Ấn kiếm của vua Bảo Đại tại lễ thoái vị 30/8/1945.
(Như là một hình thức góp ý với hai bài viết trên VOA của Cù Huy Hà Vũ và bài phản biện của Nguyễn Lương Hải Khôi).
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tuyên bố độc lập ngày 2 tháng Chín năm 1945. Trước đó ông Bảo Đại đã trao Tuyên ngôn Độc lập cho ông Yokohama, Đại sứ Toàn quyền của Nhật tại Việt Nam, ngày 12 tháng Ba năm 1945.
Quốc gia tên gọi là Việt Nam thực sự “độc lập” ngày nào ? Ngày 2 tháng Chín 1945 hay ngày 12 tháng Ba 1954 ?
Để có thể trả lời chính xác, điều tiên quyết ta cần phải hiểu thế nào “quốc gia” và thế nào là “độc lập” ?
Học giả VN thường nhắc đến công ước Montevideo 1933 để định nghĩa “quốc gia - état, state”.
VN hiện thời gọi “Etat - State” là “nhà nước”. Vấn đề là “quốc = nước” và “nhà = gia”. Tức là “nhà nước” là “quốc gia”, diễn theo tiếng Nôm.
Ghi nhận khác, quốc gia tên gọi là “Quốc Gia Việt Nam - Etat National du Viet Nam”, thành hình sau Hiệp ước Elysée 1949.
Etat = quốc gia. Vậy là dịch thiếu một chữ. Chữ “National” bị bỏ sót (hay chữ Etat bị bỏ sót). National có thể dịch là “quốc gia” hay “dân tộc”, tùy theo trường hợp. Ở đây “Etat National du Viet Nam”, từ National là “Dân tộc”. Quốc gia của dân tộc Việt Nam. Viết văn chương một chút sẽ là “Việt Nam Dân Quốc”. Cách gọi này nay đã lỗi thời. Người ta thế “Etat National” bằng chữ “cộng hòa”. Vì vậy sau khi hạ bệ ông Bảo Đại (bằng trưng cầu dân ý), ông Diệm đổi tên nước thành ra “Việt Nam Cộng hòa”.
“Quốc gia” là gì ?
Theo bản tiếng Pháp ở đây, điều thứ nhứt của Công ước về Quyền lợi và Nghĩa vụ của Quốc gia (còn gọi là công ước Montevideo 1933):
“L’État, comme personne de Droit international, doit réunir les conditions suivantes : 1) Population permanente ; 2) Territoire déterminé ; 3) Gouvernement ; 4) capacité d’entrer en relation avec les autres États”.
Có thể được hiểu như sau: Quốc gia, được xem là đối tượng (chủ thể) của Luật quốc tế, phải hội đủ các điều kiện: 1/ có dân chúng thường trực; 2/ lãnh thổ được xác định; 3/ có chính phủ và 4/ có khả năng tham gia vào các quan hệ với các quốc gia khác.
Vấn đề là hầu hết các học giả VN, khi nói về “quốc gia” thì họ chỉ nói tới các yếu tố “trên thực tế” là dân chúng, lãnh thổ và chính phủ, bất kể các yếu tố nền tảng này có hội đủ điều kiện hay không.
Cũng ít thấy ai bàn về khả năng của “quốc gia” trong quan hệ quốc tế, mặc dầu đây là yếu tố cốt lõi để được nhìn nhận là “quốc gia”.
Họ cũng thường quên đi mất yếu tố “quốc gia là đối tượng của Luật quốc tế”, qui định của Công ước Montevideo.
Và cũng không ít người lẫn lộn giữa việc “công nhận giữa chính phủ nước này với chính phủ nước kia” với việc công nhận sự hiện diện, hay sự thành hình của một “quốc gia” trước trường quốc tế.
Trường hợp lãnh thổ tên gọi “Sahara occidental - Tây ngạn Sahara”, qua vụ phân xử ở Tòa Công lý quốc tế 1975, lãnh thổ này vẫn không thể xác định được “tình trạng pháp lý” của nó. Lý do là dân ở đây “du mục”, không thường trực. Yếu tố thứ nhứt của Công ước Montevideo không hội đủ. Vấn đề dân du mục chỗ ở thay đổi thường xuyên khiến cho đường biên giới “mouvante - thay đổi”. Vì vậy nó không thể là “quốc gia”.
Ta thấy các “quốc gia” như Cộng hòa Bắc Chypre duy nhứt được Thổ công nhận.
Một số thí dụ: trường hợp Đài loan và Trung hoa lục địa hiện thời. Quốc gia Trung hoa chỉ có một nhưng có hai chính phủ đại diện. Một ở Bắc kinh và một ở Đài loan. Hiện nay đa số các quốc gia trên thế giới nhìn nhận chính phủ Bắc kinh là “đại diện chính thức” của “quốc gia - état - state” tên gọi Trung hoa. Một số ít quốc gia khác lại công nhận chính phủ Đài loan là đại diện chính thức của nước Trung Hoa. Vấn đề là nước Trung hoa do chính phủ Bắc kinh đại diện được nhìn nhận là “thành viên” của tổ chức Liên Hiệp quốc.
Trường hợp VN trước khi thống nhứt đất nước 1976 cũng giống như Trung hoa và Đài loan (hay Nam, Bắc Hàn và Đông, Tây Đức). Khác nhau giữa VN với Trung hoa là hai phía VN, VNDCCH và VNCH, không có bên nào có ghế thành viên của LHQ.
Trường hợp một vùng lãnh thổ “chưa được xác định”, như Nam và Bắc VN bị phân chia sau 1954. Hiệp định Genève qui định “vĩ tuyến 17” là đường giới tuyến quân sự tạm thời. Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không thể gọi đó là “đường biên giới”. Vì vậy VNCH và VNDCCH, do đường biên giới chưa xác định, không thể được xem là “quốc gia độc lập có chủ quyền”.
“Quốc gia - Etat - State” vì vậy có hai mặt: mặt thực tế (lãnh thổ, dân chúng, chính phủ, quan hệ với các quốc gia khác… và mặt “pháp nhân”, tức quốc gia như là “đối tượng của công pháp quốc tế”.
Có học giả Pháp nói câu rằng: khi anh đóng thuế là anh đóng cho “thằng” quốc gia. Khi anh đi ăn, đi chợ, mua nhà, tậu xe… anh cũng đi chung với nó (vì phải đóng thuế).
Đối tượng của công pháp quốc tế, quốc gia “có trách nhiệm trước pháp luật quốc tế” về các hành vi của mình, như phải tôn trọng Hiến chương LHQ, phải tuân thủ các hiệp ước đã ký kết, phải “giữ lời hứa” khi ra những “tuyên bố chung” hay “tuyên bố đơn phương”...
Độc lập, nghĩa thông thường là đứng một mình. Trong chính trị, từ “độc lập” thường được sử dụng trong trường hợp các quốc gia thoát khỏi ách “thực dân - colonie” hay “chư hầu – suzeraineté”. Quốc gia được gọi là “độc lập” khi quốc gia đó không còn bị ràng buộc chính trị từ một thế lực ngoại bang.
Về vấn đề “quyền dân tộc tự quyết”. Có đến hơn 60 quốc gia mới đã được thành lập, dựa trên điều 55 của Hiến chương LHQ. Quyền này không đơn thuần là những gì đã ghi trong Hiến chương LHQ 1946 mà qua Nghị quyết 1514 của Đại hội đồng LHQ, được biểu quyết ngày 14 tháng 12 năm 1960, với tên: “Déclaration sur l’octroi de l’indépendance aux pays et aux peuples coloniaux” - Tuyên bố về sự ban bố nền độc lập cho các nước hay các dân tộc bị lệ thuộc. Tuyên bố này nhìn nhận: “Tous les peuples ont le droit à l’autodétermination - Mọi dân tộc đều có quyền dân tộc tự quyết”.
Trước khi LHQ thành lập, trong “hiến chương” của Hội Quốc liên có hiện hữu của “bổn phận”, gọi là “devoir de civilisation - bổn phận khai hóa” đối với những dân tộc “bán khai”. Các đế quốc tự cho là “văn minh” nhận thấy rằng có nhiều dân tộc cần được “khai hóa”. Hiển nhiên đây là cái cớ để chủ nghĩa “thực dân” bành trướng trên thế giới.
Từ khi Tuyên bố về “quyền dân tộc tự quyết” của LHQ ra đời, số đông quốc gia thành hình qua việc “trả lại độc lập” của các đế quốc thực dân (như Ấn độ, Mã lai…). Hoặc phải đấu tranh vũ trang giành độc lập (như Algérie, VN…)
Trong quốc tế công pháp, “độc lập” được hiểu như là “có chủ quyền – souveraineté” (phán quyết của trọng tài Max Huber, CIJ về tranh chấp đảo Palmas 4-4-1928). Quốc gia có chủ quyền là quốc gia độc lập, không bị ảnh hưởng từ một nước nào khác trong vấn đề bang giao với các quốc gia khác.
Tức là trên phương diện công pháp quốc tế, “độc lập” luôn đi đôi (nếu không nói là đồng nghĩa) với “có chủ quyền”.
Từ "chủ quyền - souveraineté" bắt nguồn ở cuộc cách mạng Pháp 1789. “Chủ quyền” được định nghĩa như là một "thẩm quyền tối thuợng, tuyệt đối và vô điều kiện". “Quyền” ở đây là “quyền” của “quyền lực – pouvoir, power”, chứ không phải “quyền” của “droit, right” (như “quyền sở hữu”). Tức là "quyền lực tối thượng - chủ quyền" có thể ban bố ra "quyền sở hữu" cũng như "truất bỏ" quyền sở hữu.
Thời phong kiến "chủ quyền" thuộc về người lãnh đạo tối cao (vua). Trên nguyên tắc dân chủ, "chủ quyền" thuộc về nhân dân. Theo đó không một chủ thể bất kỳ, hay một cá nhân nào đó, có thể hành sử quyền hành mà không bắt nguồn một cách minh bạch từ nhân dân.
Tức là, điều kiện để một quốc gia độc lập (có chủ quyền) là: 1/ quyền lực quốc gia bao trùm lên toàn lãnh thổ quốc gia. Quyền lực này “tối thuợng”, có tính “độc quyền”, không chịu ảnh hưởng hay áp lực từ bất kỳ một quốc gia nào. 2/ Độc lập trong vấn đề bang giao với các nước khác, tức được các quốc gia khác nhìn nhận với tư cách là “quốc gia”.
Theo Luật quốc tế, “chủ quyền - sovereignty” của một “quốc gia” là “tối thượng và bất khả phân”.
Trường hợp “condominium”, cộng đồng quản trị trên một vùng lãnh thổ. Vì nguyên tắc “bất khả phân” của “chủ quyền”, một số lãnh thổ “condominium”, như giữa Pháp và Tây ban nha về đảo Faisans trên sông Bidassoa. Đảo này 6 tháng dưới sự quản trị của Pháp và 6 tháng dưới quyền Tây ban nha.
“Chủ quyền - sovereignty” của mọi quốc gia, trước Luật quốc tế, là “bình đẳng”, bất kể quốc gia lớn, nhỏ, giàu nghèo ra sao.
Khi hiểu về “quốc gia”, về “độc lập” và “chủ quyền” như vậy, thì các tuyên bố độc lập của ông Bảo Đại ngày 12 tháng 3 năm 1945, hoặc của ông Hồ ngày 2 tháng 9 năm 1945, tuyên bố nào có giá trị pháp lý?
Ngày 10 tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chánh Pháp, chiếm Đông Dương. Đại diện Nhật Hoàng là ông Yokohama tiếp xúc với ông Bảo Đại đề nghị trả lại độc lập cho VN. Ngày 12 tháng 3 năm 1945 Bảo Đại trao bản tuyên ngôn độc lập cho ông Yokohama. (Bản Tuyên ngôn ký ngày 27 tháng giêng năm Bảo Đại thứ 20). Bảo Đại tuyên bố vô hiệu lực các hiệp ước bảo hộ (mà nhà Nguyễn) đã ký trước đây với Pháp. Quốc gia tên là « Đế Quốc Việt Nam » ra đời. Ngày 17-4-1945 chính phủ Trần Trọng Kim thành lập.
Câu hỏi đặt ra, Tuyên ngôn của Bảo Đại có thật sự là “tuyên ngôn độc lập”, với một nước VN thật sự độc lập ?
“Tuyên ngôn độc lập” của Bảo Đại, trên phương diện quốc tế công pháp, là một “tuyên bố đơn phương”. Tuyên bố này có giá trị pháp lý hay không tùy thuộc vào hai yếu tố :
a) Ông Bảo Đại có đầy đủ “quyền lực tối thượng” (và độc quyền sử dụng quyền lực) trên toàn lãnh thổ Việt Nam hay không ?
Câu trả lời là không. Bởi vì phía thực sự nắm quyền lực là quân chiếm đóng Nhật.
b) Tuyên bố của Bảo Đại có được sự nhìn nhận của các quốc gia khác hay không?
Trên thực tế tuyên bố này chỉ có Nhật thừa nhận (kiểu cộng hòa Bắc Chypre chỉ có Thổ công nhận)..
Việc nhìn nhận của Nhật không đủ để bảo kê cho VN trở thành một quốc gia độc lập (sau khi Nhật đầu hàng).
Bởi vì, theo các văn kiện của phe chiến thắng, tất cả các chính quyền do Nhật dựng lên (ở các thuộc địa của Nhật) đều không được nhìn nhận.
Đế quốc VN của Bảo đại cũng không thiết lập bang giao với bất kỳ quốc gia nào. Quân sự lẫn ngoại giao đều nằm trong tay Nhật.
Việc này có thể gây thất vọng cho nhiều người. Nhưng nếu suy tính về lợi hại, ta thấy việc này có lợi cho VN.
Bởi vì, nếu quốc gia tên gọi “Đế quốc Việt Nam” của Bảo Đại được quốc tế nhìn nhận, thì quốc gia tên gọi "Đế quốc Việt Nam" sẽ bị xếp chung vào phe Trục (Nhật, Đức, Ý), trở thành các quốc gia thù nghịch với Đồng Minh.
Các quốc gia này sẽ bị đối xử như là các nước thua trận.
Một ghi nhận, tương tự VN, tại Campuchia Norodom Sihanouk lên ngôi năm 1941. Nhân dịp Nhật hất chân Pháp, ngày 12 tháng 3 năm 1945, ông hoàng Sihanouk tuyên bố Campuchia độc lập đồng thời tỏ thái độ mang ơn Nhật đã « giải phóng » đất nước của ông ta. Nhưng đến ngày 3 tháng 9 năm 1945, Nhật Bản đầu hàng, việc này chấm dứt đường lối chính trị « thời cơ chủ nghĩa » của Norodom Sihanouk cũng như chấm dứt chủ nghĩa bành trướng của Thái lan. Ngày 7 tháng giêng năm 1946, hoàng thân Monireth, thủ tướng Campuchia, phải thương lượng với Pháp một thỏa ước để chấm dứt sự bảo hộ của Pháp.
Điều này cho thấy tuyên bố Campuchia độc lập của Sihanouk, tương tự Tuyên bố của Bảo Đại, là không có giá trị pháp lý.
Trường hợp Thái lan, đồng minh với Nhật từ năm 1932. Theo đà chiến thắng của Nhật, ngày 25 tháng giêng năm 1942, Thái tuyên chiến với Anh và Hoa Kỳ. Thái xâm lược Miến Điện đồng thời giành lại ½ lãnh thổ Campuchia thuộc Pháp.
Nhưng đến khi “gió đổi chiều”, thủ tướng Plaek Phibulsongkhram, thân Nhật, do nắm được tình hình nên đã tiên đoán sự thất bại của Nhật từ năm 1944. Ông này từ chức, nhường quyền lại cho ông Pridi Phanomyong, nguyên là một giáo sư Luật, là người có khuynh hướng thân Mỹ, chống lại việc hợp tác với Nhật. Ông Pridi nương theo phe đồng minh, ve vãn Hoa Kỳ để được làm đồng minh của nước này. Nhờ thái độ khôn khéo này (nếu không nói là nghệ thuật chính trị vì quyền lợi đất nước), Thái Lan thoát khỏi tình trạng « quốc gia đối nghịch », không bị đồng minh đối xử như là Nhật Bản.
Ta thấy nhờ sự “khôn khéo” trong nội trị và ngoại giao, Thái lan là phía hưởng nhiều lợi ích nhứt, mà không bị chiến tranh tàn phá, trong Thế chiến thứ II.
Ta cũng ghi nhận là nước Ý, nguyên là một trong “bộ ba Đức-Ý-Nhật”, thuộc phe “Trục”. Những ngày cuối trước khi Nhật đầu hàng 2 tháng Chín 1945, Ý ra “tuyên bố chiến tranh với Nhật”.
Lợi ích quốc gia vì vậy là tối thượng, không có sĩ diện hay tình cảm lặt vặt cá nhân.
Tuyên ngôn độc lập của Bảo Đại do đó chỉ có ý nghĩa về biểu tượng, về lịch sử. Nó không có giá trị về pháp lý cũng trên thực tế. (Bảo Đại chưa bao giờ thể hiện quyền lực của mình trên toàn cõi quốc gia có tên là Đế quốc Việt Nam).
Còn tuyên ngôn ngày 2 tháng 9 của ông Hồ?
Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh. Việt Nam có một khoảng trống quyền lực. Thừa dịp, ngày 19 tháng 8 năm 1945 Mặt trận Việt Minh làm "cách mạng", lập chính phủ "lâm thời" tại Hà Nội. Ngày 25 tháng 8 Bảo Đại giao ấn, kiếm cho Trần Huy Liệu, đại diện Ủy ban giải phóng, tuyên bố thoái vị. Quốc gia gọi là "Đế Quốc Việt Nam" kết thúc và quốc gia "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa" ra đời.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945 ông Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Có hai chi tiết thú vị về ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Thứ nhứt là thời điểm. Ngày 2 tháng 9 được chọn không hề do tình cờ mà là kết quả tính toán sâu xa của ông Hồ Chí Minh (và ban tham mưu, có lẽ là từ các viên chức OSS Hoa Kỳ mà ông Hồ có cộng tác). Bởi vì ngày 2 tháng 9 năm 1945 cũng là ngày đế quốc Nhật ký văn kiện đầu hàng Đồng Minh trên chiếc Thiết giáp hạm USS Missouri của Mỹ đang neo trong vịnh Tokyo. Thứ hai, nội dung bản Tuyên ngôn dẫn nhiều ý tứ từ bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ.
Tuyên ngôn độc lập của ông Hồ, trên phương diện pháp lý cũng như trên thực tế, không thể hiện được một quốc gia Việt Nam độc lập.
VNDCCH không thế “kế thừa” quốc gia Đế quốc VN (khi nhận ấn kiếm từ Bảo Đại). Đơn giản vì "Đế Quốc Việt Nam" của Bảo Đại không phải là một "quốc gia có chủ quyền". Toàn bộ quyền lực quốc gia nằm trong tay Nhật. Bảo Đại chỉ là tấm bình phong. Trong khi về phương diện quốc tế, quốc gia này không được quốc gia nào nhìn nhận. Mặt khác, quyết định của Đồng Minh là tất cả chính quyền các nước thuộc địa của Nhật đều không được nhìn nhận.
Trên thực tế, "quyền lực" của Ông Hồ và chính phủ của ông, không hề thể hiện trên lãnh thổ Việt Nam.
Chính phủ VNDCCH cũng không được một chính phủ nào công nhận.
Quốc gia VNDCCH của ông Hồ còn một khuyết điểm lớn, đe dọa tính chính thống của ông Hồ và những người cộng tác.
Đó là sự hiện hữu của Hiệp ước Sơ bộ.
Ngày 6 tháng 3 1946, ông Hồ ký với Pháp một hiệp ước gọi là "hiệp ước sơ bộ". Theo đó Pháp công nhận VN là một nước "tự do" nằm trong Liên bang Đông dương và Liên hiệp Pháp.
Hiệp ước sơ bộ không hề nói một nước Việt Nam “độc lập” mà chỉ nói một nước "Việt Nam tự do" thuộc "Liên bang Đông dương" và khối "Liên hiệp Pháp".
Ông Hồ đã mặc nhiên chấp nhận "quốc gia" Việt Nam không bao gồm Nam Kỳ. "Quốc gia - Etat" này thực chất là một "tiểu bang - Etat", hay "xứ", nằm trong Liên bang Đông Dương, có qui chế pháp lý tương đương với xứ Bắc Kỳ.
VNDCCH chỉ được một số nước công nhận sau này, sau khi quân cộng sản của Mao Trạch Đông chiến thắng quân của Tưởng Giới Thạch năm 1949. Nhờ sự giúp đỡ nhân lực và vũ khí, VNDCCH thắng Pháp qua trận Điện Biên Phủ.
VNDCCH được sự ủng hộ của cộng sản Trung Hoa cũng như các quốc gia thuộc khối cộng sản.
Dầu vậy quốc gia VNDCCH của ông Hồ chỉ kiểm soát được phân nửa đất nước và phân nửa dân chúng. Tức thẩm quyền quốc gia về lãnh thổ của nước VNDCCH chỉ áp dụng cho ½ đất nước.
Việc này, theo công pháp quốc tế, chỉ thể hiện một quốc gia VNDCCH “chưa hoàn tất – partiel”.
Điều này có nghĩa là, sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, VNDCCH vẫn không phải là một "quốc gia độc lập, có chủ quyền".
VNDCCH chưa bao giờ được nhìn nhận như là "đối tượng của công pháp quốc tế".
Trên quan điểm quốc tế công pháp, ngày thật sự độc lập của quốc gia Việt Nam là ngày mà thẩm quyền quốc gia được phủ trùm lên toàn lãnh thổ đất nước Việt Nam. Thẩm quyền này "độc quyền" và “tối thuợng”, được sự nhìn nhận của cộng đồng các nước trên thế giới.
Có thể đó là ngày ngày 8 tháng 3 năm 1949, ngày ký kết ước Elysée, Pháp trả Nam Kỳ lại cho VN đồng thời nhìn nhận một nước Việt Nam Độc lập và thống nhất.
Nội dung kết ước Elysée có nhiều điều cần bàn cãi, nhưng điểm chính là Pháp trả lại miền Nam cho VN (thay vì cho Kampuchia), đồng thời công nhận VN "độc lập" và "thống nhứt" ba miền Bắc, Trung, Nam. Quốc gia tên gọi “Etat national du Viet Nam” được khai sinh. Người Việt quen gọi dưới tên là “Quốc Gia Việt Nam”. Đúng ra phải gọi là Việt Nam Dân Quốc (Etat Nation. Nation : Dân tộc - Etat : Quốc gia).
Quốc gia Việt Nam được Đại hội đồng LHQ nhìn nhận là có đủ điều kiện trở thành quốc gia.
Cũng có thể là ngày 30-4-1975. Ngày này có đủ các yếu tố để trở thành ngày độc lập: thẩm quyền quốc gia bao trùm trên toàn lãnh thổ. Thẩm quyền này “độc quyền” và “tối thuợng”. Thực thể CPLT MTGPMN chỉ là "bù nhìn", không có thực quyền.
Ngày “hiệp thuơng thống nhất đất nước” 21-11-1975 (hoặc ngày 3-7-1976 khai sinh quốc gia Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) cũng đều có thể là ngày độc lập thật sự. Từ những ngày này, quốc tế nhìn nhận VN là "đối tượng của công pháp quốc tế", là quốc gia độc lập, thống nhất và có chủ quyền toàn vẹn.
Trương Nhân Tuấn (VOA)