Một loạt tướng, tá chỉ huy Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam bị kỷ luật và bị đề nghị kỷ luật do những sai phạm bị cho là ‘gây hậu quả rất nghiêm trọng’. Vì sao ‘gây hậu quả rất nghiêm trọng’ nhưng chỉ bị kỷ luật mà không bị khởi tố?
Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam tuần tra ngoài khơi biển Đà Nẵng. AFP PHOTO
Trong thông cáo ngày 30/9, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt nam (UBKT) cho biết, Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển VN nhiệm kỳ 2015-2020 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra- giám sát để Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm các qui định của Đảng và nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm vật tư, trang bị kỹ thuật và trong đấu tranh phòng/chống buôn lậu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển.
“Những vi phạm nêu trên đã ‘gây hậu quả rất nghiêm trọng’, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tổn hại uy tín của tổ chức đảng và Quân đội, gây bức xúc trong cán bộ, chiến sĩ.”- UBKT nhấn mạnh trong thông cáo.
Diễn biến này theo BBC là đang gây chấn động dư luận tại Việt Nam... Tuy nhiên, Thiếu tướng Lê Kế Lâm - nguyên Chuẩn đô đốc Hải quân Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 1/10, lại cho rằng đây là việc bình thường:
“Việc kỷ luật này tôi nghĩ là bình thường. Đại hội 13 của Đảng CSVN kiên quyết đẩy mạnh chống tham nhũng và tiêu cực... Qua việc kỷ luật các tướng Cảnh sát biển chứng minh chống tham nhũng của VN không có vùng cấm, không đặc quyền đặc lợi, không chỗ nào là ưu tiên... Lực lượng Cảnh sát biển là lực lượng do đảng trực tiếp lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, mà là ai thì vẫn cứ xử, mà xử một lúc tám vị tướng, chứng tỏ VN chống tham nhũng rất cương quyết và triệt để.”
Ai cũng hết sức bất ngờ, vì trong lịch sử chiến tranh VN, chưa bao giờ có trận đánh nào mà hy sinh cả một chục tướng và sĩ quan cao cấp như vấn đề Cảnh sát biển cả bốn vùng bị kỷ luật với nhiều vi phạm... Đây là sự trả giá rất lớn đối với lực lượng Cảnh sát biển VN hiện nay.
-Nhà Nghiên cứu Đinh Kim PhúcCụ thể, do những vi phạm được nêu ra, UBKT quyết định kỷ luật cảnh cáo Trung tướng Nguyễn Quang Đạm, nguyên Phó Bí thư đảng ủy, nguyên Tư Lệnh Cảnh sát biển VN. Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Phó Tư lệnh CSBVN bị cách tất cả các chức vụ trong đảng. Thiếu tướng Ngô Bình Minh, Tư lệnh Vùng CSB 1 bị khiển trách.
Đại tá Phùng Danh Thoại, Trưởng phòng Xăng Dầu, Cục Hậu Cần và Thiếu tá Lưu Thế Đức, Phó đoàn trưởng Đoàn Trinh sát Số 2 bị khai trừ khỏi đảng. UBKT cũng đề nghị Ban Bí thư đảng cộng sản VN xem xét thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy CSBVN nhiệm kỳ 2015-2020 và một số lãnh đạo Tư lệnh Vùng 2, 3, 4 Cảnh sát biển Việt Nam.
Vì sao Ủy Ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt nam đã cho rằng Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển VN nhiệm kỳ 2015-2020 có những vi phạm ‘gây hậu quả rất nghiêm trọng’... mà không xử lý hình sự ai trong số các vị tướng, tá Cảnh sát biển?
Để tìm hiểu thêm về việc này, RFA hôm 1/10 liên lạc Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á - ISEAS của Singapore, và được ông giải thích:
“Người ta đã để như vậy hai năm để điều tra, theo mức độ của Ủy ban Kiểm tra Đảng, như vậy là nó có rất nhiều chi tiết, nhiều vi phạm ở nhiều chỗ khác nhau.... từ mua sắm thầu, trang thiết bị, cho đến quy chế bảo đảm thực thi pháp luật trên biển về kinh tế chủ quyền và các vấn đề nội bộ... Có vẻ là vi phạm nặng, họ có tước quân tịch một số người, riêng hai ông trung tướng cựu tư lệnh và chính ủy thì họ mới ra quyết định cảnh cáo thôi. Tôi có hỏi nhưng chưa biết tới đây họ sẽ làm gì với những vị này, nhưng có khả năng là họ sẽ xử lý hình sự một số người.”
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Cảnh sát biển dù đã là một đơn vị độc lập, nhưng thực ra phụ thuộc rất nhiều vào hải quân. Vì vậy, những gì sai trái xảy ra trong lực lượng hải quân và tất cả những gì Cảnh sát biển làm sai... đều có dính với nhau. Ông Hợp cho rằng, lãnh đạo VN sẽ phanh phui việc này cho xong, vì cứ làm mãi theo kiểu đốt lò thì mãi không biết đốt để làm gì và bao giờ thì xong. Việt Nam không thể làm thế mãi, vì làm mãi thì thể chế càng yếu đi chứ không khỏe lên, giới lãnh đạo VN biết điều đó.
Hình minh hoạ: Cảnh sát biển VN tham gia diễu binh nhân Quốc khánh ở Hà Nội hôm 2/9/2015. Reuters.
Liên quan vấn đề xử lý kỷ luật hay khởi tố các quan chức cấp cao vi phạm, Thiếu tướng Lê Kế Lâm - nguyên Chuẩn đô đốc Hải quân Việt Nam, giải thích:
“Việc xử lý kỷ luật của VN thì cấp nào quản lý cán bộ đến đâu thì xử lý đến đó. Ví dụ Bộ tư lệnh Cảnh sát biển thì thuộc cấp Ban Bí thư và Bộ Chính trị quyết định giải quyết. Còn Ủy ban Kiểm tra phát hiện ra và xử lý những người thuộc thẩm quyền họ quản lý. Ví dụ có người bị cách toàn bộ chức vụ thì quyền của họ nên họ làm được. Thế nhưng có những vị ví dụ như Trung tướng trở lên thì rõ ràng phải là Ban Bí thư, hoặc cao hơn là Bộ chính trị... Cho nên phải tiếp tục chờ, người ta sẽ phán xét sau.”
Trước đây, Nguyên thứ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh quân chủng Hải quân Việt Nam - Đô đốc Nguyễn Văn Hiến cũng đã chính thức bị khởi tố vì liên quan trách nhiệm trong vụ án Đinh Ngọc Hệ, tức ‘Út Trọc’, Bùi Văn Nga và đồng phạm. Ông Nguyễn Văn Hiến bị qui tội ‘thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ theo khoản 3, Điều 360 Bộ Luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam. Sau đó tại phiên phúc thẩm hôm 11 tháng 12 năm 2020, Tòa án Quân sự Trung ương đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hiến ba năm sáu tháng tù giam.
Nhà Nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, khi trao đổi với RFA từ Sài Gòn hôm 1/10, cho biết ý kiến của mình:
“Trong tình huống TQ đang vươn lên muốn thống trị khu vực, thì lực lượng Cảnh sát biển VN thành lập để bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới. Đầu tiên lực lượng này trực thuộc Hải quân, sau đó chuyển sang Bộ Quốc phòng và từ năm 2013 đến nay nó trực thuộc Thủ tướng Chính phủ quản lý trực tiếp. Qua đó thấy được vai trò quan trọng của Cảnh sát biển, ngoài bảo vệ chủ quyền biển đảo, còn bảo vệ tài nguyên biển, chống cướp biển, chống buôn lậu và cứu nạn... Chủ quyền và quyền chủ quyền của VN là hơn một triệu km vuông, với nhiệm vụ này, Cảnh sát biển phải tuần tra ít nhất 50% diện tích đó. Nó cũng quan trọng giống như Nhà nước VN trước đây thành lập Vinashin, Vinalines... vì muốn VN có những hạm đội tàu biển hiện đại, để đóng góp vào sự nghiệp kinh tế biển, và phục vụ thời chiến nếu chiến tranh xảy ra.”
Theo Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc, với sự lãnh đạo lỏng lẻo và tham lam từ trên xuống dưới... Vinashin, Vinalines đã phá sản hoàn toàn. Liên quan vụ loạt tướng, tá Cảnh sát biển bị kỷ luận mới đây, ông Đinh Kim Phúc nhận định:
“Ai cũng hết sức bất ngờ, vì trong lịch sử chiến tranh VN, chưa bao giờ có trận đánh nào mà hy sinh cả một chục tướng và sĩ quan cao cấp như vấn đề Cảnh sát biển cả bốn vùng bị kỷ luật với nhiều vi phạm... Đây là sự trả giá rất lớn đối với lực lượng Cảnh sát biển VN hiện nay. Nhưng ngược lại, điều đó cho ta thấy tầm quan trọng của Cảnh sát biển khi hàng ngàn tàu cá TQ tràn xuống biển đông quấy phá... mà Đảng CS dám kỷ luật một lực lượng chủ chốt của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển như vậy, chứng tỏ quyết tâm làm sạch lực lượng Cảnh sát biển. Cho thấy VN sẵn sàng lập lại trật tự trong quản lý.”
Có những vị ví dụ như Trung tướng trở lên thì rõ ràng phải là Ban Bí thư, hoặc cao hơn là Bộ chính trị... Cho nên phải tiếp tục chờ, người ta sẽ phán xét sau.
-Thiếu tướng Lê Kế LâmLiên quan việc vì sao có tình trạng cả một Bộ Tư lệnh và các đơn vị phụ thuộc bị kỷ luật với hàng chục tướng lãnh cao cấp? Theo Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc, từ khi chuyển lực lượng này cho Thủ tướng Chính phủ, đã không đáp ứng được yêu cầu quản lý một đơn vị vũ trang. Vì Chính phủ còn quá nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế văn hóa... Trong khi kỹ năng quản lý một đơn vị vũ trang với nhiệm vụ hết sức lớn lao, với tài nguyên đất đai tiền bạc lớn như thế... thì không thể quản lý chặt bằng có một đơn vị chuyên quản lý. Chính vì vậy, Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng, để tránh vết xe đổ của việc kỷ luật chỉ huy Cảnh sát biển, thì nên chăng, giao lực lượng này sang Bộ Quốc phòng hay Bộ Công an trực tiếp quản lý thì sẽ sâu sát, trực tiếp, tránh được hậu quả như vừa qua.
Trước năm 1998, chính quyền Việt Nam không có một cơ quan Cảnh sát biển chuyên dụng nào mà chỉ có lực lượng Hải quân. Ngày 28 tháng 8 năm 1998, Cục Cảnh sát biển Việt Nam thuộc Bộ tư lệnh Hải quân được thành lập, lúc mới thành lập thì Cục Cảnh sát biển không chỉ huy, sau đó các Vùng Cảnh sát biển mới được thành lập.
Năm 2008, Cục Cảnh sát biển được chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng. Năm 2013, Cục Cảnh sát biển đổi tên thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển theo Nghị định số 96 của Chính phủ, là cơ quan mang danh nghĩa trực thuộc Chính phủ Việt Nam.
Theo RFA