Tại một quán cà-phê khá thanh lịch nằm ngay bên cạnh Bưu Điện Sài Gòn người ta thấy hai người đàn bà đang ngồi nói chuyện với nhau. Người thứ nhất tên Nga – một cô gái khoảng hai mươi ba tuổi, mặt mũi xinh xắn có dáng tự tin yêu đời của một người con gái có chồng, được chồng cưng chiều, hạnh phúc. Người thứ hai tên Nguyệt – một người đàn bà khoảng ba mươi lăm tuổi, kinh nghiệm, lịch lãm. Bà ta thuộc mẫu người biết hưởng thụ những gì đang có nhưng cũng sẵn sàng ứng phó với mọi bất trắc của cuộc đời. Nói tóm lại bà ta thuộc típ người bản lãnh. Họ vừa là đồng nghiệp vừa là đôi bạn tri kỷ cho nên câu chuyện thật thân tình, cởi mở. Người đàn bà trẻ lơ đãng nhìn ra đường, lấy chiếc thìa gõ nhẹ vào ly nước cam vắt vừa nói:
- Anh ấy yêu em hết mực, cái gì ảnh cũng chiều em cả.
Khẽ nhướng lông mày, Nguyệt – người đàn bà lớn tuổi nói với giọng bâng quơ:
- Thì mới lấy nhau mà. Ba năm còn mới lắm. Thời kỳ “rodage”, thời kỳ “hồng” mà em.
Nga không chú ý lắm đến lời bình phẩm của Nguyệt, nàng mơ màng nói tiếp:
- Ảnh nói em là người yêu lý tưởng, là người trong mộng của ảnh. Ảnh nói từ ngày lấy em tới giờ ảnh muốn đâm mù cả hai mắt để không còn nhìn thấy người đàn bà nào khác trên cõi đời này nữa.
Lúc này thì Nguyệt cười, tiếng cười giòn tan, nàng nói:
- Em tôi ngây thơ như cô “công chúa ngủ trong rừng” vậy đó.
Nga phản ứng nhưng rất nhẹ nhàng:
- Thật mà chị !
Nghe trả lời thế Nguyệt cầm tay Nga, lắc nhẹ, nói:
- Em ơi đàn ông nó là sản phẩm của ông Trời sinh ra để tán tỉnh đàn bà. Gặp người đàn bà nào nó cũng nói như vậy đó.
Dường như Nga đã đưa chiếc xe của mình vào “xa lộ tình yêu” cho nên tình cảm vẫn không giảm tốc độ.
- Anh ấy chung tình lắm chị ạ. Em dám cá bây giờ cho một cô gái thật đẹp sống chung trong nhà thì anh ấy vẫn chỉ biết có em thôi.
- Thế em đã thử chưa ?
- Cần gì phải thử chị !
Lần này thì Nguyệt nghiêm trang nói:
- Không thử sao biết người ta thật chung tình với mình ?
Dường như hơi bị đuối lý nhưng Nga vẫn chống chế:
- Thử thì cũng được nhưng ngộ nhỡ ?
- Ngộ nhỡ tức là người ta đâu thực sự chung tình với mình, có phải vậy không ?
- Nhưng làm thế nào để thử ?
- Cái đó dễ lắm. Chị cũng đã thử ông xã chị. Cách đó dịu dàng nhưng hữu hiệu lắm.
Nói xong Nguyệt lấy hai tay chụm lại, nói nhỏ vào tai Nga. Không hiểu Nguyệt nói gì mà chỉ thấy Nga khúc khích cười, nói:
- Kế ấy hay thật! Chị đúng là bậc thầy. Em phục chị sát đất!
Thấy Nga đã theo đúng kế hoạch, Nguyệt nói như thúc giục:
- Thế bây giờ anh ấy đang làm gì ? Có thể thử ngay bây giờ được không?
Khẽ chớp mắt Nga nói:
- Giờ này ảnh đang ở nhà, ảnh nghỉ phép.
- Trời ơi, đúng là dịp may bằng vàng! Vợ đi làm, chồng ở nhà nghỉ tà tà chính là lúc tâm hồn mấy chả lâng lâng tìm về quá khứ, ôn lại tình cảm xưa cũ. Đây chính là thời gian tốt nhất để thử thách đó em.
- Được rồi em sẽ làm ngay.
Nói xong Nga đi tới quầy điện thoại, bỏ tiền rồi quay số. Nàng rút ở trong ví ra một chiếc khăn mùi-soa, cẩn thận bọc quanh chiếc ống nói. Còn Nguyệt thì đứng bên cạnh đưa mắt nhìn như thể cô giáo theo dõi học sinh làm bài thi. Khi nghe tiếng chuông reo và biết chắc chồng mình đã nhắc máy điện thoại, Nga tằng hắng, sửa giọng để chồng không nhận ra giọng nói của mình, rồi run run nói:
- Allô, có phải anh Tùng đó không ?
- Vâng, tôi Tùng đây. Xin lỗi ai đầu dây vậy ?
- Em đây. Em là Mộng Điệp. Anh không nhận ra em à ?
- Không. Nhưng Mộng Điệp nào vậy ?
- Trời ơi anh tệ bạc quá (giọng nghen ngào) ! Mộng Điệp là cô thư ký của anh lúc anh còn là phó trưởng ty ở Nha Trang đó. Anh không nhớ em sao ?
- Trời ơi Mộng Điệp ! Nhưng làm thế nào em có số điện thoại của anh ?
- Sau khi được bổ về Gia Định làm trưởng ty anh hứa ra Nha Trang cưới em. Anh gặp mấy cô gái đẹp ở Sài Gòn anh quên em (khóc vì uất ức) ! Em tìm anh như thể tìm chim. Em đến Bộ để hỏi thăm tin tức về anh.
- Em tha lỗi cho anh. Âu cũng tại duyên số. Lúc đó Sài Gòn giới nghiêm, đường xá xa xôi cách trở. Tuy lấy bà ấy nhưng anh....
- Nhưng làm sao? (tí nữa thì Nga thét vào máy “ Đồ thằng cha cà chớn!” nhưng may mà ngưng lại được)
- Vẫn nhớ em!
- Trời ơi ! (Nga muốn quật chiếc máy điện thoại xuống đất nhưng Nguyệt đứng bên cạnh lấy tay chỉ vào miệng ý nói cứ bình tĩnh )
- Anh có biết bao năm nay em đau khổ vì anh không ?
- Anh xin lỗi Mộng Điệp mà ....
- Thế bây giờ em muốn gặp anh ít phút có được không ?
- Cái đó thì ... (giọng ngập ngừng)
- Em xin anh một ân huệ cuối cùng. Gặp nhau ít phút rồi em sẽ vĩnh viễn ra đi để trả lại hạnh phúc cho anh với.... người ta.... (khóc tấm tức)
- Gặp thì cũng được (giọng e ngại) nhưng không biết bà ấy có ghen không ? (Nghe nói tới đây thì Nga muốn hét to vào máy “Ghen hả! Tôi cắt cổ ông chứ ghen hả? Thằng cha cà chớn! “)
- Thôi được rồi. Anh cũng liều một chuyến. Thế gặp em ở đâu bây giờ ?
- Em đang đúng ở Bưu Điện Sài Gòn để gọi điện thoại cho anh. Trước cửa bưu điện có một sạp báo. Anh tới sạp báo, giả bộ nhặt một tờ lên coi. Em trong này nhận ra anh là em chạy ra gặp anh ngay.
- Thôi được rồi. Mười lăm phút nữa anh sẽ có mặt ở đó.
- Đừng bỏ em một mình nghe anh ! (giọng não nề)
Nói xong Nga gác máy điện thoại, quay qua nhìn Nguyệt. Dù Nga không nói gì nhưng Nguyệt đã hiểu rõ nội dung câu chuyện. Hai người nấp sau cánh cửa kính, hồi hộp nhìn ra ngoài. Khoảng mười lăm phút sau một chiếc xe Lambretta chờ tới. Người lái xe không ai khác hơn là Tùng. Chàng ta xuống xe rồi dựng xe ở bờ lề. Nhìn thấy chồng, Nga mở trừng trừng đôi mắt. Và khi Tùng tiến tới xạp báo, đưa tay nhặt lên một tờ thì Nga té xỉu vào cánh tay của Nguyệt.
Ba ngày sau Nga đi làm trở lại, phấn son lợt lạt, đôi mắt quầng thâm, mặt mày trầy sướt – dấu tích của những trận vật vã, chén bay đĩa bay với chồng trong mấy ngày qua. Gặp Nguyệt, Nga không thèm chào hỏi, mặt lầm lầm lì lì, nói:
- Em xin nghỉ phép mười ngày, đưa sấp nhỏ về bên ngoại cho thằng chả ngủ một mình cho biết thân!
Lời người kể chuyện: Thử thách theo cái kiểu này thì ông chồng nào không chết thì cũng bị thương.
Đào Văn Bình