị toàn khoá nên “ta” vẫn không vi phạm ĐLĐ.
Làn sóng “Đỏ rực” bắt bớTrong khi Phạm Minh Chính chưa dứt lời kêu gọi tân chính phủ phải lắng nghe các ý kiến phản biện thì ngày 20/4/2021, Công an Việt Nam đã hốt sạch “Nhóm Báo Sạch” (NBS), báo hiệu sự tan vỡ hoàn toàn của “Giấc mơ Báo chí Tự do”. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm cuối cùng gồm quốc gia có ít tự do báo chí nhất trên thế giới, theo đánh giá mới nhất được tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố. RSF nhận định rằng ĐCSVN cầm quyền tăng cường kiểm soát mạng xã hội và tiến hành một làn sóng bắt bớ công khai các nhà báo độc lập suốt thời gian qua.
“Dân chủ đến thế là cùng!” (Lời ông Trọng). Trong khi NBS, theo những người đọc trong nước cho biết, đã gây nhiều tiếng vang vì những bài báo đấu tranh cũng như vạch trần những sai phạm của các quan chức tham nhũng ở Việt Nam. Dư luận cho rằng, những bài viết vạch trần các sai phạm của các quan chức tham nhũng ở Việt Nam được NBS công bố, rất thẳng thắn và có những bằng chứng xác thực. Sau khi Công an điều tra ra thì những điều NBS đăng lên là đúng, đó cũng là tội danh mà các quan chức tham nhũng bị bắt vướng phải.
Trở lại câu chuyện Đại hội XIII và Quốc hội khoá XIV, ĐCSVN không chỉ lách Hiến pháp mà rõ ràng còn phớt lờ cả luật khi để Quốc hội khóa cũ bầu ra nhân sự Nhà nước cho khóa mới. Trên thực tế, ĐCSVN đã bầu và sắp xếp xong hết các chức danh, nhân sự nhà nước cấp cao rồi. Ấy vậy mà vẫn còn bắt người dân “rồng rắn” đi bầu Đại biểu Quốc hội vào ngày 23/5 tới. Đối với người dân quốc nội, đây là điều hết sức vô lý, theo PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển phát biểu từ một hội luận ở BBC.
Hiệu ứng của những thắng lợi “rất rực rỡ” nói trên là các cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 5 tới sẽ không bao giờ có công bằng cho các ứng cử viên như giới lãnh đạo Việt Nam tuyên bố. Suốt thời gian qua, truyền thông “lề Đảng” luôn nhấn mạnh tới việc giữ công bằng, bình đẳng cho các ứng cử viên cũng như tạo điều kiện để cử tri phát huy quyền dân chủ. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác.
Loại bỏ những ứng cử viên độc lập thông qua các vòng hiệp thương, mà thực chất là những màn đấu tố. Quần chúng ở đây là những người do Đảng chọn lựa, hoặc là những người về hưu nhưng không am hiểu thời cuộc, không có tính phản biện, luôn nghe theo Đảng và Nhà nước, từ đó sẵn sàng vu khống những người mà họ không hiểu rõ. Đảng có hẳn cả những “công đoạn”, những “quy trình” để loại các ứng viên độc lập ngày từ “vòng gửi xe”.
Đành rằng, giờ là lúc quá trễ để nói về câu chuyện bầu bán. “Bầu” thì không diễn ra mấy mà “Bán” – chạy chức chạy quyền – thì nhiều). Nhưng quả thực dư luận xã hội hết sức quan ngại trước tuyên bố của tân Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc ngày 20/4/2021 tại Diễn đàn Bác Ngao ở Trung Quốc. Từ trước đến nay, Việt Nam không mấy mặn mà về “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI), nhưng lần này ông Nguyễn Xuân Phúc lại vồ vập mong muốn BRI sẽ đóng góp tích cực cho quá trình phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 (!?)
Thái độ “xoay trục” đối với BRI, nếu xảy ra thật, thì rõ ràng dàn lãnh đạo “Bộ tứ” (4 ông Trọng – Chính – Phúc – Huệ) đã bị Trung Quốc gia tăng các loại “bùa mê” về sự cần thiết của BRI đối với tương lai phát triển của Việt Nam. Mà nghiêng về BRI nhiều hơn có nghĩa là sẽ giảm bớt cam kết với FOIP, một cấu trúc an ninh tập thể mới trong không gian “Indo-Pacific mở và tự do”. Cấu trúc này trụ vững trên hai chân kiềng: kinh tế và an ninh. Kinh tế thì dĩ nhiên là OK đối với Hà Nội, nhưng an ninh, thì chắc chắn Việt Nam còn phải tiếp tục giữ khoảng cách.
Trong khi đó, việc ông Nguyễn Phú Trọng chọn ai làm người kế vị sẽ là câu chuyện “nước sôi lửa bỏng” trong thời gian tới đây. Trong “Bộ tứ”, chỉ còn lại hai nhân vật có khả năng tranh cái ghế ấy: Chính và Huệ. Xưa nay, người xứ Nghệ chẳng ưa người xứ Thanh, vì vậy một trận “long tranh hổ đấu” rất có thể xảy ra. Do đó, việc nghiêng về BRI hay FOIP sẽ là câu chuyện đấu đá nội bộ khốc liệt. Trong bối cảnh ấy sẽ khó để “Bộ tứ” lấy được một quyết định thống nhất trong việc ứng xử thế nào để phục vụ tối đa lợi ích quốc gia trong thế cờ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ngày càng lắt léo và phức tạp.
“Đen đủi” cho tân Đại sứCái “đen” của tân Đại sứ Mỹ Marc Knapper vừa được bổ nhiệm là ngài sẽ hoạt động ở Việt Nam giữa lúc chính trị quốc nội xứ này đang như gà mắc tóc, còn về ngoại giao thì Hà Nội dường như khó giữ được cái đà “cân bằng mềm mại” như trước nay, đặc biệt là những năm dưới thời ông Donald Trump. Trò “đu dây” của chính quyền CSVN dưới thời Tổng thống Biden đang có dấu hiệu bị “xô lệch”. Mở đầu về đối ngoại có lẽ là màn “theo voi ăn bã mía”, hay có thể diễn đạt cách khác là “theo đóm ăn tàn” tại Liên hợp quốc.
Lần đầu tiên, thế giới bị sốc khi Việt Nam trong cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ đã hùa cùng Trung Quốc và Nga trong việc ngăn chặn Nghị quyết của HĐBA lên án tập đoàn quân sự Myanmar đã tiến hành cuộc đảo chính vô luân vô pháp và đang đẩy một thành viên trong gia đình ASEAN đến bờ vực nội chiến. Việc Myanmar muốn quay lại làm chư hầu cho Trung Quốc đang bị thế giới lên án và bị chính người dân Myanmar liên tục xuống đường biểu tình phản đối. Chỉ có các quốc gia toàn trị ngồi yên nhìn những kẻ vũ trang đến tận răng thoả sức bắn giết phụ nữ và trẻ em ngay chính trên đất nước mình. Việt Nam là một trong số những quốc gia đó.
Việc Trung Quốc kết bạn, nhưng lại đang tìm mọi cách phá thế “liên hoành” của Mỹ ở Đông Á nói riêng và thế giới nói chung đang đặt cục diện quốc tế vào những tình huống khó đoán định. Chuyện nhượng bộ Tàu để Mỹ được yên thân là chính sách của đảng Dân Chủ xưa nay. Đó có thể sẽ là cái giá thương lượng “dưới cơ” mà Hoa kỳ buộc phải chấp nhận. Nhìn bên ngoài thấy Mỹ cố gắng tạo liên minh với các nước, nhưng e rằng, rồi đây tất cả sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc. Các nước Đông Á, nhất là Đông Nam Á đang rất lo Mỹ sẽ lùi dần vào hậu trường “nhường” cho Bắc Kinh xuất hiện như một diễn viên mới bước ra sân khấu của thế kỷ.
Gần đây, Trung Quốc lớn tiếng “đe nẹt” Việt Nam trong quan hệ với Hoa Kỳ đã truyền đi những tín hiệu thật sự lo ngại. Các thông điệp Bộ trưởng Công an Trung Quốc mang sang Hà Nội, cũng như nội dung Ngoại trưởng Vương Nghị vừa “truyền đạt” cho tân Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn mới đây qua điện đàm cho thấy Bắc Kinh tiếp tục “trói” Hà Nội vào mô hình “đại cục” và “toàn trị”. Cùng với cuộc “cắm vè” trên Biển Đông – từ đảo đá Ba Đầu, qua Sinh Tồn xuống tận Hoàng Sa – Trung Quốc đã và đang thực hiện chiến dịch “bao vây” các tiền đồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cả Washington lẫn Hà Nội hiện vẫn đang loay hoay chưa tìm ra cách “phá vây” hữu hiệu.
Trong 25 năm Việt – Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, nước Mỹ đã trải qua 4 đời tổng thống với sự luân phiên “đổi màu” giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà theo chu kỳ 8 năm. Tuy nhiên, hai nước Việt – Mỹ vẫn đạt được sự xuyên suốt trong khuôn khổ về quan hệ “Đối tác toàn diện” với các trụ cột hợp tác, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế...
Nhưng bước sang thời Tổng thống Joe Biden, lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ và Việt Nam có một số khía cạnh không hoàn toàn tương đồng như các thời Đại sứ trước đây. Theo những phát biểu đã công bố, mối quan hệ ngoại giao của Hoa Kỳ với các quốc gia khác từ nay sẽ đặt trên nền tảng dân chủ và nhân quyền chứ không chỉ đơn thuần là thương mại và an ninh. Tổng thống Biden nhiều lần cam kết khôi phục vai trò của Mỹ với tư cách là người bảo vệ dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới và sẽ đánh giá các quốc gia dựa trên hồ sơ về các vấn đề nhân quyền của họ.
Tân đại sứ vừa bổ nhiệm sẽ được quyết định bởi phần lớn di sản của quan hệ “Đối tác toàn diện” nói trên năm 2013 dưới thời các chính quyền trước đây cũng như các quyết sách do Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Anthony Blinken đặt ra. Mới đây nhất, Tổng thống Biden vừa kêu gọi sự hợp tác với Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác để thúc đẩy các mục tiêu chung trong đó “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mở và Tự do” (FOIP) là tối quan trọng. Theo giới phân tích, nhiệm vụ khó khăn nhất của Đại sứ Knapper sẽ là kéo được Việt Nam vào một mạng lưới các đồng minh và đối tác tương hỗ, sẵn sàng và có thể bảo vệ chủ quyền của mình khỏi tình trạng bị Trung Quốc hà hiếp.
Hoàng Trường gởi VOA từ Sài Gòn