Tổng thống Joe Biden và các quan chức Mỹ sau khi phát biểu trước Đại Hội Đồng LHQ, New York, Hoa Kỳ ngày 21/09/2021. REUTERS - POOL
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay 22/09/2021 tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về Covid-19, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, nhằm mục đích mở rộng, củng cố các nỗ lực chung và thúc đẩy các nước liên kết để đối phó với đại dịch Covid-19.
AFP nhắc lại thông báo tổ chức thượng đỉnh Covid-19 của tổng thống Mỹ Biden đã được Nhà Trắng đưa ra hôm thứ Sáu 17/09. Xuất phát từ một ý tưởng của Liên Hiệp Quốc, chính quyền Biden dự kiến đề nghị 193 nước cam kết về các mục tiêu tiêm phòng Covid-19 cho người dân.
Tổng thống Mỹ muốn từ nay đến tháng 09/2022, 70% dân số thế giới được tiêm ngừa và ông đã hứa là Washington tăng cường nỗ lực trên trường quốc tế để chống đại dịch, cũng như chống biến đổi khí hậu. Theo dự kiến, tại thượng đỉnh, Washington sẽ thông báo những cam kết mới hỗ trợ vac-xin cho các nước mà chiến dịch tiêm ngừa tiến triển chậm nhất.
Cụ thể, Reuters cho biết tổng thống Biden sẽ thông báo mua thêm 500 triệu liều vac-xin để tặng các nước thu nhập thấp, nâng số lượng vac-xin Mỹ hỗ trợ cho thế giới lên thành hơn 1,1 tỉ liều. Số vac-xin Pfizer/BioNTech mà chính quyền Biden đặt mua bổ sung sẽ được sản xuất ngay tại các cơ sở ở Mỹ và sẽ được chuyển cho các nước nghèo kể từ đầu tháng 01/2022.
Ân Xá Quốc Tế chỉ trích các hãng bào chế vac-xin Trong khi đó, tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế (Amnesty International) hôm nay, 22/09, tố cáo các tập đoàn dược phẩm bào chế vac-xin ngừa Covid-19 đã thúc đẩy « một cuộc khủng hoảng nhân quyền chưa từng có ». Trong một báo cáo, Amnesty International khẳng định hầu hết các hãng này không ưu tiên cấp vac-xin cho các nước nghèo nhất.
Tổng thư ký Agnès Callamard nhấn mạnh phải hoan nghênh các công ty bào chế vac-xin ngừa Covid-19 như những « người hùng », bởi vì tiêm vac-xin cho cả thế giới là cách duy nhất để chúng ta thoát khỏi khủng hoảng. Thế nhưng, trong thông cáo, bà cũng chỉ trích việc các đại tập đoàn bào chế, Big Pharma, cố ý ngăn chặn việc chuyển giao công nghệ và ưu ái các quốc gia giàu có. Điều này đã dẫn đến sự khan hiếm vac-xin và gây tác hại tàn phá đối với rất nhiều nước.
Xem xét các chính sách của các hãng bào chế AstraZeneca, Pfizer, BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson và Novavax, Ân Xá Quốc Tế kết luận : « Ở các mức độ khác nhau, 6 nhà phát triển vac-xin đã không thực hiện đúng trách nhiệm của họ về nhân quyền ». Trong số 5,76 tỷ liều vac-xin đã được sử dụng, chỉ có 0,3% là ở các nước có thu nhập « thấp », 79% được sử dụng ở các nước có thu nhập « trung bình cao » và « cao ». Ân Xá Quốc Tế đề nghị các hãng và chính phủ các nước cấp cho các nước thu nhập vừa và thấp 2 tỉ liều vac-xin.
Theo RFI