Chỉ số Purchasing Managers' Index (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng từ 44,1 điểm trong tháng 6 lên 45,1 điểm ở tháng 7 [1]. Nhưng chớ có vội mừng, vì số liệu này vẫn cho thấy các điều kiện kinh doanh sản xuất đang ở mức suy giảm nghiêm trọng 2 tháng liên tiếp. Chỉ số PMI được công bố nhỏ hơn mức trung bình là 50% có thể khiến thị trường biến động, chao đảo. Vì thế đã dẫn đến kết quả 7 tháng qua có đến gần 80 ngàn xí nghiệp phá sản, 70% doanh nghiệp thủy sản phía Nam ngưng sản xuất... Dân thất nghiệp đã xấp xỉ 33 triệu người. Ngoài hàng loạt nhà máy đóng của, ngành dịch vụ chuyên chở, hàng không “hấp hối”. Chi phí logistics tăng “phi mã” khiến hàng loạt ngành hàng hóa xuất nhập cảng qua vận tải đường thủy tồn đọng bất thường. Mọi việc liên quan cứ rối mù như “như nồi canh hẹ”. Làm cho các công ty không thể tính toán được kế hoạch sản xuất, kinh doanh...
Nếu số liệu thực tế của chỉ số PMI lớn hơn 50%, thì nền kinh tế đang có hướng đi tích cực, sản xuất đang lên. Ngược lại, nếu số liệu thực tế của chỉ số PMI nhỏ hơn 50%, chứng tỏ viễn ảnh nền kinh tế đang co cụm, sản xuất bị thu hẹp. Trong hơn 03 năm gần đây, thời kỳ Việt Nam có chỉ số PMI cao nhất, lên đến 60.8% thuộc vào tháng 9 năm 2018. [2]
Ngày 27 tháng 4, Việt Nam bước vào đại dịch CoVid đợt 4 với biến chủng Delta – có đặc tính lây nhanh khủng khiếp. Nhà Nước ra lệnh phong tỏa các thành phố có dấu hiệu lây bệnh. Đồng thời ra lệnh cho các công ty áp dụng “3 tại chỗ” (làm việc, ăn, ngủ tại chỗ). Lệnh này chỉ có thể áp dụng cho công ty nhỏ, chừng vài chục công nhân. Do vậy, gần 80 ngàn công ty không đủ điều kiện tối thiểu và nhân lực để thi hành mệnh lệnh chính trị “3 tại chỗ” đành phải ngưng hoạt động hay phá sản. Trung bình mỗi tháng gần 12 ngàn công ty phải rút khỏi thị trường sản xuất trong mấy tháng gần đây.
Chỉ khoảng 30% công ty ngành thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam tạm đủ điều kiện thực hiện mệnh lệnh "3 tại chỗ" và số lượng công nhân huy động cũng chỉ được 30-50%. Lượng hàng sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-40%.
Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến-xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Hôm 06/8 báo Thanh Niên cho hay, thêm 103 nhà máy chế biến thủy sản ở miền Nam tạm thời ngưng hoạt động, do phong tỏa xã hội nghiêm ngặt trong đợt dịch COVID-19 đang bùng phát khắp nơi tại Việt Nam. Khi các công ty thủy sản ngưng hoạt động, thì cũng đồng thời kéo theo các nhà cung cấp vật tư, phụ liệu, bao bì... hỗ trợ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%. Chính vì vậy mà có tới 70% doanh nghiệp thủy sản không thể thực hiện lênh “3 tại chỗ” của Nhà Nước.
Hai ngành diệt may và đồ gỗ nội thất còn kiếm ăn được. 7 tháng qua, ngành dệt may xuất khẩu đạt gần 23 tỷ Mỹ kim so với mục tiêu khoảng 39 tỷ Mỹ kim của năm. Sản phẩm xuất cảng làm từ gỗ đạt gần 9,6 tỷ Mỹ kim, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính đến ngày 18 tháng 8, tâm dịch vẫn là Sài Gòn, nơi có nguồn thu quan trọng bậc nhất cho Ngân Sách Nhà Nước và là trung tâm kinh tế số 1 của Việt Nam, nơi ghi nhận hơn 161.524 người nhiễm bệnh. Hiện tại, số người nhiễm CoVid chủng mới Delta ở Việt Nam là 302.101 người, 6.770 tử vong. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, cách riêng các Tỉnh Miền Nam khiến nhà máy đóng cửa, công nhân mất việc gia tăng nhanh chóng. . . Mọi người rơi vào tình trạng “giở khóc, giở cười”.
Khi nhiều công ty gián đoạn hoạt động thì lượng công việc tồn đọng tăng, làm cho đơn đặt hàng mới bị ứ đọng, rồi chuyển sang giảm mạnh và đi đến tình trạng mất thị trường tiêu thụ hàng hóa. Sự gián đoạn nghiêm trọng của chuỗi cung ứng được ghi nhận trong tháng 7, ở mức độ cao nhất so với một thập kỷ trước.
Thời gian giao hàng kéo dài là do khâu vận chuyển cả trong nước và quốc tế vì đại dịch, gây ra tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu như sắt, thép, các sản phẩm nhập khẩu từ Trung cộng và cước phí vận chuyển tăng phi mã, thay đổi chóng mặt, khiến nhà kinh doanh không còn làm chủ được kế hoạch sản xuất và phân phối hàng hóa. Giao và nhận hàng không nhịp nhàng làm cho chi phí đầu vào tăng. Tốc độ tăng chi phí đầu vào đã vượt làn ranh kể từ tháng 4/2011.
Có một số công ty chuyển gánh nặng chi phí tăng này cho khách hàng, trong khi các công ty khác lại do dự làm việc đó vì nhu cầu tiêu thụ đang suy yếu.
Do số công ty phá sản tăng cao, hay không thể thực hiện “3 tại chỗ” phải tạm ngưng sản xuất dẫn đến lượng hàng nhập cảng tồn đọng tại cảng Cát Lái [3] lên tới 50.872 TEU (1 TEU = 1 container 20 feet, bình quân trọng lượng khoảng 15 tấn), chiếm 95% dung lượng thiết kế. Đặc biệt có 6.544 TEU hàng tồn đọng trên 90 ngày.
Mối lo là tương lai rất gần hàng tồn bãi tăng khoảng 5% lên mức 115.000 TEU, chiếm khoảng 91% dung lượng thiết kế. Trong đó, sản lượng nhập cảng tồn bãi sẽ tăng khoảng 5% lên mức 53.500 TEU, lúc đó có thể chiếm 100% dung lượng thiết kế hàng nhập, dẫn đến nguy cơ cảng bị gián đoạn hoạt động.
Gần như 95% hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển, do khối lượng nhiều, giá rẻ, kết nối toàn cầu. . . Nhưng trong thời CoVid giá cước phí tăng nhanh và đổi thay tùy vào tình thế khiến hàng loạt ngành hàng xuất nhập khẩu gặp khó. Trong khi doanh nghiệp vận tải đường bộ và hàng không đều bị “gục ngã” ngay trong đại dịch CoVid-19.
Tình trạng này dự báo còn kéo dài đến cuối năm nay, lập đỉnh vào quý IV. Chi phí tăng cao đang khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đứng trước nguy cơ mất sức cạnh tranh, thậm chí mất thị trường như dệt may, hồ tiêu, thủy sản, gỗ...
Kết cuộc giá cả đầu ra thấp hơn nhiều so với chi phí đầu vào, từ đó tạo áp lực lên biên lợi nhuận của phía nhà sản xuất ít nhất cũng giảm 40%. Những lo lắng về ảnh hưởng hiện nay của đại dịch khiến niềm tin kinh doanh trong tháng 7 vẫn ở mức thấp hơn trung bình của lịch sử chỉ số.
Tạm thời, đại dịch CoVid ít gây họa tới lợi tức Ngành Ngân Hàng Thương Mại (NHTM). Một phần lớn nợ xấu đang nằm ở VAMC và nợ cơ cấu lại mà không chuyển nhóm theo Thông tư 01 và Thông tư 03 sửa đổi, để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ở góc độ này, theo dữ liệu Chính phủ vừa công bố, tính đến tháng 5/2021 quy mô nợ xấu nhận diện tổng thể lại ở mức 3,4% so với cuối 2020, ở khoảng 4,4%.
Như vậy, nợ xấu nhận diện tổng thể vẫn ở 4,4% khiến tỷ lệ nội bảng 1,77% không hẳn thấp và không hẳn là ấn tượng hay kỳ tích trong bối cảnh tác động sâu rộng của Covid-19.
Nhìn cả một quá trình, suốt một thập kỷ qua kể từ khi nợ xấu được nhận diện tổng thể vào năm 2012 với mức độ lên tới trên 17%, thì việc tồn tại "hai con sổ" để xác định nợ xấu vẫn luôn “không hề thay đổi”. Tuy nhiên đến cuối năm mà không diệt được chủng mới Delta thì nợ xấu ngân hàng sẽ tăng không thể kiềm soát được.
Trong 7 tháng đầu năm nay, số tiền thuế các cá nhân, tổ chức đang nợ Nhà Nước đã tăng gần 23% so với thời điểm cuối năm trước, chỉ dấu cho thấy hoạt động kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Tuy nhiên, số thu vẫn cao nhờ nhiều lĩnh vực nóng như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, lắp ráp ô tô...
Trong hoàn cảnh co cụm của nền Kinh Tế Xã Hội: Thuế phí thất thu; Thất nghiệp cũng khoảng 33 triệu người. Vaccine chủng ngừa Covid nhập từ Âu Mỹ thì dành cho cán bộ và gia đình, còn dân dã thì không có chọn lựa nào khác là phải tiêm vaccine từ Trung cộng. Cánh hành xử bất công đẩy hàng triệu người thiếu thu nhập vào cảnh đói khổ oán than, xô đẩy hàng ngàn dân bỏ thành phố túa ra các quốc lộ, chấp nhận gian truân trên đường “chạy giặc virus Vũ Hán” quay về nguyên quán.
Chiều 17-8, Nhà cầm quyền Sài Gòn khẩn cấp xin Chính Phủ số tiền gần 28.000 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo. Số tiền và gạo này nói là để hỗ trợ thuê phòng trọ và lương thực cho người lao động nghèo trong thời gian Sài Gòn áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16. Có khoảng gần 4,74 triệu dân lao động mất việc làm đang bị nạn đói đe dọa hàng ngày.
Tại vựa lúa Miền Tây, đồng bằng sông Cửu Long, theo các địa phương cho biết, có khoảng 500 ngàn dân tại một số Tỉnh bị đe dọa do thiếu ăn cần chính phủ giúp gạo khẩn cấp.
Tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu cùng một số trí thức công khai kêu gọi chính phủ có biện pháp cứu trợ khẩn cấp vô điều kiện cho đồng bào, sau khi nêu ra tình trạng hàng ngàn người dân hôm 15/8 đã phải “tháo chạy” khỏi Sài Gòn vì không có gạo cầm hơi, thiếu nơi để ở khi thành phố Sài Gòn ra lệnh giãn cách xã hội đến 15/9.
Tình huống hôm nay được bắt nguồn từ nhiều tháng trước, vậy bằng cách nào mà Tổng Cục Thống Kê (TCTK) vẫn có được GDP (Tổng Sản phẩm quốc nội) 6 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam tăng trưởng 5,64% còn quý hai cũng tăng đến 6,61% [4]. Số liệu tăng GDP của TCTK quả là “thần kỳ”!
Ngược lại với TCTK, Phòng phân tích Công Ty Chứng Khoán Mirae Asset Việt Nam đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 xuống mức 5,9%. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cũng dự báo GDP Việt Nam ở mức 4,5 - 5,1% nếu dịch được kiểm soát cuối quý 3/2021. Nếu đến cuối năm mới kiểm soát được dịch CoVid thì dự báo GDP chỉ xê dịch quanh mức 3.5% - 4.0% thôi. [5]
Thạc sỹ Kinh Tế, tài Chánh Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng: “Hoạt động kinh tế để có thu nhập cho người lao động, duy trì hoạt động của doanh nghiệp quan trọng hơn con số tăng trưởng GDP, cho dù là 6%, 5% hay 4%”.
Bhutan là Quốc gia nhỏ bé ở Nam Á, dân số dưới 1 triệu người, được thế giới nhìn nhận là nước có chỉ số hạnh phúc thứ 8 trên thế giới. Vua Jigme của Bhutan quan niệm rằng “Tổng Hạnh phúc Quốc gia còn quan trọng hơn Tổng Sản phẩm Quốc nội - GDP” [6].
Trần Nguyên Thao
_________________
Tham khảo:[1]
https://cafef.vn/pmi-tha...am-20210802082439286.chn[2]
https://cryptoviet.com/pmi-la-gi[3]
https://tuoitre.vn/hang-...eu-20210802101203103.htm[4]
https://1thegioi.vn/gdp-...19-bung-phat-167722.html[5]
https://cafef.vn/nhieu-t...62-20210804151536969.chn[6]
https://vi.wikipedia.org/wiki/Bhutan