Hình minh hoạ: Hình chụp hôm 15/1/2014 cho thấy một người đàn ông đang đọc tin trên mạng tại một quán cà phê ở Hà Nội. AFP
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 23/9 tuyên bố báo cáo mới đây của Tổ chức Freedom House xếp Việt Nam vào nhóm các nước không có tự do trên internet là vô giá trị.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lời Bà Hằng tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội rằng: “Đây không phải là lần đầu tiên tổ chức Freedom House đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, định kiến dựa trên những thông tin sai sự thật về Việt Nam.
Thực tế những nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế đánh giá cao tại Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc qua các chu kỳ.
Do đó, báo cáo của Freedom House là vô giá trị và tôi thấy không cần thiết phải bình luận thêm.”
Vào ngày 21/9, Freedom House công bố báo cáo mang tên The Global Drive to Control Big Tech, tạm dịch ‘Nỗ lực Toàn cầu nhằm kiểm soát các đại công ty công nghệ’.
Theo thang đánh giá với số điểm tự do nhất là 100 và hoàn toàn không có tự do là 0, Việt Nam năm nay ở mức 22 điểm, trong đó 12 điểm về những trở ngại tiếp cận, sáu điểm về giới hạn nội dung và bốn điểm về những vi phạm quyền của người sử dụng.
Trong phần về chủ quyền dữ liệu là cớ để giám sát, báo cáo nêu ra dự thảo nghị định do Bộ Công an Việt Nam soạn thảo và đưa ra hồi tháng hai năm nay nhằm qui định chi tiết một số điều của Luật An Ninh Mạng của Việt Nam. Nghị định có thêm những yêu cầu đối với các công ty mạng về việc lưu trữ dữ liệu tại máy chủ ở Việt Nam. Những dữ liệu phải lưu trữ bao gồm tên tuổi người dùng, quốc tịch, giấy chứng minh, số thẻ tín dụng, các thông tin sinh trắc, sức khỏe.
Báo cáo của Freedom House cho rằng những lý cớ mơ hồ liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội được đưa ra trong dự thảo nghị định nhằm cho phép cơ quan chức năng có thể tiếp cận dữ liệu của người dùng.
Việc các công ty mạng xã hội tuân thủ hoàn toàn những qui định của Việt Nam, giới hoạt động, nhà báo, các nhà bảo vệ nhân quyền sẽ đối mặt nguy cơ trước sự đàn áp nặng nề tiếng nói bất đồng chính trị của chế độ độc đảng.
Chính phủ Hà Nội là một trong ít nhất 55 nhà cầm quyền trên thế giới áp dụng chính sách điều tra, bắt giữ và kết tội những người đưa lên mạng xã hội những bài viết của họ.
Theo RFA