logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 24/09/2021 lúc 01:47:59(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Lúc chị sanh con đầu lòng, cha mẹ chị còn ở Việt Nam. Mấy anh chị em của chị sống tứ tán khắp nơi trên nước Đức. Đứa bé là cháu nội, ngoại đầu tiên. Bởi thế, hai họ xúm lại nâng niu cháu. Các dì, các cậu, vài tuần đáp xe lửa về thăm cháu. Bên nội ở gần xịt, chạy xe 10 phút là đến. Chị luôn nghĩ, trẻ con sẽ có tuổi thơ đẹp hơn, nếu may mắn được lớn lên có ông bà nội ngoại. Ông bà ngoại chưa được gần để nựng nịu cháu, thì hiện tại, chị tận dụng cơ hội để cháu được gần gia đình nội.


Cuối tuần, anh chị đưa con qua gia đình nội chơi. Cô Năm đã đến tuổi cập kê, nhưng còn độc thân vui tính, ở chung nhà với bà nội. Thông thường, thứ Sáu, rời hãng làm việc, cô Năm rong ruổi đó đây đến Chủ Nhật mới về nhà. Vậy mà, từ ngày có đứa cháu, cô lơ là với những màn tụ tập bạn bè vào cuối tuần. Sáng thứ Bảy, cô Năm gọi điện thoại, giục giã:


-Anh chị mau đem cháu qua cho bà nội thăm.


Đứa nhỏ đến, ngồi trong lòng bà nội một chút, cô Năm giành ẵm cháu. Cô lăng xăng, cho thằng bé uống nước, đưa nó miếng bánh quy, cù vào người thằng bé, hai cô cháu cười rặt rặt. Thấy cô mến cháu, chị vui lắm. Lần nọ, bác hàng xóm ghé thăm, bác tấm tắc:


-Hai cô cháu giỡn với nhau dễ thương quá.


Mẹ chồng chị đáp ngay:


-Dạ, phải chị. Thằng Tí mê cô nó hơn mẹ nó nữa.


Chị bỗng giật thót. Chị mong, bác hàng xóm không vì vậy, mà trách chị là mẹ quạ mổ. Chiều về, cho con ăn uống, tắm rửa con xong, chị thầm so sánh phản ứng, biểu hiện của đứa con khi chơi với con, xem nó có mê mẹ bằng mê cô nó không. Hồi giờ, chị cứ tin, nó mê mẹ nhất đời. Nhưng biết đâu, chị quá chủ quan. Nó bi bô mỗi một chữ “mẹ” từ mấy tháng nay, mà chưa nói thêm chữ mới, mặc dầu chị chỉ vào anh và tập nó nói “ba”. Đã nhiều lần, nó “bất hợp tác” với anh. Chị gởi anh trông chừng nó để chị chuẩn bị cơm chiều. Chỉ một lát, nó lèo nhèo. Anh lấy núm vú ny-lông nhét vào miệng thằng bé. Nó nhả ra, bắt đầu lên giọng khóc. Anh lấy con gấu mở nhạc, món đồ chơi nó rất thích. Thằng bé lăn ra trên thảm, đổi giọng, gào to hơn tiếng nhạc thánh thót. Thấy không xong, anh bế con vào nhà bếp. Vừa thấy chị, nó nín khóc, bập bẹ: “mẹ, mẹ”. Anh khuân cái ghế cho trẻ con vào bếp, đặt nó vào ghế. Thế là nó ngồi êm thắm, chơi với trái banh. Anh mắng yêu con:


-Nhớ nghen, mày chê ông già mày ha.


Anh phân bua:


-Anh muốn phụ giúp em một tay chứ. Mà thằng Tí cứ bu em hoài, anh đành chịu.


Chị vui vẻ:


-Chắc là nó biết ý, để cho ba nó yên, coi trận đá banh chung kết. 


Cuối tuần, như thường lệ, vợ chồng con chị qua nhà nội. Anh thả hai mẹ con xuống trước nhà, chạy tìm chỗ đậu xe. Hai mẹ con vừa đến cửa, cô Năm rộn ràng, nắm tay thằng bé, âu yếm cởi giày, cởi áo cho cháu, kể với chị:


-Em chờ thằng Tí từ sáng giờ. Em đi tìm cả buổi chiều hôm qua mới được cái áo ưng ý cho nó.


Cô trỏ hộp bánh quy trên bàn, quay qua thằng bé:


-Bà nội cho con đó. Lại ạ bà nội đi.


Thằng nhóc lẫm đẫm những bước vụng về đến bà nội, “ạ, ạ” mấy tiếng thật to. Cô Năm kéo Tí vào lòng, hôn lên má Tí một cái thật kêu, dỗ Tí đứng yên để cô mặc áo mới cho Tí. Mẹ chồng chị nhìn chị:


-Coi kìa! Cô Năm nó lo cho thằng Tí gọn bân. Má nói cho con nghe. Bây giờ con Năm còn ở không. Để thằng Tí đây, cô Năm nó nuôi. Con rảnh tay, muốn mấy đứa con, đẻ luôn một dọc rồi nghỉ.


Chị giật phắt người, tưởng như một cơn đau làm chị thắt cả ruột. Chị nuốt cơn nghẹn, lí nhí:


-Dạ, Tí còn nhỏ quá má.


Mẹ chồng cười dễ dãi:


-Ui, nó lớn bộn. Thôi nôi rồi, chớ nhỏ nhít gì nữa.


Chị thều thào:


-Dạ, tụi con chờ cho Tí lớn chút nữa rồi mới tính má ạ.


Mẹ chồng giảng giải:


-Đẻ cách nhau lâu, nuôi đã cực, mà anh em lại không thân thiết nhau. Với lại, giờ con Năm chưa lấy chồng, nó rảnh. Chớ vài ba năm nữa, Năm có gia đình riêng của nó, có muốn giúp cũng không được. 


Nhìn cô Năm cài nút áo, xoay thằng bé qua lại ngắm nghía, chị chỉ muốn chạy đến ôm con và nói thật to rằng: “Tí là con của mẹ. Tí chỉ ở với mẹ thôi.” Nhưng chị vẫn ngồi yên, đầu nóng bừng, nghe tiếng được, tiếng mất, giọng mẹ chồng xếp đặt chương trình cho “hai cô cháu nó”.


-Ban ngày má coi nó. Nuôi thằng Tí dễ không à. Chiều cô Năm nó về, tắm rửa cho nó. Phòng cô Năm rộng thinh thang, dư chỗ cho giường của thằng Tí.


Vừa lúc ấy, anh lên tới nơi. Mẹ chồng nói với anh:


-Má muốn tính chuyện như vầy với hai vợ chồng con. Để thằng Tí cho Năm nó nuôi...


Tai chị lùng bùng. Chị không nghe rõ những điều mẹ chồng đang bàn bạc với anh. Dường như tiếng của anh:
-Dạ, để vợ chồng con bàn lại rồi báo cho má và Năm biết. 


Cơn giận ngùn ngụt trong chị. Tại sao anh không từ chối ngay. Chiều về nhà, thấy vẻ mặt lạnh tanh của chị, anh biết, chị không vui. Anh phân trần:


-Má đề nghị vậy, anh nói, để bàn với em là đúng rồi.


Chị quắc mắt nhìn anh:


-Có gì để bàn đâu. Con mình, sao mình không nuôi, mà phải đi nhờ người khác! 


Anh bênh vực:


-Đó là ý tốt của má với Năm thôi. Giúp cho tụi mình đỡ cực.


Chị gào lên:


-Nó là con của em. Không ai được bắt nó cả.


Anh dịu giọng:


-Em không đồng ý thì thôi. Anh thưa lại với má. Có gì đâu mà em ầm ầm như vậy.


Có Tí, chị lơ là với anh. Anh nghĩ, chuyện bình thường. Rất nhiều phụ nữ, khi có con, họ dành trọn tâm trí cho con. Anh không vui, nhưng hy vọng, dần dà mọi việc sẽ ổn. Thế mà, trái lại, từ khi nghe lời đề nghị của bà nội Tí, chị gần như cự tuyệt anh. Chị bảo anh ra phòng khách, vì trong phòng ngủ, Tí khóc đêm, sẽ làm anh mệt. Anh bảo: “Chả sao. Nghe con khóc cũng thú vị chứ”. Ông nhạc sĩ nổi tiếng đã chẳng hớn hở khoe đêm về nghe con khóc vui triền miên* sao. Anh nhất định không “di cư”. Chị ngủ chập chờn. Vừa chợp mắt, chợt nhận ra cánh tay anh choàng ngang, chị hất mạnh cánh tay anh, hốt hoảng ngồi dậy: “Không! Không! Em không, em không... ”. Chị lo lắng lắm, nếu Tí có em, thì Tí sẽ ở với cô Năm. Cuối tuần sau, chị viện cớ, Tí đang mọc răng, hơi ấm đầu, phải để Tí ở nhà nghỉ ngơi. Những tuần không còn tìm ra lý do thoái thác, chị miễn cưỡng đưa con qua nội. Cô Năm thường có sẵn quà cho Tí. Khi thì hộp bánh, lúc món đồ chơi. Cả buổi ở nhà chồng, chị bồn chồn, nơm nớp lo âu, không biết lúc nào mẹ chồng sẽ nhắc lại đề nghị của bà. Chị không biết, anh đã nói chuyện rõ ràng với mẹ chưa. Bà nội ngồi xếp hình với cháu, bà rủ rê:


-Tí, tối nay con ngủ lại nhà nội nghen. Mai cô Năm chở đi mua đồ chơi.


Thằng bé chưa hiểu, nhìn bà nội cười cười. Sợ mẹ chồng nghĩ là nó thích. Chị vội vàng lên tiếng:


-Dạ, thôi, má. Tí vẫn còn khóc đêm. 


Giường của Tí đặt sát giường của chị, chị gỡ ba chấn song của giường con, thành cái cửa cho Tí bò qua giường mẹ. Ban đầu, đọc trong các sách báo hướng dẫn nuôi trẻ, chị tập cho Tí ngủ riêng. Hễ Tí bò ra giường lớn, chị bế con đặt lại giường nhỏ. Nhưng giờ chị nghĩ, mình đang trong cuộc chạy đua tình cảm với cô Năm của Tí. Phải làm sao, mà đừng bao giờ Tí có ý nghĩ mê cô Năm hơn mẹ. Cho nên, dần dà, Tí chỉ ngủ trong giường của mình ban ngày. Ban đêm, Tí nghiễm nhiên đóng đô hẳn luôn bên giường mẹ.


Mãi đến khi Tí gần ba tuổi, cô Năm lấy chồng, đi xa, chị mới yên tâm. Không lâu sau, gia đình chị được đoàn tụ. Cha mẹ chị ở cùng tỉnh của chị. Chị trở lại trường, tiếp tục đời sinh viên. Mỗi tuần, hai ngày chị chạy vội lên trường lấy bài vở. Ngày nào chị đi học, cha mẹ chị giúp đưa đón và trông coi Tí. Tí rất thích, được ông bà ngoại đến đón, cho đi xe buýt, đi chợ, được ông bà cưng chiều. Chiều tối, anh chị đến đón Tí về nhà. Có lần, vì kẹt xe, anh chị về rất trễ. Khi anh chị đến, Tí đang nằm thiu thiu ngủ ở xa-lông. Chị lo lắng, tưởng Tí bệnh. Mẹ chị kể:






-Cả ngày Tí chơi với ông bà ngoại vui lắm. Mà tới chiều tối, nó buồn buồn hỏi miết, bao giờ mẹ về. Con nít thì chỉ có mẹ thôi, không ai thay thế được.    


Khi Tí vào vườn trẻ, Tí mới nghe đến ông già nô-en, ở Đức là ông Nikolaus. Tí nhờ mẹ viết thư hỏi ông Nikolaus cho Tí xin một đứa em bằng tuổi Tí, anh em chơi với nhau cho vui. Tí dặn mẹ phải viết cả tiếng Việt và tiếng Đức. Tí cẩn thận đem đôi giày mùa đông để trước cửa nhà. Nghe Tí nói vậy, chị thấy ngồ ngộ, dễ thương. Chị định ghẹo con, giày của con nhỏ quá, sao vừa chỗ cho em bé. Thoáng nghĩ vậy thôi, chứ chị sẽ không nhắc gì đến lời yêu cầu của Tí. Chị tính, tìm cho Tí món đồ chơi Tí thật thích. Như thế, Tí sẽ quên ngay ước mơ có em của Tí. Biết Tí mê xe, chị mua cho con chiếc xe chữa lửa. Buổi sáng ngày Nikolaus, Tí rộn ràng chạy ra chỗ để giày. Tí sung sướng ôm hộp quà to. Tí nằm dài trên thảm, say mê ngắm xe chữa lửa chạy vòng vòng, chớp đèn, kêu ò e, ò e. Tí thủ thỉ:


-Mẹ ơi, nếu con có em, hai đứa cùng chơi xe, thì vui thêm mẹ há.


Chị áy náy, thấy mình quả hồ đồ, khi nghĩ lời mong ước của thằng bé chỉ là lời con trẻ. Đến khi biết viết, Tí vẫn tiếp tục gởi nguyện vọng đến ông Nikolaus xin em. Tí ghiền đá banh. Tí cân nhắc, xin ông Nikolaus cho Tí 10 em trai, để cùng nhau lập đội banh. Ông Nikolaus đặt bên đôi giày của Tí khăn quàng, mũ len với huy hiệu của đội bóng đá FC Bayern. Nhưng ông không nói gì đến 10 em trai. Tí ngẫm nghĩ, mình xin như vậy nhiều quá. Thôi, có các bạn lập đội được rồi. Năm sau, Tí muốn tạo mọi sự dễ dàng cho ông Nikolaus, Tí chỉ xin một đứa em, Bruder (em trai) hay Schwester (em gái) cũng được. Miễn có đứa em cho oai như mấy đứa khác. Vậy mà, nguyện vọng của Tí vẫn không được đáp ứng. Chị len lén quan sát Tí hí hoáy viết thư cho ông Nikolaus mà thương con quá đỗi. Chị tìm những món quà thật hấp dẫn, mong Tí nguội bớt ao ước có em.


Đến khi Tí biết những món quà Tí nhận vào ngày Nikolaus không phải từ ông già râu trắng mặc áo đỏ, mà là từ mẹ của Tí, chờ Tí ngủ, rón rén ra đặt quà cạnh giày. Tí thôi, không xin quà của ông Nikolaus vào mùa Giáng Sinh. Nhưng đâu đó, chị vẫn bắt gặp nơi con niềm mong ước có em. Tí rất thân với những đứa con của các dì, các cậu. Có lúc, chị đùa với con:


-Con Bé, con Xíu cũng là em con mà.


Tí trả lời rành mạch:


-Mẹ ơi, tụi nó là em. Nhưng là Cousine chớ không phải là Schwester của con.


Tí ham đọc sách. Mỗi chiều thứ Sáu, tan sở sớm, chị dắt Tí ra tiệm sách. Chị cho Tí hai tiếng đồng hồ say sưa bên mấy kệ sách, đọc thử cuốn này, cuốn kia, chọn lựa một cuốn ưng ý để mẹ tặng cho Tí. Tí mượn thư viện những loại sách trinh thám cho thiếu nhi của Thomas Brezina, hoặc R. L. Stine. Mặc dầu đang đọc dở dang cuốn tiểu thuyết ưa thích, chị vẫn cất cuốn sách của mình sang một bên, dành thì giờ đọc cuốn sách Tí giới thiệu. Sau đó, hai mẹ con cùng nhau bàn về những cuốn sách đã đọc chung. Tí ngồi bệt trên sàn nhà, chơi cờ Pokemon. Tí phải đóng vai của hai phe. Ngồi trình cờ cho phe này xong, Tí lại đổi phía, lựa thẻ để trình cờ bên kia. Nhìn con, chị vừa thương, vừa xót. Chị bảo Tí hướng dẫn chị cách chơi cờ Pokemon. Chị sẽ là đối thủ. Có đối thủ để chơi, cho dù đối thủ dở tệ, vẫn vui hơn chơi một mình. Buổi tối, chị thường xem chung với Tí chương trình cho thiếu nhi. Chị luôn cố gắng đọc được những mơ ước của Tí. Trong thời gian chị tìm giải pháp đáp ứng nguyện vọng có em của Tí, chị tìm mọi cách để làm “thằng bạn” thân cho đứa con, để nó tạm quên sự cô đơn của con một.


Chị không thể cắt nghĩa cho con hiểu. Thời gian anh chị đi học, vợ chồng còn nghèo rớt mồng tơi. Anh ra trường trước, gặp lúc kinh tế xuống dốc, gởi trăm lá đơn xin việc, cả năm trời không nhận được một thư mời đi phỏng vấn, nói chi đến có việc. Chị ra trường sau, có ngay chỗ làm, trở thành trụ cột kiếm cơm cho cả nhà. Năm đầu tiên, liên tục những workshop, seminar, training..., làm sao chị có thể xin nghỉ để sanh con. Chị dự tính, đi làm vài năm, cho công việc ổn định. Gia đình chị ở München, một trong những thành phố đắt đỏ nhất của nước Đức. Căn nhà gia đình chị mướn ở khu phố khang trang. Tí đến trường chỉ cần đạp xe 10 phút. Tiền nhà nuốt gần phân nửa tiền lương của chị. Bây giờ, nếu chị ở nhà sanh con, làm sao trang trải hết chi phí cho tổ ấm.


Hẹn lần, hẹn lữa, chị vào tuổi 40. Chị ấp úng hỏi bác sĩ sản khoa, chị còn bao nhiêu năm nữa đủ khả năng cho con một đứa em. Bác sĩ khuyên, dẫu y khoa tiến bộ, nhưng trễ quá sẽ không tốt. Chị vốn khéo tay, hay làm. Sếp mến, đồng nghiệp thương. Công việc của chị trong hãng vững vàng. Theo luật lệ của Đức, chị có thể nghỉ hai năm sanh con, hãng có bổn phận giữ chỗ cho chị. Giờ đây, phía chị, điều kiện xem ra thuận lợi.


Nhưng phần anh, đoạn đường anh đang đi còn lắm gập ghềnh. Sau thời gian không xin được việc làm ở Đức, anh xoay qua tìm cơ hội ở Việt Nam. Một cơ hội rất mong manh. Nhưng anh muốn thử. Chị rất lo lắng. Biết bao tấn bi kịch về chuyện làm ăn ở Việt Nam. Tiếng nói của chị yếu ớt quá. Gia đình anh trách chị, đã không hỗ trợ anh, lại còn lo hão, làm anh thêm bận lòng. Ở Việt Nam, họ hàng anh đang làm ăn phát đạt. Anh chỉ cần vào làm chung là xong. Anh đi đi, về về mấy bận. Chị đành bịt tai, che mắt, để không nghe, không thấy những nguy cơ làm đổ vỡ gia đình nhỏ của anh chị. Chị tìm lý do đơn giản, cắt nghĩa cho Tí hiểu sự vắng mặt nhiều ngày của ba Tí. Anh báo tin, hãng của anh ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Chị mừng lắm, nhưng không dám tỏ lộ. Cuối cùng, anh chấm dứt công việc bên Việt Nam. Châu về hợp phố. Chị thở phào. Kinh tế của nước Đức phục hồi. Hy vọng anh sẽ tìm được việc làm gần nhà. Nhưng cuộc sống không hanh thông như chị mong ước. Anh vẫn còn những bận rộn riêng của anh. Khoảng cách địa lý không còn. Nhưng giữa anh chị, trong lòng, lại xa cách lắm.


Chị luôn canh cánh điều ước ngày xưa đứa con xin ông già Nikolaus. Mỗi khi chị đến phòng mạch, vị bác sĩ tốt bụng hỏi han, nhắc nhở chị chú ý đến đồng hồ sinh học của phụ nữ, nếu còn muốn có con. Nghe tin một chị bạn, vẫn được mẹ tròn con vuông, khi tuổi xấp xỉ 50. Lòng chị sáng lên hy vọng. Chắc chị vẫn còn kịp. Tí đang năm cuối Trung Học. Hai mẹ con không còn chơi cờ chung như khi Tí còn nhỏ. Thay vào đó, hai mẹ con vừa xem talk show, vừa chuyện vãn nhiều đề tài.  


Chị cố ra vẻ tự nhiên:


-Hồi xưa, còn nhỏ, con hay mơ ước ông Nikolaus tặng cho con đứa em. Bây giờ, con còn ước như vậy nữa không?


Tí quay qua chị:


-Có em thì vui. Nhưng bây giờ thì thôi. Trễ rồi mẹ.


Chị nhìn Tí:


-Con có buồn mẹ không?


Tí cười, trấn an mẹ:


-Không đâu. Mẹ đừng lo.


Tí ôm vai mẹ:     


-Chỉ cần ba mẹ immer zusammen, luôn luôn gần nhau là con vui lắm mẹ.


Chị ôm chầm lấy con. Tí giờ đây cao lớn hơn mẹ nhiều, đã ra dáng thanh niên. Nhưng Tí vẫn là đứa con bé bỏng trong vòng tay của chị. Đứa con ước ao một món quà thuở nhỏ, mà mãi đến giờ, và sẽ không bao giờ, chị có thể tặng cho con. Lòng chị dâng lên niềm thương yêu con vô bờ. Chị nghe tiếng mình thầm hứa với con:


- Ba mẹ luôn luôn gần nhau để con vui mãi, nhé con yêu.  


Hoàng Quân
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.215 giây.