Hình minh hoạ. Khu vực cách ly y tế ở TPHCM tháng 7/2021. HCDC
Ái nữ của KTS Ngô Viết Thụ- Khôi nguyên La Mã, tác giả Dinh Độc Lập và nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng của Việt Nam-, đã qua đời tại nhà riêng sau nhiều giờ kêu cứu mà không được cho đi bệnh viện. Chuyện ngành y tế quá tải, do chiến lược sai lầm dốc sức tìm diệt cách ly, phong tỏa F0 dẫn tới người bệnh thông thường sẽ bị chết oan đã được các nhà khoa học trong ngoài nước kêu gào cảnh báo ngay từ tháng 6.
Chiều 27-7, dư luận dậy sóng trước thông tin trên Facebook của ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ Tịch UBND quận 1, TP. HCM, nghỉ việc đi lái xe cấp cứu người bị nạn. Đó là hai thư ngỏ gởi anh Nguyễn Văn Nên, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Kêu cứu từ sáng đến chiều vẫn bị “phong tỏa” Thư đầu tiên đăng lúc 15 giờ 30 phút chiều 27-7-2021. Nội dung chính là: “Tôi đang đứng chờ hàng giờ đồng hồ ở trước số nhà 22 Trương Định, phường 6, quận 3 để chở một người phụ nữ 54 tuổi đi bệnh viện cấp cứu do sốt và khó thở, khả năng không qua khỏi ( nghi đã nhiễm COVID).
Tôi cần các lực lượng chức năng có mặt tại đây để xét nghiệm nhanh và đồng ý về pháp lý cho tôi chở họ đi bệnh viện.
Gia đình đã gọi y tế phường từ sáng đến giờ không ai đến….”
Thư thứ hai đăng lúc 16 giờ 12 phút chiều nay 27-7-2021. Nội dung chính như sau:
“Đúng như tôi dự đoán.
Cô ấy vừa đã qua đời.
….Người phụ nữ 54 tuổi vừa qua đời là em ruột của kiến trúc sư tài năng Ngô Viết Nam Sơn, người đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển đô thị của thành phố ta.
Một điều tôi rất trăn trở là các cơ quan của phường, quận không một ai xuống xét nghiệm và đưa họ đi bệnh viện từ lúc sáng nay mặc dù họ đã kêu gào trong điện thoại trước mặt tôi.
Đây là một gia đình rất trí thức và hiền lành, những gì họ nói với tôi, tôi tin là chính xác.
Rất mong anh chỉ đạo gấp.
Trân trọng cảm ơn anh!” (1)
Vài giờ sau đó báo Tuổi Trẻ đăng phản bác của Bí thư Quận ủy quận 3 - Phạm Thành Kiên cho rằng “thông tin trên Facebook ông Đoàn Ngọc Hải gây hiểu nhầm có người mất liên quan dịch bệnh và địa phương không đưa đi cấp cứu.”
Ông Bí thư Quận ủy, phân trần “bà Châu mất do viêm phổi, hoàn toàn không liên quan đến dịch bệnh COVID-19”.
Ông Đoàn Ngọc Hải và xe cứu thương chở bệnh nhân trong mùa dịch COVID-19 ở TPHCM. Hình: FB Đoàn Ngọc Hải
Về việc cho rằng địa phương nhận được cuộc gọi kêu cứu từ gia đình mà không đến đưa đi bệnh viện cấp cứu thì ông Bí thư cho rằng “gia đình có cuộc gọi đến phường (phường Võ Thị Sáu - PV) vào lúc 15h36 và lực lượng y tế phường có mặt tại nhà người quá cố lúc 15h45….Còn gia đình gọi đi những nơi nào trước thời điểm gọi cho phường thì địa phương không biết”
Tuổi Trẻ Online xác nhận “gia đình bà Châu cho hay bà bị mệt từ sáng 27-7, gia đình đã gọi đến trung tâm cấp cứu, nhiều bệnh viện, y tế phường và quận nhưng nơi thì không bắt máy, có một số nơi hứa đến nhưng không đến.
Đến trưa thì người nhà mới gọi nhờ ông Hải (ông Hải có xe chở bệnh nhân cấp cứu làm từ thiện - PV), nhưng theo gia đình, vì người bệnh không có xét nghiệm âm tính COVID-19 nên không đưa đi bệnh viện cấp cứu được” (2)
Với y học thời nay, viêm phổi không phải là loại nan y, cấp tính. Bà Châu hoàn toàn có thể được cứu sống nếu được điều trị kịp thời. Thông tin của ông Hải và báo Tuổi Trẻ trùng khớp nhau cho thấy gia đình bà Châu đã kêu cứu vô vọng từ sáng đến chiều và không được đưa đi điều trị.
Qua nội dung nói đi nói lại giữa các bên cho thấy, ông Bí thư quận 3 chỉ phản bác điều mà ông Hải không hề nói là “bà Châu mất do liên quan đến dịch bệnh COVID-19”. Ngược lại, thư cầu cứu của ông Hải đã bộc lộ thảm họa đáng về chiến lược chống dịch sai lầm của Nhà nước Việt Nam: phong tỏa, cách ly máy móc tràn lan vô tội vạ dẫn tới hệ quả càng chống số người bị nhiễm càng tăng, ngành y tế bị quá tải và người bệnh thông thường bị chết oan do không được điều trị.
Trườn hợp tử vong của bà Châu đã bộc lộ hai khuyết nhược nghiêm trọng, phi nhân và phi khoa học trong chiến lược này đó là phong tỏa như ngục tù và giấy thông hành âm tính.
Chết vì bị bị “y tế giăng dây” - nỗi ám ảnh của người dân Một quan niệm hết sức khắc nghiệt và sai lầm của y tế Việt Nam là xem tất cả những người dương tính với COVID -19 là bệnh nhân và đưa đi cách ly, đồng thời địa bàn khu vực nơi người ấy sinh sống, làm việc sẽ bị giăng dây phong tỏa không loại trừ các cơ sở y tế. Điển hình là thông tin báo chí ngày 1-7: ”thành phố đã có 459 ca F0 được phát hiện khi đến khám, chữa bệnh ở 55/130 bệnh viện. …Thời gian qua, nhiều bệnh viện tại thành phố phải phong tỏa: Bệnh viên quận Tân Phú, Bệnh viện Nam Sài Gòn, Bệnh viện Bệnh nhiệt Đới, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn…” (3)
Ở địa bàn dân cư số điểm bị phong tỏa tăng lên vùn vụt. Ngày 27-7 báo chí đưa tin “Trong vòng một tuần qua, các điểm phong tỏa liên quan dịch COVID-19 trên địa bàn TP HCM đã tăng thêm 541 điểm, từ 3.057 điểm lên 3.598 điểm.” (3a)
Việc tiếp tế cứu trợ cho các điểm phong tỏa hầu như chỉ có trên lý thuyết, trên TV. Thực tế, người dân trong khu vực phong tỏa gần như bị giam giữ. Phong tỏa thành nỗi ám ảnh đáng sợ đến mức người dân đã truyền nhau câu thơ trào phúng xót xa.
“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy.
Y tế phường không đến để giăng dây!”
Một khu phong toả vì dịch bệnh COVID-19 ở TPHCM vào tháng 7/2021. Hình: HCDC
Một thực tế trái khoáy, vô nhân đạo là muốn ra khỏi khu phong tỏa dù là đi cấp cứu (như trường hợp của bà Châu) thì phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID. Người đang bệnh, đang bị phong tỏa thì làm sao có được giấy này? Cách làm này không khác gì xử tử con người mà không cần bản án.
Tình trạng bệnh tật thông thường phải chịu chết trong khu phong tỏa như bà Châu không phải là cá biệt nhưng hầu hết bị bưng bít thông tin. Sở dĩ Bí thư quận 3 phải lên tiếng trả lời, được đăng lên báo do thông tin phát ra từ Facebook đình đám của ông Đoàn Ngọc Hải có đến gần 369.000 người theo dõi. Hơn thế nữa, gia thế bà Châu cũng quá đình đám, thân phụ là cố KTS Ngô Viết Thụ, em bà là KTS tài năng Ngô Viết Nam Sơn cũng rất nổi tiếng trên thế giới và đang có nhiều quan hệ, tương tác với nhà nước Việt Nam.
Điển hình là ngày 6-7, một cái chết tương tự như bà Châu là vợ của một nhà báo, được nhà báo Trương Hiệu, báo Kinh Tế Đô Thị viết trên Facebook: “Anh Thanh là phóng viên báo Nhân Đạo. Khu nhà anh ở trong quận 4, TP.HCM bị phong tỏa. Khi vợ anh sốt, ho, tức ngực thì gia đình báo cán bộ y tế phường, quận nhưng không ai xuống vì khu vực đang phong tỏa không cho ai vào, ra.
Hôm qua khi vợ anh yếu hẳn thì lực lượng y tế xuống chở đi bệnh viện, nhưng không cứu kịp. Khám nghiệm tử thi, thông báo vợ anh không bị mắc COVID-19”. (4)
Không nhận bệnh nhân vì quá tải Báo Tuổi trẻ đã đưa thông tin đáng chú ý là“gia đình đã gọi đến trung tâm cấp cứu, nhiều bệnh viện, y tế phường và quận nhưng nơi thì không bắt máy, có một số nơi hứa đến nhưng không đến”
Cái chết thương tâm của bà Châu còn bộc lộ hậu quả tai hại thứ hai mà nhiều bác sĩ trong và ngoài nước đã cảnh báo là tình trạng bệnh viện quá tải, ngành y tế bị tổn thương kiệt sức do các quyết sách chống dịch sai lầm là phong tỏa bệnh viện tràn lan và cách ly quá nhiều F0, F1 dồn nguồn nhân lực y tế cả giường bệnh lẫn nhân lực cho những người bệnh mà không có bệnh.
Ngày 17-7 Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn (Viện nghiên cứu y khoa Garvan) đã kiến nghị chống dịch phải theo ba mục tiêu
“bảo toàn hệ thống y tế;
• tối thiểu hóa số ca nhập viện và ICU và giảm nguy cơ tử vong;
• giúp cho người dân tự quản lý nguy cơ.”(5)
Trong nước, các bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phan Xuân Trung, Phạm Ngọc Thắng, … cũng nhiều lần đề xuất, kiến nghị tương tự. Điều lo ngại nhất chính là hệ thống bệnh viện việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vốn đã quá tải nay phải tổn thất vì phong tỏa lại căng sức cho những công việc chống dịch vô bổ như chăm sóc người F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, xét nghiệm truy vế F0…
Bệnh viện đã quá tải không thể tiếp nhận bệnh nhân đã xảy ra, chính ông Nguyễn Thành Phong đã chứng kiến và kể lại "Tối 14.7, khoảng gần 8h, tôi nhận được đề nghị của Chủ tịch UBND quận 7 nhờ giúp vì một ca F0 đang rất nguy cấp mà gọi không có bệnh viện nào tiếp nhận. Sau đó, tôi phải gọi cho anh Bỉnh (Giám đốc Sở Y tế TPHCM - PV) là giải quyết xong".
Trong đô thị là trung tâm kinh tế, khoa học lớn nhất nước, chủ tịch Quận không thể đưa bệnh nhân nhập viện phải cầu cứu đến chủ tịch Thành Phố giúp đỡ, tình hình nghiêm trọng đến mức nào.
Rất tiếc, trong cơn say tìm diệt F0 và sự ngạo nghễ TP. HCM sẽ có bệnh viện 50.000 giường ông Phong không thấy hoặc không chịu thừa nhận sự quá tải ấy mà cho rằng “quy trình thực hiện điều trị cho F0 còn rất lúng túng và bất cập”. (6)
VIDEO Ông Nên đã thấy, liệu có thể thay đổi kịp trước khi quá muộn? Thông tin báo chí và mạng xã hội cho thấy trong số các lãnh đạo hiện nay, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM ít ồn ào khoa trương và có thái độ cầu thị lắng nghe. Ông đã có cuộc gặp mặt các chuyên gia để nghe ý kiến. Sau cuộc gặp TP.HCM có nước chuyển biến cho F1 cách ly tại nhà và dự kiến sẽ cho thì điểm F0 không triệu chứng cách ly tại nhà, tại địa phương.
Sơ kết chỉ thị 16 của TP HCM ông cũng có lời cầu thị hiếm thấy trong các quan chức cộng sản là “Mong người dân lượng thứ cho những lúng túng của TP.HCM”.
Ngày 27-7, bác sĩ Võ Xuân Sơn có viết trên Facebook cá nhân status: “THÔNG BÁO VỀ ĐỀ XUẤT CỦA TÔI” có đoạn sau
“Khuya hôm qua, một số bạn nhắn cho tôi, rằng Bí thư Nên đã đọc đề xuất của tôi. Một bạn còn cho biết cụ thể, thư ký của Bí thứ Nên có nói, những đề xuất của tôi thuộc nhóm 1 (tập trung giảm tử vong) một số đã làm, một số đã chỉ đạo, còn nhóm 2 (bảo đảm an sinh cho người dân) thì một số đã làm, một số chưa làm được vì còn vướng thủ tục.
Sáng nay, Bí thư Nên đã trực tiếp gọi điện cho tôi. Ông cám ơn tôi đã gởi đề xuất. Ông cho biết đã đọc các đề xuất của tôi, đã chuyển cho các bộ phận chức năng nghiên cứu, và khi có kết quả ông sẽ trả lời lại cho tôi. Ông cũng đề nghị tôi, nếu có thêm đề nghị gì thì có thể nhắn tin qua điện thoại hoặc gởi email trực tiếp cho ông.” (7)
Những thông tin này là tín hiệu đáng mừng, không thể chống dịch chủ quan duy ý chí như đã từng cải tạo công thương, cải tạo nông nghiệp đi lên XHCN nghĩa trước đây.
Nhưng điều đáng lo là cấp trên ông Nên, những địa phương khác trong cả nước vẫn đang trong cơn say thành tích truy tìm F0, F1, thẳng tay cách ly, phong tỏa, ngăn sông cấm chợ. Mỗi cán bộ, mỗi anh dân phòng là một sứ quân. Không chỉ bánh mì mà tiền, sửa, gạo, … đều có thể bị xem là hàng không cần thiết.
Thảm họa vẫn lơ lửng trên đầu người dân Việt. Thảm họa không phải do COVID-19 mà từ cách chống COVID của chính quyền.
Gió Bấc (Blog RFA)
_________________
https://www.facebook.com/doanngochai.2020 https://tuoitre.vn/quan-...ai-20210727195516225.htm https://vietnamnet.vn/vn...yeu-cau-khan-751857.html 3a-vn/súc-khoe/tp-hcm-hiên-co-3598-diêm-phong-toa-liên-quan-covid-19-tang-541-diêm-20210727075941492. htm
4-https://www.facebook.com/hieu.truong.370
5=https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1279722975808350
6-https://laodong.vn/y-te/tphcm-con-noi-ap-dung-nguyen-tac-cung-nhac-gay-buc-xuc-trong-xa-hoi-930896.ldo
7-https://www.facebook.com/xuanson.vo.5