Người dân hô khẩu hiệu phản đối chính phủ ở Havana hôm 11/7/2021. Reuters
Sự kết thúc một triều đại? Đúng là phải đặt dấu chấm hỏi, bởi vì không nhẽ cách mạng “rẻ” đến thế? Giới chức Cuba xác nhận chỉ một người đàn ông đã thiệt mạng trong tình trạng biểu tình phản đối chính phủ khắp toàn quốc. Đây là xác nhận thương vong đầu tiên kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra.
Truyền thông Cuba cho biết Diubis Laurencio Tejeda, 36 tuổi, đã tử vong ở ngoại ô thủ đô Havana hôm đầu tuần. Theo các nguồn tin, ông Diubis Laurencio Tejeda thuộc nhóm đã tấn công vào một cơ sở của chính phủ. Và chính các nhân chứng nói rằng, họ thấy các lực lượng an ninh đã nhắm súng vào các thành viên của nhóm ấy.
Đã có hàng trăm người tham gia biểu tình bị bắt và mất tích. Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel còn lớn tiếng nói rằng chính quyền sẽ có phản ứng quyết liệt. Thật khó tin khi chỉ “mất” có một chiến sĩ đấu tranh cho tự do và dân chủ của Cuba mà cuộc “xoay trục” trên “hòn đảo lửa đảo say” này đã thành công dễ dãi đến vậy?
Tình thế vẫn đứng trước hai khả năng: Chính quyền buộc phải nhượng bộ từng bước và sẽ đi đến cải tổ từng phần thể chế cũ. Tuy nhiên, cũng có khả năng, nếu thế lực “chống Mỹ cứu ghế” trong ban lãnh đạo tối cao vẫn thắng thế, cách mạng có thể bị đàn áp khốc liệt hơn. Hiện chưa đủ thông tin để có thể đánh giá xác suất khả năng nào cao hơn.
Thật ra, cục diện Cuba rất dễ trở nên bi đát nếu những người lãnh đạo hiện nay không đủ bản lĩnh để nói thật và thay đổi. Bài học lịch sử ở Cuba sẽ là, chế độ thay thế sẽ tiêu diệt chứ không hoà giải được với chế độ trước. Phải nói, Cuba có một số phận kỳ lạ so với các nước Mỹ La tinh khác.
Sau hàng trăm năm nô lệ và thực dân, người dân trên quốc đảo này đã làm nhiều cuộc cách mạng mà vẫn không có được tự do, thay vào đó là các chế độ độc tài. Khác với Che Guevara là người có lý tưởng, Fidel chỉ là tay độc tài ban đầu muốn theo Mỹ nhưng không được Washington chấp thuận nên sau đó dựa hẳn vào Liên Xô. Mô hình Xô Viết đem áp dụng ở Cuba là toàn trị và bao cấp tuyệt đối, sau đó vì lo sợ mất quyền lực nên không chịu cải tổ, đã trở nên lỗi thời và phản động.
VIDEO Việt Nam khác hay giống Cuba? Nói Việt Nam nín thở là muốn diễn tả sự lo lắng của ĐCSVN; ngược lại, một bộ phận dân chúng, tiếc là chưa chiếm đa số, không những không nín thở mà còn hồ hởi ra mặt. Tuy Việt Nam hiện nay khác Cuba ở nhiều điểm nhưng một bộ phận đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam những ngày này vẫn hướng về Cuba.
Lạ lẫm hơn nữa là họ không kiêng nể chính quyền. Từ các quán cóc (tuy bây giờ con số này giảm nhiều, vì COVID) cho đến các buổi tụ bạ giữa bạn bè, câu chuyện công khai được nói tới những ngày này là đất nước Cuba “anh em”. Còn được nói tới nhiều hơn cái hoạ của COVIDTàu đang đe doạ “toang” ở Sài Gòn và một số thành phố lớn.
Từ câu chuyện khôi hài “Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cu Ba nghỉ”, nhiều người đặt câu hỏi, bây giờ nếu Cuba “ngủ” thì Việt Nam sẽ ra sao? [1].
Mới cách đây không lâu, nghe tin Cuba “hé cửa” (he hé thôi chứ chưa mở đâu đấy!), Việt Nam đã tự sướng, huyênh hoang “Cuba hiện nay là quá khứ của Việt Nam”. Bỗng chốc khi cả ngàn con người tại một đất nước chuyên chế khét tiếng tràn ra đường, thì ngay lập tức, Cuba trở thành tương lai của Việt Nam!
Tương lai ấy gần hay xa là một câu chuyện khác, nhưng khi dòng họ Castro đại diện cho một triều đại thống trị, “bị” kết liễu, đất dưới Ba Đình không thể không rúng động!
Thật là một bức tranh ngoạn mục khi hàng nghìn con người từng coi Che và Fidel là lãnh tụ, đã xuống đường biểu tình đả đảo cộng sản, đòi Chủ tich nước từ chức, vì sự sụp đổ của nền kinh tế, tình trạng thiếu lương thực và thuốc men, giá cả tăng cao và cách chính phủ ứng phó sai lầm với dịch COVID-19.
Cũng giống như tại Việt Nam, những cuộc tụ tập công khai không được cấp phép như vậy là bất hợp pháp ở Cuba. Và cũng tương tự như cách chính phủ Hà Nội giải thích những bất ổn xã hội là do các thế lực Mỹ và phương Tây thực hiện “diễn biến hoà bình”, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã gọi những người biểu tình là “những kẻ phản cách mạng” và chính phủ của ông đổ lỗi tình trạng hỗn loạn hiện nay là do Mỹ và các lệnh trừng phạt kinh tế của nước này gây ra.
Sự gian manh của truyền thông “lề phải” không đánh lừa được công luận trong nước. Báo chí quốc doanh tỏ ra ranh mãnh hơn trước, khi chủ động đưa tin người Cuba xuống đường. Một mặt, là để cạnh tranh với mạng xã hội, nhưng mặt khác, đây mới là lý do chính yếu, để chiếm diễn đàn và định hướng dư luận ngay từ đầu bằng cách đổ tội cho “đế quốc Mỹ” gây ra thảm cảnh ở Cuba lâu nay.
Miệng thì chửi Mỹ nhưng từ người đứng đầu chính phủ cho đến các quan chức cao cấp khác, vẫn tỉnh bơ đi nhận hàng viện trợ từ Washington. Thậm chí hình như không có cả một lời cám ơn chính thức nào từ phía nhà nước. Cứ làm như giúp Việt Nam là nghĩa vụ của Mỹ, còn Việt Nam vừa nhận quà, vừa thực hiện căn dặn từ nhà là không được tỏ ra hồ hởi quá và phải luôn cảnh giác với cái gọi là “diễn biến hoà bình” của Mỹ.
Giống như sinh viên các trường Đại học mỗi lần đi nghe Ngoại trưởng hoặc Tổng Mỹ nói chuyện, đều được dặn dò kỹ lưỡng, đoạn nào cho phép vỗ tay, đoạn nào thì không, đã là câu chuyện kỳ quái của nền ngoại giao thế kỷ 21. Nhưng đến các quan chức đi nhận viện trợ mà vẫn phải “cầm tay chỉ việc” thì thật là một sự “sỉ nhục quốc thể”.
Biểu tình ủng hộ người dân Cuba ở Miami, Florida, Mỹ hôm 16/7/2021. AFP
Nhìn sang Mỹ và các nước 2015 là năm đầu tiên Cuba tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ, sau nhiều năm bị loại khỏi diễn đàn khu vực này. Tại Hội nghị ấy (ở Panama) Tổng thống Obama đã gặp Chủ tịch Raoul Castro, cũng là lần đầu tiên, kể từ năm 1956, khi Dwight Eisenhower là Tổng thống Mỹ lúc ấy gặp Fulgencio Batista người đứng đầu Cuba thời bấy giờ.
Trong khi Castro bỏ cả giờ để phê phán chính sách cấm vận của các chính quyền Hoa Kỳ trước đây, thì Obama chỉ tuyên bố đơn giản, chiến tranh lạnh đã qua, Cuba không còn đe dọa an ninh của Hoa Kỳ nữa và hai nước không nên làm tù nhân của quá khứ, hãy nhìn về tương lai!
Tuy nhiên, Obama vẫn khẳng định, Mỹ sẽ không ngừng nói về những vấn đề như dân chủ, nhân quyền, tự do hội họp và tự do báo chí của Cuba. Nhưng cả hai nhà lãnh đạo đều thống nhất là đã tới lúc cùng nhau mở trang sử mới. Tháng 3/2016, Obama trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm Cuba kể từ năm 1928.
Đảo quốc nhỏ bé này nằm ngay “yết hầu” của Mỹ với khoảng 110.000 cây số vuông, 11 triệu dân và tổng sản lượng khoảng 94 tỷ đôla (năm 2017) nhưng Mỹ chưa bao giờ “dạy” cho Cuba bất cứ bài học nào theo kiểu Trung Quốc, dàn đại quân tiến hành xâm lược Việt Nam như hồi tháng 2/1979.
Giáo sư Mạc Văn Trang thật tỉnh táo khi chủ động gửi thư cho Bí thư thứ nhất ĐCS Cuba, Chủ tịch HĐNN Miguel Díaz-Canel và các nhà lãnh đạo Cuba khác [2].
Tâm thư của vị Giáo sư cao niên và từng trải khuyên người anh em Cuba ngày nào từng đứng chung một chiến hào: “Đừng có nghe Trung cộng, tuyệt đối không làm theo Trung cộng giết hại nhân dân mình để giữ quyền thống trị. Chủ nghĩa nào, chế độ nào thì cũng “quan nhất thời, dân vạn đại”. Chỉ có đất nước và nhân dân là trường tồn. Fidel đã chết, rồi Raul cũng chết, nhân dân thì vẫn còn! Làm theo Trung cộng đàn áp dân thì tội ác ấy muôn đời còn ghi vào sử sách, không gì tẩy rửa được điều ô nhục ấy”.
Nếu nay mai, chế độ sắt máu của Cuba “cuốn theo chiều gió”, thì ngày Chủ nhật 11/7 vừa qua sẽ được lịch sử vinh danh như là một cột mốc chói loà trên con đường giải phóng một dân tộc năng động vào bậc nhất của xứ Mỹ La tinh nhưng đã bị gông cùm của chuyên chế đè nén và áp bức suốt từ năm 1959 đến nay.
Dân tộc này mới được làm quen với Internet cách đây chưa lâu nhưng đã nhanh chóng giác ngộ và phản tỉnh, không chấp nhận làm đàn cừu dóng hàng một, theo thân phận như phiên thuộc hay chư hầu cho bất cứ ngoại bang nào khác, kể cả Liên Xô trước đây hay Mỹ ngày nay.
Tổng thống Biden đã phát biểu trong một tuyên bố: “Chúng tôi ủng hộ người dân Cuba và lời kêu gọi rõ ràng của họ về tự do và giải thoát khỏi sự kìm kẹp bi thảm của đại dịch và từ những thập kỷ đàn áp và đau khổ về kinh tế mà họ đã phải chịu bởi chế độ độc tài của Cuba.”
Bà Julie Chung, Quyền Trợ lý Ngoại giao Mỹ vùng Châu Mỹ La tinh phản ứng trên một dòng tweet: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước 'lời kêu gọi chiến đấu' tại Cuba." Bà cho biết thêm: "Chúng tôi ủng hộ quyền tự do hội họp của người dân Cuba. Chúng tôi kêu gọi sự kiềm chế và lên án bất kỳ hành vi bạo lực nào"
Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha José Manuel Albares đã kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho những người biểu tình đã bị bắt trong một tweet hôm đầu tuần và yêu cầu Cuba tôn trọng quyền biểu tình "tự do và ôn hòa" của người dân.
*
Tại thời điểm hiện nay, nổi lên hai đặc điểm chính. Đó là: (i) Chính quyền ở Cuba đã mất hết tính chính danh và sỹ diện như một căn bệnh, do không bảo đảm được đời sống tối thiểu của người dân; và (ii) Người dân không còn cả niềm tự hào lẫn nỗi sợ hãi.
Cũng có ý kiến cho rằng, không nên so sánh Cuba với Việt Nam, vì hai nước quá khác nhau, mà chỉ nên so sánh giữa Cuba với các nước khác trong khu vực. Cách người Cuba yêu thích Việt Nam không phải do chung lý tưởng hay văn hoá mà chỉ do tình cảm ngộ nhận bởi các bộ máy tuyên truyền của hai chế độ. Trước mắt, tình hình Cuba có vẻ tạm lắng.
Nhưng đây là sự yên tĩnh trước cơn bão mới hay là kết quả của một chính sách đàn áp và trả thù thâm hậu? Chưa ai có thể đưa ra câu trả lời dứt khoát.
Nhà nước Việt Nam từng đàn áp thô bạo và mạnh tay đối với các vụ nổi dậy tương tự xưa nay, từ Quỳnh Lưu, Nghệ An cuối năm 1956, đến Thái Bình năm 1997 và gần đây nhất là Đồng Tâm (9/1/2020) sát nách thủ đô. Tuy nhiên, cộng đồng mạng ở Việt Nam vẫn đang hóng theo mọi động tĩnh từ Cuba.
Có phân tích đáng quan tâm từ một bỉnh bút quen thuộc khi Jackhammer Nguyễn cho rằng, tuy có sự khác nhau giữa “phên dậu” (Việt Nam đối với Trung Quốc) và “Yết hầu” (Cuba đối với Mỹ), nhưng sự tương đồng giữa hai chính thể toàn trị này chính là sự mong manh, tạo nên những rủi ro đổ vỡ một cách bất ngờ, khi có một sự cộng hưởng của nhiều yếu tố trong khu vực hay trên trường quốc tế [3].
Kiều Huyền Trang (Blog RFA)