Trình diễn xếp hình nhân lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 28/06/2021. AP - Ng Han Guan
Le Point đặt vấn đề : « Đảng Cộng Sản Trung Quốc liệu vẫn luôn là…cộng sản ? ». Đó cũng là câu hỏi của nguyệt san Le Monde Diplomatique số tháng Bảy : Còn lại gì nơi chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc ?Một chuyên gia khẳng định, Trung Quốc của Tập Cận Bình chẳng còn gì là mác-xít, mà ngày càng tư bản, với tầng lớp tinh hoa.
Le Point tuần này quan tâm đến chương trình hành động của tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi chỉ còn 9 tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ, trong khi L’Obs dành chủ đề cho Yannick Jadot, ứng cử viên tổng thống 2022 của đảng Xanh. L’Express nhìn ra thế giới, chạy tựa sốc « Loài có nguy cơ tuyệt chủng » với hình ảnh năm em bé đủ màu da, báo động về tương lai dân số địa cầu giảm. Courrier International lại còn nhìn xa hơn nữa, đến tận vũ trụ, với câu hỏi « Có nên sợ các vật thể bay không xác định hay không ». Ởcác trang trong, các tuần báo tiếp tục bàn luận về đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vừa kỷ niệm 100 năm thành lập hôm 01/07/2021.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc có còn là cộng sản ?Le Point đặt câu hỏi : « ĐCSTQ liệu vẫn luôn là…cộng sản ? ». Tờ báo lưu ý, bài diễn văn của Tập Cận Bình nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng đầy những từ ngữ Mác-Lê.
Mặc bộ đồ đại cán kiểu Mao, Tập Cận Bình nhấn mạnh trước 70.000 người kính cẩn lắng nghe về « chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa », trên chiếc bục có hình búa liềm. Ngay từ đại hội đảng 19 hồi tháng 10/2017, ông Tập đã tái khẳng định « Trung Quốc là một nhà nước xã hội chủ nghĩa do giai cấp công nhân lãnh đạo, dựa trên liên minh công nông ».
Tuy vậy theo chuyên gia Antoine Bondaz, từ thập niên 80 đã thấy rõ nghịch lý giữa ý thức hệ và thực tế kinh tế của Trung Quốc, việc chỉnh đốn tư tưởng nhằm mang lại tính chính danh cho đảng. Phép lạ kinh tế Trung Quốc chủ yếu nhờ tự do hóa kinh tế thị trường, kể từ thời Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc từ một nền kinh tế kế hoạch hóa đã trở thành kinh tế thị trường. Ý thức hệ cộng sản được cho là chất keo gắn kết « Vạn lý Trường thành bằng thép do 1,4 tỉ người hợp thành » mà ông Tập nói đến, nhưng nền móng vẫn dễ vỡ.
Les Echos nhấn mạnh người dân Trung Quốc giàu lên không phải nhờ đảng mà nhờ được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cách đây 20 năm – một dịp kỷ niệm mà đảng cố ý bỏ quên.
Chẳng còn mác-xít, đảng lấp khoảng trống bằng dân tộc chủ nghĩaTrả lời câu hỏi của Libération « Chủ nghĩa mác-xít còn lại gì trong Trung Quốc của Tập Cận Bình », giáo sư Chloé Frossart khẳng định : « Chẳng còn gì cả, mà ngược lại, xã hội mang phương diện ngày càng tư bản với lớp tinh hoa, rất xa với hệ thống mao-ít ». Bảo hiểm xã hội và các phúc lợi khác tùy thuộc vào mức thu nhập, những người nghèo khổ nhất phải đứng bên lề. Nhưng bám vào chủ nghĩa xã hội vẫn quan trọng cho tính chính danh của đảng, thế nên chính quyền rất sợ phái Tân Mao – như vụ đàn áp các sinh viên ủng hộ công nhân đình công năm 2018. Việc sử dụng từ « đấu tranh giai cấp » bị cấm trong nghiên cứu.
Thế thì ý thức hệ của Tập Cận Bình là gì ? Cũng theo giáo sư Frossart, tuy ông Tập đã yêu cầu giới nghiên cứu tìm hiểu nhiều đề tài từ Con đường tơ lụa cho đến khái niệm « văn minh sinh thái », nhưng khó thể xác định tư tưởng của ông. Tham vọng quyền lực vô bờ bến của Tập cho thấy dân tộc chủ nghĩa được kỳ vọng lấp được chỗ trống ý thức hệ.
Ông Tập vừa cho ra cuốn sách thứ ba về quản trị Trung Quốc và đưa « Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa của kỷ nguyên mới » vào điều lệ đảng. Nhưng ông ta chỉ lên được ngang hàng với Mao một khi có thể nói về « chủ nghĩa Tập ».
Trở thành tư bản cổ trắng ở tuổi 100Còn lại gì nơi chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc ? Đó cũng là câu hỏi của nguyệt san Le Monde Diplomatique số tháng Bảy. Xưa kia bị lên án, nay tư bản được đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mở rộng vòng tay - một đảng mà ngày nay giai cấp công nhân không còn được bao nhiêu.
Phải chăng vào lúc mừng 100 tuổi, ĐCSTQ đã trở thành tư bản ? Trên 800 triệu người đã thoát nghèo, Nhà nước độc đảng đứng đầu nền kinh tế thứ nhì thế giới, chiếm 18% GDP toàn cầu. Sự chuyển đổi này tạo sức bật cho khu vực tư nhân, dù Nhà nước kiểm soát trực tiếp một phần lớn nền kinh tế - quốc doanh chiếm 30% - khiến Trung Quốc trở thành trường hợp điển hình cho tư bản Nhà nước. Ngoài ra, đảng đã thành công trong việc chiêu nạp những thành phần tinh hoa từ nền kinh tế được tự do hóa.
ĐCSTQ nhanh chóng trở thành một tổ chức của giới « cổ trắng ». Đầu những năm 2000, Giang Trạch Dân đã dỡ bỏ lệnh cấm kết nạp các doanh nhân ở khối tư nhân, cho đến lúc đó vẫn bị coi là kẻ thù giai cấp, để đảng không chỉ là đại diện các giai cấp « cách mạng » - nông dân, công nhân, quân nhân – mà còn của « các lực lượng sản xuất tiến bộ ».
Đảng của giới tinh hoa biết vâng lờiKết quả : đảng ngày càng mang dáng dấp tầng lớp tinh hoa. Từ 2010, các đảng viên có trình độ đại học đã tương đương với công nông, và 10 năm sau đó đã chiếm đến 50%, chỉ còn 35% là nông dân và công nhân. Trong khi « vì lý tưởng cộng sản » là một trong những lý do chính gia nhập đảng thời Mao, thì động cơ bây giờ là nhằm thăng tiến trong nghề nghiệp. Tuy vậy « đảng tính » vẫn là yêu cầu đối với đảng viên, nhuốm thêm màu sắc dân tộc chủ nghĩa.
Dưới thời Tập Cận Bình, kỷ luật nội bộ được siết chặt, thông qua chiến dịch chống tham nhũng đại quy mô. Không chỉ những người chống đối tiềm năng với ông Tập bị loại ra ngoài, mà các quan chức đảng cũng bị kiểm soát qua cuộc chiến chống lại « bốn cái xấu » : chủ nghĩa hình thức, quan liêu, hưởng lạc, xa hoa.
Đảng viên phải trung thành, gương mẫu và khiêm tốn. Tấm gương của tỉ phú Mã Vân (Jack Ma), chủ tập đoàn Alibaba còn đó : sau khi thẳng thừng chỉ trích sự lũng đoạn của Nhà nước trong ngành ngân hàng, việc chi nhánh tài chính Ant Group lên sàn chứng khoán bị chặn, còn ông chủ mất tích một thời gian.
Vươn vòi bạch tuộc từ trong đến ngoài nướcĐiều lệ đảng được sửa đổi năm 2017 quy định « Đảng đứng trên tất cả ». Trong doanh nghiệp, có nghĩa là gia tăng số lượng cơ sở đảng cùng khắp, nơi nào có ba đảng viên trở lê đều phải lập tổ đảng : từ 2018 số công ty niêm yết bị buộc phải có tổ chức đảng, và nay 92% trong 500 tập đoàn lớn nhất Trung Quốc có cơ sở đảng. Sự hiện diện này giúp ảnh hưởng Nhà nước thêm lớn rộng, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật có thể trừng phạt không cần đến bộ máy tư pháp.
Cho đến nay, các cơ sở đảng này chỉ đóng vai trò thứ yếu, nhưng sắp tới với mục đích phát triển « hệ thống doanh nghiệp hiện đại mang màu sắc Trung Hoa », các công ty tư sẽ phải chịu sự chỉ đạo của đảng về nhân sự. Vai trò lãnh đạo của đảng phải được đưa vào điều lệ công ty, và như vậy hoạt động của lãnh vực tư nhân ngày càng giống quốc doanh.
Le Monde Diplomatique kết luận, ĐCSTQ tập trung cho sự sống còn của mình và đầy thực dụng, thậm chí rỗng tuếch về ý thức hệ, kết nạp ngày càng nhiều nhà tư bản đồng thời hiện diện khắp các doanh nghiệp. Mối liên kết bất bình đẳng này còn vượt ra ngoài biên giới qua Con đường tơ lụa mới (BRI). Đã từ bỏ quốc tế vô sản, ĐCSTQ nay lại xuất khẩu cách tổ chức và các công cụ kỷ luật của mình qua Con đường tơ lụa mới.
Không ngần ngại đi ngược lại chủ nghĩa MácNgược dòng lịch sử, trong bài « Từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình, một đảng để đổi mới đất nước », Le Monde Diplomatique cho rằng điểm chung giữa hai nhân vật là mục tiêu tìm lại cho được vị thế thống trị của Trung Quốc.
Với Cách mạng tháng Mười năm 1917 ở Nga, ĐCSTQ có được lợi thế so với Quốc dân đảng : dựa được vào một lý thuyết (mác-xít), một mô hình (bôn-sê-vích) và một Nhà nước (Liên Xô). Nhưng đảng không ngần ngại cắt đứt với mô hình và thậm chí cả lý thuyết, khi cần.
Ngay từ đầu, đã có những khó khăn để thích ứng với thuyết mác-xít. Trước hết, ĐCSTQ không phải là đảng của giai cấp công nhân vì kỹ nghệ hóa còn quá yếu, công nhân chỉ mới chiếm 0,5% dân số năm 1949, và chiếm 8% số đảng viên năm 1950. Hầu như tất cả các lãnh đạo đảng đều thuộc giai cấp trung lưu (trí thức tỉnh lẻ, phú nông, nhân viên).
Vấn đề thứ hai là cần phải liên kết với các lực lượng khác, chẳng hạn tư sản dân tộc. Nếu nông dân trở thành trung tâm thì đó là do thực tiễn : các tổ chức đô thị đã bị Quốc dân đảng phá hủy. Khi Mao Trạch Đông nắm quyền kiểm soát ĐCSTQ năm 1934, giai cấp vô sản được thay thế bằng « giai cấp cách mạng » là nông dân, nhưng là nông dân lớp trung bình vì dân cùng đinh không tấc đất chẳng « cách mạng » chút nào.
Cuối cùng, phải nhắm vào chính trị hay kinh tế, đấu tranh giai cấp hay thịnh vượng ? Mao chọn đấu tranh giai cấp, nhưng đến cuối thập niên 70 và nhất là từ thập niên 90 đa số các nhà lãnh đạo từng bị gạt ra ngoài lề đã quay lại nắm quyền, họ dần dà theo cơ chế tư bản. Năm 2002, với thuyết « ba đại diện », bên cạnh lực lượng lao động nhập cư đảng còn chú trọng đến trí thức, doanh nhân. ĐCSTQ vẫn giữ hai nguyên tắc : duy trì huyền thoại xã hội không giai cấp, trộn lẫn đảng và dân tộc.
Tiệc mừng bách niên không dành cho mọi ngườiThe Economist nhận định trong dịp sinh nhật thứ 100, ĐCSTQ tự hào rằng chế độ độc tài tốt hơn dân chủ phương Tây, nhưng sớm muộn gì một cuộc khủng hoảng sẽ là phép thử.
Đảng ngày càng khó chấp nhận bị chỉ trích. Các lực lượng kiểm duyệt, tuyên truyền và an ninh ra tay mạnh mẽ đến nỗi những tiếng nói bất đồng đều bị dập tắt, khó thể đến tai những cấp cao nhất. Tuy nhiên theo The Economist, các chế độ rồi sẽ có ngày phạm phải những sai lầm quá lớn để có thể che giấu, như khủng hoảng tài chính hay bại trận trong chiến tranh.
Trung Quốc đã thoát được cuộc khủng hoảng trầm trọng Thiên An Môn, nhưng rồi một cuộc khủng hoảng khác sẽ xảy ra vào lúc nào đó. Ngay cả việc phục vụ lợi ích của đa số cũng đã là một vấn đề, vì chà đạp lên những nhóm thiểu số gồm đến hàng triệu người như Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hoặc những người đấu tranh dân chủ Hồng Kông. Bách niên giai lão không phải là bữa tiệc mà tất cả mọi người đều được mời.
Apple Daily : « Dưới cơn mưa, người Hồng Kông đau xót chào nhau »Về nạn nhân của cộng sản Trung Quốc là Hồng Kông, Courrier International đề cập đến sự kiện nhật báo Apple Daily của Hồng Kông đã chào vĩnh biệt bạn đọc hôm thứ Năm với số báo có tirage lên đến 1 triệu bản, điều chưa từng thấy trong 27 năm hiện diện của tờ báo. Dòng chữ lớn trên tờ báo cuối cùng « Dưới cơn mưa, người Hồng Kông đau xót chào nhau ».
Sự kiện « tờ báo đối lập cuối cùng của Hồng Kông » (theo tờ The Initium) bị bức tử đã gây xúc động to lớn tại đặc khu, và cả ở Hoa lục. Những bức ảnh người Hồng Kông xếp hàng dài để mua số báo cuối đã được lan truyền trên các mạng xã hội.
Hôm trước ngày đình bản, cây bút xã luận chính có bút danh Lý Bình (Li Ping) đã bị an ninh Hồng Kông bắt giữ, với cáo buộc « thông đồng với ngoại quốc ». Phó tổng biên tập Trần Phái Mẫn (Chan Pui Man) cũng bị bắt cùng với bốn đồng nghiệp cách đó một tuần, sau được tại ngoại hầu tra. Chính bà đã soạn bài xã luận cuối cùng dưới dạng « Lá thư vĩnh biệt người Hồng Kông ».
Nhắc lại việc Apple Daily ra mắt ngày 20/06/1995, hai năm trước khi Hồng Kông bị trao trả cho Trung Quốc, bà viết : « Chúng tôi đã sợ hãi, nhưng không muốn bị dọa nạt bằng nỗi sợ », và tố cáo « cái chết của tự do báo chí, nạn nhân của chuyên chế ». Bài viết kết luận bằng một tia hy vọng : « Tôi rất thích hình vẽ mới đây : một trái táo bị dìm xuống bùn, nhưng hạt mầm đã mọc lên thành cây, cho những quả lớn và đẹp hơn ».
Cũng giống như kho lưu trữ trên mạng của tờ báo, bài viết biến mất đêm 23 rạng sáng 24/06, nhưng đã được lan truyền rộng rãi, như trên trang Lập Trường Tân Văn (Lichang Xinwen/The Stand News). Những hạt giống của Apple Daily sẽ lớn lên thành cây.
Theo RFI