Sau ngày 30 tháng tư 1975 tôi bị ở tù như mọi người cựu quân nhân Cộng Hòa. Ở tù ra, đói khát, lang thang, tới giai đoạn mà “cái đèn đường có chưn nó cũng muốn kiếm đường mà đi.” Đi khỏi quê hương đất tổ mồ mả ông cha, còn cái gì khổ cho bằng? Vậy mà phải đi. Nhứt định đi. Nếu được tới bến bờ tự do thì nhờ phúc đức ông bà kiếm sống rồi tím cách đem thân nhân còn lại không thì chết cũng lẹ làng hơn là chết đói chết khát tại quê hương.
Tù vượt ngục về còn có cái mình không với cái quần xà lỏn. Tiền bạc có đâu???, vàng cây để vượt biên là chuyện ngoài chân mây.
May mắn hết sức là tôi liên lạc được thằng bạn đồng ngũ đã qua Mỹ, má nó mua chiếc ghe bầu tính chuyện vượt biên đang cần người lái tàu mà tôi là cựu hải quân ngành Rada truyền tin. Bà cho tôi giữ ghe một năm để chuẩn bị.
Muốn đánh lạc hướng đám công an vùng, tôi làm dân buôn theo hàng từ Cần Thơ lên Vũng Tàu, ra vô cửa biển thường xuyên cũng như biết rành con nước biển khi lớn khi ròng để khi vượt biên biết chỗ nào chạy ven biển chỗ nào phải xê ra xa. Lâu lâu cúng cho công an một hai lít xăng, một hai chai bia cho quen mặt mình ra vô nó không để ý.
Cả năm trời như vậy cho tới ngày có đầy đủ dầu nhớt thức ăn cơm gạo nước uống và khách hàng mua chỗ vượt biên. Mỗi đầu người là hai cây vàng. Tôi đi chẳng tốn gì hết vì làm phụ tài công.
Ngày 24 tháng 6 năm 1982
Từ Cần Thơ khuya đêm đó khoảng nửa đêm mọi người xuống ghe xong hết rồi từ từ rời bến. Trời không trăng sao tối mịt mùng là điểm then chốt thuận tiện hết cỡ cho đám vượt biên. Vừa ra khỏi Cửa Đại cặp theo ven biển nhắm hướng Vũng Tàu được cỡ 15 phút bỗng thấy bên trái một chiếc tàu biên phòng của hải quan từ Côn Đảo đổi ca về bến, mình thấy nó thì nó cũng thấy mình. Sợ đứng tim. Nó rọi đèn ngoắc mình vô. Không vừa mình cũng sang số ngưng ghe rọi đèn ngoắc nó lại. Ý của tụi này là có giỏi muốn xét thì cứ lại đây. Như vậy đó cứ ngoắc qua ngoắc lại cả buổi. Thấy nó cũng không có ý muốn rượt theo, nên sang số đâm thẳng ra ngoài khơi luôn. Chạy song song với nó nhưng ngược chiều. Tôi định liệu theo kiểu tọa độ này thì càng chạy hai đàng càng xa nhau.
Đổi cấp nhằm hướng Bắc tha hồ mà chạy. Chạy hoài càng lúc càng xa nó cho tới khi hết thấy nó thì chắc nó cũng hết thấy mình. Thoát chiếc tàu biên phòng mới trở về tìm hướng Côn đảo đặng biết đường đi Mã Lai.
Gần sáng.
Từ Việt Nam qua Mã Lai nếu thuận buồm xuôi gió thì cỡ bốn ngày là tới nơi. Chẳng dè, vừa đổi hướng, bị sóng ngược. Gió từ đâu kéo tới. Trời đang trong, ùn ùn, mây đen bất thần đùa tới như bức tường thành, bao phủ cả chiếc ghe bầu. Rồi sấm chớp rầm rầm, sét xẹt ngang đầu hãi hùng.
Sóng nhồi một hơi là cả ghe từ lớn tới nhỏ đàn ông đàn bà gì cũng ói mửa thả cửa.
Tại chỗ. Nhầy nhụa. Hôi thúi. Nước tạt ướt từ đầu tới chân. Mặt mày mặn chát nước biển. Cặp mắt cay xè mắt nhắm mắt mở.
Chịu trận. Có lèo lái gì được đâu! Mặc cho chiếc ghe lắc lư theo đầu sóng. Sóng cấp 6 cấp 7 vừa gì? (nghĩa là dưới ghe ngó lên đầu sóng dâng cao có ngọn như dòm lên cái lầu 6, 7 tầng ). Nước cứ tràn vô tàu, hô hào anh em mạnh ai nấy tát bằng tay, bằng lon, bằng bất cứ cái gì hủng hủng là cứ tát tát tát… Tay tát nước, miệng lầm rầm cầu nguyện. Ai đạo gì cầu theo đạo đó. Phật. Chúa cùng chung một ghe chung một số phận. Thượng đế cho chết thì chết chùm. Thành hòa đồng tôn giáo.
Ông chủ lái ghe nằm liệt, tôi phải nhẩy lên cầm cần lái.
Trời tối đen.
Xung quanh đen thui.
Giữa biển cả minh mông dòm không thấy bàn tay giơ trước mặt. Nước mấp mé mạn ghe, giỏi đâu còn cỡ nửa bàn tay là mặt biển nhô lên hụp xuống. Tôi thấy rồi! Tưởng đâu tiêu luôn.
Rồi sóng gió cũng ngưng. Ngưng ngang cũng như bão nổi sóng cuồng ngang xương. Ai nấy nằm ngồi chồng lên nhau bất kể nam hay nữ.
Có vài người chịu không nổi bò lên khoang ghe, cởi quần chìa mông ra ngoài đi túi bụi. Dưới thì xịt re re, trên thì ói mửa, ói ra mật xanh mật vàng. Đán bà con gái hết biết mắc cỡ, có khi xong khỏi kéo quần lên tại vì trong bụng còn cồn cào nếu kéo lên sợ chút nữa kéo xuống không kịp. Mạnh ai nấy để “ấy” ra.
Vậy đó. Cả ngày. Hết người này tới người kia.
Ai nấy cùng xài chung một mùi “dầu thơm.” Hiệu Tanh Rình.
Thân thể cùng ướt nhoi. La lết.
Áo quần cùng một màu nhày nhụa.
Có người thều thào trăn trối:
– Hư hư hưuuuuư… nếu có bề nào, ai gặp vợ con tui làm ơn nhắn dùm…
– … Dì có gặp ba má con nói dùm…
– …
Mặt trời lên.
Áo quần cùng bốc khói dòn rụm.
Da dẻ khô, đỏ như Quan Công
Mắt đổ hào quang. Nhìn thấy hai ba mặt trời.
Đồng hồ ướt nước biển đồng hồ chết ngắt.
Linh đinh.
Chòng chành.
Lắc như đưa võng.
Linh đinh. Linh đinh.
Ngó cùng khắp. Bốn phương tám hướng. Chỉ có đường chân trời đụng mặt nước.
Bốn ngày.
Không biết mọi người ăn uống ra làm sao chớ tôi thì ôm cứng tay lái. Ai đó lâu lâu đưa miếng sâm cho ngậm. Nhấm nhấm nước cầm hơi cho có sức.
Coi bản đồ thì biết ghe mình đang đi qua Dump Mine (bãi mìn)
Đi ngang khu bộ 7 thấy đèn sáng. Biết là ghe mình đã ra ngoài hải phận quốc tế rồi… Mừng thấy bà! Chừng tới gần mới biết chỉ là giàn khoan dầu mà thôi. Sáng trưng mà không một bóng người.
Sợ. Chạy xa xa.
Lại thấy một chiếc tàu. Mừng nữa! Dở bản đồ ra coi lá cờ của nó cũng không biết cờ nước nào. Ghe mình ráng xắn tới. Mạnh ai nấy cởi áo cầm khăn vừa vẫy vừa réo:
– Ê ê ê ê.. A aaaaá… cứu tôi… Cứu tôi… Cứu tôi…
Mặc mình gào thét.
Mặc mình vẫy bay luôn khăn luôn áo.
Tàu chạy luôn.
Linh đinh.
Lại thấy thêm một chiếc tàu khác. Cờ ba màu. Đúng là tàu Pháp. Ông chủ tàu mừng rỡ nói:
– Rồi. Gặp tàu Pháp. Tụi nó lịch sự. Để tui thay đồ cho sạch sẽ một chút. Ráng ngoắc nó lại cứu mình. Tui biết chút đỉnh tiếng Tây.
Ông moi đâu được cái áo còn tốt bận vô đứng trước mũi ghe hai cánh tay quơ lia quơ lịa
Tàu cập lại, tụi trên tàu chỉ đứng ngó ngó xì xào gì đó rồi chạy luôn.
Hai chiếc không vớt mình.
Tuôn nước mắt.
Nước nôi gần hết.
Trời nước minh mông.
Biết hướng nào mà đi?
Mất phương hướng hết trơn.
Mấy bà vừa khóc vừa than rền hết lên:
– Trời cao đất dầy ơi là Trời cao đất dầy. Người ta vô nhân đạo. Người ta không theo luật hàng hải. Thấy mình gần chết mà nỡ bỏ đi luôn. Rồi đây chắc bỏ mạng trong miệng cá hết rồi. Trời đất Phật ơi…
Lạy Chúa tôi…
Người ta lầm thầm cầu nguyện rân rân lên.
Chạy một đỗi nữa.
Có phải ông trời có mắt? Bỗng thấy một chiếc tàu hiện ra trước mặt. Tui tỉnh táo hẳn lên, mở hết tốc lực rượt theo. Càng lúc càng thấy chiếc tàu lớn ra. Có lẽ nó cũng thấy mình rồi. Chắc nó chạy chậm lại hay ngừng lại vì ghe mình cập gần tàu nó.
Đây là chiếc tàu Nhựt. Chiếc tàu khổng lồ.
Tên Asia Barge.
Rồi tự dưng nó chạy đi. Lần lần nó càng xa mình.
Ba chiếc đi luôn.
Thôi rồi. Hết hy vọng ai cứu mình.
Nước nôi gạo củi gì cũng cạn. Cái điệu này chỉ linh đinh thêm một hai ngày nữa là chết hết. Giải pháp cuối cùng là phải tìm đường trở về nhà. Mà làm sao trở về? Muốn quành mũi lại, bị sóng ngược, lật ghe là tiêu luôn.
Ráng rượt theo chiếc tàu Nhựt.
Chạy hết ga, một chập.
Hộp số bể.
Cột buồm gãy ngang.
Dàn cái sau bể hoàn toàn.
Hết nghe tiếng máy xình xịch xình xịch xình xịch.
Cứ vậy mà xà quần xà quần.
Có lúc sóng chồm lên chiếc ghe. Tưởng lật. Mất vía đứng tim.
Giữa mạng sống con người với tử thần cách nhau bằng miếng ván ghe.
Không biết lủng giờ phút nào.
Tuyệt vọng. Tôi thầm vái trong bụng. Ông trời còn thương xin cho tôi chết trước khi lọt vô bụng cá.
Qua một ngày một đêm.
Không ai mở miệng. Không ai dòm mặt ai.
Mà cái khổ hận cùng cực chẳng giống nhau!
Hơi thở ngắn dần.
Mặt trời lên.
Ai nói biển xanh?
Biển ở đây đen thui.
Ngó vòng vòng cũng chỉ thấy chân trời chí mặt nước.
Mà rồi ráng nhướng hai con mắt khô cứng mà nhìn… cho kỹ …kìa kìa… Có phải ông trời còn thương đám người tả tơi? Từ chân trời bỗng xuất hiện dáng chiếc tàu. Nó chạy tới càng ngày càng thấy lớn ra. Aaaa…Ai nấy cùng la lên mừng tuôn nước mắt. Người ngồi dựa ngáp ngáp cũng ráng gượng dậy nhổm lên. Chiếc tàu Nhựt hôm qua.
Chiếc Asia Barge.
Nó trở lại cứu mình! Nó cập lại. Dây thả xuống. Lưới bung ra. Thảy dây cho mình cột mũi đầu trâu (mũi ghe giống cái sừng trâu). Vừa cột xong mũi gãy cái rắc. Bể mũi. Trên tàu mới cho kéo hai người đàn ông lên trước rồi thòng hai tay xuống để giúp kéo từng người dưới ghe lên tàu.
Đàn bà con nít cho lên trước. Một người đàn ông với tôi quì trên ghe cõng từng người đạp đứng lên lưng đưa hai cánh tay lên cho người trên tàu chụp, kéo lên. Chụp hụt lên hụt xuống. Nước nhồi sóng dậy chớ đâu có yên cho mình. Đã vậy mình còn sợ chụp hụt lọt xuống biển thì vô phương! Mà phải cho lẹ. Nước đang tràn vô ghe. Cứ kiểu đó cả buổi trời. Tất cả 74 người lên được hết trên tàu. Ghe chìm hết phân nửa rồi. Tôi là người cuối cùng được kéo lên.
Vậy mà tội nghiệp hết sức. Khi xa xa chiếc ghe bầu, chiếc ghe đã đem tụi tôi rời khởi địa ngục từ từ chìm lút dưới nước thì tôi thấy con chó nhỏ. Con chó của người nào đó bỏ quên. Nó đứng trên mũi ghe, dòm theo…!!! Tôi rớt nước mắt.
Lên tàu rồi họ lùa đàn ông một bên đàn bà con nít một bên, phát mỗi người một tấm khăn trắng lùa ra trước mũi tàu. Biểu cởi hết quần áo luôn cả đồ lót rồi họ xịt thuốc sát trùng, cho tắm sạch sẽ. Xong rồi họ phát thức ăn cho ăn.
Tôi ngã xỉu. Tôi chết giấc ngủ qua tới ngày hôm sau.
Tầu ghé bến Singapore. Trời ơi. Lúc chiếc ghe bầu còn luẩn quẩn ngoài khơi, Mình đâu có biết ghe mình cũng đã gần hải phận của Phi. Chắc cũng có ghe tàu giống trường hợp của mình mà không được ai cứu, chết chìm mà không hay mình đã đến gần bến bờ tự do.
Ở trại tị nạn ba tháng tôi được đưa qua trại Galang học ESL trên một năm rồi được bảo lãnh qua Mỹ.
Trong lúc ở trại tôi được thư riêng của thuyền trưởng tàu Nhựt. Trong thư ngoài những lời khen tặng, cảm phục sức chịu đựng và lòng can đảm của thuyền nhân (Lý do làm cho chính phủ của họ phải ra lệnh bỏ công tác, trở lại cứu mình); có kèm theo tấm hình chụp chiếc ghe bầu đang chìm xuống nước, thấy rõ ràng con chó bị sót lại, và tôi mới hiểu rõ trường hợp nào mình được cứu vớt.
Thì ra, khi thấy ghe của mình ông thuyền trưởng đánh điện về Nhựt hỏi lịnh về vụ vớt thuyền nhân. Chính phủ cho biết ghe mình cũng gần hải phận Phi rồi. Tàu Nhựt đang trên đường đi công tác không thể ngừng được. Lịnh kêu phải đi luôn cho xong công tác.
Họ đi. Nhưng trời còn thương người Việt Nam cho nên ông phó thuyền trưởng đã phản đối gây lại với ông thuyền trưởng. Nói theo luật hàng hải thế giới thấy tàu ghe trong cảnh nguy khốn phải cứu. Ông trưởng không bằng lòng nói phải tuân lịnh trên. Ông phó theo dõi trên Rada thấy cả ngày đêm mà chiếc ghe bầu cứ xà quần xà quần xoay vòng tròn, cứ hiện lên trong Rada mà chẳng đi tới đâu. Biết nguy khốn ông phó lại yêu cầu ông trưởng. Ông trưởng lại hỏi lịnh trung ương. Lịnh cho biết hãy trở lại cứu người. Họ đã điều đình với chính phủ Singapore gởi những người trên ghe này vô trại tị nạn, chính phủ Nhựt sẽ trả cho chính phủ Mã Lai 10,000 (mười ngàn Mỹ kim) cho mỗi đầu người.
Tôi may mắn qua Mỹ sớm. Những người nào không may mắn thì ở lại trại một hai năm rồi qua Nhựt, qua Phi.
Vậy mới biết, thế giới còn có lòng nhân đạo. Họ lãnh mình, chính phủ của họ phải chịu tốn kém mọi thứ.
Trong những năm đó, ghe thuyền Việt Nam như đám lục bình trôi trên biển đông.
Chiếc ghe mình tới nơi an toàn không chết một người dù trải qua bao cơn sóng gió khủng khiếp kinh hoàng mà có trong cảnh mới biết rõ.
Còn bao nhiêu ghe tàu vô phước? Không được cứu vớt? Bão tố đánh chìm? Vô bụng cá? Cướp bóc giết chết? Hãm hiếp vô nhân đạo?
Tôi cầu nguyện cho những người đó.
Cầu cho linh hồn tự do của những thuyền nhân bạc phước được ngậm cười dưới đáy Biển Đông./.
Trương Ngọc Bảo Xuân