Bỗng dưng bị đặt vào một hoàn cảnh không còn chọn lựa nào khác, họ lên đường, ly hương, bắt đầu đời sống của những kẻ lưu vong. Từ mảnh đất mới, với hai tay trắng, cố gắng gầy dựng nên cơ nghiệp mới. Cơ nghiệp thành tựu lớn lao hay chỉ là những mảnh đời chắp vá thì cũng tùy khả năng, tuổi tác, sự xông xáo hay thụ động, lanh lợi hay chậm chạp, và đôi khi, vận may hay số rủi của mỗi người mà thành khác nhau. Nhưng điểm giống nhau nhất là ai cũng quay quắt, nhớ nước nhớ non, và bỗng thấy yêu vô cùng tiếng mẹ đẻ... Hoài vọng về quê hương, hoài niệm về dĩ vãng, hoài bão một ngày xán lạn cho đất nước... người di tản cảm thấy miền đất mới chỉ là chỗ "tạm dung." Họ vẫn mong đợi một ngày nào đó được trở về cố quốc. Và người di tản, bỗng thấy "buồn". Thơ lưu vong từ đó xuất hiện. Nhiều lắm. Hình như ai biết chữ cũng làm thơ được trong cái cảnh trạng và tâm trạng "nhớ nước đau lòng" ấy. Nhưng trong số những người di tản làm thơ "bất đắc dĩ", Cao Tần lên tiếng sớm nhất, thành công nhất, nổi bật nhất; và không như những nhà thơ khác phải trải qua nhiều năm bị ngắm nghía, coi giò... của văn thi hữu và bạn đọc, ông nghiễm nhiên trở thành một nhà thơ rất nhanh, rất tự nhiên. Là vì không ai vào lúc ấy có thể trải được cái tâm trạng bất đắc chí, hụt hẫng, dở khóc dở cười của mình... một cách thấu đáo, ý nhị, hào hùng, cảm động mà lại lạc quan tếu kiểu như ông. Tửng tửng, tếu, tự biếm, mà thâm sâu làm sao. Đọc thơ ông, người ta vừa cười, vừa khóc.
Mai mốt anh về
Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
Mày qua bên Mỹ học được củ gì
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
Nói mày hay ông thượng đẳng cu li
Ông rửa bát chì hơn bà nội trợ
Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan
Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió
Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan
Nghệ thuật nói bỗng hóa trò lao động
Thằng nào nói nhiều, thằng ấy tay to
Tiếng mẹ đẻ thường chỉ dùng chửi đổng
Hay những đêm sầu tí toáy làm thơ
Ông học được Mỹ đất trời bát ngát
Nhưng tình người nhỏ hơn que tăm
Nhiều đứa hồn nhiên giống bầy trẻ nít
Còn hồn ông: già cốc cỡ nghìn năm
Bài học lớn từ khi đến Mỹ
Là ngày đêm thương nước mênh mang
Thù hận bọn làm nước ông nghèo xí
Hận gấp nghìn lần khi chúng đánh ông văng
Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương
Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp
Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
Bồ bịch hết không đứa nào là Ngụy
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng.
(tháng 3, 77)
Những nỗi niềm thương non nhớ nước, lo nghĩ về tương lai tiếng mẹ đẻ trên đất người, thao thức về vận hội thanh bình nơi quê xa... là ưu tư chung của người tị nạn xa xứ; nhưng ghi lại thành những câu thơ, những bài thơ để cho ai cũng thấm thía và có thể thuộc lòng thì hầu như chỉ có thơ Cao Tần.
Chốn tạm dung
Nhà tôi ở toòng teng đỉnh đồi
Buổi mai đi làm thấy đời xuống dốc
Sau lưng sương ngập cao lưng trời
Trước mặt thông sầu reo đáy vực
Bắt đầu ngày bằng một chút vui
Hát nghêu ngao trong lòng xe rỗng tuếch
Bài ca quen bỗng chợt quên lời
Chút kỷ niệm còn lại mất khơi khơi
Tiếng Việt trong ta ngày mỗi héo
Hồn Việt trong ta ngày mỗi khô
Dốc mở như đời ta trước mặt
Sương kín như đời ta hôm xưa
Giang hồ một túi bài ca cũ
Hát nhảm cho qua nốt tuổi già
Qua những bình minh còn ngái ngủ
Còn như chưa lạc mất quê ta
Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
Trên đường chênh chếch nắng mênh mang
Trôi xuôi một mảnh hồn lưu lạc
Đã chán nhân gian ở cuối đường
Chiều về lên dốc thân tơi tả
Một quả hoàng hôn đỏ kín trời
Mình mới ngoi lên ngày đã ngã
Đêm phờ lăn lóc ngủ thay chơi
Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
Ngược xuôi ngơ ngẩn một linh hồn
Còng lưng gánh nốt đời lưu lạc
Nặng trĩu nghìn cân nhớ nước non.
(tháng 5, 77)
Thi vị hóa đời mình qua đời sống thường nhật, với cái giọng nửa chua xót nửa ngạo nghễ, hiếm thấy bài thơ nào thâm trầm sâu sắc như của ông. Đọc mấy câu thơ đầu bài Chốn Tạm Dung, tôi giật mình ngay:
Nhà tôi ở toòng teng đỉnh đồi
Buổi mai đi làm thấy đời xuống dốc
Nội tâm phải thật thâm thúy và sống triền miên trong thơ mới nẩy ra được hai câu với hình ảnh tỉ dụ ví von tuyệt khéo như vậy.
Mặc dù ông cố ý dùng cái giọng cà rửng ở câu đầu, chẳng hạn nói "toòng teng" thay vì "chênh vênh" hay "cheo leo," nhưng đến câu thứ hai, và các câu kế tiếp, ông vẫn không thể giấu được ý và lời đầy ắp chất "thơ."
Buổi mai đi làm thấy đời xuống dốc
Sau lưng sương ngập cao lưng trời
Trước mặt thông sầu reo đáy vực
Nơi ở thì toòng teng, đường đi thì xuống dốc, sau lưng thì mờ mịt sương, trước mặt thì những cây thông reo buồn nơi đáy vực, lên xe thì thấy rỗng tuếch, bài ca quen thuộc thì bỗng quên lời, kỷ niệm đẹp thì tự dưng lạc mất... Diễn tả như thế là đã đẩy ngôn ngữ đến chỗ tận cùng, không còn phải nói gì thêm, về vẻ ngơ ngẩn lạc loài của một linh hồn lưu vong tội nghiệp.
Ông còn chứng tỏ là một người giàu từ tâm, rộng lượng, đầy ắp tình cảm, luôn nhớ nghĩ đến những người khác, dù rằng đời mình cũng xuống dốc, cũng rách nát tan tành. Mà sức tưởng tượng của ông mới thật là tràn trề! Ngồi nhúng chân bên bờ biển này mà thả hồn theo nước về đến bờ bên kia, cách xa vạn dặm; chưa hết, hơi thở dài cũng muốn gửi theo về chốn xưa, khua động cây lá nơi rừng già, an ủi và ca ngợi những tráng sĩ lì lợm còn nuôi mộng quang phục quê hương...
Biển chiều
Chiều nay ra biển ngồi ngơ ngẩn
Nhúng hai giò trong nước Thái Bình Dương
Để hơi ta dạt về bờ Ô Cấp
Chạm thân ái vào lưng đất mẹ tang thương
Có bạn nào đang rắp tâm vượt thoát
Nhớ rằng ta luôn cầu nguyện cho người
Láng đời chót đã tan trên chiếu bạc
Thì sá gì thêm một chuyến ra khơi
Thở thật dài vào thinh không bát ngát
Theo gió về động lá cánh rừng xa
Này thằng lì còn chơi miền gió cát
Trong kiêu dũng mày cho gửi chút hồn ta
Có thằng bạn nào tàn đời học tập
Cõng gông xiềng lê lết một thân đau
Này biển chiều sóng xô ào lớp lớp
Những tiếng đời phiêu bạt khóc thương nhau.
(tháng 6, 77)
Có thể nói không ngần ngại, rằng thơ ông xứng đáng là tiếng nói tiêu biểu, ghi lại ý hồn chung của một thời chạy loạn di tản, của những người tị nạn ly hương, đánh dấu một trời kỷ niệm lưu vong bi lệ, hùng tráng.
Câu cá
Ta đã vượt muôn dặm dài biển cả
Đường tử sinh lui tới cũng đôi lần
Bỗng bình minh này ngồi thuyền, câu cá
Trôi dật dờ như lá trên hồ xanh
Hỡi chú cá rong chơi miền nước biếc
Ta vượt đường muôn dặm chẳng tìm nhau
Bày đặt buông cần mà quên thương tiếc
Cho đời êm, qua được mấy giờ đau
Nói nghe coi này cổ thụ ven hồ
Kể từ những trăm năm dài đứng đó
Có gặp khi nào một kẻ xác xơ
Lòng sầu hận hơn kiếp người da đỏ
Đời đang bão khi không chìm lặng ngắt
Như cành khô nằm chết đáy sông sâu
Đời đang dậy sóng thần lên bát ngát
Bỗng vùi yên đáy biển một thân tàu
Và móc đời lên cần câu vớ vẩn
Đem dìm chơi trong đáy nước rong rêu
Tuổi chưa nặng hồn đã chừng ngơ ngẩn
Lòng vàng khô hơn chiếc lá đưa vèo?
(tháng 11, 77)
Phiêu bồng
Cho ta làm lại cuộc đời
Thì ta lại vẫn ra khơi như thường
Vật vờ vượt sóng trùng dương
Kiếm đời di tản nghìn cơn nhục nhằn
Mai này tính sổ trăm năm
May chăng lời được cái thân phiêu bồng.
(tháng 12, 77)
Bông giấy
Tưởng ta nhớ chú lắm sao
Này cây bông giấy bên rào năm xưa
Chẳng qua trời đổ cơn mưa
Thì thương cành mọn đong đưa một mình.
(tháng 12, 77)
Thơ ông là lịch sử chép gọn. Trang trải tâm tình và ước vọng của người Việt trong một giai đoạn buồn thảm khó quên. Tâm tình ấy, không biết hận thù và trả thù; chỉ biết tự vệ và mơ ước những gì tốt đẹp nhất cho đồng loại của mình. (Có cần phải chứng minh "cụ thể" chăng? Thì đây: dù là một trong những nạn nhân bị trù dập, trả thù, đày ải trong các trại tập trung cải tạo — bởi chính sách không hề mang một chút gì tinh thần nhân ái, độ lượng, vốn là đặc tính của tộc Việt; mà cũng chẳng có chút tinh thần mã thượng, văn hóa hay văn minh gì của con người thời đại — Cao Tần cũng không lên giọng nguyền rủa phía những người "anh em" hành hạ mình bằng lòng thù hận; trái lại, ông ước mơ có cơ hội để trải tâm tình yêu thương đến họ, "lấy tình thương xóa bỏ hận thù":
Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương...
(Mai mốt anh về)
Tâm tình ấy thật đẹp, thật nhân ái và nồng nàn tình tự quê hương, là nét văn minh tinh thần được gieo sâu trong mỗi người để mang theo, khắp những phương trời. Chỉ ngần ấy thôi, thơ ông đã vạch ra biên giới rạch ròi giữa thiện và ác, chính nghĩa và phi nghĩa. Người ta sẽ thấy ngay phần chính nghĩa thuộc về phía nào. Không phải cứ thắng là có chính nghĩa. Cũng không phải lưu vong là mất tất cả. Những người lưu vong như Cao Tần, đã quên dần mọi thứ, nhưng vẫn còn giữ lại một trời quê hương, một trời thơ.
Cám ơn ông đã thay mọi người, nói tất cả.
Vĩnh Hảo
vinhhao.info