Một phụ nữ Nga bỏ phiếu bầu Quốc Hội và đại biểu địa phương ở Saint-Petersburg, ngày 18/09/2021. Kỳ bầu cử kéo dài 3 ngày từ 17-19/09/2021. AP - Dmitri Lovetsky
Chủ Nhật 19/09/2021 là ngày bỏ phiếu cuối cùng trong cuộc bầu cử Quốc Hội và địa phương Nga. Tuy nhiên, các ứng dụng chống Putin đã đột ngột biến mất khỏi « cửa hiệu » trên mạng của Google và Apple. Hai hãng công nghệ của Mỹ bị lên án nhượng bộ trước những sức ép mạnh mẽ từ chính quyền Nga, gạt đối lập hoàn toàn ra khỏi cuộc bầu cử.
Những người ủng hộ ông Alexei Navalny, hiện đang bị cầm tù, hôm qua, tố cáo Google và Youtube đã chặn việc truy cập vào các danh sách ứng viên đăng trên Google Docs và hai đoạn video giới thiệu các ứng viên được phe đối lập khuyến nghị nên bỏ phiếu, đăng trên Youtube. AFP khẳng định, những tài liệu trên đã không thể truy cập được từ sáng Chủ Nhật 19/09. Trên mạng Twitter, nhóm ủng hộ Navalny cho đăng hai đường link video dẫn về trang Youtube cũng đã bị chặn.
Ngày 17/09, Google và Apple đã chấp nhận hủy ứng dụng « bỏ phiếu thông minh ». Mạng xã hội tin nhắn mã hóa Telegram, rất phổ biến ở Nga, hôm 18/9, thông báo xóa một phần mềm tự động, nhờ vào đó, cử tri có thể nhận được các chỉ dẫn bỏ phiếu. Những người ủng hộ nhà đối lập Navalny cáo buộc hai hãng lớn của Mỹ đã « nhượng bộ trước những mặc cả của điện Kremlin ».
Khó kiểm chứng được cuộc bầu cử diễn ra công bằngTrong khi đó, vấn đề làm thế nào kiểm chứng cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ và công bằng còn là một thách thức lớn khác. Thông tín viên đài RFI Anissa El Jabri tại Matxcơva có dịp trao đổi với một thành viên độc lập của ủy ban bầu cử.
« Chúng tôi đã gặp được một người tình nguyện đến kiểm phiếu trước cổng một điểm bầu cử. Anh phải kiểm tra 12 giờ mỗi ngày xem hoạt động có được trơn tru hay không. Ở tuổi 41, Andrei Tchrviakov có niềm đam mê chính trị, quan sát các cuộc bầu cử từ năm 1999, khi anh còn là sinh viên. Năm 2011, anh từng ra ứng viên tranh cử cho đảng cánh trung Yabloko và cho rằng, « thời kỳ đó, chúng tôi có những cuộc bầu cử công bằng » và kinh nghiệm cho thấy có được điều đó « không dễ dàng chút nào ».
Anh nói : « Tôi đã tận mắt thấy chuyện gì đã xảy ra : Tỷ lệ 18% lúc kiểm phiếu tại phòng bỏ phiếu bị giảm xuống còn có 4% khi về đến văn phòng bầu cử vùng. Thế nên, tôi muốn là thành viên của ủy ban bầu cử, sao cho luật được áp dụng một cách đúng đắn. »
Andrei Tcherviakov khẳng định việc kết quả bầu cử bị thay đổi giữa đường di chuyển giờ đây đã chấm dứt. Nhưng ngược lại, điểm mới của năm nay chính là việc giám sát cuộc bỏ phiếu bằng video.
Anh nói tiếp : « Trước đây, có những người chỉ việc ngồi nhà trong suốt quá trình bầu cử để giám sát trực tiếp và xác định gian lận. Một số người thậm chí còn có cả phần mềm chính xác cho phép đếm số người đã đến điểm bỏ phiếu và so sánh với những con số chính thức. Lần này, trong cuộc bỏ phiếu năm nay, quyền truy cập miễn phí các video đã bị hạn chế ».
Thế nhưng, Ủy ban bầu cử Nga khẳng định, quyền truy cập vào các video kể từ giờ là phải được xin từ trước, mục tiêu là nhằm tránh mọi sự can dự từ nước ngoài trong các cuộc bỏ phiếu ».
Theo RFI