Hiện trạng TỨ ĐỔ TƯỜNG
Bài của học giả Anh Tuấn
Dẫn nhập
Mỗi chúng ta khi nói đến ba chữ tứ đổ tường thì ai cũng đều có một nhận xét không mấy thiện cảm đối với tệ nạn xã hội này vì nó đã làm hư hỏng biết bao con người, làm tan nát biết bao gia đình và xã hội, thậm chí làm suy nhược hủy hoại cả một thế hệ, một quốc gia nữa. Hôm nay, chúng tôi muốn chia sẻ cùng quí vị những hiểu biết xoay quanh tệ nạn này trên bình diện tâm sinh lý của con người cũng như trên bình diện văn hóa xã hội như thế nào.
Vấn đề là tại sao người ta ai cũng biết tứ đổ tường là tệ hại nhưng nó lại luôn luôn có mặt trong cuộc sống không thể nào bài trừ được. Dầu bao nhiêu biện pháp, luật pháp được đặt ra nhưng vẫn không có kết quả, thậm chí các tôn giáo cũng tham gia cấm đoán nữa, nhưng cấm thì vẫn cấm mà phạm thì vẫn phạm là nghĩa tại sao? Chúng ta không tìm được nguyên nhân cuối cùng hay là tìm hiểu được nhưng khó nói, đành làm ngơ, bỏ ngỏ, bởi lẽ thú đam mê của con người nó nằm trong phạm trù bản chất sinh học, mà bản chất thì khó lòng mà thay đổi, cho nên con người là nạn nhân của chính mình. Nghiêm chỉnh mà nói, những hệ luỵ do Tứ Đổ Tường mang lại là một thực trạng không chối cãi, nhưng trong một tư duy hạn hẹp nào đó, ta phải công nhận ta đã đóng góp tích cực cho xã hội bằng cách đào tạo ra những nhân tài cho xã hội: nhà văn, nhà thơ, học sĩ, nhạc sĩ, cũng như những anh hùng hào kiệt đem lại nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa nhân loại nhờ vào Tứ Đổ Tường.
Vô hình chung Tứ Đổ tường đóng vai trò như một chất xúc tác, một thứ tiếp liệu không chối cãi được. Trong tài liệu này nhận định trên được lập lại nhiều lần, ta nên giảm thiểu diễn dịch nầy để tránh nhàm chán.
Con người là một sinh vật có tư duy, vấn đề là phải biết xử dụng tư duy của mình áp chế những tệ hại của đam mê vật chất nâng nó lên hàng sinh hoạt văn hóa cao, phục vụ và tạo dựng hạnh phúc cho con người.
Định nghĩa TỨ ĐỔ TƯỜNG
Tứ: Bốn, thứ tư.
Đổ: vách.
Tường: bức tường xây bằng gạch.
Tứ đổ tường là bốn vách tường bao kín, không có lối thoát ra ngoài
Các bậc nho sĩ Việt từ xa xưa quen nói : 酒色財氣四堵牆 (Tửu sắc tài khí tứ đổ tường). Nói như thế là để so sánh bốn bức tường kín mít ấy với bốn điều tệ hại: Tửu, Sắc, Tài, Khí, mà hễ con người đam mê dấn thân vào đó thì như là vào bốn bức tường không lối thoát, chịu chết trong đó luôn, hư hỏng cả cuộc đời, uổng phí một kiếp sanh.
1. Tửu: rượu. Say mê rượu thịt, nhậu nhẹt say sưa, cuồng tâm loạn trí, trí não hư hỏng, tinh thần suy nhược, hết biết phải trái, hư thân mất nết, không còn phẩm chất con người. Cho nên người xưa mới nói: Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm, (rượu nhập tâm như cọp vào rừng), hay Tửu nhập tâm như cẩu cuồng tọa thị (rượu nhập tâm như chó điên ngồi tại chợ).
2. Sắc: sắc đẹp của phụ nữ. Ham mê thú vui xác thịt nam nữ, chơi bời hư hỏng, phạm tội tà dâm, tinh mất khí hư, thần hồn mê muội, bỏ bê gia đình. Cho nên người xưa có câu: Sắc bất ba đào dị nịch nhân: Sắc đẹp phụ nữ không có sóng mà dễ nhận chìm người.
3. Tài: cờ bạc. Ham mê cờ bạc, tham lam lợi lộc, làm quấy liều mạng, bán đồ bán đạc để có tiền nhập sòng, tan nhà nát cửa. Cho nên người xưa nói: Cờ bạc là bác thằng bần.
4. Khí: hút thuốc phiện, hít chích các chất ma túy, nghiện ngập, thân thể bịnh hoạn, mất hết nhơn phẩm, trộm cắp hay cướp giựt để có tiền mua thuốc, hút hít cho thỏa cơn ghiền.
Sách Minh Tâm Bửu Giám có bài thi về Tứ đổ tường:
Tửu sắc khí tài, tứ đổ tường,
Đa thiểu hiền ngu tại nội sương.
Nhược hữu thế nhân khiêu đắc xuất,
Tiện thị Thần Tiên bất tử phương.
Nghĩa là:
Tửu sắc khí tài, tứ đổ tường,
Ít nhiều ngu trí ở trong rương.
Nếu như người thế tung ra khỏi,
Ấy cũng Thần Tiên bởi diệu phương
Tóm lược về Định Nghĩa
Tứ đỗ tường là tiếng Nam Bộ, thực ra đỗ là nói theo khẩu âm Nam Bộ, đúng ra là đổ tường. Tiếng Việt có cái lạ là đôi lúc dùng lẫn hán và việt, nên đôi lúc bị hiểu lầm hoặc không lọt tai.Tứ đổ tường có nghĩa là 4 cái nghiệp phá gia chi tử. Bốn cái nghiệp đó là bốn loại lạc thú trần gian: Cờ bạc -rượu chè - trai gái - hút sách.
Có nghĩa là nếu vướng vào một trong bốn thứ trên, thì trước sau gì cũng tan nhà nát cửa mà thôi. Còn nếu nhiều hơn một, hay nghiện luôn cả bốn thì càng sập nhà cấp kỳ
Ẩn ý của việc sử dụng chữ Hán của người xưa thật là thâm thuý, sự khám phá này khả tín vì những lý do sau:
Tuy tất cả đều là thú đam mê, nhưng Tứ đổ Tường không xuất hiện cùng một lúc trong xã hội mà qua thời gian, qua trình độ văn hóa kinh tế của mỗi người ( Thí dụ con người chưa biết đếm, biết tính thì làm sao có cờ bạc? Khoa học kỹ thuật chưa dạy cất rượu thì làm sao mà say sưa?). Như vậy Tứ Đổ Tường có từ lúc nào, cái nào trước, cái nào sau? Do đó định nghĩa của nó tuỳ thuộc vào những yếu tố này:
* N * Nguyên nhân của sự đam mê: bản chất hay lý tính?
Nhân chi sơ, tính bản thiện, Câu này xuất xứ luận điểm của Mạnh Tữ về nhân tính. Tiếp theo là câu: tính tương cận, tập tương viễn : câu này xuất xứ luận điểm của Khổng Tử. Đó là hai câu nói mở đầu của cuốn Tam tự kinh ( sách vỡ lòng dùng dạy trẻ của Trung Quốc) được soạn thảo như hát vè đọc cho trẻ học dễ nhớ. Tóm lại hai nhà hiền triết này cho rằng con người có tính lương thiện, nhưng có thể chịu ảnh hưởng của môi trường sống mà biến đổi. Nói một cách khác thì con người là một sinh vật có tư duy, và tư duy đó đóng vai trò điều khiển cuộc sống con người. Vấn đề đặt ra là tư duy con người chịu ảnh hưởng của Tứ Đổ Tường đến mức độ nào? Nó đã dẫn dắt con người vào những hệ lụy đau khổ ra sao thì quí vị biết rồi.
Thiên Chúa Giáo cho rằng con người sinh ra đã phạm nhiều tội lỗi, cần được cứu rỗi. Trong các điều răn của Chúa, có việc cấm tín đồ gian dâm với vợ bạn (điều trai gái trong Tứ Đổ Tường).Theo Phật Giáo thì con người vi phạm tam giới: tham sân si ( Tham và Si có trong Tứ Đổ Tường) Trong những loại tình cảm của con người: Hỉ (mừng), Nộ (giận), Ai (đau thương), Lạc (vui sướng), Ái (yêu), Ố (ghét), Dục ( muốn) thì Lạc, ái, dục có liên quan đến Tứ Đổ Tường.
Ngoài ra Phật còn cho rằng có 6 nguồn gốc gây sự đam mê gọi là lục căn hay lục dục: mắt, tai. mũi, lưỡi. thân, ý. Như vậy, Phật Giáo đã phân tích khá nhiều về dục vọng con người và chủ trương tu thân và diệt dục. Phật Giáo cấm Phật tử không được uống rượu vì cho rằng rượu là nguyên nhân của mọi tội lỗi và bệnh hoạn, cấm phật tử không được quan hệ tình dục với người không phải là phối ngẫu của mình. Như vậy, qua Tứ Đổ Tường dục vọng con người được giải quyết rất nhiều từ vật chất cho đến tinh thần với nhiều hệ luỵ của nó. Giữa thế kỷ 19, bác sĩ phân tâm học Sigmund Freud (1856—1939) tác giả ba khảo nghiệm về lý thuyết tình dục (1905), ông cho rằng bản năng bị dồn ép vào vô thức trong một điều kiện nào đó. sẽ điều khiển cách hành xử của con người. Bản năng không bao giờ thay đổi, mà môi trường sống và giáo dục huấn luyện đều chỉ là 1 lớp vỏ bọc. Nhận định này vào thời điểm đó bị công kích rất nhiều bởi các nhà duy tâm, nhưng không đầy một thế kỷ sau, khoa di truyền học khám phá ra ge`ne DNA và nhận định của ông mới không thể chối cãi được.
*Tứ Đổ Tường”: Sản phẩm của con người tạo ra nhằm mục đích giải toả dục vọng và bản năng nhưng nó lại là con dao hai lưỡi thẳng tay sát phạt tác giả của nó không chút thương tiếc.Nói đến Tứ Đổ Tường là nói đến 4 cái thú đam mê nhiều hệ luỵ cho xã hội: đó là Cờ bạc, Rượu chè, Trai gái, hút Xách. Bốn danh từ ghép này chứa đựng những đam mê có tác hại khác nhau, có thứ đam mê giới hạn một thời gian nào đó rồi lụn tàn, có thứ đam mê đeo đuổi dai dẳng suốt cả cuộc đời. Nếu tách rời các từ ghép này thì ta có thể kể như sau:
1- Rượu + Chè (Tửu)
Dân nước nào cũng biết uống rượu, nghiện rượu. Rượu đặc sản được nâng lên hàng quốc tuý. Anh Quốc thì có : whisky, Scotch,Johny Wakker (Ông già chống gậy).Mỹ Quốc thì có LSevengrown, Black and White, Gin. Nga Quốc thì có Volka còn Phap Quốc thì có : Cognac Martel (Remi Martin) Champagne
Riêng Vietnam thì có : Rượu lúa mới, rượu đế Gò Đen, rượu nếp thang Hóc Môn. Rượu đế được giới văn nghệ bình dân gọi là rượu nước mắt quê hương. Ở Cao nguyên trung phần có rượu Cần của đồng bào Thượng chứa trong một cái ché. Thời Pháp thuộc, người Pháp được quyền bán rượu và á phiện, nơi bán những thứ này có biển đề chữ RA ( Région d’alchool) hoặc RO ( Région d’opium) còn dân thường cất rượu lậu sẽ bị bắt phạt. Phụ nữ Á Châu hầu hết không uống rượu, trái lại phụ nữ Tây Phương nghiện rượu có hạng, họ thường giấu khắp nơi trong nhà, thỉnh thoảng tu một hớp cho đến lúc phải vào Khám cai rượu. Ở nước ta rượu luôn luôn có mặt trong sinh hoạt hàng ngày: rượu lễ, rượu thường, rượu phạt, rượu mừng, rượu hợp cẩn. Đám cưới mâm trầu rượu phải có..
Giới lao động bình dân Việt Nam mát rượu vào hàng thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỷ và Pháp, họ uống suốt ngày để trợ lực lao động: khuân vác nặng, đạp xích lô, đạp xe ba gác, thậm chí lái xe nữa .
Rượu là thứ thức uống đa dụng: vui vầy, giải trí giải khuây, lấy cảm hứng, giết thì giờ quên đời. Việc biết uống rượu được coi là nam tính: Dụng tửu phá thành sầu, Nam vô tửu như kỳ vô phong; họ được goị là đệ tử của Lưu Linh ( vua uống rượu của Tầu) là bợm nhậu , và là con trời:
Hiu hiu gió thổi đầu non
Mấy thằng uống rượu là con Ngọc Hoàng
Người say rượu để lộ bản chất tư cách: nơi họ cảm xúc tê liệt và ý thức vô thức tiềm thức rối loạn, khiến họ không nhớ và không biết gì hết cả. Con cái họ chỉ số thông minh kém vì ge`ne di truyền biến ảo.
Có bài vè sau đây dùng trêu chọc mấy chàng say rượu:
Một xị đả phá thành sầu
hai xị mũi chảy đầy râu
Ba xị ngồi đâu ngủ đó
Bốn xị cho chó ăn chè
*Xị= chai xá xị tức là chai root beer của hãng Phượng Toàn trong Chợ Lớn trước 1975 rất nổi tiếng, vỏ chai thường dùng để đong rượu bán. 1 xị=1/4 lit=6 ly whisky nhỏ.
Xin nhắc lại Sàigòn năm xưa, ăn nhậu là một sinh hoạt đặc thù của dân thành phố, đi đâu cũng gặp quán nhậu, từ những quán cóc bán trà lá, rượu đế, đến các quán nhậu bình dân. Quán nhậu là một danh từ rất dễ thương vì tính giai cấp của nó, một hình thức quảng cáo rất phổ biến độc đáo không một đất nước nào có được, đã ngon mà lại rẻ, ở đó giai cấp bình dân được tôn trọng và được phục vụ tận tâm ( khác với các nhà hàng sang trọng Tàu Mỹ quảng cáo phục vụ cung đình, nhưng lại dở). Bước vào quán ăn, ai cũng thấy thoải mái vì tính bình dân của nó. Xin nhắc những quán ăn bình dân của Sài gòn năm xưa: Tám Lọ đường Bùi Thị Xuân và Cống Quỳnh, Ba Râu chợ Xóm Chiếu, Sống Trên Đời cổng bà Xếp Hòa Hưng, các quán hai bên đường Đỗ Thành Nhân, đường hẹp bên này nhìn thấy bên kia, rượu vào sinh ẩu đả, bàn ghế bay qua bay lại nhưng tan cuộc thì đâu vào đó hòa cả làng.! Mỗi ngày khoảng 4 giờ chiều ( giờ tan sở) dân Sàigòn thường ghé tiệm rượu thuốc Vĩnh Sinh Hòa để uống rượu tồn tâm, hoặc uống bia bốc ( bây giờ là bia lên hơi) tại Hồ Văn Ngà Nguyễn Huệ. Một ký giả Tây Phương viết rằng những cơn mưa Hạ vào buổi chiều của Sàigòn có mùi Alchool.
Trong thi ca Việt nam hầu hết các nhân vật trong truyện Kiều đều có đụng đến rượu, chẳng hạn, khi *Kim Kiều gặp lại lần thứ hai:
Chén hà sánh giọng quỳnh tương 453
Giải là hương lộn bình gương bóng lồng 454
* khi Kiều ỏ lầu xanh:
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh 1233
Giật mình mình lại thương mình xót xa 1234
* khi Kiều và Thúc Sinh ở Thanh lâu:
Khi gió gác khi trăng sân 1295
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ 1296
* khi Kiều tiễn Thúc Sinh về thăm vợ
Chén đưa nhớ bữa hôm nay 1517
Chén mừng xin đợi bữa này năm sau 1518
* khi Hoạn Thư bắt Kiều dâng rượu:
Vợ chồng chén tạc chén thù 1835
Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi 1836:
* khi Kim Kiều tái ngộ làm lễ cưới:
Động phòng dìu dặt chén mồi 3135
Bâng khuâng duyên trước ngậm ngùi tình xưa 3136
khi Kim Kiều đổi duyên chồng vợ ra tình bè bạn:
Khi chén rượu khi cuộc cờ 3223
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên 3224
*Nguyễn công Trứ trong bài Hàn Nho Phong Vị Phú:
Vạn tống nhất sinh chung hữu tữu
Sáng mồng một rượu say tuý lúy, tiêu khiển một vài chung lếu láo
Tú Xương: Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thời hư vậy say thời cứ say
Vũ Hoàng Chương cũng có thơ say:
Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi vui với ai
*Dương bá Trác: bài Hồ trường:
Chí ta ta biết, Hồn ta ta say
Nam Nhi sự nghiệp như hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây
Trên đây đã trình bày sự đam mê nghiện ngập đối với rượu và những tác hại của nó. Trong Phật Giáo việc cấm uống rượu là một trong 5 giời cấm và cho rằng rượu là nguyên nhân của mọi tội lỗi và bệnh hoạn. Nhung dù sao việc đam mê rượu vẫn là một thực thể, một bản chất của con người., khi có thể nếu không nói là không có bao giờ bài trừ được, phải chừa một kẽ hở vì nghĩ cho cùng trên một khía cạnh nào đó rượu chè vẫn thể hiện nét văn hóa đặc biệt của con người mặc dù hại nhiều hơn lợi.
*Chè
Chè nằm trong liên từ Rượu Chè trong TứTỗ Tường. Chè chỉ là tiếng đệm, tiếng Bắc gọi tên Trà. Thật ra nghiện uống trà là một thú vui, nó không nguy hại cho sức khoẻ mà trái lại. Nó không đem lại tác hại nào cho xã Hội cả , tuy nhiên uống trà cũng là một đam mê, nên ta phải tìm hiểu nó.Trà là một thức uống phổ biến trên thế giới. Người Ấn Độ có buổi uống trà vào xế chiều. Dân Á Đông dùng trà thay uống nước lã. Dân Âu Châu biết uống trà khoảng thế kỷ 16 khi mà các đội thương thuyền Châu Âu đặt chân đến bán đảo Nam Á Ấn Độ Sirilanka ( Ceylan) Bangladesh.
Theo thống kê, thì có 500 giống trà khác nhau được trồng nhiều nhất ở Á châu, Nam Mỹ , Nam Phi. Úc Châu và các đảo Nam. Thái Bình Dương cũng có trồng trà. Từ lúc gieo trồng cho đến khi thu hoạch chế biến, trà đã trải qua một quá trình công phu khá phức tạp Nói chung sản xuất trà theo kiểu công nghệ hóa chỉ có lượng mà không có phẩm, các công việc sao, sấy tẩm mùi thơm hóa học đều không đạt yêu cầu. Trài qua các dây chuyền máy móc đến lúc đóng hộp thì Trà đã biến chất, mất mùi vị, vì độ khô phải được áp dụng lúc xuất khẩu.Còn nếu biến chế trà theo lối thủ công cổ truyền thì tốn nhiều lao động, nhiều thời gian nhưng phẩm chất cao, ngược lại số lượng ít
(100gram trà sen ở Việt nam bán trong dịp Tết giá 60 dollars USD)
Có một điều quan trọng ít ai nghĩ đến là các thực phẩm Á Đông kể cả Trà và cà phê đều phải có một độ ẩm nhất định, nếu không sẽ bị biến chất vì khô cằn và vô thùng trong việc đóng hộp.
Các loại trà: ướp nhà, ướp sen, ướp ngâu, ướp sói (ướp sao là công phu nhất).Tây phương thì xay lá trà thành bột đóng trong túi nhỏ (lipton),tẩm chanh,quế, ngũ vị mất cả mùi trà.
Nghệ thuật uống Trà: trà pha bình thường, người Việt miền Bắc uống chè xanh bằng bát, người Việt miền Nam uống trà đá giải khát. Người Anh Pháp thường uống trà buổi chiều.
Nét văn hóa Sàigòn năm xưa: trồng Lài để ướp trà
Vào đầu mùa Mưa, xã An Phú Đông, Gò vấp Gia Định trồng Lài để ướp trà và bán lẻ từng xâu. Mỗi sáng sớm, có các em gái nhỏ đi xe bus đem các xâu lài bán cho các quán chợ, hoặc bán cho tài xế Taxi mua treo trong xe. Các nữ sinh mua làm vòng mang tay đến lớp. Ra đường đâu cũng phảng phất hương lài, khiến chúng ta chạnh lòng nhớ kỷ niệm xưa. Trước 1975, ở Sàigòn có mở các phòng trà ca nhạc từ xế chiều, giới trẻ đến đó để ca cho nhau nghe vì có sẵn nhạc cụ, đó là phòng trà Đức Quỳnh ( Cao Thắng), đầu tiên, phòng trà Hòa Bình Quách thị Trang, phòng trà Chiều Tím Võ Tánh, phòng trà Thằng Bờm Cây Tre ở Đa Kao nơi đây ca sĩ Khánh Ly được mệnh danh là nữ hoàng chân đất hát nhạc Trịnh Công Sơn một thời.
Tóm lại nghiện trà không phải là một đam mê tệ hại trong Tứ Đổ Tường, trái lại nó là một thức uống có lợi cho sức khoẻ, nó đã có mặt trong sinh hoạt văn hóa như trong Kiều có:
Khi hương sớm khi trà trưa 1297
Bàn vây điểm nước đường tơ họa đàn 1298
Khi Kiều sống với Thúc Sinh ở Thanh Lâu
Mảng vui rượu sớm trà trưa 1473
Đào đà phai thắm sen vừa nẩy xanh 1474
Nguyễn Khuyến cũng có bài thơ nói về uống Trà lúc ông đã bị lòa:
Lâu nay ông chỉ nghe bằng mũi
Chẳng biết mùi thơm một tiếng khà!
Còn Tú Xương:
Một trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó khuấy ta
Trong quá trình thành lập nước Mỹ có một giai thoại lịch sử về trà. Năm 1773 để chống việc đánh thuế trà quá nặng của Mẫu Quốc Anh, một đêm tại Boston bang MA, một số dân cư đã đột nhập vào kho trà đem quẳng xuống biển số trà trong kho, khơi mào cho cuộc khởi nghĩa dành độc lập của nước Mỹ chống Đế Quốc Anh do ông Washington lãnh đạo.
2/- Trai gái
Từ ngữ Trai Gái trong Tứ Đổ Tường có một khái niệm đơn giản là những quan hệ tình dục không lành mạnh vì phạm luân lý và đạo đức, phá hoại gia cang và hạnh phúc của người khác, việc đam mê tình dục đưa đến nạn mãi dâm trong xã hội, buôn phụ nữ trẻ em để làm nô lệ tình dục….ấy là chưa kể hiện tượng đồng tính xuất hiện chính thức từ cuối thế kỷ qua, tất cả đều gây nhức nhối cho xã hội qua những bịnh trạng giang mai , nhiễm HIV AIDS chưa tìm được thuốc chữa mà chỉ có cách lo phòng ngừa thôi. Đây là tệ nạn nan giải của xã hội ở bất cứ thời đại nào. Từ xưa đến nay người ta nỗ lực áp chế bản năng tình dục của con người bằng nhiều thứ luật lệ cấm đoán, coi đó là một hành vi thô tục vi phạm luân lý đạo đức., người ta đã lên án mà không cho biện hộ, không đi tìm cái gốc cho nên cấm thì vẫn cấm và phạm thì vẫn phạm. Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo đều cấm tín đồ không được làm điều tà dâm
(10 điều răn của Chúa và giới thứ 3 trong ngũ giới của Phật. Khổng Tử thì nam nữ thọ thọ bất thân ( kết quả tỉ lệ nghịch dân chúng Tàu hiện trên 1 tỉ người).
Vấn đề là chúng ta có đủ can đảm để mổ xẻ, phân tích nghiêm túc để tìm ra nguyên nhân cuối cùng của nó hay không? Từ xưa đến nay người ta vẫn né tránh việc mở lại hồ sơ này, đụng tới nó là bị dị ứng và nó đã được khóa chặt bởi bao nhiêu pháp chế luân lý đạo đức khiến cho mọi người nghi ngờ thực chất của nó. Con người là một sinh vật như các sinh vật khác, nhưng khác ở chỗ có lý trí có tư duy. Lý trí chi phối bản năng dục vọng qua môi trường sống.,qua tập quán, qua nền giáo dục và qua những luật lệ do con người đặt ra. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì các sinh vật đều có một khuynh hướng đam mê một thứ gì đó từ vật chất đến tinh thần và con người cũng không thoát khỏi nhận xét đó, đôi khi nó còn gia trọng hơn. Con người có 7 loại tình cảm: hỉ ( mừng), nộ (giận) ai ( buồn thương), lạc (vui), ái (yêu), ố ( ghét) dục (muốn). Sự đam mê ( dục) theo Phật Giáo có 6 nguồn gốc ( lục dục): mắt, tai, mũi, lưỡi,, thân, ý, tất cả đều mang cảm xúc riêng.
Như vậy việc luyến ái nam nũ bắt nguồn từ ái ( yêu) và dục ( muốn), trong đó thân dục ( nhục dục) là bạo nhất. Sự luyến ái nam nữ gồm 2 phần tinh thần và vật chất. Theo quan niệm Á Đông thì tình yêu tinh thần là tiền đề cho tình yêu vật chất, nó quan trọng nên họ đề cao vai trò của nó nhằm duy trì trật tự xã hội.Theo các nhà khoa học xã hội thì tình yêu (love) và tình dục( sex) gần như là một, sở dĩ có thứ tự là do sự áp chế của lý trí con người. Xin quí độc giả bỏ qua chuyện luyến ái tinh thần vì nó thuộc phạm vi quá rộng lớn, nó là nét văn hóa quá phức tạp nhất và để lại biết bao di sản văn chương văn học cho con người bởi những xúc cảm mà nó đã đem đến: thăng hơa củng có mà khổ đau cũng có.
Ở đây chúng ta chỉ phân tích tình dục (sex) vì nó là thủ phạm chính trong Tứ Đổ Tường và gây tệ hại nhiều nhất cho xã hội. Người ta kết án tà dâm, còn chính dâm thì sao? chẳng có câu trả lời nào và bỏ ngỏ từ xa xưa đến bây giờ.
Chúng ta đang đi vào thế kỷ 21 và lại đang ở Mỹ nữa, một đất nước được gây dựng bởi những lý tưởng tự do và bình đẳng của con người, trình độ dân trí cao, tư duy phát triển toàn diện, tự do tuyệt đối, trong đó có tự do luyến ái nam nữ. Đối với các nước Âu Mỹ, việc quan hệ tình dục được xác nhận là một đời sống (sex life) do đó họ rất chú trọng vệ sinh tình dục, và coi việc quan hệ tình dục là một sinh hoạt bình thường của bản năng, không quan trọng nó mà cũng không cấm đoán nó. Để ngăn ngừa những bệnh hoạn và tệ nạn xã hội do nó gây ngay từ buổi đẩu, các trường học đều có những lớp hướng dẫn về luyến ái nam nữ, vệ sinh phòng ngừa. Kế hoạch gia đình, chuẩn bị một cuộc sống gia đình mạnh khoẻ hạnh phúc, một xã hội an toàn. Đối với những tệ nạn trên, người ta tìm cách qui kết chúng lại các tụ điểm để giải quyết vấn đề do bản năng, lái nó đi vào chiều hướng lành mạnh nghệ thuật, giải trí , hơn là một kỹ nghệ khai thác bản năng, để con người có một trình độ văn hóa cao hơn. Đó là lý tưởng của các nhà Xã hội học, nhưng thực tế chỉ có được phần nào, vì tư bản nhảy vào kinh doanh tình dục biến nó thành một kỹ nghệ khai thác bản năng của con người, do vậy việc cấm đoán và thỏa mãn gần như sóng đôi nhau, nhưng dù sao đi nữa Xã hội vẫn đã kiểm soát và giảm thiểu phần nào những tệ hại đó.
Đi sâu vào vấn đề, xưa nay các nhà nghiên cứu tâm sinh lý và tình dục học đều xác nhận bản năng con người có một sức thật mạnh mà lý trí có lúc không chế ngự được. Bác sỹ Sigmund Freud cho rằng bản năng dục bị dồn nén vào vùng vô thức nó sẽ chỉ huy cách hành xử của con người khi có điều kiện. Theo ông, thì môi trường xã hội, sự giáo dục phát triển tri thức luân lý, đạo đức, pháp chế chỉ có thể làm vỏ bọc bên ngoài của bản năng mà thôi. Ông cho rằng bản năng là một thứ vật chất không biến đổi được, là như một di truyền trong sinh vật vậy ( vào thời đó thuyết di truyền học còn đang tranh luận). Chấp nhận luận chứng trên, ta có thể tìm hiểu nguyên nhân của các bệnh sau đây:
1- Bệnh sex addict còn gọi là sexual compulsivity thường gặp phải ở các đấng tài ba như nhà tu hành đạo đức, trí thức, chính trị, kinh doanh đại tài, nhà quân sự hoặc ông vua liêm chính thân bại danh liệt vì những vụ tai tiếng tình dục đôi lúc không thể tin được vì nó quá đặc biệt .
2- Bệnh Bipolar disorder hay gặp ở các tài tử, nghệ sỹ văn sĩ lỗi lạc, tâm tư họ thường rối loạn bởi sự hưng phấn và trầm cảm chồng tréo nhau khiến họ mất tự chủ dẫn đến tự hủy diệt tự sát (Ernest Hemingway). Y học cho rằng do sự thay đổi hóa chất scrotorium và dopamine trong não bộ, trên phương diện tâm lý người ta cho là bệnh nghề nghiệp.
3- Bệnh Alleyzeimer: thoái hóa tế bào não mà ý thức, vô thức, tiềm thức rối loạn hoặc ngưng hoạt động khiến bệnh nhân chỉ còn sống trong đời sống thực vật.
Nói tóm lại việc nghiên cứu khoa học đã cho thấy bản năng đóng vai trò chủ đạo trong cuộc sống tình dục con người, đôi khi nó còn lấn át cả lý trí, nên đã có nhận định “tình yêu trai gái là bản năng đã được tư duy hóa” là vậy.
Xã hội Âu Mỹ mặc dù có cuộc Cách Mạng tình dục để cho Nam Nữ tự do luyến ái, bình thường hóa sinh hoạt tình dục, bất chấp việc kinh doanh kỹ nghệ hóa hoạt động tình dục như các club, showgirl, massage, tắm hơi mãi dâm trá hình, sex tour, sex toy, buôn phụ nữ trẻ em làm nô lệ tình dục, nhưng đạo đức Xã hội vẫn được duy trì, luật pháp vẫn được áp dụng, các sinh hoạt Tứ Đổ Tường ( trong đó có tình dục) được nâng lên hàng giải trí nghệ thuật có văn hóa, việc chạy chữa và phòng ngừa các bệnh do Tứ Đổ Tường gây ra được thi hành tích cực.
Trở lại Châu Á, sinh hoạt tình dục coi là một điều cấm kỵ xấu xa, từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, trai gái lớn lên đều bị răn đe hù dọa, cấm đoán tiếp xúc, như là một luật lệ Nam Nữ thọ thọ bất thân, hậu quả con người phát triển không bình thường, bản năng bị dồn nén, vô tình tạo ra hệ luỵ cho xã hội. Á Đông đặt đạo đức lên trên, không coi trọng giá trị luyến ái tinh thần, lên án điều tà dâm nhưng lại tránh né chính dâm, rốt cuộc chính cũng như tà đều xếp trong bóng tối của đạo đức giả. Họ quan niệm hôn nhân là nghĩa vụ truyền giống nối giõi tông đường, có những cuộc hôn nhân cưỡng chế xếp đặt không có tình yêu mả chỉ có tình nghĩa vợ chồng, nam nữ không bình đẳng, bảo thủ tệ hại còn hơn bên Âu Mỹ, bên cạnh việc hưởng lạc không khác gì nhau. Ngày xưa các vua chúa tha hồ trác táng tam cung lục viện khiến ông vua trẻ lên ngôi không được bao lâu thì băng hà về chầu tiên đế. Còn ngoài xã hội dân sự thì sao? cũng thanh lâu hồng lâu kỹ nữ-- giống như vũ trường hộp đêm ở Âu Mỹ vậy, việc hưởng lạc cũng được nâng lên nghệ thuật giải trí của giai cấp phong lưu, các cụ thì chuyền tay nhau toa thuốc Lão của vua Minh mạng.
3/- Đánh Cờ-------à Đánh bạc (Tài)
Không biết xuất hiện vào thời đại nào của nhân loại, có người cho rằng nó có mặt sau khi con người biết đếm hoặc tính toán. Trong sách sử Trung Quốc có ghi kể 2 cuộc cờ nổi tiếng:
a- Nước Tề, có Chung Vô Diệm vợ vua Tề tuyên dương đấu cờ với Hầu Anh ( 1 con khỉ rất khôn) của nước Phiên ( có cuộc bên thua sẽ cắt đất). Chung Vô Diệm nhờ thầy mách bảo dùng kế phân tâm (điã trái đào) tráo cờ rồi thắng cuộc sau đó chém Hầu Anh.
b- Đời Đường: vua Đường Thái Tôn dùng kế vời Thưà Tướng Ngụy Trưng vào cung để đánh cờ, hầu ngăn không cho Thừa Tướng xuất hồn đi xử trảm Long Vương vì ông này cãi mệnh Trời để ăn thua đủ với ông thầy bói Chợ Cửa Bắc Thành Trường An.
Người Tầu gọi cờ tướng là tượng kỳ ( cờ voi). Ngoài Trung Hoa ra, các nước vùng Đông Nam Á chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa đều chơi cờ này. Người đấu cờ gọi là kỳ thủ, các quân cờ là lực lượng vũ trang có cấp bậc như sau: tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt. Thắng cuộc tức chiếu bí tướng không biết đi đâu mà chờ chết, có những ván cờ bất phân thắng bại dù kéo dài thời gian đến đâu cũng phải thủ hoà. Cho đến bây giờ, không có ai biết cờ tướng có bao nhiêu thế, năm 1972 chính phủ Nhật đã giao trả cho Đài Loan một quyển cờ thế, có ghi chép trên 3 ngàn thế, hiện trình bày tại viện Bảo Tàng Đài Trung.
Thập niên 60 của thế kỷ trước, ở Chợ Lớn có tổ chức cờ người trên sân Tinh Võ ( quân cờ là người mặc áo và cầm cờ có tên). Đây là hình thức cá độ biến thành cờ bạc. Vua cờ tướng lúc đó là Kỳ Vương Lý Chí Hải.
Cờ tướng được phổ biến ở các tiệm hớt tóc, quán cà phê. Riêng Sàigòn năm xưa cờ tướng là một hình ảnh văn hóa đặc thù chỉ riêng Sàigòn mới có. Trên các vỉa hè, lề đường, ở đường Hàm Nghi, Hùng Vương, Nguyễn Trãi các Kỳ thủ thường bày cờ thế để kiếm ăn * ai thua phải chung tiền- còn thắng thì kỳ thủ tài tử năn nỉ để xin tha mạng.
Trong truyện Kiều, Nguyễn Du ít có nói đến đánh cờ, tuy nhiên ít hơn là uống rượu. Dịp Kim Kiều tái ngộ :
Chàng dù nghĩ đến tình xa
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ (3109-3110)
hay
Khi chén rượu khi cuộc cờ (3223)
Khi trông hoa nở, khi chờ trăng lên (3224)
Nhà thơ Hồ Xuân Hương có bài đánh Cờ Người:
Khi vui nước nước non non
Khi buồn lại vẽ bàn son quân cờ
Tây Phương có cờ vua cũng hấp dẫn không kém cờ tướng, hàng năm đều tổ chức tranh giải quốc tế, đặc biệt cờ vua đánh có thời gian giới hạn (đồng hồ) và cũng có đánh cuộc cá độ.
Thuộc về Đánh Cờ, có thể kể chơi Tổ Tôm, mạt chược, domino. Nói tóm lại đánh cờ là một trong những thứ đam mê già trẻ bé lớn trí thức hay bình dân đều thích chơi cờ, nhưng chỉ được một thời gian rồi chán, do đó nó không đến nỗi tác hại đến cuộc sống. Về mặt tâm lý có người cho rằng mỗi một ván cờ có thể đoán được tính nết một người như thế nào.
Đánh cờ biến thành đánh bạc
Người Việt đánh bạc bằng cách chơi tổ tôm (môn chơi của Việt Nam), mạt chược (môn chơi của Tàu), Domino (( môn chơi của Âu châu),
Đánh bạc: người đời ai cũng biết đánh bạc (một vé số để thử thời vận may rủi là có máu đỏ đen rồi),. Năm mười năm trước, đi Las Vegas không thấy người Việt bây giờ thì người Việt chia bài, các đại gia ngồi bàn tròn hội nghị. Trên thế giới nước nào cũng có lập trung tâm cờ bạc nhằm mục đích qui tụ những tệ nạn đỏ đen không có không được này, đồng thới kích động kỹ nghệ cờ bạc cùng những phụ hệ của nó: dịch vụ Ăn nhậu, hộp đêm, giải trí mại dâm trá hình vũ trường, đua ngựa: Las Vegas, Atlantic ( Mỹ) Cane Monte Carlo. Monaco ( Pháp), Macao, Hồng Kông. Việt nam, thời Pháp thuộc, Sàigòn được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông với những sòng bài Kim Chung, Đại Thế Giới.
Những tay cờ bạc được người đời tôn vinh là vua:
Chanh chua mà khế cũng chua
Mấy thằng cờ bạc là vua ăn mày
hay được gọi là bác
Cờ bạc là bác thằng bần
Cửa nhà bán hết ra thân bần cùng
Sự tác hại của đánh bạc không thể lường được, nhiều người tán gia bại sản cũng vì đam mê đánh bạc, thậm chí đến bán vợ độ con, sự đam mê không thể chữa được, dường như nó ăn sâu vào trong huyết quản vậy.
Ở nước ta, đánh bạc là một sinh hoạt văn hóa đặc thù trong ba ngày tết, già trẻ giầu nghèo đều chơi bài bạc:
Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè
Từ lắc bầu cua ở các vỉa hè góc phố đến những sòng bạc tổ chức tại tư gia, sau buổi tiệc tàn, luân phiên cho đến hết tháng giêng, đây là một lệ làng của người dân và nó tự giác dẹp khi hết tết,mà đa số không cần có sự can thiệp của pháp luật.
(Còn tiếp)