Từ chủ nghĩa Mac-xít đến phe bảo thủ Cộng hòa Mỹ, vì sao lại có cùng một mầu đỏ? © Photo: AP / Montage: Studio graphique FMM
Từ năm 1791, mầu đỏ đã đổi thành mầu sắc của chính trị. Mầu đỏ đã trở thành biểu tượng của Cách Mạng, trước tiên là Pháp, rồi đến chủ nghĩa cộng sản. Làm thế nào mầu sắc này lại được dùng để từ giờ nhuộm mầu áo cho đảng Cộng Hòa bảo thủ ở Mỹ, đất nước mà mầu cờ đỏ thắm từ lâu được cho là biểu tượng của kẻ thù Xô Viết ?
Sách đỏ « Mao chủ tịch ngữ lục » và chiếc mũ cát-két mầu đỏ « Make America First » của Donald Trump, làm thế nào hai món đồ hoàn toàn khác nhau về chính trị lại có thể có cùng một mầu ? Tuyển tập những câu nói trong trước tác của « Người Cầm Lái Vĩ Đại » là một trong số những biểu tượng truyền thống của cuộc cách mạng chủ nghĩa cộng sản.
Mũ đội đầu của cựu tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa trong vòng vài năm trở thành một biểu tượng mới cho phe chủ trương da trắng thượng đẳng. Nhà báo Joris Zylberman, trên trang mạng của RFI tự hỏi : Liệu đó có phải là mầu đỏ của chủ nghĩa Mac-xít hay là mầu đỏ của tư tưởng Trump ?
Nhà sử học Michel Pastoureau* từng cho rằng « Bất kỳ mầu sắc nào cũng đều có hai mặt đối lập nhìn từ góc độ xã hội và văn hóa ». Và mầu đỏ cũng vậy, không thể thoát khỏi nghịch lý này. Trong một hội nghị tại Geneve, ông từng giảng giải :
« Cơ đốc giáo thời Trung Cổ sắp xếp biểu tượng của mầu đỏ xung quanh bốn cực. Các giáo phụ của Giáo Hội phân biệt bốn mầu đỏ dựa trên hai tham chiếu : Lửa và Máu, với ý tưởng là có một ngọn lửa xấu xa và một ngọn lửa tốt lành, một giọt máu xấu và một giọt máu lành. Ngọn lửa tốt lành là từ tâm linh tốt, đó là thần khí của Đức Chúa Trời giáng xuống các tông đồ dưới dạng một lưỡi lửa vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Ngọn lửa ác, đó chính là những ngọn lửa của địa ngục. Giọt máu xấu là máu của tội ác, máu ô uế, máu đổ oan uổng. Và rồi còn có máu tốt, lẽ đương nhiên đó là máu của Chúa Giê-su trên cây thánh giá, máu của sự cứu thế và cứu rỗi ».
Máu của Chúa Giê-su trên thập tự giá, đó còn là máu của sự hy sinh. Chẳng còn chút nghi ngờ gì nữa, đấy chính là ý nghĩa chính trị đậm nét nhất của mầu đỏ trong lịch sử phương Tây : Sự hy sinh dũng cảm vì các giá trị, một tôn giáo, một đất nước.
Lẽ tự nhiên, mầu đỏ biểu tượng cho máu của những tín đồ công giáo tử vì đạo. Thập tự giá mầu đỏ trên nền mầu trắng của huyền thoại thánh Georges đang quật ngã một con rồng. Người lính cảnh vệ này của hoàng đề La Mã Diocletianus đã từ chối từ bỏ đức tin Kitô giáo. Cũng vì điều này mà ông bị giết chết ngày 23 tháng Tư năm 303. Cây thánh giá mầu đỏ của ông trở thành lá cờ hiệu cho cuộc thập tự chinh thứ nhất. Cuối thời kỳ Trung Cổ, lá cờ hiệu này được chấp nhận như là quốc kỳ của Anh, trước khi trở thành quốc kỳ của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland năm 1606.
Biểu tượng của trật tự biến thành lá cờ Cách MạngGần 200 năm sau, dưới thời chế độ quân chủ trước Cách Mạng, lá cờ mầu đỏ cảnh báo cho sự hiểm nguy, có mục đích sử dụng ôn hòa, thậm chí đó còn là biểu tượng của sự duy trì trật tự theo luật ban hành ngày 21/10/1789, chống tụ tập đông người, hoặc thiết quân luật. Điều số 1 nói rằng « Lực lượng quân đội phải được triển khai » trong trường hợp « sự yên tĩnh công cộng có nguy cơ bị đe dọa ». Điều khoản thứ hai quy định : « Tuyên bố này sẽ được thực hiện bằng cách treo trên cửa sổ chính của ngôi nhà ở thành phố và đeo cờ đỏ ở khắp mọi nẻo đường và ngã tư ».
Nhưng cuộc đào thoát thất bại của vua Louis XVI ở Varenne ngày 17/06/1791 đã làm thay đổi tất cả. Trước đám đông tụ tập tại Champ-de-Mars, trung tâm Paris, Camille Desmoulins, Marat và Robespierre đã ký thỉnh nguyện thư đòi phế truất nhà vua vì đã phản bội người dân Pháp và tuyên bố một nền độc lập.
Sử gia Michel Pastoureau thuật lại : « Có rất đông người. Đột nhiên đám đông chuyển động, họ bị kích động. Các nhà chức trách kéo cờ đỏ mời đám đông giải tán. Nhưng người ta không hiểu vì sao quân đội nổ súng, có nhiều người chết : những người hy sinh đầu tiên của cuộc Cách Mạng. Ngay ngày hôm sau, lá cờ hòa bình đã biến thành một lá cờ chính trị : Lá cờ của sự nổi dậy. Nhuộm máu những người đã hy sinh, lá cờ này đã trở thành biểu tượng cho những người dân nổi dậy ».
Lá cờ đỏ đi theo các cuộc cách mạng Pháp trong suốt thế kỷ XIX : 1830, 1848 và công xã Paris 1871, và biến thành lá cờ của những người vô sản nổi dậy. Một cách tiêu biểu, mầu đỏ sau này biểu thị cho cuộc Cách Mạng – đang được tiến hành hay đã hoàn thành. Mầu đỏ báo hiệu ngày lễ nhân loại và một tương lai sáng lạn. Cánh tả, rồi chủ nghĩa Mac-xít và chủ nghĩa cộng sản đều dùng mầu đỏ như là một tiêu chí. Liên Xô và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đều lấy mầu đỏ như là mầu cờ quốc gia. Tại Bắc Kinh, điều này được thể hiện rõ trong ca khúc ca ngợi vinh danh Mao Trạch Đông : « Đông Phương hồng », để rồi sau này trở thành bài hát chính ca ngợi cuộc Cách Mạng Văn Hóa.
Binh sĩ quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc và cuốn sách đỏ « Mao chủ tịch ngữ lục », tháng 4/1970. AFP
Chủ nghĩa thực dụng MỹVậy tại Mỹ, vì sao mầu đỏ lại là mầu biểu tượng cho đảng Cộng Hòa ? Liệu « những bang mầu đỏ » mà Grand Old Party có được trong những kỳ bầu cử có cùng một ý nghĩa với « vành đai đỏ » tức là những tòa thị chính do phe cộng sản lãnh đạo xung quanh Paris hay không ? Đương nhiên là « Không ».
Bởi vì khi chiến tranh lạnh kết thúc, các chính đảng Mỹ khó có thể mà tô điểm cho mình một sắc đỏ rực, thường được dùng ám chỉ đến kẻ thù Xô Viết. Cho đến tận những năm 1990, đảng Dân Chủ và Cộng Hòa vẫn còn được phân biệt bằng vật tổ động vật : Con lừa cho phe thứ nhất và Con voi cho đảng thứ hai.
Nhưng trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2000, một hiện tượng kỳ lạ đã xảy ra. Trong cuộc kiện tụng gian lận phiếu bầu dai dẳng giữa ứng viên đảng Cộng hòa George W. Bush và đại diện đảng Dân Chủ Al Gore, chính các hãng truyền thông lớn đã quyết định chọn mầu cho hai chính đảng. Archie Tse, nhà đồ họa cho New York Times sau này có giải thích rằng « Tôi chọn mầu đỏ (red) cho đảng Cộng Hòa vì cả hai từ (red và republicain) đều bắt đầu bằng chữ cái "r", như vậy đơn giản nhất ». Và thế là một cách ngẫu nhiên, trong vòng năm tuần chờ đợi quyết định của Tòa Án Tối Cao (7/11-12/12/2000), tất cả các hãng truyền thống đều đi theo ý tưởng này : « Mầu xanh Dân chủ » và « Mầu đỏ Cộng hòa ».
Vì sao đảng Cộng Hòa lại chấp nhận mầu đỏ ? Jean-Eric Branaa, giảng viên trường đại học Paris II Assas lưu ý : « Hoa Kỳ là một quốc gia trẻ chưa có một truyền thống như vậy. Lịch sử nước Mỹ luôn có những biến động : Chính giới truyền thông đưa ra ý kiến đó và kể lại câu chuyện này. Người dân nghe theo. Họ cũng rất thực dụng : Nếu một nhóm tự xác định bản sắc của mình xung quanh một mầu như vậy, thì tại sao lại không ? Hơn nữa, ở bang Texas, trong những năm 1880, lá phiếu bầu cử của đảng Cộng Hòa cũng đã có mầu đỏ. Đây chỉ là một mã mầu, không có hàm ý gì khác, nhằm giúp một số ít những người Mỹ không biết đọc chữ. »
Trump vượt lằn ranh đỏRồi chính trường Mỹ xuất hiện một doanh nhân có năng khiếu về marketing : Donald Trump. Chiếc mũ lưỡi trai mầu đỏ có ghi hàng chữ in hoa mầu trắng, khẩu hiệu của cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2016 : « Make America Great Again », viết tắt là MAGA đã được những người ủng hộ đón nhận nhiệt tình.
Nhà nghiên cứu về nước Mỹ, Jean-Eric Branaa giải thích tiếp : « Chiếc mũ cát-két bóng chày là một dấu hiệu nhận diện ở Mỹ : Họ đội chiếc mũ này trong một trận bóng đá, khúc côn cầu, tại một trường đại học. Chiếc mũ đó thật sự trở thành một thương hiệu chính trị của đảng Cộng Hòa. Khi nhìn thấy đám đông đội mũ cát-két đỏ, bạn sẽ nói ngay đó là Trump ! Trước ông ấy, điều đó không tồn tại. Không một ai tiếp thị thành công món đồ được sùng bái như Trump. Đến mức rất nhiều ủng hộ viên của đội bóng Mỹ thành phố New York hay San Francisco, mà mầu đỏ là mầu của họ, không còn muốn đội chiếc mũ mầu đỏ thẫm vì sợ bị gán mác theo Trump ! »
Lập trường của nhà tỷ phú địa ốc Mỹ còn làm thay đổi ý nghĩa của mầu đỏ. Donald Trump giờ đại diện cho nước Mỹ da trắng, cảm thấy bị đe dọa trước sự gia tăng nhân khẩu của các nhóm sắc dân thiểu số và lo sợ bị mất đi thế ưu việt chính trị - xã hội. Ông cố tình tránh lên án những hành động bạo lực của phe cực hữu Mỹ, từ những người mang tư tưởng tân phát xít cho đến những cựu thành viên của Ku Klux Klan (KKK), kể cả những người mang cờ Liên minh miền nam.
Một cây bút xã luận của Washington Post từng viết, « ngày nay, đội mũ có hàng chữ MAGA cũng giống như là quấn quanh người lá cờ miền nam ». Ngọn cờ của quân đội ly khai năm 1863, những người từ chối xóa bỏ chế độ nô lệ và cùng với họ là mô hình kinh tế, là cờ « Dixie » đã trở thành biểu tượng phân biệt chủng tộc công khai ở thế kỷ XX. Từ những năm 1930, lá cờ này đã được những người ủng hộ phân biệt chủng tộc tiếp quản, trong đó có KKK.
Tuy nhiên, mầu đỏ rực là một trong những mầu nổi bật của lá cờ Liên minh miền Nam : Trên nền đỏ thắm có gắn một chữ thập « x » mầu xanh lam, được trang trí bằng 13 ngôi sao đại diện cho 13 bang đoạn tuyệt với phương Bắc trong cuộc nội chiến. Theo một giải thích được lưu hành rộng rãi trên mạng Internet, chịu sự ảnh hưởng của các nhà truyền giáo, ngọn cờ này dường như có một ý nghĩa tôn giáo : Chữ thập mầu xanh lam là hình ảnh của thánh Andrew – môn đệ đầu tiên của chúa Giê-su và người bảo trợ cho xứ Scotland, còn mầu đỏ là máu của chúa Kitô.
Donald Trump và chiếc mũ lưỡi trai đỏ có dòng chữ «Make America Great Again» trong một kỳ vận động tranh cử tổng thống Mỹ, ngày 01/06/2016. AP - Jae C. Hong
Vậy mầu đỏ chiếc mũ Trump có sẽ là một biểu tượng của Cơ đốc giáo hay không? Jean-Éric Branaa lưu ý : « Không hẳn là thế vào thời kỳ Liên minh miền Nam ». Thật vậy, William Porcher Miles, người tạo ra lá cờ, đã có ý trao cho lá cờ này một ý nghĩa bất khả tri để tránh những lời chỉ trích từ những người theo đạo Tin lành và người Do Thái trong quân đội Liên minh miền Nam. Ông nhấn mạnh, những mầu sắc đó chính là những mầu của các ngôi sao và sọc quốc gia, còn mầu đỏ là « biểu tượng của sự kháng cự (hardiness) và lòng quả cảm (valor) ».
Mang nặng ý nghĩa, ngẫu hứng hay thực dụng, mầu đỏ ở Mỹ giờ mang đậm dấu ấn chính trị. Nhà nghiên cứu người Pháp lưu ý « người ta không thể quay ngược trở về với thời kỳ trước Trump được nữa ». « Vận mệnh đã an bài » như câu nói của Suetonius dành Julius Caesar khi vượt qua Rubicon. Con sông nhỏ ven biển này chia cắt Cisalpine Gaul với Ý vào thời Cộng hòa La Mã. Truyền thuyết nói rằng, nước sông Rubicon có mầu đỏ của đất.
Theo quy luật, không một vị tướng nào có thể vượt quá giới hạn này cùng với những người binh sĩ vũ trang của mình mà không có sự cho phép của Thượng viện. Đây là một cách để bảo vệ thành Roma trước một cuộc đảo chính quân sự. Bất tuân luật, Caesar đã vào thành bất hợp pháp mà không thể nào quay ngược trở lại được. Ông ấy đã vượt qua lằn ranh đỏ !
Theo RFI