Một chốt chặn ở ngõ vào Hà Nội đang trong thời kỳ phong tỏa. Ảnh chụp ngày 24/07/2021. AP - Hieu Dinh
Sài Gòn « lâm bệnh », Nam-Bắc lại chia cắtNhững con đường nhộn dịp xe cộ của Thành phố Hồ Chí Minh chưa bao giờ yên tĩnh như thế kể từ tháng 4/2020, khi đợt dịch Covid đầu tiên nổi lên tại Việt Nam. Thủ đô kinh tế ở miền Nam đã bị phong tỏa nhiều tuần lễ, cũng như các tỉnh khác. Mười lăm tháng sau, lịch sử lặp lại với 9 triệu dân Sài Gòn : họ bước vào tuần lễ phong tỏa nghiêm ngặt thứ tư, chỉ được ra ngoài để mua thực phẩm một tuần hai lần.
Số ca dương tính ở Việt Nam trước đây không đáng kể, nhưng từ ba tháng qua tình hình đã thay đổi. Một thời gian dài được ca ngợi là gương mẫu về quản lý đại dịch, nay đến lượt Việt Nam phải chống chọi với con virus xuất xứ từ Vũ Hán, do biến thể Delta lây nhiễm mạnh hơn. Xuất hiện từ cuối tháng Tư ở Bắc Giang và Bắc Ninh, nay virus ngự trị ở miền nam. Đầu tháng Năm, số ca dương tính kể từ đầu đại dịch lên đến 4.000, và đến nay đã gần 130.000 ca, trong đó đến 65% tại Sài Gòn. Số tử vong vô cùng thấp trong hơn một năm qua, nhưng giờ đây số nạn nhân thiệt mạng vì Covid đã trên 1.000 người.
Ông Rogier Van Doorn, giám đốc văn phòng Việt Nam của Oxford University Clinical Research Unit ở Hà Nội nhận xét: « Đại dịch ở Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi tầm vóc. Với biến thể Delta, chúng ta đã đạt đến giới hạn các biện pháp phòng chống cho đến nay đã tỏ ra rất hiệu quả (truy vết gắt gao, cách ly lập tức người bị nhiễm và các trường hợp tiếp xúc) ». Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid hôm thứ Tư lo ngại sẽ phải mất nhiều tháng mới kiểm soát được đại dịch ở miền Nam.
Để tránh virus lây lan ra cả nước, Việt Nam nay bị cắt làm đôi. Các chuyến bay Hà Nội- Sài Gòn, đường bay đông đúc thứ bảy thế giới, bị hạn chế hai chuyến một tuần với tối đa 400 khách. Mười chín tỉnh miền Nam có 35 triệu dân bị phong tỏa nghiêm ngặt, còn Hà Nội cũng được thận trọng áp dụng Chỉ thị 16 từ tuần trước. Một người dân khi được Le Figaro hỏi đã tỏ ra ủng hộ quyết định của chính phủ dù cửa hàng nội thất của người này bị đóng vì không phải mặt hàng thiết yếu.
Nếu dùng đại trà vac-xin Trung Quốc, chính quyền gánh rủi ro lớnRõ ràng là sau một năm rưỡi, 98 triệu dân Việt Nam đành phải học cách sống chung với con virus. Bởi vì đã chắc chắn với chiến lược zero Covid, đóng cửa biên giới từ tháng Giêng 2020, chính quyền coi nhẹ tầm quan trọng của chiến lược vac-xin. Với chỉ 4,4% dân số đã được tiêm một liều, Việt Nam đứng hạng chót tại ASEAN về tiêm chủng. Chủ yếu là do chính quyền từ chối sử dụng vac-xin Trung Quốc vì dân chúng không tin tưởng : chỉ có 500.000 liều Sinopharm được Hà Nội tiếp nhận để chích cho công dân Trung Quốc và những người cần qua lại biên giới.
Ông Benoît de Tréglodé, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp phân tích : « Nhờ quản lý tốt đại dịch, đảng Cộng Sản Việt Nam đã củng cố được hình ảnh trong dân. Dùng rộng rãi vac-xin Trung Quốc rất đáng ngờ về hiệu quả, sẽ gánh lấy hậu quả chính trị quá lớn : nếu số ca dương tính và tử vong tăng lên dù đã tiêm đại trà vac-xin Trung Quốc, thì tính chính danh của chính quyền sẽ bị đặt lại hoàn toàn ».
Để đối phó, Việt Nam liên tục ký kết với các nhà sản xuất (Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Sputnik V) để có được 140 triệu liều. Việt Nam cũng đặt cược vào việc tự lực sản xuất vac-xin Nanocovax « made in Vietnam » hiện đang thử nghiệm giai đoạn 3 ở Sài Gòn. Bộ Y Tế tuần này loan báo việc ký chuyển giao công nghệ với Nhật Bản để sản xuất vac-xin ADN tái tổ hợp. Đàm phán tương tự cũng đang diễn ra với Hoa Kỳ. Ông Tréglodé nhận xét : « Giải pháp vac-xin nội địa giúp chứng tỏ chính quyền có thể đối phó với một cuộc khủng hoảng bất ngờ. Thêm một lần nữa, đảng muốn lợi dụng lòng yêu nước mạnh mẽ để tự giới thiệu như người bảo vệ nhân dân hàng đầu ».
Theo RFI