Hình minh hoạ: Người dân trong khu phong toả ở TPHCM hôm 20/7/2021
Reuters
Ngày mai 15/9, theo chủ trương trước kia, lãnh đạo TPHCM cho biết là thời điểm có thể mở cửa lại một số hoạt động kinh tế của TP, song song với việc áp dụng thẻ đi đường vắc-xin tương ứng (thẻ xanh, thẻ vàng). Hiện TPHCM đã gần bao phủ mũi một vắc-xin, mũi hai cũng đã chiếm …. nên người dân và doanh nghiệp cực kỳ mong chờ nới lỏng để có thể ra đường đi làm kiếm tiền.
Bất quá:
Hình chế của người dân. Facebook
Cái ảnh chế hài hước ở trên thay thế đủ cho thông báo của lãnh đạo TP HCM vào hai ngày cuối cùng trước khi hết hạn đợt giới nghiêm lần thứ hai này (lần một từ 23/8 đến…..; lần 2…..).
Nhiều người cười òa, nhiều người thì bật … chửi!
Nhớ lại “tin đồn” mới vừa khoảng 10 ngày trước, người dân không thể không cảm thán: “Đồn thật đúng… như lời”.
Tin đồn đó nói gì?
Nó nói TP HCM sẽ mở cửa dần dần nhưng không thể trước cuối tháng 9, tuy vậy sẽ chỉ thông báo tiếp tục kéo dài phong tỏa từng hai tuần một để người dân đỡ sốc. Trước mắt đến 15/9 sẽ thí điểm mở cửa lại một số hoạt động.
Vào ngày 05/9, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM, ông Phạm Đức Hải lên báo phủ nhận “tin đồn” này. Chỉ sau đó vài ngày, Chủ tịch TPHCM trả lời chính thức trong buổi live stream với người dân TP chủ trương đó là có thật.
Vài ngày nay, tất cả các phường xã ráo riết tiêm vắc-xin cho người dân. Mọi giấy tờ trước đó đều được bỏ qua hết, không cần tin nhắn, CMND, hộ khẩu thường trú hay tạm trú, có bảo hiểm y tế hay không… người dân được thông báo đến các địa điểm công cộng để tiêm nhanh chóng.
Động thái này càng khiến nhiều người tin vào lời hứa sau 15/9 sẽ được cấp thẻ xanh và thẻ vàng vắc-xin để tái kiến thiết.
Rồi đến hôm qua thì cũng chính Chủ tịch TPHCM nói “sẽ giãn cách thêm một thời gian”.
Lời nói theo đúng nguyên tắc sandwich (tin dễ nghe trước, tin khó nghe ở giữa, cuối cùng lại là một lớp khen ngợi động viên), rất uyển chuyển:
Theo dõi các động thái của lãnh đạo TPHCM, tôi cảm tưởng các vị xem người dân là con trẻ, lúc nào cũng lo sợ chúng không đủ hiểu biết nên người làm lãnh đạo thành phố phải chu toàn lo giùm, nghĩ giùm, tính toán giùm. Hơn thế còn phải chặn trước chặn sau để người dân khỏi bị tổn thương tinh thần. Kiểu như thông báo cái rẹt sẽ tiếp tục phong tỏa một tháng nữa thì trái tim non nớt của đồng bào sẽ vỡ tan rỉ máu mất, nên phải dùng chính sách nước ấm nấu ếch để huấn luyện từ từ. Con ếch bị luộc trong nồi nước ấm dần lên nên không nhận thấy nguy hiểm, cứ an tâm ngồi yên cho đến lúc bị luộc chín.
Hình chụp thông báo trên Tuổi Trẻ
Tấm lòng đó không phải của người làm cha mẹ, một mực phụ mẫu chi dân thì là cái gì?
Nói trên báo điện tử Zing ngày 14/9/2021, PGS.TS Đỗ Văn Dũng ở Đại học Y dược TPHCM cho rằng: “trước khi mở cửa nền kinh tế, TPHCM cần có hệ thống giám sát dịch - 'chiếc đồng hồ đo tốc độ' để biết lộ trình mở cửa của TP có phù hợp hay không”.
Ông Dũng đưa ra một số ví dụ về các chỉ dấu đánh giá tình hình. Ví dụ yếu tố quan trọng để kiểm soát ca tử vong là thành phố phải đảm bảo hệ thống điều trị, khám chữa bệnh đáp ứng được sự gia tăng số ca bệnh ở một mức độ nào đó.
Ông Dũng cho biết theo kinh nghiệm quốc tế, tỷ lệ giường trống an toàn là 25%, hay nói cách khác, số bệnh nhân nhập viện chỉ chiếm 75% năng lực của ngành y tế. Khoảng trống còn lại là để xử trí các tình huống bất ngờ phát sinh.
Và con số 75% là năng lực của ngành y tế TP HCM trong điều kiện làm việc bình thường, không phải vay mượn nhân lực từ nơi khác, cũng không phải vắt kiệt sức như hiện tại.
Số giờ làm việc của nhân viên y tế trực tiếp điều trị trong các bệnh viện điều trị COVID-19 tại TPHCM vào khoảng 6-8 tiếng/ngày. Đây là điều kiện làm việc rất lao lực vì họ phải trùm bộ đồ bảo hộ kín bưng trong thời tiết nóng ẩm, không thể cởi ra để ăn uống hay thực hiện các nhu cầu vệ sinh. Vì mỗi lần cởi là một lần khử khuẩn nghiêm ngặt từ đầu đến chân, vứt bỏ bộ đồ bảo hộ giá vài trăm ngàn đồng. Đồ bảo hộ thì không hề dư dật, nhiều bệnh viện vẫn liên tục xin quyên góp từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân mới có.
Cả nước Việt Nam hiện tại cứ mỗi ngày mắc thêm 11.000-12.000 ca bệnh, chết khoảng 200-300 người, tỷ lệ tử vong cao hơn trung bình của thế giới. Cho nên dù ngành y tế không cho biết cụ thể khả năng chịu đựng của họ nhưng chắc chắn đây là con số quá tải nhiều lần.
Đó là chưa kể Bộ Y tế đã nắm được con số thật hay chưa. Số bệnh nhân chết ở ngoài bệnh viện có được đưa vào hệ thống thống kê hay không, không ai biết.
Đã quá tải nhiều lần thì chắc chắn vẫn còn phải phong tỏa nghiêm ngặt để tránh lây lan ra nhiều nữa, khiến hệ thống y tế hoàn toàn sụp đổ.
Đồng hồ tốc độ như ông Dũng nói, về y tế, tức phải xác định rõ với nhân lực, trang thiết bị, thuốc men… của các địa phương trọng điểm như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… thì tối đa chịu đựng được bao nhiêu ca nhiễm, ca tử vong. Con số nào thì nằm trong khả năng kiểm soát? Con số nào là báo hiệu nguy cơ, từng mức độ nguy cơ đến đâu? Bao nhiêu thì mở hết, mở một phần, hạn chế toàn bộ, phong tỏa, giới nghiêm… tương ứng với xanh, vàng, da cam, đỏ?
Đấy là nói rất đại khái về y tế.
Về sức chống chịu của nền kinh tế cũng phải minh bạch từng ngành, từng địa phương tương tự như vậy.
Trên cơ sở đó, Nhà nước lập ra một bản đồ cảnh báo dịch đi kèm với các biện pháp xã hội tương ứng công khai để doanh nghiệp và người dân ai cũng theo dõi, tự tính toán và dự phòng cho cuộc sống và công việc của mình.
Đáng tiếc là chẳng ai cho người dân và doanh nghiệp biết các con số ấy cả.
Dường như trong dịch bệnh này, dù đã kéo dài hai năm trường thì vẫn chỉ có các nhân viên y tế trực tiếp điều trị bệnh là nhân tố hoạt động mạnh mẽ nhất. Còn các bộ ngành chủ quản mọi mặt khác, họ không liên quan thì phải. Một Bộ giao thông vận tải cho đến tháng thứ tư cách ly xã hội vẫn dồn hết tâm lực bận bịu với QR code, luồng xanh, chốt giao thông mỗi tỉnh một phách rối bời. Một Bộ nông nghiệp, một Bộ Công thương loay hoay làm được việc tăng sức mua mãnh liệt cho các “chợ đen” trên mạng, nâng giá thực phẩm ở thị trường tiêu thụ trọng điểm lên hai ba lần, song song đó đạp giá nông sản ở vùng sản xuất xuống sát đất. Một Bộ thông tin truyền thông chỉ cung cấp những thông tin tươi vui lên báo chí, khiến người dân muốn biết tình hình thực tế thì loạn xà ngậu không biết tìm ở đâu, tin vào nguồn nào. Một Bộ quan trọng nhất là Bộ Y tế và đặc biệt là Sở Y tế TP HCM thì như mới hút cần xong, tham mưu những chủ trương chống dịch cách xa thực tế đến không biết đường nào nói, thậm chí nói dối không chớp mắt “chưa thấy tình hình thiếu ô-xy ở người bệnh trong cộng đồng”. Một dàn lãnh đạo quận huyện, thành phố (trừ một số rất nhỏ) thậm chí không hề biết địa phương mình có đặc điểm dân cư, kinh tế, xã hội ra sao để đề ra các quyết sách chống dịch trên địa bàn, cho mãi đến khi cấp trên dẫn theo đi “thị sát” mới ồ lên hóa ra dịch lây ở trong ngõ hẻm, hóa ra nên phát túi thuốc cho người dân tự điều trị ở nhà khi triệu chứng nhẹ. Một bộ máy công quyền cồng kềnh với đủ các ngành, các lĩnh vực từ trung ương đến tận phường xã, nhưng mọi vấn đề nhỏ bằng cái tăm đều được đẩy ngược lên trực tiếp các phó thủ tướng và thủ tướng.
VIDEO Ấy vậy mà họ vẫn lên báo chí chỉ đạo hết sách lược nọ đến sách lược kia.
Không ai trong số những vị ấy dốt cả. Họ đều học cao, được đào tạo ở tây, nhiều năm phấn đấu lăn lộn trong chính trường mới có thể được bổ nhiệm trọng trách. Sở dĩ họ quan liêu, (giả vờ) mờ mịt như vậy là vì để yên thân. Đi họp đầy đủ, cấp trên nói gì cứ dạ đều, nhưng bước ra khỏi cuộc họp cái gì cũng không làm. Không làm thì không có lỗi. Khiển trách vài câu chứ cách chức được sao? Còn người nào hăng hái, có trách nhiệm, có lương tâm công chức nhảy vào cái chảo lửa chống dịch lăn lộn thì chắc chắn làm mười việc cũng có một việc không đúng, lúc ấy chẳng phải để hở cái ghế thơm ngon cho một đám thèm thuồng đang đợi đã lâu sao?
Đáng tiếc, lớp con cái lại không thấu được nỗi khổ tâm đó. Chúng một mực không tin.
Mở cửa quán ăn cho bán mang đi ư?
Không làm!
Tiền đâu xét nghiệm cứ ba ngày một lần, nhà cửa đâu để nuôi nhân công “ba tại chỗ”, shipper đâu để mà giao hàng đi? Thực phẩm thì vừa khó mua vừa đắt. Đã thế chỉ cho giao đi nội trong quận. Một món ăn đội lên chi phí gấp ba lần, tô bún bò đến tay người ăn giá trung bình 100.000 đ, một ngày liệu bán được mấy tô mà cả gan mở ra bán?
Nên thôi các quan bác nói gì thì nói, chúng em nằm yên nín thở tiếp cho qua con trăng này. Xin gạo nhà nước ăn với nước mắm cũng được, chờ bao giờ các bác thực sự ban lệnh cho ra đường kiếm ăn thì chúng em nhúc nhích. Chứ đánh bạc với các bác, đảm bảo cả nhà chúng em thua.
Lại nói về tấm lòng phụ mẫu.
Nhìn vào con số nhiễm vẫn đến bốn năm ngàn ca, số tử vong tuy giảm nhưng vẫn còn giữa 200-250 ca mỗi ngày, người nào theo dõi tư duy chống dịch của Việt Nam đều hiểu chắc chưa thể 15/9 này mở cửa thẻ xanh thẻ vàng gì ráo trọi. Là vì hai con số nói trên vẫn ở mức quần cho nhân viên y tế chạy ná thở. Lực lượng y tế cả nước vào chống dịch giúp TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiềng Giang… đã nhiều tháng, giờ họ phải rút dần về để giữ sức. Lại đưa lực lượng các vùng khác vào để thay thế.
Bà Lê Thị Hờ Rin, Bí thư quận 6, vừa chia sẻ về quyết định “xé rào” của Quận 6 bằng một câu cực đỉnh: Không thể thấy có cách cứu dân mà không làm.
Và đó là quyết định chủ động phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 điều trị tại nhà vào thời điểm Sài Gòn có số ca tử vong rất cao và chưa hề có hướng dẫn dùng thuốc cho F0 điều trị tại nhà.
Đúng quy trình thì nữ bí thơ sẽ chờ quy trình. Để nếu có gì sai còn có cái “đúng quy trình” mà vin.
Nguyễn Minh Quân (Blog RFA)