Một lọ Pfizer-BioNTech. Hình minh họa.
Trong cuộc chạy đua thuốc chủng ngừa Covid-19, Âu châu và Mỹ theo hai hướng khác nhau và kết quả nhanh chậm cũng khác. Các viện y học Âu châu nghiên cứu thuốc chủng ngừa; chính phủ không trực tiếp giúp các công ty dược phẩm, mà chỉ sẵn sàng đứng ra mua khi vaccine đã thành công. Nước Mỹ làm ngược lại; nhờ thế đã sáng chế, sản xuất và phân phối vaccine, nhanh hơn.
Xưa nay Mỹ vẫn đề cao quy tắc “kinh tế tự do” còn các nước Âu châu thường can thiệp nhiều hơn; đặt ra nhiều loại giấy phép, đánh thuế cao hơn và bảo vệ công nhân trong thị trường lao động. Lần này khác hẳn! Nhà nước ở Mỹ sẵn sàng nhúng tay vào hoạt động kinh tế.
Tất nhiên, các nước cộng sản như Trung Quốc vẫn để các doanh nghiệp nhà nước lo các việc nghiên cứu, sản xuất và phân phối từ vaccine đến thuốc trị bệnh. Trung Cộng đã cho thuốc chủng ra đời sớm nhưng hiệu quả không cao, cho nên ngay cả người Việt Nam được tặng cũng muốn dùng thuốc Mỹ hơn.
Trong chương trình “Operation Warp Speed - OWS” bắt đầu cuối tháng Ba, 2021, chính phủ Mỹ đã tài trợ, theo dõi việc nghiên cứu cho các dự án vaccine, rồi phân phối thuốc chủng. Đường lối này thực ra đã bắt đầu từ tháng Chín năm 2001!
Trên nhật báo Wall Street Journal ngày 24 tháng Chín, 2021, các ông Eric D. Hargan và Robert Kadlec, hai viên chức trong chính phủ Donald Trump, đã thuật lại nguyên ủy sinh ra chương trình OWS này. Lúc đó, mấy nghị sĩ quốc hội và cơ quan truyền thông như New York Post, NBC News nhận được những bao thư bên trong chứa vi trùng có thể gây bệnh anthrax. Quốc hội Mỹ đã thông qua các đạo luật chống khủng bố sinh học (Bioterrorism) vào những năm 2002,2004. Năm 2006, thời Tổng thống George Bush, một đạo luật nhắm ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm ra đời, cho phép cơ quan Y tế Quốc gia (HHS) được cộng tác với tư nhân, thúc đẩy, hỗ trợ các sáng kiến, nghiên cứu ngăn chống bệnh dịch. Năm 2013, Tổng thống Barack Obama thiết lập cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y Sinh học, Barda (Biomedical Advanced Research and Development Authority). Tất cả tạo cơ hội cho chính phủ nhúng tay vào thị trường!
Các công ty dược phẩm rất dè dặt trong việc nghiên cứu những loại thuốc chủng vì phải đầu tư vào những dự án rất tốn kém lại nhiều rủi ro, vì kết quả và thị trường tiêu thụ không chắc chắn. Người ta chỉ cần vaccine khi bệnh dịch xảy ra, không biết bao giờ. Các công ty phải bỏ tiền ra nghiên cứu, không biết chắc bao giờ được FDA chấp thuận. Chỉ có một khách hàng duy nhất là chính phủ, mà chính phủ thường trả giá rất thấp. Vì vậy, các đại công ty không màng đến thị trường này.
Cho nên, nếu nước Mỹ bị tấn công bằng hóa học, sinh học, quang xạ, hoặc gặp thiên tai, chính phủ phải tham dự trong việc định bệnh, trị bệnh, sáng chế thuốc và vaccine. Trong việc sản xuất thì tư doanh làm hữu hiệu hơn, cho nên nhà nước phải hợp tác với họ. Cơ quan Đề phòng Bệnh dịch CDC sẽ mua và tích trự các sản phẩm để dùng khi cần thiết.
Nhờ Cơ quan Barda nhiều thứ thuốc ra đời. Thí dụ, thuốc chủng Ervebo của công ty Merck, ngăn ngừa loài vi khuẩn bệnh Ebola phát hiện năm 2014. Hoặc thuốc uống Tpoxx của công ty Siga chống vi khuẩn gây bệnh đậu mùa, được chấp thuận năm 2018. Tất cả có 58 các loại thuốc được FDA chấp thuận. Operation Warp Speed tiếp tục con đường cộng tác đó.
Nhờ được trợ cấp trong việc nghiên cứu lúc đầu và được đặt mua thuốc trước khi sản xuất, các công ty tư ở Mỹ đã được giảm bớt rủi ro. Các công ty tư doanh đều được cơ quan Y tế Quốc gia (NIH) giúp, cho sử dụng các phòng thí nghiệm, chọn các lớp tuổi làm mục tiêu để thử, theo dõi từng bước. Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) giản dị hóa công việc kiểm soát và chấp thuận nhanh chóng khi các sản phẩm ra đời. Quan trọng nhất là nhà nước đặt mua hàng trăm triệu liều thuốc, và ứng tiền trước giúp cho việc xây dựng hoặc thay đổi các cơ sở sản xuất thuốc chủng.
Lúc đầu, khi OWS được 114 công ty trình bày các dự án chế vaccine chống Covid-19. Ngay lúc đó, các đại biểu quốc hội đã hỏi: Tại sao chính phủ dùng tiền đóng thuế của dân để giúp các công ty tư? Tại sao chọn công ty này thay vì công ty khác? Các nhà khoa học đã đặt ra những tiêu chuẩn để tuyển chọn được 14 loại thuốc có thể trợ giúp, đặt thời hạn cho các cuộc thử nghiệm. Sau cùng còn 6 nhà sản xuất, và 5 loại thuốc vượt qua được ba giai đoạn thử nghiệm.
Nhờ sự cộng tác giữa hai lãnh vực công và tư, từ tháng Tư năm 2020 chính phủ Mỹ đã tài trợ sản xuất 3 tỷ liều thuốc ngừa được cơ quan FDA tạm chấp thuận trên căn bản “Do nhu cầu khẩn cấp” (EUA). Những liểu thuốc chủng đầu tiên được đem dùng từ cuối năm 2020!
Ngoài việc khuyến khích nghiên cứu, sản xuất và đặt mua thuốc chủng, tháng Ba năm 2020 chính quyền Mỹ còn đặt mua hàng tỷ ống chích và kim chích, hàng chục triệu các hộp đựng thuốc. Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (Defense Production Act) thời chiến tranh được dùng 18 lần để bắt các công ty sản xuất thuốc chủng. Hơn 40,000 nhà Bán Thuốc, hàng ngàn trung tâm y tế địa phương được huy động, nối kết qua hệ thống internet. Các công ty giao hàng UPS và FedEx lo việc phân phối nhanh chóng và bảo đảm nhà kho và xe chở hàng theo đúng tiêu chuẩn để thuốc không bị hư. Tháng Hai năm 2021, 15 ngàn nhà dưỡng lão đã được chích ngừa.
Nhìn lại các sự kiện trên đây chúng ta thấy sự thành công của cả nước Mỹ trong việc sản xuất và phân phối vaccine là do guồng máy nhà nước đã hợp tác với các công ty tư doanh trong việc chuẩn bị, chế tạo, sản xuất và phân phối thuốc chủng. Các nước độc tài đảng trị không thể thành công được như thế. Ngược lại, nếu tất cả phó mặc cho tư nhân, cũng không thể làm được!
Quan trọng nhất vẫn do hoạt động trong lãnh vực tư doanh; vì mục tiêu lợi nhuận. Người ta đang nghiên cứu các loại vaccine có thể uống hoặc xịt vào mũi, thay vì chích bằng kim! Khi thành công, chắc chắn số người được chích ngừa sẽ tăng lên! Việc chuyên chở và kho hàng cho các loại thuốc đó cũng sẽ dễ dàng hơn, không cần các phòng cực lạnh như các vaccine của Pfizer và Moderna bây giờ.
Các hãng dược phẩm Mỹ cũng đang đua nhau tìm thuốc trị bệnh Covid-19. Hiện nay chỉ hay dùng các loại thuốc corticosteroids nhằm giảm bớt các triệu chứng của bệnh, không tấn công trực tiếp loài vi khuẩn. Thuốc “remdesivir” của Gilead Sciences có hiệu quả nhưng hiếm và quá đắt tiền.
Các công ty Pfizer, Merck, và Roche (Thụy Sĩ) đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua này. Pfizer đã thử nghiệm trên các bệnh nhân một loại thuốc (mang ký hiệu PF-07321332) nhằm ngăn không cho loài vi khuẩn coronavirus sinh sản, sẽ được dùng chung với “ritonavir,” là thuốc vẫn dùng trị bệnh HIV. Cuộc thử nghiệm đã gần đến giai đoạn chót, với sự tham dự của 2,660 người trên 18 tuổi sống cùng nhà với những người đã nhiễm bệnh.
Với đà này, chúng ta có thể chờ đợi một tin mừng. Trong năm 2022, nếu còn bệnh dịch Covid thì cũng không nguy hiểm hơn bệnh cúm hàng năm. Guồng máy cộng tác và phối hợp đã được đặt ra từ thời 2001 đến 2011, sẽ giúp dân Mỹ đối phó với các bệnh dịch trong tương lai.
Ngô Nhân Dụng (VOA)