Chờ đợi để được tiêm AstraZeneca bên ngoài nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, Hà Nội, Việt Nam, ngày 03 tháng 8 năm 2021
Dịch bệnh hiện nay tại Việt Nam dù đang diễn ra khắc nghiệt nhưng mặt khác cũng cho thấy nhiều câu chuyện ý nghĩa.
Facebooker Nguyễn Thùy Dương với hơn 85 nghìn người theo dõi trước kia nổi lên từ việc đấu tranh quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm, khi Sài Gòn bị phong tỏa cô đã cùng với bạn bè nấu hàng nghìn xuất ăn cung cấp miễn phí cho dân nghèo gặp khó khăn.
Nhà báo tự do Đoàn Bảo Châu kiêm Facebooker với hơn 129 nghìn người theo dõi đã quyên góp cá nhân được hàng trăm triệu đồng, cùng với Doanh nhân Lê Hoài Anh đã bỏ ra nhiều tỷ đồng để mua lương thực thực phẩm hỗ trợ đồng bào khó khăn.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Tượng Mahatma Gandhi tại Nhà Quốc hội Ấn độ ở New Delhi.
Cảm hứng từ Gandhi Tình cờ mới đây tôi đọc được cuốn sách ‘Hành trình Mahatma Gandhi’, tác phẩm tự truyện của nhà lãnh đạo đất nước Ấn Độ thấy có nhiều điểm trùng hợp ý nghĩa.
Trong tác phẩm ông Gandhi kể lại nhiều câu chuyện về những hoạt động cứu chữa cho những người bị dịch bệnh.
Theo ông Gandhi mô tả hồi đầu thế kỷ 20 ở Ấn Độ thường hay xảy ra dịch bệnh, như tả, kiết lỵ hoặc dịch sưng phổi, khi đó ông Gandhi đã rất tích cực đứng ra tiếp nhận người bị bệnh và cứu chữa.
Nên nhớ ông Gandhi có chuyên môn học luật ở Anh rồi trở về hành nghề luật sư, nhưng thực tế ông đã tự học cách chữa bệnh theo những cách dân gian hoặc theo những cách do ông tự điều nghiên tìm cách chữa trị lấy.
Những việc làm của ông ban đầu bị hồ nghi nhưng tự bản thân ông chữa bệnh cho mình mà khỏi bệnh từ đó ông áp dụng cách đó cho mọi người.
Nhiều trường hợp khốn khó đã được ông chữa khỏi, tuy cũng có những trường hợp dịch bệnh bùng phát nguy hại trong điều kiện y tế khó khăn khiến nhiều người bị chết mà ông không làm gì được.
Nhiều câu truyện trên những trang sách cho biết dịch bệnh bùng phát ở những khu dân cư đông đúc mà điều kiện vệ sinh thấp kém, khi đó ông Gandhi huy động thêm nhiều đồng sự cùng tham gia chữa bệnh cứu người.
Việc làm của ông cũng nhận được sự hoan nghênh của chính quyền thực dân vốn không thể làm được nhiều việc như hoàn cảnh dịch bệnh đòi hỏi.
Theo ông Gandhi mô tả thì trăm năm trước người dân Ấn có lối sinh hoạt rất bẩn thỉu, trên tàu hỏa thì người ở chung cùng lừa ngựa dê, việc phỉ nhổ và bài tiết bừa bãi là thói quen phổ biến.
Ngay cả những nơi sinh hoạt của các chính trị gia, thương nhân hay tầng lớp trên cũng tệ hại, ông Gandhi thường phải hô hào mọi người dọn dẹp nhà vệ sinh và tự ông cũng cầm chổi quét dọn ở những nơi hôi hám bẩn thỉu nhất.
Khi đọc sách đó tôi nghĩ điều đó có ý nghĩa gì, ông Gandhi là nhà lãnh đạo vĩ đại của dân Ấn mà ông lại kể những câu chuyện như vậy thì những chuyện đó trở thành những câu chuyện quốc gia.
Nguồn hình ảnh, Facebook Doan Ngoc Hai
Chụp lại hình ảnh,
Dịch Covid-19 xuất hiện nhiều câu chuyện thiện nguyện trong đó có những người như ông Đoàn Ngọc Hải đang giúp dân gặp khó khăn.
Tôi thấy những câu chuyện của ông Gandhi đã truyền đi một tinh thần tương ái, một ý thức phụng sự và tinh thần nâng đỡ vì con người.
Đây hẳn đã là điều đưa đến tinh thần khoan dung làm nền móng cho một nền dân chủ lớn nhất trên thế giới.
Không chỉ chữa dịch bệnh ông Gandhi còn lập ra những đoàn tình nguyện cứu thương tham gia vào các chiến dịch cùng quân đội Anh trong thế chiến thứ nhất.
Hoặc các đội cứu thương của ông cũng tham gia chữa trị cho cả người dân bị thương tích và các binh lính trong các hoạt động của chính quyền trấn áp dân chúng.
Tinh thần nhân bản và nhận thức duy lý của ông đã thuyết phục được đông đảo người dân Ấn và ngay cả người của chính quyền.
Nguồn hình ảnh, Đỗ Hùng
Chụp lại hình ảnh,
Người dân giúp chở rau đến cung cấp cho những nơi bị thiếu tại TP HCM khi bị phong tỏa.
Quyền lập hội Hiện nay ở Việt Nam đang diễn ra dịch bệnh rất nhiều người đang nỗ lực thiện nguyện tham gia vào công cuộc cứu giúp đồng bào.
Đó có thể là các doanh nhân hảo tâm, những nhà hoạt động xã hội tự do, những nhà báo tích cực quyên góp vận động mua vật tư y tế hay lương thực, cùng rất nhiều người bình thường nhưng đang làm những việc lớn lao ý nghĩa.
Nhiều luật sư tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực trao tặng thực phẩm tới người khó khăn không thể đi lại, kết nối với các nhà tài trợ để đưa người trở về quê xa.
Một nhóm nhà báo tại Hà Nội gồm nhiều Facebooker tên tuổi đã lập Quỹ Hạt Vừng quyên góp hàng tỷ đồng mua thiết bị y tế ủng hộ các bệnh viện dã chiến tại Sài Gòn.
Tôi cho rằng sẽ rất tuyệt vời nếu nhiều người trong số đó sau này sẽ trở thành những nhà lãnh đạo quốc gia.
Khi đó những câu chuyện tương thân tương ái sẽ có dịp được kể lại và với tầm lớn của nhân vật thì câu chuyện sẽ trở thành những câu chuyện quốc gia như của ông Gandhi.
Để đạt được điều đó thì cần có luật về hội để những cá nhân đơn lẻ có tấm lòng và thiên tư tính cách hoạt động xã hội có thể hợp thành tổ chức.
Như trước kia ông Gandhi đã không gặp phải khó khăn trong việc quy tụ những người ủng hộ việc làm hợp thành hội nhóm tham gia vào nhiều đợt cứu người.
Bằng cách đó mới có thể phát huy hết năng lực đưa hoạt động thiện nguyện trở thành chuyên nghiệp bền vững, rồi sau khi đã đạt những thành tựu thì mọi người có thể tham gia ghi danh trong những đợt bầu cử.
Lý tưởng vì con người Khi đọc tác phẩm tự truyện của Mahatma Gandhi nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao một cuốn sách viết từ cả trăm năm trước kể những câu chuyện đời sống từ thế kỷ 19 lại vẫn có thể xuất bản ra thế giới đến với bạn đọc Việt Nam.
Trong khi đó nhiều tác phẩm khác mới chỉ xuất bản vài chục năm đến nay đã chẳng mấy người biết đến chưa nói đến việc có thể bán ra trên thế giới.
Lý do tất nhiên một phần tác giả của sách là nhà lãnh đạo vĩ đại của đất nước Ấn Độ.
Nhưng chỉ điều đó là chưa đủ mà lý do thật sự là tự bản thân cuốn sách đã truyền tải đi những lý tưởng trường tồn với thời gian.
Cuốn sách của ông Gandhi truyền đi các giá trị của lòng yêu thương, tinh thần bác ái, sự kiên trì nhẫn nại, tinh thần quảng đại bao dung, hòa hợp đối thoại với những khác biệt.
Cuốn sách được viết khi ông Gandhi chưa là lãnh đạo quốc gia, kể những việc khi ông còn là một luật sư giúp đỡ cho dân nghèo với đủ mọi khó khăn, chịu sự trấn áp, tấn công, bức hại.
Nhưng tầm nhìn và lòng quảng đại của ông đã vượt xa hơn rất nhiều những kẻ bắt nạt ông khi đó.
Nhờ lòng kiên trì nhẫn nại ông Gandhi đã xây dựng lên chủ thuyết về Bất Bạo Động, rồi truyền tải tinh thần đó đến công chúng trở thành công cụ lý thuyết đấu tranh giành độc lập thành công cho Ấn Độ.
Điều tôi rút ra cho mình hoặc cũng là lời khuyên đến với mọi người, dù có người sau này sẽ trở thành những nhà quản lý nắm giữ cương vị hoặc nhiều người đơn thuần sẽ chỉ là những người bình thường mong muốn ghi dấu cá nhân.
Là mọi người cần hành động và truyền đi những giá trị về lòng yêu thương, tinh thần bao dung, trên cơ sở đó hãy cố gắng giúp đỡ cải thiện đời sống cho nhiều người nhất có thể.
Vì chỉ có tình yêu và lý tưởng vì con người mới là bền vững, và đó là điều tôi học được qua cảm nghĩ về Gandhi.
LS Ngô Ngọc Trai gửi cho BBC từ Hà Nội