Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk. Courtesy of Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk
Sổ hộ khẩu của Việt Nam sẽ chính thức bị hủy bỏ vào ngày 1/7 khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, chấm dứt "di sản" 50 năm của thời bao cấp.
Truyền thông Nhà nước cho biết quyết định quan trọng nêu trên đã được Quốc hội khóa XIV thông qua trong Luật Cư trú 2020. Tuy nhiên, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn có giá trị như giấy tờ hợp pháp cho đến hết ngày 31/12/2022.
Sổ hộ khẩu của Việt Nam được sử dụng trong thời bao cấp để quản lý dân cư và phân phối lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm.
Chức năng trên của sổ hộ khẩu hiện nay bị xác định không còn giá trị khi đất nước đã chuyển từ kinh tế tự cung sang kinh tế thị trường.
Việc bỏ sổ hộ khẩu được nói đảm bảo quyền tự do cư trú của người dân được quy định tại Điều 23 của Hiến pháp 2013: "công dân có quyền tự do đi lại và cư trú trong nước."
Việc quản lý sổ hộ khẩu cũng bị nói dễ gây sai sót, gây khó khăn, tốn kém thời gian, tiền bạc của người dân.
Một trong những ảnh hưởng tiêu cực khác do sổ hộ khẩu mang lại là việc phân biệt đối xử và hạn chế các quyền của người dân. Rất nhiều quy định, thủ tục hành chính tại các dịch vụ công đều yêu cầu có sổ hộ khẩu. Sổ hộ khẩu cũng bị nói đã tước quyền cơ bản con người như mua xe, mua nhà cũng bị yêu cầu có sổ hộ khẩu.
Trong diễn biến liên quan, Công an Thành phố Hà Nội có văn bản hỏa tốc yêu cầu công an các quận, huyện dừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú; và đăng ký cư trú tại cấp xã từ ngày 1/7.
Giám đốc Công an Hà Nội yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc việc thu hồi sổ hộ khẩu, trạm trú khi công dân thực hiện đăng ký cư trú theo Luật Cư trú (sửa đổi).
theo VOA