Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)
Tuần này, mạng xã hội có rất nhiều chuyện không đáng buồn thì đáng giận. Nếu sử dụng mạng xã hội ắt sẽ thấy, cáo phó càng ngày càng nhiều, người quá cố không thân, quen thì cũng có liên hệ với người thân, quen. Tuy cố tránh nhưng hệ thống truyền thông chính thức cũng không thể không phác qua vài nét để thiên hạ nhận ra, số người chết đang tăng rất nhanh. Giải quyết hậu sự đang vượt quá tầm với của không ít tang gia bởi họ đã suy kiệt về mọi mặt. Thiên hạ luận tuần này chọn đăng hai câu chuyện đang được nhiều người chuyền cho nhau xem và sẽ không dẫn thêm bất kỳ bình luận nào vì hy vọng quý vị - độc giả tự ngẫm và tự bình…
***
Câu chuyện thứ nhất của ông Lan Nguyen Van được ông Lan đưa lên trang Facebook của ông hôm 7 tháng 6. Ông Lân đặt tên cho câu chuyện của mình là Một Shipper buồn nhất thế giới và một thằng bán ga quá rảnh (1)…
Rửa chén xong, nhậu lấy cảm hứng rồi tối sẽ viết bài hầu các anh chị, gắng chờ hen!
Vâng, mình đã hứa chiều nay, giờ mình sẽ viết. Viết cho những gì chứng kiến trưa nay lúc 12 giờ 30 phút trên đoạn đường về nhà.
Cái tính mình tưng tửng, do đó cái tít bài cũng rất cà tửng nhưng thật ra đó là một buổi trưa quá buồn.
Gần hai chục năm kiếm ăn ở đất Saigon, chưa bao giờ mình chứng kiến không khí ảm đạm, thê lương như lúc này. Anh làm to “chết” theo kiểu anh làm to, anh làm nhỏ “chết” theo kiểu anh làm nhỏ.
Khắp mọi nơi nhà nhà đóng cửa, hàng quán đóng cửa. Cả một quãng đường đi làm thường ngày mình phải mất 1 giờ 15 phút lái xe, nay chỉ cần thong thả 40 phút là đến nơi. Mật độ giao thông ở Saigon lúc này chỉ còn khoảng độ 5% đến 10% so với ngày thường.
Ơn trời, cái nghề gas tưởng như xa xôi, không duyên nợ nay lại là một trong những ngành nghề thiết yếu được phép ra đường. Ế - là từ duy nhất cho các công ty gas lúc này dù vẫn còn thoi thóp so với các nghề khác. Ế - nhưng dù sao vẫn kiếm được tí cháo, vẫn cố duy trì được hệ thống vận hành và nuôi được các nhân viên còn gắn bó với công ty. Ế - tất nhiên sẽ rảnh, rất rảnh là đằng khác. Các anh chị khoan hãy thả icon haha bởi mỗi người sẽ chọn lựa việc sẽ làm lúc mình rảnh.
Trưa nay đúng là rảnh thực sự. Sau khi điều phối cho các em giao hàng buổi chiều, mình lên xe về nhà. Ngang qua ngã tư Âu Cơ - Lạc Long Quân tự nhiên thấy một bạn “shipper” trong đồng phục trắng tinh. Phía sau là một cần xé nhựa chất ba lớp hũ đựng cốt hỏa thiêu. Thoáng nghĩ, cha nội này giờ làm ăn phát tài nhỉ (?) nhưng nhìn kỹ lại thì thấy trên mỗi hũ sành có dán nhãn ghi họ tên. Thế là tò mò, thông chốt chạy theo...
Em ấy bỗng chạy chậm lại, móc điện thoại gọi cho ai đó... thì ra em ấy đang chở 27 hũ cốt đi giao cho các gia đình không may có người chết trong dịch COVID này. Mình rà xe lẽo đẽo bám sau. Trên một đoạn chưa đầy hai km thuộc phường Phú Trung, quận Tân Phú mà em ấy đã giao hết một nửa. Phần lớn là dừng xe trước mỗi đầu hẻm nhỏ bị giăng dây cách ly phong tỏa. Rất thành thạo, y như giao một món hàng bình thường, em ấy dừng xe, móc điện thoại gọi ai đó, chờ, khoảng ba phút sau là có người ra ký vô cái biên bản in sẵn…
Mình vẫn lẽo đẽo theo sau. Đến hẻm 42 Âu Cơ, hẻm cũng bị giăng dây. Mình đứng bên này đường quan sát. Trước hẻm chỉ có một vị cựu chiến binh mang hàm thượng tá trông coi. Thấy em “shipper” trao đổi gì đấy, vị cựu binh dạt ra xa lên hiên nhà. Em “shipper” cố phân trần nhưng vị kia vẫn khoát tay lia lịa…
Hơn mười phút trôi qua, mình xuống xe băng ngang đường hỏi lý do… thì ra vị cựu chiến binh cũng có lý khi hai hũ cốt không có người đủ trách nhiệm nhận bởi cả gia đình trong hẻm kia đều rất hoàn cảnh... Mình chợt xen vô đề nghị vị ấy gọi cho cảnh sát khu vực nhưng rất tiếc khi biết anh công an kia cũng đang là F1, bị cách ly rồi…
Tội nghiệp anh “shipper” đang lo lắng vì trên xe còn đến hơn chục hũ, sợ không hoàn thành chỉ tiêu. Bất chợt từ bên trong có thằng bé tầm mười, 12 tuổi đi cùng một bà già tiến ra đầu hẻm. Bà già giới thiệu vắn tắt mà nghe rùng mình: Giờ nhà nó chỉ còn mình nó ở đây thôi đó. Đi cách ly hết rồi. Hôm trước hai hũ của ông bà nội nó mang về đã thờ tự được gì đâu, vẫn để tạm trong nhà. Nay tui dẫn nó ra nhận thêm hai hũ này nữa. Cha mẹ nó đó. Chắc mang vô tạm rồi sau dịch tính tiếp...
Vậy là bà hàng xóm ấy bất đắc dĩ phải thò bút ký nhận vì thằng bé không biết chữ. Mặt nó trông vô hồn khi hai tay xách hai hũ cốt như cách người ta bỏ trái dừa trong bao nylon lẽo đẽo theo bà già quay trở vô.
Mình quay qua hỏi vị cựu binh đang đứng xa trên hiên nhà: “Ủa, đồng chí không ở địa bàn này à?”. “Có đâu! Tui ở khu phố khác, Hội Cựu chiến binh phường mới điều tôi về canh hẻm này hôm qua, các vị canh giữ ở đây giờ đi cách ly hết rồi.”… Ông ấy trả lời một tràng như phân trần khi thấy mình đưa máy lên chụp hình.
Trời chợt đổ cơn giông, mình vội vàng giúp em “shipper” lấy tấm áo mưa che tạm cho mười mấy hũ cốt chưa giao kịp. Liếc vội vào những cái nhãn dán sẵn, đa số còn rất trẻ, địa chỉ Tân Phú, Tân Bình. Núp dưới hiên nhà hút thuốc chờ mưa tạnh, em “shipper” chợt hỏi: Anh làm nghề gì mà rảnh dữ vậy? Đưa số điện đây, mai mốt tui gọi đi theo chứng kiến nhiều câu chuyện buồn hơn lúc nãy nhiều!
Mình không trả lời, chỉ thầm nghĩ, ờ anh đang rất rảnh, rảnh lắm, rảnh để nhìn một Saigon đang rất ảm đạm, buồn thương hơn lúc nào hết đây em ạ!
***
Câu chuyện thứ hai của ông Đào Tuấn được ông Tuấn đưa lên trang facebook của ông hôm 8 tháng 6. Ông Tuấn viết ngắn hơn ông Lan và giống như ông Lan, ông cũng đặt tên cho câu chuyện của ông. Tên nó là: Oánh không từ thứ gì (2).
Trong Oánh không từ thứ gì – ông Tuấn kèm một tấm ảnh chụp hai người đàn ông ăn mặc trịnh trọng, đeo khẩu trang, đứng giữa một cái máy. Phía sau là một banner có cả Việt ngữ lẫn Hoa ngữ… và chú thích…
Cái ở giữa hai ông đeo khẩu trang là máy thở Eliciae MV20 mà Vạn Thịnh Phát và Đại học Văn Lang bỏ tiền mua từ Nhật để tài trợ cho Bộ Y Tế, cho Sài Gòn chống dịch.
Đại học Văn Lang sau đó có công văn gửi Hải quan đại khái xin xác nhận 2.000 máy thở này là nhập khẩu để viện trợ nhân đạo cho chính phủ giúp phòng chống dịch COVID thì không phải chịu thuế nhập khẩu và không chịu thuế GTGT (giá trị gia tăng).
Hải quan, trích dẫn từ A đến Z dài đúng một gang nhưng tóm lại: Thở chứ gì, thuế GTGT. Đ… nói nhiều. Còn mức thuế 5% hay 10% thì tùy xem chúng mài có xác nhận của Bộ Y tế không.
Cái xe cứu thương của ông Đoàn Ngọc Hải nhập về làm từ thiện, hoàn toàn phi lợi nhuận, vẫn thuế. Giờ, cả máy thở cho dân đang ngáp cá trong đại dịch.
Nghĩ cũng tài thật. Tài ở chỗ oánh không trượt phát nào. Oánh không từ thứ gì. Máy thở người ta nhập chỉ để tài trợ cho chính mình - một tay thì hoan hỉ nhận một tay vẫn oánh như kiểu chả liên quan đ..!
***
Kẻ viết bài này không có chuyện nào để kể, chỉ xin góp thêm vài thông tin: Hồi cuối tháng 5, Tổng cục Thuế loan báo: Bất chấp dịch, nguồn thu cho ngân sách trong năm tháng đầu năm tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái (3). Một tháng sau, Bộ Tài chính – chủ quản của cả Tổng cục Thuế lẫn Tổng cục Hải quan - cho biết thêm: Tiền thu về cho ngân sách trong sáu tháng đầu năm nay bằng 57,7% dự tóan, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng cần nói thêm là Bộ Tài chính còn khoe: Không chỉ có tiền thu về cho ngân sách sách tăng mà chính phủ còn tiết kiệm được các khoản chi. Nếu tính cả chi cho hoạt động phòng, chống dịch thì đã hết sáu tháng nhưng tổng chi từ ngân sách chỉ mới hết có… 41,2% dự toán (4). Đợt dịch thứ tư bùng lên hồi cuối tháng 4, đến hết tháng 6 mà vẫn có thể tiết kiệm như thế thì rõ ràng đảng, nhà nước, quốc hội, chính phủ không… nói điêu về khả năng quản trị, điều hành, vừa chống được dịch, vừa phát triển được kinh tế!
Theo VOA
___________
Chú thích(1)
https://www.facebook.com...7/posts/2297699473697517(2)
https://www.facebook.com...8/posts/4316807555008460(3)
https://tuoitre.vn/ngan-...ch-20210531191351566.htm(4)
https://www.qdnd.vn/kinh...775-nghin-ty-dong-664196