Quân đội Myanmar chống biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Yangon, Myanmar, ngày 28/2/2021 (Ảnh tư liệu).
Một toán đặc nhiệm mới được thành lập hôm thứ Hai 5/7 để điều tra bằng chứng vi phạm nhân quyền ở Myanmar trong hơn 5 tháng sau khi quân đội lật đổ nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi và khiến đất nước Đông Nam Á rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Dự án Myanmar Witness (Nhân chứng Myanmar) do chính phủ Anh tài trợ cho biết họ sẽ chia sẻ thông tin với Cơ chế Điều tra Độc lập của Liên hợp quốc về Myanmar, cơ quan đang điều tra các các tội phạm quốc tế bị tình nghi ở Myanmar.
Reuters không thể liên lạc được với phát ngôn viên của chính quyền Myanmar để yêu cầu bình luận.
Sáng kiến mới được đưa ra trong bối cảnh các nước phương Tây tìm cách gia tăng áp lực lên nhà cầm quyền quân sự Myanmar về các cáo buộc vi phạm nhân quyền, với việc Liên Hợp Quốc cho biết hơn 880 người đã bị lực lượng an ninh giết hại kể từ cuộc đảo chính - một con số mà chính quyền nói là phóng đại.
Myanmar Witness cho biết “sẽ độc lập thu thập, bảo quản, xử lý, điều tra, xác minh và xem xét các sự cố có thể đã vi phạm nhân quyền.”
Nhóm này cho biết họ sẽ khuyến khích người dân cung cấp thông tin và tự xác minh độc lập các vụ việc trên mạng xã hội - nơi người dân Myanmar đăng hình ảnh và video về các vụ giết người, hành hung và các vụ lạm dụng khác.
Myanmar Witness cho biết họ đã phát hiện và xác minh bằng chứng về các vụ trả đũa của quân đội Myanmar, pháo kích vào các khu vực dân sự và các đền chùa tôn giáo và các dấu hiệu cho thấy ý định hãm hại, nếu không muốn nói là giết hại người biểu tình.
Các quốc gia phương Tây và các nhóm bênh vực nhân quyền đã lên án hành động tàn bạo của lực lượng an ninh ở Myanmar. Trong khi đó chính quyền quân quản Myanmar nói rằng họ chỉ sử dụng vũ lực khi cần thiết để chống lại các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Theo VOA